Bài 2: Nỗi lo đi qua, niềm tin ở lại

Những bản làng vùng cao đẹp như tranh vẽ, bình yên đến nao lòng. Khó có thể tin rằng chỉ mới 07 tháng trước thôi, Thần Chết đã dạo qua nơi đây! Dấu tích còn lại trên những sườn núi xanh rì, vệt cào xé của dòng lũ quét, lũ ống vẫn hằn in như vết trườn của con trăn tinh khổng lồ đáng sợ. Bên những con suối cạn hiền khô róc rách những khe nước trong vắt còn ngổn ngang đá mồ côi nằm lộn xộn không theo một trật tự nào cả. Bất chấp tất cả, những bản làng di dân khẩn cấp tái định cư dựng lại hồi sinh không phải từ các dự án nhiều tỷ từ Trung ương rót xuống mà là tâm huyết, nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã; từ những đồng tiền thiện nguyện nhân văn của tấm lòng người Việt trên dải đất hình chữ S.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy chia sẻ nỗi đau mất mát với đồng bào vùng lũ.

Bản Nậm Cưởm xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái với gần 30 nóc nhà của đồng bào người Thái một buổi sáng bình yên mùa xuân. Bà con mới chuyển nhà về trước Tết nhưng đã kịp trồng những cây mai trước nhà nảy lộc mơn mởn. Nơi rãnh thoát nước lát gạch láng xi măng chạy quanh bản, nhà ai đó đang xả nước tràn bể. Dòng nước mát trong vắt chảy ràn rạt rửa sạch luôn rãnh thải.

Chúng tôi bỡ ngỡ trong cái tĩnh lặng bủa vây những căn nhà mới dựng. Bí thư kiêm Chủ tịch xã Nậm Búng Phạm Bá Dư cho biết: Giờ này bà con lên nương hết, bản chỉ có người già và trẻ nhỏ thôi.

Bà Lò Thị Suôn bế cháu nội trong căn nhà mới quây bằng tôn, vén tấm vải hoa che thay cửa mời vào nhà chơi. Nhà của người Thái rất đơn sơ, nơi quan trọng nhất là chiếc giường ngủ và bếp thường bố trí ở mé nhà. Chỉ tay xuống thung lũng bên quả đồi thấp bà Suôn bùi ngùi: “Bản cũ ở đó đó! Nhà tôi trước nằm bên khe nước, cán bộ bảo nguy hiểm số 1 cần di dời thôi. Tôi cũng biết thế vì ko ít lần lũ tràn xuống nhà tôi, chỉ còn cách mở toang cửa cho suối đi qua. Nay lên được đây rồi, cũng cố lắm vẫn chưa lo được cửa. Nhưng mà yên tâm rồi.”

Chúng tôi gặp bà Hoàng Thị Bình được người con trai chở xe máy về tới sân nhà. Bà Bình bảo: Lên bản mới phải đi 2-3km mới xuống đến ruộng vườn cũ nhưng đêm ngủ được yên giấc hơn khỏi lo lũ về nửa đêm chạy không kịp. Bùi ngùi, bà Bình than: “Tôi có 2 thằng con trai, vợ chồng tôi theo thằng cả lên được đây lại thương thằng thứ không đủ 5 triệu góp tiền làm nền nên vẫn phải ở lại nơi cũ.”

Khác với tâm trạng rưng rưng của bà con Nậm Cưởm phải chật vật dời nhà lên nơi ở mới di dân tái định cư, chúng tôi như vỡ òa sự bất ngờ khi trở lại bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn - Một trong những điểm thiệt hại nặng nề nhất về người và của trong trận lũ quét chưa từng có trong lịch sử tháng 7 năm 2018. May mắn hơn nhiều nơi khác, những hộ dân mất nhà ở bản Tủ lại được chính quyền bố trí nhà ở trong khu tái định cư Noong My nằm ngay phía trên trên bản Tủ cao ráo, bằng phẳng, gió mát quanh năm.

Thoạt nhìn bản Noong My cho cảm giác khang trang như một khu đô thị miền xuôi. Những căn nhà xây kiên cố, trị giá từ 200 đến 350 triệu đồng được người dân dựng lên từ sự trợ giúp của Nhà nước, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm mang màu sơn tươi mới, nổi bật giữa bốn bề núi đồi.

Gặp người đàn bà mặc bộ trang phục mới tươm tất, chiếc áo tím tươi, chiếc váy nhung đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái có khuôn mặt hồng hào phúc hậu ngồi chơi trước ngôi nhà của mình, nghe bà giới thiệu tên Hà Thị Dừn tôi thoáng chút ngỡ ngàng. Đâu rồi hình ảnh bà già mặc manh áo cộc nhàu nát gào khóc bên đống hoang tàn đổ nát sau cơn lũ dữ, bên cạnh 2 bát hương của con dâu và cháu nội bị lũ cuốn trôi cách đây 7 tháng thực sự ám ảnh vô cùng.

