Bài 2: Tầm nhìn của ông giám đốc

Theo mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp do Canada hỗ trợ thì vị trí giám đốc HTX đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong điều hành sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô phát triển và trung tâm đoàn kết giữa các thành viên trong HTX. Câu chuyện vị giám đốc HTX nông nghiệp nuôi bò sữa ở tỉnh Sóc Trăng là một điển hình của nền nông nghiệp hội nhập và phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Bài 1: Gian nan lập hợp tác xã kiểu mới

Mới đi vào phía ngoài HTX nông nghiệp Evergrowth, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, tôi đã thấy có cả trăm người đang chở những thùng sữa bò đến bán cho HTX. Mỗi hộ dân được cấp cho một mã số, chỉ cần quét qua máy đọc, mọi thông tin về chăn nuôi, địa chỉ, số lượng sữa hiện có... liền xuất hiện trên màn hình máy tính. Nhân viên thu mua lấy mẫu sữa kiểm tra và lưu trữ, người bán sữa chỉ việc đổ sữa vào bồn chứa. Một ngày có hai lần (sáng - chiều) bán sữa và sau 15 ngày, HTX chuyển tiền qua thẻ tài khoản ngân hàng cho các hộ dân. Phía trong sân có 3 chiếc xe ô tô chuyên dụng của HTX đang chờ chở sữa đi bán cho nhà máy chế biến.

Các thành viên HTX bán sữa tươi nguyên liệu cho HTX nông nghiệp Evergrowth. Ảnh: Hải Luận

Nông dân “mặc cả” trả lương cho giám đốc

Những hình ảnh trên diễn ra giữa thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội thì chẳng có gì để nói, nhưng nó đang diễn ra tại cộng đồng dân tộc Khmer ở một trong những tỉnh nghèo nhất Nam bộ. Điều đặc biệt, HTX nông nghiệp này được xây dựng trên “nền tảng” ban đầu 100% hộ dân Khmer nghèo. Ông Lý La, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Evergrowth, nhớ lại: “Năm 2002, dự án phát triển HTX của Canada hỗ trợ một hộ nghèo 1 con bò, tôi cũng nằm trong số đó. Sau đó, cán bộ dự án đưa chúng tôi lên Bình Dương, gửi vào những hộ dân nuôi bò, để hằng ngày mình học cách cắt cỏ, cho bò ăn, vắt sữa... Hơn 1 tháng tôi mới quay về Sóc Trăng. Từ con bò ban đầu đó, tôi đã xây dựng được nhà cửa kiên cố và có thu nhập ổn định. Có những hộ làm giỏi, đã nhân đàn bò lên 20 - 40 con”.

Từ năm 2004 đến 2008, HTX bò sữa này đã qua 3 đời giám đốc HTX. Vị giám đốc thứ 3 và tồn tại đến bây giờ là Bác sĩ thú y Trần Hoàng An, sinh năm 1981. Ngày nhận chức Giám đốc HTX, anh An “tiếp quản” con số 500 triệu đồng mà HTX bị thua lỗ. Vốn là nhân viên thú y của dự án, giờ trên cương vị giám đốc, mọi thứ đều xa lạ, rồi mấy trăm hộ dân nuôi bò đang đặt niềm tin vào mình, nên anh có đôi chút áp lực.

Việc đầu tiên anh làm là nghiên cứu thật kỹ Luật HTX, lĩnh vực tài chính kế toán, thị trường sữa... Anh phải đến những công ty, tập đoàn lớn để tìm thầy, chuyên gia hướng dẫn từng lĩnh vực. Hiện nay, anh vẫn có những chuyên gia bên cạnh, để khi cần được tư vấn ngay. Về phía người nông dân, anh đề ra chương trình tập huấn, đào tạo kỹ thuật nuôi bò mang tính khoa học hơn, lập ra dịch vụ tư vấn miễn phí với các kỹ thuật viên luôn bám sát tại chuồng bò. Anh lựa chọn những nông dân “ăn nói được” làm đại diện từng vùng, rồi trực tiếp xuống tận chuồng bò hướng dẫn họ kỹ thuật chăn nuôi khoa học, lấy sữa đúng cách...

