Bài 2: Nhà đầu tư BOT Bắc Giang - Lạng Sơn nêu 'điều kiện' với Bộ GTVT và tỉnh Lạng Sơn

Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn không chỉ đề nghị Bộ GTVT chọn phương án số 3 để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ mà còn đặt ra nhiều điều kiện có lợi khác khi làm dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Trong quá trình Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn triển khai dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (BG - LS), doanh nghiệp này đã đưa ra 3 phương án gửi Bộ GTVT và đề nghị Bộ chọn phương án 3 để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, khi thực hiện phương án 3 thì doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn và Bộ GTVT hỗ trợ và cam kết thực hiện nhiều điều kiện khác.

Văn bản Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn gửi Bộ Giao thông Vận tải về xử lý vướng mắc của dự án

Văn bản Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn gửi Bộ Giao thông Vận tải về xử lý vướng mắc của dự án

Đối với tỉnh Lạng Sơn: Thống nhất phương án Nhà đầu tư đề nghị và báo cáo Tỉnh ủy, UBND, HĐND, Đoàn ĐBQH hỗ trợ thực hiện. Cam kết tiến độ hoàn thành bàn giao mặt bằng cho Nhà đầu tư để Nhà thầu khởi công trong tháng 1/2018. Đồng thời, UBND tỉnh phải phê duyệt tiến độ tổng thể kế hoạch GPMB làm cơ sở để doanh nghiệp này lập tiến độ triển khai thi công.

Tỉnh Lạng Sơn thống nhất với Bộ GTVT không đề nghị bổ sung điều chỉnh thiết kế các hạng mục công trình kết nối với tuyến cao tốc làm tăng chí phí xây dựng. Không lập và triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo các tuyến đường nhanh gây xung đột và phá vỡ phương án thu phí của dự án.

Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn là nhà đầu tư đang thực hiện dự án làm tuyến đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Thống nhất đặt 1 trạm thu phí trên QL1 tại Km93+160, thời điểm bắt đầu thu trước 31/3/2018 (sau khi hoàn thành đường cao tốc BG - LS thì sẽ tăng phí).

Trong trường hợp lưu lượng xe thực tế khác so với lưu lượng dự báo hiện nay xuất phát từ việc bỏ 1 trạm thu phí, thống nhất với Bộ GTVT về việc cho Nhà đầu tư tính toán, điều chỉnh lại giá thu phí tại trạm QL1 và cao tốc để đảm bảo khả năng hoàn vốn Dự án như hợp đồng tín dụng đã ký.

Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đưa ra nhiều điều kiện đối với Bộ GTVT và UBND tỉnh Lạng Sơn nếu làm dự án

Đối với Bộ GTVT: Có văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn thống nhất đồng thuận các đề xuất của Nhà đầu tư và thống nhất các ý kiến các Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng phát triển Việt Nam không sử dụng vốn ADB.

Có văn bản gửi Ngân hàng Vietinbank đề nghị thống nhất việc điều chỉnh phương án tài chính cho dự án đường cao tốc BG - LS và đề xuất triển khai Hữu Nghị - Chi Lăng kết nối vào dự án (bao gồm ứng trước kinh phí ở chiết giảm từ dự án để GPMB, phương án thu phí, lộ trình tăng phí, mức phí).

Trụ sở Bộ Giao thông Vận tải

Đồng thời, Nhà đầu tư kiến nghị Bộ GTVT giao Vụ Đối tác Công tư (PPP) thẩm định phương án thực hiện theo đề nghị của Nhà đầu tư, tham mưu Bộ chấp thuận giải pháp thực hiện kết nối đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng vào dự án đường cao tốc BOT BG - LS trước ngày 10/12/2017. Giao Vụ Tài chính tham mưu cho Bộ ban hành Quyết định cho phép thu phí trên QL1 đặt tại Km93+160 theo phương án tài chính điều chỉnh trước ngày 31/12/2017.

