Bài 2: Phần hậu của bi kịch người đàn ông bội tình bị 'cung hình'

Sau gần 5 tháng lẩn trốn và lân la tìm hiểu về tình trạng sức khỏe của người tình, cuối cùng chị Th. cũng ra công an huyện - nơi chị trốn, đầu thú.

Vùng quê nơi xảy ra vụ việc - Ảnh: Lê Cao

Vùng quê nơi xảy ra vụ việc - Ảnh: Lê Cao

Sau đó, chị Th. được di lý về Công an H.An Minh để hoàn tất công tác điều tra, để đưa ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Hôm diễn ra phiên tòa tại TAND huyện An Minh, bị cáo Th. cứ cố quay đủ hướng như để tìm kiếm thứ gì đó như bỏ quên trong phòng xét xử. Chị tìm nạn nhân - người từng đầu ấp tay gối với mình.

Dù chưa tới giờ xử án, nhưng phòng xử hôm ấy cũng chật kín người đến theo dõi. Họ đến đây không phải vì xem bản án nặng hay nhẹ; người tình có tha thứ hay không tha thứ… mà vì họ muốn nghe hết câu chuyện của một mối tình đẹp lại có một kết cục bi thảm như thế. Hơn hết, để biết được vì sao một người phụ nữ lại dám ra tay manh động có một không hai như vậy.

Đến giờ Hội đồng Xét xử (HĐXX) vào xử án, lại nghe thông báo là bị hại xin vắng mặt. Chưa hiểu điều gì xảy ra, nhưng trong thâm tâm chị Th. dường như đã bừng tỉnh, rồi những giọt nước mắt cứ rơi trên đôi má héo hon của chị sau những ngày bị dằn dặt, đau đớn vì lỗi lầm mình gây nên. Cũng vì vậy, khi Hội đồng Xét xử hỏi đến đâu, chị đều thật thà khai báo đến đó. Trong phiên xử này, chủ tọa phiên tòa cũng là phụ nữ. Chủ tọa nghiêm mặt hỏi:

- Chủ tọa phiên tòa: 2 người chung sống với nhau như vợ chồng với thời gian hơn 730 ngày, thì tại sao bị cáo lại ra tay nặng nề như thế?

Nước mắt ngắn dài của chị Th. cứ chực chờ chảy ra mãi không thốt nên lời. Buộc vị chủ tọa phải nhắc nhở:

- Bị cáo nên bình tĩnh và trả lời cho HĐXX. (Lúc này, có một người bạn nữ ngồi gần đó đưa khăn mùi xoa để chị lau nước mắt)…

- Chị Th.: Thưa tòa, trước tiên bị cáo nhìn nhận là mình vi phạm pháp luật, có tội với hành động của bản thân. Nhưng xin tòa cho tôi được nói thêm, trước khi gây án, tôi cũng đã nhiều lần bị anh ấy đánh đập, phản bội tình cảm, đưa tôi đến nước đường cùng, nên tôi mới hành xử như thế. Nhưng xin tòa xem xét lại cho bản thân, vì tôi là phận gái, vì đã tin tưởng và gởi trọn niềm tin yêu vào anh ấy. Vì không chịu được cảnh anh ấy đem lòng thương yêu người khác và còn đánh đập, nên tôi…

- Bị cáo nên trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi.

- Dạ, thưa quý tòa, sở dĩ tôi ra tay như vậy là do còn yêu thương anh ấy, tôi muốn hành động như vậy để có được anh ở bên bị cáo suốt đời. Phải chi tôi không còn yêu thương anh ấy thì tôi đã ra tay giết chết thì anh ấy cũng chẳng chống cự gì được, vì lúc đó đã ngủ say.

- Bị cáo có biết làm như vậy là vi phạm pháp luật không?

- Dạ biết chứ, nhưng…

- Biết sao bị cáo dám ra tay như vậy làm ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe người khác không?

- (im lặng)

- Bị cáo có biết là mình đã trực tiếp gây giảm sức khỏe vĩnh viễn cho người khác lên đến 38% không? Như vậy đó, phía bị hại không yêu cầu bồi thường tiền thuốc thang điều trị, mà còn có đơn xin tha thứ cho bị cáo nữa, thì bị cáo nghĩ sao?

