Bài 2: Những con số báo động

Theo một báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mỗi năm tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước và trở thành một trong những quốc gia hàng đầu, có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước, cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Năm 2017, theo kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF), trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị chết đuối (chiếm tỷ lệ 22,6% tai nạn thương tích), đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%.

Cơ quan chức năng tìm kiếm các em học sinh tử vong do đuối nước. (Ảnh: C.Phương)

Cơ quan chức năng tìm kiếm các em học sinh tử vong do đuối nước. (Ảnh: C.Phương)

Theo thống kê từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình, chỉ trong tháng 4 - 5/2018, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ đuối nước, làm 8 người tử vong tại các huyện: Đà Bắc, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lương Sơn. Tất cả nạn nhân của các vụ đuối nước xảy ra từ đầu năm đến nay đều là trẻ em sinh các năm 2003, 2005, 2006, 2007, 2010, 2014, 2016.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng tai nạn đuối nước gia tăng là do nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế; trẻ em thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ; trẻ em chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước; môi trường xung quanh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em.

Là người có nhiều năm làm Giám đốc Chương trình Quốc gia phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho rằng, đuối nước ở Việt Nam đang diễn biến vô cùng phức tạp.

Trước đây, hàng năm có 3.500 em bé bị chết đuối trong tổng số hơn 7.000 em bé bị tai nạn thương tích nói chung. Nhưng sau hơn 10 năm chúng ta triển khai các chương trình truyền thông, chương trình quốc gia, can thiệp an toàn cộng đồng, số trẻ em bị chết đuối hàng năm, giảm còn khoảng hơn 2.000 em.

Nhưng cũng có vấn đề là trẻ em bị chết đuối ở cộng đồng, gia đình, cánh đồng là đưa ra nghĩa trang, cho nên khả năng ghi nhận vào sổ của trạm y tế của các địa phương bị thiếu hụt. Thêm nữa, mạng lưới công tác viên ở cộng đồng ghi chép số liệu bảo vệ trẻ em nói chung và thống kê các em bị tử vọng do tai nạn thương tích còn thiếu và yếu. Cho nên, số trẻ em bị tử vong do đuối nước có thể còn cao hơn.

Có 3 tỉnh, thành phố có số lượng trẻ em đuối nước cao nhất đó là Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An. Nếu tính theo tỷ suất, Đắk Nông, Lai Châu, Hà Giang là những tỉnh nghèo nhưng số trẻ em chết đuối rất nhiều. Theo thống kê, gia đình nghèo, tỉnh nghèo, khu vực nghèo thì tai nạn thương tích cao, trong đó có trẻ em bị chết đuối.

(Bài 3: Trách nhiệm thuộc về ai?)

H.Phong - C.Phương

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bai-2-nhung-con-so-bao-dong-88943.html