Khi những hộ này áp dụng có hiệu quả, mang lại kinh tế cao, lập tức họ trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người dân trong vùng. Thế là họ trở thành “người thầy” hướng dẫn lại cho bà con lối xóm. Nông dân “dạy” cho nông dân là dễ hiểu và hiệu quả nhất. Với cách làm này, số hộ nuôi bò và tham gia HTX tăng lên rất nhanh. Món nợ 500 triệu đồng được giải quyết xong, HTX bắt đầu làm ăn có lãi, các hộ nuôi bò có thu nhập khá.

Nhưng lương của ông giám đốc HTX chỉ có 3 triệu đồng, nhân viên chưa đến 2 triệu đồng. Giám đốc Trần Hoàng An báo cáo với Hội đồng quản trị và Đại hội đại biểu thành viên: “Bây giờ, một hộ nuôi bò thu nhập thấp nhất cũng được 7 triệu đồng/tháng, hộ giỏi thu cao 15-20 triệu đồng, cuối năm chia lời cũng kiếm thêm vài chục triệu nữa. Tôi lo đủ thứ chuyện cho mấy nghìn thành viên, mà lương chỉ có 3 triệu đồng. Trước đây, tôi chỉ đi “chích thuốc dạo” đã có thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Đề nghị bà con tăng lương cho xứng đáng với công sức bỏ ra”. Thế là có 3 luồng ý kiến: Thứ nhất nâng lên 4 triệu đồng; thứ hai, nâng lên 5 triệu; thứ ba, 7 triệu. “Đại hội bắt đầu lấy biểu quyết từng luồng một. Tôi thấy buồn lắm! Lương của mình được mặc cả giống như mua bán cá ngoài chợ?” – Giám đốc Trần Hoàng An nhớ lại kỷ niệm không bao giờ quên.

Học từ... thất bại của người khác

Để trình ra phương án xây dựng nhà máy sữa của HTX, tôi đã đi học hỏi nhiều nhà máy sữa lớn, nhỏ trong và ngoài nước. Thị trường sữa ở Việt Nam giống như một miếng bánh tròn, nếu mới nhìn vào thì thấy đã kín chỗ hết rồi. Sự thật, nó vẫn có những “điểm hở” của thị trường, mình chỉ đi vào “điểm hở” lấy thị phần của riêng mình thôi!

Trầy trật vận động, tính toán mãi, đến nay HTX đã có nhà máy chế biến thức ăn với công suất 60 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư chỉ 5 tỉ đồng. HTX làm theo cách của một doanh nghiệp “mới lớn”. Hằng ngày nông dân đến mua thức ăn của HTX giá rẻ hơn 10 – 20% so với bên ngoài, được nợ đến khi bán sữa mới trả tiền. Mặt khác, HTX nông nghiệp Evergrowth đang hoàn tất những thủ tục lần cuối để khởi công xây dựng nhà máy chế biến sữa của riêng mình tại địa phương. Tôi hỏi thẳng Giám đốc An:

- Muốn thắng và cạnh trạnh tốt, cần có những người giỏi, HTX lấy tiền ở đâu mà thuê người giỏi?

- Các thiết bị và dây chuyền công nghệ sản xuất của nhà máy, chúng tôi chọn mua của châu Âu, xếp hạng tiên tiến nhất thế giới. Về con người, HTX đi tìm những người giỏi ở các tập đoàn lớn về đầu quân cho mình. Mọi người sẽ không tin điều này, nhưng đó là sự thật, xin không nói ra kiểu mời người tài của HTX.

- Những khó khăn nào HTX sẽ đối mặt?

- Làm bất cứ chuyện gì cũng có khó khăn, trở ngại luôn xảy ra. Suốt thời gian dài, tôi đã đi học cái thất bại của người khác. Nếu như tôi đến hỏi anh bí quyết làm ăn thì tuyệt đối anh không nói ra. Nhưng khi tôi hỏi thất bại của anh, lúc này anh sẽ nói hết ruột gan và rất hào hứng. Mình học các kiểu thất bại của nhiều người, của nhiều nhà máy, khi triển khai, tôi sẽ biết đường “né” những thất bại đó. Chúng tôi bỏ tiền thuê các chuyên gia chất vấn, phản biện lại chiến lược phát triển của mình, yêu cầu họ hỏi mình mọi phương án, hỏi đến khi nào cho mình bị “tắt đường” để mà rút ra bài học. Như thế, lúc bước ra thương trường sẽ giảm bớt rủi ro, nắm chắc thắng lợi.

Bài 3: Khẩn cấp tháo những “nút thắt”

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bai-2-tam-nhin-cua-ong-giam-doc/