Bù đắp cho nỗi đau mất mát, mẹ con bà cháu bà Dừn giờ đã an cư với ngôi nhà mới trong dự án tái định cư cách nơi ở cũ không xa, cao hơn, khang trang hơn.

Bà con giúp nhau toàn bộ công lao động xây nhà - Nghĩa cử cao đẹp.

Cùng với các hộ dân khác tại khu tái định cư bản Tủ, những ngày vừa qua cũng là thời gian bận rộn nhất của bà Đinh Thị Quý - Người đàn bà mất chồng, mất sạch nhà cửa trong trận lũ quét năm 2018. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính quyền các cấp, các nhà từ thiện về kinh phí xây dựng nhà với tổng mức hỗ trợ hơn 120 triệu đồng tiền mặt.

Ngoài ra anh em họ hàng, con cháu trong gia đình, dòng họ đã giúp toàn bộ công lao động để xây nhà nên bà tiết kiệm được rất nhiều. Tết vừa rồi bà kịp hoàn thành ngôi nhà xây cấp 4 khang trang với tổng kinh phí xây dựng gần 300 triệu đồng. Tuy đã được hỗ trợ toàn bộ tấm lợp proximăng, song bà đã đổi sang lợp bằng tôn xốp chống nóng để chắc chắn và yên tâm hơn.

Hai mẹ con bà Quý hiện đã chính thức chuyển về ngôi nhà mới với diện tích gần 200m2, 4 phòng riêng biệt gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, phòng bếp, hệ thống công trình phụ cũng được xây mới khép kín đảm bảo sạch sẽ, thuận tiện cho sử dụng.

Trưởng thôn bản Tủ Hà Văn Hiên cho biết: “Noong My có 27 hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp trong cơn lũ tháng 7 vừa qua, đến nay đã có 25 hộ xây được nhà mới. Điều đặc biệt ở đây, nhà nào cũng có đủ “ba cứng”: Cứng mái, cứng nền, cứng tường; có đủ 3 công trình hợp vệ sinh: Nhà tắm, nhà tiêu, hố xử lý rác thải”.

Trong cái rủi có cái may, cơn lũ đi qua cướp đi những căn nhà đơn sơ đồng bào chắt chiu nhọc nhằn gây dựng nhưng ý chí, sự quan tâm của những người lãnh đạo chính quyền các cấp, tấm lòng thảo thơm “lá lành đùm lá rách” của các tổ chức, cá nhân trong cả nước đã bù đắp lại cho bà con căn nhà mới, nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Tại vùng rốn lũ Văn Chấn, 01 ngày sau khi cơn lũ quét qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy dẫn đầu đoàn công tác đi bộ vào Vàng Ngần, xuôi lên An Lương kịp thời có mặt cùng các lãnh đạo chính quyền huyện, xã, các lãnh đạo ban ngành thành lập Sở Chỉ huy hiện trường chỉ đạo triển khai đồng thời nhiều nhiệm vụ theo phương châm "04 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ) mục tiêu cứu người trước, cứu tài sản sau hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho dân.

Yên Bái những ngày mưa lũ đau thương, sáng lên hình ảnh cán bộ vì dân quên bữa ăn giấc ngủ tìm cách tiếp cận từng vùng bị cô lập, sẵn sàng vượt qua những khu vực hiểm trở đến với nhân dân vùng lũ. Những chiến sỹ quân đội công an ngâm mình trong nước lũ đưa người bị nạn ra khỏi khu vực cô lập, vớt từng bao thóc, lôi từng chiếc xe hay đồ dùng ra khỏi bùn đất. Và cũng có những cái ôm ấm áp từ những người lãnh đạo cao nhất động viên, an ủi, ngăn những giọt nước mắt của người dân vùng lũ cứ trực tuôn chảy mỗi khi nghĩ đến cuộc sống tương lai.

Bản mới Nậm Cưởm xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn.

Đặc biệt Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái sẽ không bao giờ quên được tấm lòng nhân ái từ các nhà hảo tâm, các đoàn thiện nguyện trên khắp mọi miền đất nước đã kịp thời đến với đồng bào vùng lũ. Chính quyền tỉnh Yên Bái ghi nhận đây là nguồn lực to lớn về vật chất, tinh thần đối với đồng bào nên đã tạo điều kiện tốt nhất để các đoàn từ thiện trực tiếp đến được vùng lũ. Hàng trăm đoàn thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ tiền bạc và quà tặng trị giá lên tới hàng chục tỷ đồng.

Tất cả đã góp phần làm dịu đi nỗi lo âu để niềm tin bùng cháy.

Huệ Anh - Hà Vy (Ảnh: Dịch Phong)

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/bai-2-noi-lo-di-qua-niem-tin-o-lai.html