Bài 2: Quyết định 'nối dài cánh tay' của ASEAN

Hợp tác quốc phòng ASEAN đã có những bước phát triển hết sức năng động, không chỉ trong khuôn khổ Hiệp hội mà còn mở rộng với các đối tác ngoài khu vực. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) là một minh chứng rõ ràng nhất về quá trình hợp tác ấy.

Bước tiến lịch sử

Trong cuộc hành trình kiến tạo và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực Đông Nam Á, các nước thành viên ASEAN đều nhận thức sâu sắc rằng muốn giải quyết được những vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là những thách thức an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, thì một quốc gia, một khu vực không thể giải quyết được, mà đòi hỏi phải có sự hợp tác, rộng mở hơn tới những quốc gia ngoài khu vực. Với nhận thức đó, ASEAN đã quyết định “nối dài cánh tay” để tăng thêm sức mạnh cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) bằng sự ra đời của ADMM+ vào năm 2010 với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng 8 nước đối tác đối thoại (Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ).

Nếu như sự ra đời của ADMM đánh dấu sự khởi đầu của cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức trong ASEAN thì ADMM+ được thành lập chính là bước tiến lịch sử trong tiến trình hợp tác quốc phòng khu vực. Sở dĩ nói như vậy là bởi ADMM+ có sự tham gia của đầy đủ thành phần để có thể hợp tác một cách thực chất và hiệu quả. Bên cạnh đó, đây là cơ chế chính thức cấp Bộ trưởng Quốc phòng giữa ASEAN và đối tác nên có tính hiệu lực cao. Trong khi duy trì kênh đối thoại chiến lược giữa các Bộ trưởng, trọng tâm của ADMM+ là hướng vào hợp tác thiết thực, hợp tác cụ thể trên thực tế.

 Các trưởng đoàn chụp ảnh chung trước khi khai mạc Hội nghị ADMM+ lần thứ 6 tại Thái Lan (tháng 11-2019). Ảnh: THU TRANG

Các trưởng đoàn chụp ảnh chung trước khi khai mạc Hội nghị ADMM+ lần thứ 6 tại Thái Lan (tháng 11-2019). Ảnh: THU TRANG

Cho đến nay, ADMM+ là cơ chế hợp tác quốc phòng cao nhất của ASEAN với các đối tác ngoài khu vực, là một bộ phận quan trọng của cấu trúc an ninh khu vực và bổ sung cho các diễn đàn khu vực hiện có. ADMM+ đóng vai trò là nền tảng cho hợp tác trên thực tế và có ý nghĩa giữa ASEAN với các nước bên ngoài khu vực trong các lĩnh vực vì lợi ích an ninh chung. ADMM+ đã tạo thêm nhiều cơ hội để ADMM có thể tranh thủ cũng như kết hợp hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, thông qua 7 lĩnh vực hợp tác, gồm: Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thảm họa, An ninh biển, Quân y, Chống khủng bố, các hoạt động Gìn giữ hòa bình, Hành động Mìn nhân đạo, An ninh mạng.

Kể từ khi ra đời, ADMM+ đã trải qua 6 lần hội nghị tại Việt Nam (2010), Brunei (2013), Malaysia (2015), Philippines (2017), Singapore (2018), Thái Lan (2019). Vào năm 2010, ADMM+ được thống nhất tổ chức ba năm một lần. Tới năm 2012, các nước nhất trí tăng tần suất họp ADMM+ lên hai năm/lần. Bắt đầu từ năm 2017, ADMM+ được tổ chức thường niên. “Tôi cho rằng ADMM+ đóng ba vai trò chính. Một là tăng cường lòng tin thông qua thúc đẩy đối thoại và minh bạch. Hai là giúp các nước thành viên ASEAN nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức an ninh chung. Ba là thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực thông qua hợp tác về quốc phòng, an ninh xét tới những thách thức an ninh xuyên quốc gia mà khu vực phải đối mặt”, Đại tá Damrong Simakajornboon, Tùy viên Quốc phòng Thái Lan tại Việt Nam nhấn mạnh. Trong khi đó, ông Peter Tescht, Phó tổng thư ký phụ trách Chính sách và Tình báo (Bộ Quốc phòng Australia) nêu rõ: “Australia chia sẻ tầm nhìn của ASEAN về một khu vực hòa bình, có chủ quyền, tự cường, bao trùm cũng như cam kết của ASEAN về hợp tác quốc phòng thực chất thông qua ADMM+. Chính việc cùng chia sẻ lợi ích khiến hợp tác thông qua các diễn đàn như ADMM+ trở nên rất quan trọng”.

Việt Nam thúc đẩy hiện thực hóa ý tưởng về ADMM+

Nhận thức rõ tầm quan trọng chiến lược của ADMM+ đối với cấu trúc an ninh khu vực, Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào cơ chế này, góp phần kiến tạo, duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác vì một ASEAN phát triển thịnh vượng. “Chính Việt Nam đã thúc đẩy ý tưởng thành lập ADMM+ và tổ chức thành công Hội nghị ADMM+ lần thứ nhất tại Hà Nội vào năm 2010”, Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhận biểu trưng của Chủ tịch ADMM và ADMM+ từ Đại tướng Prawit Wongsuwan, Phó thủ tướng Thái Lan trong Lễ bàn giao tại Thái Lan (tháng 11-2019). Ảnh: THU TRANG

Trên thực tế, ý tưởng về ADMM+ được ASEAN đưa ra từ Hội nghị ADMM-1 tại Malaysia (năm 2006) và tiếp đó được bổ sung qua các hội nghị ADMM-2 tại Singapore (năm 2007), ADMM-3 tại Thái Lan (năm 2009). Đến năm 2010, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy để Hội nghị ADMM-4 thông qua Tài liệu khái niệm “ADMM+: Thể thức và Thủ tục” (do Việt Nam và Singapore đồng soạn thảo) và “ADMM+: Cơ chế và Thành phần” (do Singapore và Thái Lan đồng soạn thảo), hoàn tất các cơ sở pháp lý quan trọng cuối cùng để bảo đảm ADMM+ được hiện thực hóa trên thực tế. Hội nghị ADMM-4 đã tin tưởng giao cho Việt Nam tổ chức Hội nghị ADMM+ lần thứ nhất. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị ADMM+ lần thứ nhất với việc thông qua 5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên, gồm: Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thảm họa, An ninh biển, Quân y, Chống khủng bố, các hoạt động Gìn giữ hòa bình. Tại ADMM+ lần thứ hai ở Brunei hồi năm 2013, theo đề xuất của Việt Nam, hội nghị đã thông qua lĩnh vực ưu tiên hợp tác thứ 6 là Hành động Mìn nhân đạo. Năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam cử lực lượng tham gia Diễn tập Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thảm họa kết hợp quân y tại Brunei. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đều cử lực lượng tham gia đầy đủ, tích cực các cuộc diễn tập trong khuôn khổ ADMM+.

(còn nữa)

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai/bai-2-quyet-dinh-noi-dai-canh-tay-cua-asean-645962