Nghe chủ tọa nói đến đây, chị Th. không còn kềm chế được những dòng nước mắt. Không chỉ có chị, nhiều phụ nữ có mặt trong phiên tòa cũng rơi lệ. Họ không phải thương khóc cho anh T. hay chị Th. mà chính ở phiên tòa này, mọi người mới ngộ nhận ra một điều: trước hết là do học vấn thấp, sống ở vùng nông thôn, tối ngày chí thú lo làm ăn để lo cuộc sống, khi đụng chuyện không có người thân, bạn bè am hiểu tư vấn cho họ có một cách sống, lối sống sao cho lành mạnh, trong sáng.

Cũng chính vì lẽ đó, khi mà thấy anh T. lao vào con đường rượu chè, gái gú thì không ai đến khuyên ngăn hay nói điều hay lẽ phải để anh thức tỉnh. Ngược lại, về phía chị Th. cũng chẳng có người thân bên cạnh, khi xảy ra chuyện thì những người bạn thay vì động viên, khuyên chị nên có thái độ đúng đắn, đối xử tốt với anh T. biết đâu anh ta sẽ quay lại. Đằng này, những người bạn lại làm “ban giám xúi” bảo chị phải chia tay anh ta. Vì yêu và muốn giữ người mình yêu nên mới có kết cục đau buồn như vậy.

Xét thấy bị cáo Th. đã ăn năn hối cãi và hoàn cảnh gia đình khó khăn, vi phạm lần đầu, hơn hết, lúc gây án, bị cáo Th. trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, vì vậy, Viện KSND huyện An Minh truy tố bị cáo Th. về tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo khoản 1 điều 105 Bộ Luật Hình sự.

Ở tội danh này, thì bị cáo bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Nghe đến đây, mọi người trong phiên tòa đều thở phào nhẹ nhõm. Vì biết rằng chị Th. gây án, nhưng ở đây người có lỗi trước là anh T. nên ai có mặt trong phiên tòa cũng mong muốn chị Th. có bản án không giam giữ sẽ tốt hơn.

Sau khi nghị án chờ kết quả luận tội, trong phòng xử án không còn tiếng ồn ào như ngay buổi đầu xét xử mà thay vào đó là những tiếng khóc nức nở của chị Th. Bây giờ chị mới ngộ ra rằng, dù chốc lát nữa đây, tòa có tuyên xử bao nhiêu năm tù giam cũng phải nhận lấy, nhưng trong thâm tâm của chị thì tòa án lương tâm luôn bị cắn rứt. Bởi lẽ, dù có ở bao nhiêu năm tù, sau khi mãn hạn chị sẽ trở lại làm công dân làm ăn, sinh hoạt bình thường.

Ngược lại, người mà mình gây nên giờ đây không biết sinh sống ra sao. Dù vết thương có lành lặn đi nữa thì vết thương lòng khó mà tha thứ được. Rồi sau này anh T. sẽ sống cuộc đời ra sau khi mà không còn chức năng làm đàn ông, làm chồng, làm cha… Nghĩ đến đây chị chỉ tự trách mình sao mà nghĩ quẫn thế, nếu có đền bù bằng cả con người, chị Th. cũng sẵn sàng chấp nhận đánh đổi để bù đắp lại cho anh T. với việc làm của mình gây nên.

Sau khi nghị án, HĐXX đã xem xét nhiều tình tiết giảm hẹ. Trong đó điều đáng nói nhất là anh T. Chưa đến ngày xét xử, anh T. một mình từ Đồng Tháp xuống xin gặp tòa để trình bày nguyện vọng. Tại đây, anh yêu cầu xin được vắng mặt trong ngày xét xử, thêm vào đó là không yêu cầu phía chị Th. bồi thường tiền thuốc thang.

Và nguyện vọng cuối cùng là anh tha thiết mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho chị, vì do mình có lỗi trước. Nhờ vậy, tòa chỉ tuyên phạt chị Th. với hình phạt thấp nhất là án treo. Cả phiên tòa đều đứng lên vỗ tay cho bản án thật có tình, có lý.

Hàn gắn vết thương lòng

Trở về với quê nhà, dù mang một bản án treo, nhưng trong lòng chị Th. lúc nào cũng day dứt cho bản án “lòng” mà không thế nào xóa sạch được. Trằn trọc bao đêm không biết sao để gặp mặt được người tình mà mình đã từng chung sống với nhau như vợ chồng. Chị Th. nghĩ, giờ đây mình trở lại quê nhà cũng sinh sống, làm ăn bình thường, ngược lại còn anh T. thì sao?

