Bài 2: Phát huy phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính…

Một trong những giải pháp xây dựng Đảng về đạo đức ở Đảng bộ Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) là cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) phải thực sự phát huy được phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phẩm chất này là trung tâm của đạo đức cách mạng, đồng thời là thước đo đánh giá năng lực của CB, ĐV trong thực hiện nhiệm vụ.

Đưa chúng tôi đi tham quan đơn vị, Đại tá Phạm Ngọc Giao, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Kho 894, Cục Quân khí, chia sẻ: “Thời gian qua, để phát huy phẩm chất “cần, kiệm", Đảng ủy, chỉ huy Kho 894 có nhiều biện pháp. Điển hình là phương pháp tổ chức thực hiện vận chuyển hàng hai chiều đi và về, bảo đảm tiết kiệm nhiên liệu và công sức của người thợ; tức là đưa xe vào nhà kho nhận hàng rồi đưa về nhà trạm để tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa; tiếp đó, nguyên công tiếp tục đưa đạn về nhà kho sắp xếp và ngược lại. Các tổ chức quần chúng, nòng cốt là hội phụ nữ thực hiện thu gom giẻ lau phục vụ lau chùi bảo quản. Cán bộ, nhân viên tại các phân kho, trạm, xưởng chú trọng tiết kiệm, sử dụng giẻ lau hai mặt”...

Cán bộ, nhân viên Kho J102 (Cục Xe máy) chú trọng nâng cao chất lượng bảo dưỡng, sửa chữa trang bị kỹ thuật.

Tuy chỉ là những việc nhỏ, nhưng người lính thợ Kho 894 đã thường xuyên trăn trở, nghiên cứu để có nhiều sáng kiến góp phần giải phóng sức lao động, tiết kiệm vật tư, nhân công, tăng năng suất lao động theo phương châm “quản lý chắc kho để giữ người, quản lý chắc người để giữ kho”.

Ở Kho 802, Cục Quân khí, tính chuyên cần của CB, ĐV được thể hiện trong việc bảo quản, bảo dưỡng, đồng bộ, niêm cất vũ khí trang bị kỹ thuật, đồng thời không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chủ động bám sát địa bàn, gần gũi nhân dân, xây dựng vành đai an toàn vững chắc. Việc tiết kiệm, chống lãng phí được CB, ĐV thực hiện cùng với thực hành chuyên cần. Trong sinh hoạt, công tác, CB, ĐV, chiến sĩ hạn chế tối đa thất thoát, lãng phí theo phương châm “dùng đúng, dùng đủ, dùng hiệu quả”; đồng thời tận dụng thời gian, quỹ đất xây dựng khu tăng gia sản xuất tập trung; mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn thịt lợn, gà, vịt, cá, rau xanh, đưa thêm vào bữa ăn của bộ đội và gây quỹ cho đơn vị...

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy, thực hiện “liêm, chính” là vấn đề khó, phức tạp, là việc làm thường xuyên, lâu dài. Do vậy, các cấp ủy đảng trong Đảng bộ TCKT đã chủ động phát huy tính tiền phong, gương mẫu của từng cán bộ cấp ủy, chỉ huy trong sinh hoạt, công tác; phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho CB, ĐV, công nhân viên, chiến sĩ thể hiện chính kiến. Trong điều động, luân chuyển, quy hoạch cán bộ, cấp ủy, chỉ huy tổ chức hội nghị lấy ý kiến của CB, ĐV; đồng thời báo cáo cấp trên không đề bạt, cất nhắc những cán bộ có nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá chưa tốt. Nhờ phát huy dân chủ ở đơn vị, đã hạn chế tình trạng quan liêu, bảo thủ, chuyên quyền, độc đoán, vụ lợi...

Đảng ủy TCKT xác định: Để phát huy phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, mỗi CB, ĐV phải luôn xác định rõ nhiệm vụ, làm việc có kế hoạch; chủ động, sáng tạo, tận tụy với công việc; có ý chí quyết tâm cao, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực thực hành tiết kiệm vật tư, kinh phí trong thực hiện nhiệm vụ; tiết kiệm trong cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày; chi tiêu phù hợp với thu nhập của bản thân và gia đình, không tham gia bài bạc, tín dụng đen...

Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy TCKT khẳng định: "Việc Đảng ủy TCKT triển khai xây dựng Đảng về đạo đức nói chung và phát huy phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là rất đúng đắn, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của tổng cục. Tuy nhiên, không thể triển khai một cách rập khuôn, máy móc, mà các cấp ủy phải linh hoạt, sáng tạo để bảo đảm có hiệu quả thiết thực".

Cũng theo lãnh đạo TCKT, hiện nay, “cần” không chỉ là sự cần cù, chịu khó, tự lực, tự cường... mà còn là trình độ tư duy, sự chủ động, nhạy bén nắm bắt thông tin, đánh giá tình hình, đề xuất phương hướng, giải pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện; sự năng động, sáng tạo trong xử lý các tình huống nảy sinh... “Kiệm” không chỉ là ý thức tiết kiệm từ cái nhỏ đến cái lớn, tiết kiệm công quỹ của đơn vị..., mà còn đòi hỏi sự tỉnh táo, nắm bắt thời cơ, làm lợi cho cơ quan, đơn vị, đồng thời khắc phục có hiệu quả những thách thức, rủi ro... “Liêm”, cùng với yêu cầu sống trong sạch, không tham tiền của, không nịnh trên, dối dưới... còn phải đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu đấu tranh loại bỏ tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức của một bộ phận CB, ĐV. “Chính” là vừa phải thẳng thắn, chính trực, làm điều thiện, tránh điều ác, vừa phải công tâm, khách quan, dân chủ, gần gũi quần chúng, sâu sát cơ sở, tự phê bình và phê bình chân thành. “Chí công vô tư” đòi hỏi CB, ĐV phải có tầm nhìn xa, không nhỏ nhen toan tính cá nhân, vì mối lợi nhất thời, cục bộ... Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để phát huy phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong Đảng bộ TCKT, cần đẩy mạnh, nhân rộng các điển hình "người tốt, việc tốt", thực hiện nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức trong CB, ĐV...

Bài và ảnh: TRỊNH DŨNG - DUY THÀNH

(tiếp theo và hết)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-2-phat-huy-pham-chat-can-kiem-liem-chinh-544176