Bài 2: Phai Khắt – Nà Ngần: Trận đầu đánh thắng
Trận Phai Khắt và Nà Ngần là hai trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam - và ngay trong trận đầu ấy, đã là những chiến thắng vang dội. Bởi vậy, Phai Khắt và Nà Ngần cũng được xem là biểu tượng sinh động của truyền thống 'Quyết chiến, Quyết thắng' của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ chỉ thị của Hồ Chủ tịch: “Trận đầu ra quân phải đánh thắng”
Ngay trong ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22/12/1944) dưới cánh rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, thuộc chiến khu Cao Bằng – Bắc Kạn, Bác Hồ đã chỉ thị: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực nhanh chóng cho bộ đội”, và “trận đầu ra quân phải đánh thắng”.
Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, ngay sau khi thành lập đội, Chi bộ Đảng và Ban Chỉ huy của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (gồm các đồng chí: Hoàng Sâm, Xích Thắng, Hoàng Văn Thái) đã họp ngay để bàn kế hoạch tác chiến. Sau này, đồng chí Hoàng Văn Thái kể lại: “Hàng loạt vấn đề được đặt ra mà quan trọng nhất là: Đánh vào đâu và đánh như thế nào để với một lực lượng nhỏ lại có thể giành được thắng lợi to lớn về chính trị và quân sự mà ta ít bị tổn thất về người và vũ khí?”. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau khi bàn bạc và cân nhắc kỹ các phương án, Ban chỉ huy đội quyết định: “Trong mấy trận đầu phải tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược, mặc dầu đánh tập kích khó khăn hơn”. Một số vị trí địch đóng quân được lựa chọn và đưa ra để bàn bạc, trong đó có các đồn: Nà Bao, Nà Ngần, Phai Khắt.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp phân tích: “Đồn Nà Bao chúng đóng trên đồi tương đối xa dân. Nếu đánh ở đấy, nó khủng bố chắc cũng có nhưng ít hơn. Nhưng ở đấy thì khó nắm tình hình địch. Còn đồn Nà Ngần chúng nó đóng trong nhà dân, cơ sở quần chúng tốt. Ta biết được tình hình địch ra vào, nhưng lực lượng địch ở đây mạnh về quân số, về trang bị. Đồn Phai Khắt nhiều thuận lợi hơn cả. Cơ sở quần chúng ta vững, tình hình địch ta biết rõ, tiến thoái cũng dễ”.
Theo cựu chiến binh Tô Đình Cắm, người được cử đảm nhiệm điều tra nắm tình hình thực địa và hoạt động của đồn lúc bấy giờ, do là ra quân trận đầu, nên đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí lãnh đạo của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã rất thận trọng, điều tra nắm bắt tình hình, phân tích kỹ lưỡng những khó khăn, thuận lợi cũng như bàn bạc kỹ cách đánh, rồi nhất trí với phương án đánh tập kích Đồn Phai Khắt trước, sau đó tiến đánh Đồn Nà Ngần.
Trước khi quyết định tấn công, Đội cho đi trinh sát kỹ cả hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần. Ðể có thêm thông tin, Ðội cử bé Hồng (tức Nông Văn Xương) mới 12 tuổi, là người làng, hằng ngày vẫn mang quà và rượu vào cho tên quan Tây, lợi dụng trò chuyện, xem kỹ các vị trí kho đạn, nơi để súng, lương thực, nơi ăn ngủ, canh gác, giờ giấc sinh hoạt của tên quan Tây và lính. Sau khi nắm kỹ quy luật hoạt động và bố trí của địch ở trong đồn, bé Hồng đã báo cáo tỉ mỉ cho chỉ huy đội.
Ngày 25/12/1944, toàn Đội chia thành 02 tiểu đội, cải trang làm lính dõng đi tuần dùng mưu tập kích chiếm trọn đồn Phai Khắt. Để đột nhập đồn địch thuận lợi, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho chuẩn bị sẵn “giấy đi tuần” giả, có đóng dấu đỏ để phục vụ trận đánh. 17 giờ, đồng chí Thu Sơn đóng giả “Đội xếp”, dẫn quân tiến vào đồn và nhanh chóng chia làm hai mũi: Mũi 1 chiếm nơi để súng, mũi 2 bao vây đồn. Trận đánh diễn ra nhanh gọn. Từ khi vào đồn đến khi thắng lợi trong vòng 30 phút. Đồng chí Thu Sơn hô to: “Rát-săm-măng” (tập hợp). Khi 17 tên lính và 1 tên cai đứng thành hàng ở giữa sân, đồng chí Thu Sơn chĩa ngang tiểu liên nói to: Chúng tôi là quân cách mạng, anh em giơ tay đầu hàng, sẽ không giết ai, giơ tay lên! Cùng lúc, các chiến sĩ chĩa súng vào quân địch. Không kịp trở tay, toàn bộ quân địch đầu hàng.