Về mặt gia đình anh ấy chắc có lẽ nguyền rủa mình suốt đời, bởi hậu quả gây nên. Nếu có đến với nhau thì chưa chắc gia đình anh ấy tha thứ cho mình. Còn bạn bè anh T. thì trách móc cho người tình quá nhẫn tâm, khi phải ra tay “tàn độc” như vậy coi như kể từ nay anh T. đã hết làm đàn ông.

Với lối xóm, từ ngày hay tin anh T. bị nạn, không những chẳng đến hỏi thăm sức khỏe mà còn dèm pha đủ thứ, kể cả trong sinh hoạt hàng ngày anh cũng bị theo dõi dòm ngó. Khí mới trở về quê nhà, anh T. lúc đầu cũng nghĩ quẫn đủ thứ, mong tìm đến cái chết để tạ tội với cha mẹ, người thân, bạn bè. Thế nhưng, ba mẹ anh T. hiểu rõ nỗi khổ của con, lúc nào cũng động viên, an ủi. Bạn bè, bà con lối xóm dần cũng không còn có cái nhìn xa lạ, khác thường mà luôn động viên anh T. phải cố gắng sống tốt với quãng đời còn lại.

Trong số họ, có người còn đặt ra câu hỏi, tại sao không hàn gắn lại cho 2 người, dù gì cũng còn yêu nhau. Nghe được câu nói này, lúc đầu gia đình anh T. kịch liệt phản đối, vì cho rằng đó là người đã cướp đi “của quý” của đời người, cũng giống như sinh mạng của 1 con người. Thế nhưng, vài ngày sau đó, gia đình anh T. đã suy nghĩ lại. Dù gì con mình cũng có lỗi trước, 2 đứa vẫn còn yêu nhau, nhất là khi giữ con mình lại thì cũng chẳng cưới vợ, sinh con được… Nghĩ đến đây, gia đình hỏi anh T. nếu thật sự còn yêu chị Th. thì sẽ tìm cách cho 2 người hàn gắn lại.

Như chỉ chờ có vậy, anh T. gật đầu đồng ý. Nhưng bây giờ biết làm sao đây, không biết chị Th. vẫn còn yêu mình hay không khi mà chức năng đàn ông không còn - anh T. suy nghĩ. Đã qua mấy đêm rồi không ngủ, mỗi lần cầm máy điện thoại lên định điện cho chị Th. thì anh T. lại không đủ can đảm, đành tắt máy, lại suy nghĩ tiếp. Trong lòng anh T. lúc này cần chị hơn bao giờ hết. Cần sự chăm sóc, chia sẻ yêu thương; cần được gặp chị để nói lời xin lỗi, cần chị để nói lại lời yêu thương ban đầu… Cứ thế, trong đầu anh T. lúc nào cũng suy nghĩ về chi Th.

Ngược lại, chị Th. cũng tha thiết muốn có anh bên cạnh để chăm sóc quãng đời còn lại để chuộc lỗi lầm do mình gây nên. Rồi 1 ngày nào đó, như có ai mách bảo là hai người cần được gần nhau, không thể thiếu nhau dù một phút, một giây nào nữa, anh T. chủ động điện thoại cho chị Th. để bày tỏ nỗi lòng của mình. Thấy số điện thoại quen thuộc ngày nào, chi Th. như không thể tin vào mắt mình. Rồi sau đó nghe giọng nói quen thuộc, chị Th. chỉ biết khóc. Những giọt nước mắt hạnh phúc chực trào ra như chỉ chờ đón anh T. về chung sống với mình càng sớm càng tốt.

Sau cuộc điện thoại ấy, 2 người đã thật sự đến với nhau và hiện nay họ sống với nhau thật hạnh phúc trong căn nhà được dựng lên bên một con sông nối với dòng sông Hậu hiền hòa ở một huyện của tỉnh Kiên Giang. Bây giờ, nếu ai có dịp về miệt thứ vùng U Minh Thượng, nhắc đến câu chuyện tình này, sẽ được nghe câu thơ “chế” như sau:

Nếu biết ngày mai anh có bồ

Thà em cắt c… thảy xuống sông

Một đàn cá chốt thi nhau rỉa

Anh đứng trên bờ có tiếc không…

Lê Cao

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/phong-su-ky-su-c-96/bai-2-phan-hau-cua-bi-kich-nguoi-dan-ong-boi-tinh-bi-cung-hinh-116993.html