Bài 2: Tăng sức đề kháng cho thế hệ trẻ

Tệ nạn học đường không chỉ là vấn đề của gia đình và nhà trường mà còn là nỗi lo chung của toàn xã hội. Ngăn chặn tệ nạn, xây dựng phẩm chất tốt, lối sống đẹp cho học sinh, sinh viên (HSSV) cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Nhưng hơn hết, để 'nói không' với tệ nạn phải đến từ chính sự thay đổi nhận thức của HSSV.

Đưa sinh viên vào các hoạt động có ý nghĩa

Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sinh viên sa vào tệ nạn xã hội thì có nguyên nhân các em ít được tham gia toàn diện các hoạt động tập thể. Trong trường học, hoạt động của tổ chức đoàn, hội chưa phát huy đầy đủ vai trò, chưa thu hút, tập hợp được người học tham gia. Điều này ảnh hưởng đến quá trình giáo dục, rèn luyện HSSV.

Đoàn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hiện là cơ sở đoàn duy nhất trong khối đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô tổ chức được hoạt động chào cờ truyền thống cho tất cả sinh viên. Riêng sinh viên năm thứ nhất được dự nghi thức chào cờ, ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng tại Tượng đài “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu” và tham quan, học tập tại phòng truyền thống của nhà trường. PGS, TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: "Trước diễn biến phức tạp của tình hình tư tưởng, chính trị trong sinh viên hiện nay, công tác tuyên truyền, giáo dục luôn được các cấp lãnh đạo và tổ chức đoàn nhà trường chú trọng thực hiện. Hoạt động này được triển khai đồng bộ với sự đa dạng về nội dung, đổi mới về phương thức, mở rộng phạm vi và phù hợp với từng đối tượng".

 Hoạt động học tập truyền thống, xây dựng lý tưởng cho sinh viên tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hoạt động học tập truyền thống, xây dựng lý tưởng cho sinh viên tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

"Một trong những cách làm hay của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đó là Văn phòng Tâm lý học đường của nhà trường thường xuyên nghiên cứu tâm sinh lý học sinh để tư vấn cho giáo viên có phương pháp giáo dục phù hợp. Đồng thời, nhà trường tổ chức tư vấn giáo dục cho những học sinh khó dạy bảo; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tổ chức hoạt động tư vấn nhóm phù hợp từng chuyên đề giáo dục của từng lớp”, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chia sẻ.

Theo TS Phạm Thị Quỳnh, Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Cần định kỳ gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tâm tư, tình cảm, định hướng tư tưởng, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng; chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, cần chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống về tình hình trong nước và thế giới cho thanh niên; đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình", phản bác các luận điệu, thông tin sai trái; tăng sức đề kháng cho thế hệ trẻ trước sự chống phá của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội cần được chú trọng.

Hiện nay hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đều ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học về công tác HSSV, hoạt động ngoài giờ lên lớp và y tế trường học. Trong đó, bộ chỉ đạo toàn ngành thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, AIDS, ma túy, mại dâm... Lồng ghép triển khai thực hiện công tác này trong các chương trình, dự án, đề án, như: Giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, giáo dục văn hóa-ứng xử, giáo dục gia đình, giáo dục giới tính... Việc giáo dục thông qua các hình thức: Hội thảo, hội nghị, tập huấn, tọa đàm, tuần sinh hoạt đầu khóa, các cuộc thi, các hoạt động ngoại khóa của đoàn-hội, các câu lạc bộ, hội, nhóm...

Giáo dục tư tưởng, đạo đức là chủ đạo, lâu dài

Làm thế nào để đào tạo ra những công dân vừa có năng lực, vừa có phẩm chất đạo đức phù hợp với chuẩn mực xã hội là vấn đề các nhà trường luôn trăn trở.

PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: "Giải pháp quan trọng để phòng, chống tệ nạn xã hội trong HSSV là lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Cụ thể, cần lan tỏa những điều tốt đẹp, những tấm gương người tốt việc tốt và xây dựng môi trường sống, môi trường học tập lành mạnh xung quanh các em. Đối với sinh viên mới bước vào ngưỡng cửa đại học, ngoài việc chuẩn bị kiến thức, các em cũng phải chuẩn bị tốt tâm thế, kỹ năng, tính tự giác để sẵn sàng thích ứng với môi trường mới. Đặc biệt, cần chú trọng giáo dục giá trị đạo đức, giáo dục xuyên suốt quá trình học tập để lối sống và hành vi của các em được xây dựng từ chính những nhận thức đúng đắn về giá trị của đạo đức, tri thức và cuộc sống".

Đề cập về vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo đức trong sinh viên, TS Nguyễn Đình Đức, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng: "Bên cạnh các hoạt động sinh hoạt chính trị, tư tưởng định kỳ, nhà trường và gia đình cần phối hợp chăm sóc sinh viên về mặt tinh thần, tư tưởng, giúp đỡ các em trau dồi đạo đức, phẩm chất. Các tổ chức của nhà trường phải tư vấn được cho sinh viên xử lý thỏa đáng những vướng mắc trong cuộc sống ở trường, ở ký túc xá, ở nhà và ngoài xã hội. Đặc biệt, nhà trường cần quan tâm đến những sinh viên yếu kém hoặc gặp khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống".

Theo TS Phạm Thị Quỳnh, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng. Do đó, toàn xã hội cần nhìn nhận đúng thế mạnh cũng như những hạn chế của giới trẻ, từ đó đổi mới nội dung, phương thức giáo dục cho hiệu quả.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã có nhiều giải pháp trong công tác giáo dục, quản lý HSSV. Ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Toàn ngành giáo dục đã chủ động phối hợp với công an các địa phương làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự trường học; ký kết quy chế phối hợp liên ngành, định kỳ họp giao ban, tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm. Ngành đã phối hợp tốt với lực lượng công an và ngành tuyên giáo địa phương tổ chức các buổi học ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề về âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, tổ chức tập huấn nghiệp vụ về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, HSSV...

Bài và ảnh: HỒNG ANH - DƯƠNG SAO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-2-tang-suc-de-khang-cho-the-he-tre-581694