Bài 2: Quyết định bất ngờ của Cơ quan điều tra

Trong bài viết trước, chúng tôi thông tin đến bạn đọc việc Cơ quan điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 32 đối với Trần Bá Tùng về tội 'Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản' theo Điều 140 Bộ luật Hình sự.

UBND xã Dương Tơ, nơi cán bộ địa chính xã "sang tên đổi chủ" cho đất của bà H.C. mà bà không biết. Ảnh: TG

UBND xã Dương Tơ, nơi cán bộ địa chính xã "sang tên đổi chủ" cho đất của bà H.C. mà bà không biết. Ảnh: TG

Hàng loạt dấu hiệu bất thường

Tuy nhiên, ngày 29/12/2014, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Kiên Giang lại ban hành Quyết định số 01/QĐ-PC45 đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với Trần Bá Tùng với lý do “hành vi không cấu thành tội phạm” theo Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Tìm hiểu lại tài liệu do luật sư cung cấp cho thấy, quá trình điều tra vụ việc "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại huyện Phú Quốc, cán bộ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự. Có nhiều dấu hiệu cho thấy cơ quan chức năng đã thiếu trách nhiệm khi điều tra.

Theo các bút lục lời khai, trong quá trình tiến hành tố tụng, cán bộ điều tra và điều tra viên đã có những sai sót làm cho chứng cứ, tài liệu thiếu khách quan.

Cụ thể, trong các biên bản ghi lời khai của ông Trần Bá Tùng vào ngày 13/3/2014 đã không ghi ngày, giờ hỏi, không ghi tên cán bộ hoặc điều tra viên và tên của người cần hỏi. Mở đầu biên bản ghi lời khai không xưng tên rõ ràng. Cuối biên bản ghi lời khai cũng chỉ có chữ ký của ông Tùng.

Trong 2 biên bản đối chất giữa bà T.H.C. và Trần Bá Tùng ngày 24/7/2014 đều không ghi giờ, ngày, tháng, năm kết thúc.

Biên bản đối chất ngày 12/8/2014 giữa Trần Bá Tùng và Vũ Sơn (Vũ Quang Thắng) không có giờ, ngày, tháng kết thúc, cũng không có chữ ký của cán bộ, điều tra viên.

Biên bản đối chất hồi 15h00 ngày 21/8/2014 giữa bà T.H.C. và ông Phù Quốc Phong không ghi giờ, ngày, tháng, năm kết thúc và không có chữ ký của cán bộ điều tra.

Biên bản đối chất hồi 15h35 ngày 11/8/2014 giữa bà T.H.C. và bà Linh thì trang cuối để trống dòng chữ trắng, không có chữ ký của cả hai người.

Biên bản đối chất lúc 15h30 ngày 20/8/2014 giữa bà Nguyễn Thu Hiền và bà Thủy không ghi giờ, ngày, tháng, năm kết thúc và không có chữ ký của cán bộ điều tra.

Điều 95, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định: Khi tiến hành các hoạt động tố tụng, bắt buộc phải lập biên bản theo mẫu quy định thống nhất. Trong biên bản ghi rõ địa điểm, ngày, giờ, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, những người tiến hành, tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động tố tụng, những khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ.

Điều 125 cùng Bộ luật cũng quy định điều tra viên lập biên bản phải đọc lại biên bản cho người tham gia tố tụng nghe, giải thích cho họ biết quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản. Nhận xét đó được ghi vào biên bản. Người tham gia tố tụng và điều tra viên cùng ký tên vào biên bản.

Như vậy, trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã không tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự theo các điều được viện dẫn ở trên. Điều này được lặp đi lặp lại tại nhiều biên bản đối chất giữa các bên đang được lưu trữ trong hồ sơ vụ án, chứng tỏ có dấu hiệu bất thường trong quá trình điều tra vụ án này.

Quyết định bất ngờ

Sau khi nhận được Quyết định số 01/QĐ-PC45 ngày 29/12/2014 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đình chỉ điều tra vụ án hình sự, bà H.C. rất bất ngờ và đã đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang phục hồi điều tra vụ án số 32 ngày 16/8/2014 đối với Trần Bá Tùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đây là đề nghị hoàn toàn chính đáng.

Cán bộ địa chính xã Dương Tơ tên là Hạnh khai: “Bộ giấy tờ ông Vũ Sơn và ông Phù Quốc Phong mang đến làm thủ tục sang tên từ bà T.H.C. sang cho ông Tùng, ông Sơn có giấy ủy quyền của ông Tùng. Tôi hoàn toàn chưa gặp bà T.H.C. lần nào, hồ sơ hợp đồng mua bán có sẵn. Căn cứ trên hồ sơ tôi làm thủ tục chuyển nhượng”. Cán bộ địa chính xã Dương Tơ cũng khẳng định chưa từng gặp bà T.H.C..

Lời khai này của ông Hạnh cho thấy, bà T.H.C. không hề trực tiếp hay ủy quyền cho người khác đến làm thủ tục chuyển nhượng. Người trực tiếp làm thủ tục chuyển nhượng là ông Vũ Sơn và ông Phù Quốc Phong, nhưng hai người này chỉ mang theo giấy ủy quyền của bên nhận là ông Tùng, không có giấy ủy quyền từ bên chuyển nhượng là bà T.H.C..

Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, Cơ quan công an khi giám định cũng đã xác nhận chữ ký trong 2 Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không phải của bà T.H.C., điều này có nghĩa là bà T.H.C. không phải là người ký vào giấy chuyển nhượng hai thửa đất tại tổ 2, ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc cho ông Trần Bá Tùng.

Như vậy, đã rõ dấu hiệu làm giả chữ ký của bà T.H.C. trong hồ sơ chuyển nhượng hai thửa đất nói trên tại Phú Quốc để chiếm đoạt tài sản của bà T.H.C., điều này cũng nói lên dấu hiệu cấu thành tội phạm của ông Trần Bá Tùng và các đồng phạm. Nhưng tại sao Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đình chỉ điều tra vụ án hình sự.

Cùng với hàng loạt dấu hiệu bất thường vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự thì dư luận đang hoài nghi và đặt dấu hỏi là có hay không việc Cơ quan điều tra bỏ lọt tội phạm trong vụ án này? Trách nhiệm thuộc về ai trong khi người dân oan ức vì quyền lợi của mình đang bị xâm hại và nhiều năm nay gửi đơn đến cơ quan chức năng để cầu cứu nhưng vẫn chưa được giải quyết?

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong bài 3: "Cơ quan điều tra cần sớm phục hồi điều tra vụ án".

T. Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/bai-2-quyet-dinh-bat-ngo-cua-co-quan-dieu-tra_t114c39n153223