Tranh thủ thời cơ, ngay trong đêm ngày 25/12/1944, toàn Đội hành quân tới xã Cẩm Lý (cách Phai Khắt 15km), nơi có đồn Nà Ngần, tiến hành rút kinh nghiệm, biểu dương các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ và phổ biến lại kế hoạch tiến công đồn Nà Ngần. Khoảng 7 giờ, sáng 26/12, đồng chí Thu Sơn cùng các đội viên Đội VNTTGPQ sử dụng ngay trang phục của lính Pháp mới thu được ở đồn Phai Khắt cải trang làm lính dõng và lính tập dẫn theo 3 người dân tộc thiểu số bị trói giật cánh khuỷu ra sau lưng giả làm tù binh, khống chế tên lính gác rồi tiến thẳng vào đồn Nà Ngần. Chỉ trong vòng 15 phút, đội đánh đồn Nà Ngần đã giành chiến thắng.
Sau khi tiến hành thắng lợi hai trận đánh, thực hiện chính sách đối với tù binh, trao đổi với nhân dân địa phương cách đối phó khi quân địch đến khủng bố, Đội nhanh chóng bí mật rút quân về căn cứ mới để giữ thế hợp pháp cho quần chúng.
Bài học kinh nghiệm cơ bản đối với quân đội ta
Hai trận thắng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã gây hoang mang, lo sợ trong hàng ngũ quân địch, đồng thời gây tiếng vang mạnh mẽ, làm nức lòng nhân dân, mở ra một thời kỳ phát triển mới của cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân ta. Với riêng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, hai thắng lợi này tạo niềm tin tất thắng cho các chiến sĩ, đặc biệt để lại những bài học kinh nghiệm quý đầu tiên cả về chính trị và quân sự. Số vũ khí thu được sau hai trận đánh đã giúp Đội có thêm vũ khí, trang bị.
Như nhìn nhận của nhiều chuyên gia, trong hai trận đánh đầu tiên, Đội sử dụng chiến thuật “tiến công bằng lối hóa trang kỳ tập (tập kích) đã mở đầu một cách xuất sắc trang sử chiến thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Ngoài việc vận dụng chiến thuật phù hợp, thắng lợi của hai trận đầu ra quân thể hiện một số nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là chọn mục tiêu và thời điểm tiến công phù hợp. Ban chỉ huy Đội đã chọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần là phù hợp. Ngoài ra, hai đồn nằm cách xa nhau và xa trung tâm chỉ huy của địch (châu lỵ Nguyên Bình), nên không thể chi viện kịp thời cho nhau. Về thời cơ tiến công, ta chọn vào những lúc bất ngờ nhất đối với địch. Ngoài ra, không thể không kể tới yếu tố bí mật, sự chuẩn bị chu đáo cho trận đánh, đặc biệt là tận dụng tai mắt quần chúng.
Đồng chí Thịnh Nguyên - lão thành cách mạng, một trong 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân khẳng định: “Hai trận đánh Phai Khắt và Nà Ngần làm cho thanh danh của Giải phóng quân lan rộng và ảnh hưởng chính trị khắp vùng. Chính quân địch cũng phải thừa nhận rằng đội quân cách mạng có hành động xuất quỷ nhập thần”.
“Chỉ sau hai ngày ra đời, Đội đã xuất quân đánh hai trận liên tục Phai Khắt (chiều 25/12) và Nà Ngần (sáng 26/12), tiêu diệt gọn quân địch, giành chiến thắng trận đầu giòn giã (...). Vì sao Đội giành được thắng lợi lớn như vậy? Có thể nói, thực hiện đúng những lời căn dặn của Bác Hồ khi thành lập chính là những bài học thành công của Đội (...) đó cũng là những bài học kinh nghiệm cơ bản đối với quân đội ta”- Đồng chí Võ Nguyên Giáp viết.
Theo Hồi ký “Từ nhân dân mà ra” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau chiến thắng hai trận đầu Phai Khắt và Nà Ngần, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã viết thư báo cáo với Bác Hồ và Liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng về những chiến thắng đầu tiên của Đội, và đề nghị với Liên Tỉnh ủy chỉ thị cho các châu, chọn lựa một số đồng chí bổ sung cho Đội để phát triển thành một đại đội. Chỉ trong một tuần, việc bổ sung đã xong. Đại đội đã hình thành. Từ ngày đầu thành lập chỉ có 34 đội viên, tương đương với một trung đội, vậy là sau chưa đầy hai tuần chiến đấu, quân số của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã tăng lên nhanh chóng thành Đại đội với quân số hàng trăm cán bộ, chiến sỹ.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bai-2-phai-khat-na-ngan-tran-dau-danh-thang-post324241.html