Như đã thông tin, Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn trước khi "đặt chân" vào làm dự án đường cao tốc BG - LS thì ngày 18/11/2017, ông Trần Phúc Tự - Tổng Giám đốc Công ty đã ký văn bản số 229/2017/CV-BOTBGLS gửi Bộ GTVT về việc xử lý vướng mắc của dự án đường cao tốc BG - LS và phương án bổ sung đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng để kết nối vào dự án.

Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã chỉ ra nhiều tồn tại trong thi công và chất lượng công trình chưa đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn thiết kế.

Theo nội dung văn bản, trong quá trình thực hiện thì dự án gặp một số khó khăn vướng mắc làm phá vỡ phương án tài chính (PATC) do các nguyên nhân chính như đặt 2 trạm thu phí trên QL1 trong phạm vi dự án dài 110km dẫn đến nguy cơ xung đột với người dân khi triển khai thu phí; việc chậm triển khai không hoàn thành đoạn kết nối còn lại Hữu Nghị - Chi Lăng theo kế hoạch 2019 làm ảnh hưởng lưu lượng xe tính toán do việc khai thác không đồng bộ tuyến cao tốc hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh (Trung Quốc). Do đó, doanh nghiệp này đã đưa ra 3 phương án có bổ sung đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vào dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo hình thức BOT.

Nhiều lái xe bức xúc về việc thu phí của doanh nghiệp này trên Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn

Trong 3 phương án mà doanh nghiệp này nêu ra thì (phương án 3) sẽ bỏ 1 trạm thu phí Km24+800 trên QL1 mà chỉ thu phí 1 trạm ở đoạn Km93+160, thời điểm thu phí từ 2018, mức giá vé giữ nguyên theo PATC trong hợp đồng BOT. Mức giá vé từ năm 2020 điều chỉnh cho 5 loại xe thấp nhất là 52.000 đồng và cao nhất là 200.000 nghìn đồng/lượt. Ngoài ra, sau khi tính toán thì cần chiết giảm chi phí dự phòng của đoạn QL1 và Bắc Giang - Lạng Sơn khoảng 600 tỷ đồng để điều chuyển hỗ trợ cho đầu tư kết nối đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng. Với phương án này thì thời gian hoàn vốn là 23 năm, mức phí đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng là 2.100 đồng/PCU/Km, lộ trình tăng phí là 12%/3năm.

Doanh nghiệp này đề nghị Bộ GTVT chọn phương án 3 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ đảm bảo hiệu quả tổng thể dự án đường cao tốc BG - LS - Hữu Nghị, hoàn thành đồng bộ khai thác tuyến Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh năm 2020 theo quy hoạch được duyệt.

Hợp phần cải tạo, nâng cấp QL1 (tuyến đường này Chính phủ bỏ tiền ra làm, nhà đầu tư chỉ cải tạo lại) đã hoàn thành và thu phí từ ngày 1/6/2018 với mức giá thấp nhất là 35.000 đồng/lượt và cao nhất là 180.000 đồng.

Liên quan đến dự án này, qua việc kiểm tra hiện trường đường cao tốc BG - LS, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã chỉ ra nhiều tồn tại trong thi công và chất lượng công trình chưa đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn thiết kế.

Theo báo cáo kết quả kiểm định chất lượng, tại một số vị trí trên tuyến lớp bê tông nhựa không đạt yêu cầu về chỉ tiêu độ rỗng dư tại Km63+650, Kml06+640, Km67+320; độ chặt tại Km106+640 và thành phần hạt thoi dẹt.

Đối với hạng mục nền, mặt đường, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cũng chỉ ra các tồn tại ở một số vị trí bê tông rãnh không đảm bảo độ bằng phẳng và bị rỗ nhiều; nền đất tại vị trí sát rãnh không được đầm lèn chặt; bề mặt mái ta luy dương tại nhiều vị trí trên tuyến chưa được tạo phẳng nhưng nhà thầu thi công xây dựng đã thực hiện gia cố mái ta luy là chưa tuân thủ quy định.

Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.

Bích Động - Yên Thế - Quang Chương

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-2-nha-dau-tu-bot-bac-giang--lang-son-neu-dieu-kien-voi-bo-gtvt-va-tinh-lang-son-d2069324.html