Bài 2: Phát huy bài học kinh nghiệm, nhân rộng mô hình

Thực tiễn xây dựng và tổ chức hoạt động cụm an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu (ATLC-SSCĐ) liên huyện ở tỉnh Hà Tĩnh minh chứng tính đúng đắn, hiệu quả thiết thực. Từ những bài học kinh nghiệm và tình hình thực tế của địa phương, tỉnh Hà Tĩnh xác định tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.

Trao đổi với một số đồng chí trong Ban chỉ đạo xây dựng cơ sở (XDCS) tỉnh và Ban điều hành cụm ATLC-SSCĐ liên huyện ở Hà Tĩnh, chúng tôi thấy bài học kinh nghiệm trước hết là, quá trình xây dựng, hoạt động cụm ATLC-SSCĐ liên huyện phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy vai trò tham mưu của các ban, ngành, đoàn thể và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của toàn dân. Trong đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng của cấp ủy đảng là mấu chốt quyết định đến kết quả hoạt động của cụm ATLC-SSCĐ.

Địa bàn giáp ranh giữa các xã: Sơn Tân (Hương Sơn), Trường Sơn (Đức Thọ) của tỉnh Hà Tĩnh và xã Nam Kim (Nam Đàn, Nghệ An) thập niên 1990 tình trạng xâm canh, xâm cư diễn ra hết sức phức tạp, kéo theo một số tệ nạn gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Nguyên nhân được xác định một phần do thời điểm đó cụm ATLC-SSCĐ liên huyện mới thành lập nên hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Từ thực tế đó, Ban chỉ đạo XDCS huyện Hương Sơn đứng ra tổ chức hội nghị liên huyện với Ban chỉ đạo XDCS huyện Đức Thọ và huyện Nam Đàn, bàn biện pháp để giải quyết các vấn đề. Có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương mà trực tiếp là Ban chỉ đạo XDCS huyện Hương Sơn, ban điều hành cụm liên huyện được kiện toàn kịp thời giải quyết dứt điểm các vấn đề nảy sinh.

 Các lực lượng Cụm an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu liên huyện Kỳ Anh-Cẩm Xuyên tham gia làm đường bê tông liên huyện.

Các lực lượng Cụm an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu liên huyện Kỳ Anh-Cẩm Xuyên tham gia làm đường bê tông liên huyện.

Năm 2015, huyện Kỳ Anh chia tách thành huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, địa giới hành chính sau khi chia tách giữa hai địa phương có nhiều khu vực đan xen khiến nảy sinh không ít vấn đề phức tạp, như: Ô nhiễm môi trường, tranh giành đất đai, tiếp đó xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển… Nhằm ổn định tình hình, Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Anh giao Ban chỉ đạo XDCS huyện, trực tiếp là Ban CHQS huyện nghiên cứu nội dung, hình thức, phương pháp và tổ chức lực lượng ổn định tình hình. Nhận nhiệm vụ, Ban CHQS huyện Kỳ Anh phối hợp với Ban CHQS thị xã Kỳ Anh tham mưu thành lập cụm ATLC-SSCĐ liên huyện, đồng thời tổ chức các tổ công tác xuống “cắm” địa bàn giáp ranh giữa hai địa phương. Trong một thời gian dài, tổ công tác nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ quân sự, công an đã phối hợp với các ban, ngành đến từng gia đình nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân để bàn biện pháp hỗ trợ. Vừa tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước cho nhân dân, các lực lượng vừa giúp từng gia đình xây dựng, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế; giúp các địa phương vệ sinh môi trường biển... Nhờ phát huy sức mạnh của các ban, ngành, đoàn thể và sử dụng lực lượng phù hợp trong giải quyết các vấn đề của cụm ATLC-SSCĐ liên huyện nên tình hình đi vào ổn định, bà con yên tâm lao động sản xuất.

Tại Hội nghị sơ kết 10 năm tổ chức hoạt động cụm ATLC-SSCĐ liên huyện Thạch Hà-Cẩm Xuyên (2008-2018), đồng chí Đặng Quốc Hải, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), cụm trưởng, cho rằng bài học đầu tiên của cụm trong 10 năm qua chính là phải gần dân, bám dân, dựa vào dân, cùng với đó là thực hiện tốt công tác chính sách, an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, gắn kết phát triển kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (QPAN) ở địa bàn các xã giáp ranh.

Trong khi đó, kinh nghiệm của cụm ATLC-SSCĐ liên huyện Nghi Xuân-Lộc Hà; Lộc Hà-Thạch Hà là ngoài việc duy trì nền nếp chế độ giao ban, ban điều hành cụm thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hoạt động. Theo đồng chí Trần Xuân Lương, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng ban chỉ đạo XDCS huyện Lộc Hà: Thời gian qua, địa bàn giáp ranh giữa huyện Nghi Xuân và Lộc Hà nảy sinh khá nhiều vấn đề. Qua trao đổi, các xã trong cụm thống nhất thành lập tổ an ninh liên huyện để xử lý, giải quyết. Không chỉ vậy, quá trình sản xuất, nuôi trồng thủy sản mỗi khi có hiện tượng, như: Nguồn nước ô nhiễm, dịch bệnh... hai bên đều thông báo cho nhau và bàn biện pháp xử lý.

Ở một số cụm ATLC-SSCĐ liên huyện đồng bằng, qua thực tiễn hoạt động đã rút ra bài học về việc phối hợp, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều cụm định kỳ hằng quý tổ chức nhân dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế; giao lưu văn hóa, văn nghệ… Nhờ vậy, Hà Tĩnh được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước. Đến nay, Hà Tĩnh đã có 115/229 xã về đích nông thôn mới.

Đại tá Trần Văn Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định: "Hoạt động của cụm ATLC-SSCĐ liên huyện góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa bàn giáp ranh. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, ban điều hành các cụm cần duy trì nghiêm nền nếp, chế độ giao ban, sơ kết, tổng kết; chủ động phối hợp trao đổi thông tin, nắm tình hình, kịp thời giải quyết những vấn đề, không để bị động, bất ngờ. Trong quá trình hoạt động, ngoài việc phát huy vai trò trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị thì lực lượng quân sự, công an, biên phòng phải luôn thể hiện rõ vai trò nòng cốt. Cùng với đó, ở địa bàn giáp ranh với các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên (Nghệ An), Tuyên Hóa (Quảng Bình) và nước bạn Lào, mặc dù thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và các lực lượng đã có sự phối hợp nhưng có thời điểm một số vấn đề nảy sinh giải quyết chưa kịp thời. Do vậy, chúng tôi sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 4 để thành lập các cụm ATLC-SSCĐ liên tỉnh ở những địa bàn này...".

PHÙNG NGỌC THĂNG

(Tiếp theo và hết)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/bai-2-phat-huy-bai-hoc-kinh-nghiem-nhan-rong-mo-hinh-554990