Bài 2 - Nguy cơ quá tải từ chất thải rắn xây dựng ở đô thị lớn: Đâu là giải pháp?

Việc đổ trộm chất thải rắn xây dựng hiện nay trên địa bàn Thủ đô, hay các đô thị lớn luôn là vấn đề nhức nhối và chính quyền các cấp cần có giải pháp tổng thể.

Ở bài trước, Pháp luật Plus (Báo Pháp luật Việt Nam) đã phản ánh phần nào về thực trạng việc đổ trộm, tập kết chất thải rắn xây dựng (CTRXD) trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Hiện nay hệ thống quy định pháp luật về quản lý CTRXD hiện khá đầy đủ, CTRXD phát sinh sau khi phá dỡ, cải tạo một phần được chủ đầu tư hoặc đơn vị được thuê thu gom vận chuyển đến các bãi chôn lấp theo quy định, tuy nhiên một phần không nhỏ bị đổ trộm, đổ không đúng nơi quy định gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.

CTRXD cần phải được phân loại ngay tại nơi phát sinh, gồm các loại: CTRXD có khả năng tái chế được, CTRXD có thể tái sử dụng ngay trên công trường hoặc tái sử dụng ở các nơi khác, CTRXD không tái chế, tái sử dụng được và phải đem chôn lấp, CTRXD chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác được phân loại riêng và quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.

Theo Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) được biết, CTRXD phát sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội trung bình khoảng 3.000 tấn/ngày, nhưng hiện mới chỉ xử lý được khoảng 1.500 tấn/ngày. Vậy, 1.500 tấn còn lại được xử lý ở đâu?

Trong khi đó, một số điểm xử lý CTRXD sắp phải dừng hoạt động do hết khả năng lưu chứa, điển hình như bãi Nguyên Khê, Đông Anh rộng 28ha, hoạt động từ năm 2011 với công suất 360 tấn/ngày. Với số lượng CTRXD mỗi ngày đổ về đây rất lớn khiến diện tích bãi này ngày càng bị thu hẹp và nguy cơ phải đóng cửa do hết chỗ trong thời gian tới.

Ngoài ra, 2 bãi được thí điểm tiếp nhận, xử lý, tái chế ngay khu vực cầu Thanh Trì thuộc phường Thanh Trì do Công ty CP xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội thực hiện theo công nghệ nghiền tiên tiến và một bãi tại Pháp Vân - Cầu Giẽ thuộc phường Hoàng Liệt do Công ty CP Dịch vụ Toàn Cầu thực hiện.

Tuy nhiên, một trong 2 đơn vị trên cho biết, hiện nay việc tập kết, xử lý CTRXD cũng gặp khó khăn do liên quan đến đất đai, đê điều… hoạt động của bãi chỉ được 8 tháng/năm, các tháng còn lại dừng hoạt động do vào mùa mưa lũ dẫn đến hoạt động xử lý chất thải bị gián đoạn… máy móc đầu tư hàng chục tỷ đồng theo công nghệ nghiền tiên tiến cũng không đáp ứng được theo yêu cầu, nhiều chi phí phát sinh, hiện hoạt động chỉ mang tính cầm chừng.

Được biết, ngày 25/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 609/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, có 26 bãi đổ chất thải rắn xây dựng được đưa vào quy hoạch. Trong số này, các dự án ưu tiên đến năm 2020 gồm 12 dự án, thuộc các quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Phú Xuyên, Thanh Oai...

Trong giai đoạn 2011-2015, thành phố Hà Nội cũng có chủ trương đầu tư xây dựng 5 bãi chứa phế thải xây dựng tại các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín. Tuy nhiên, do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đầu tư hạn chế nên đến nay các dự án trên đều chưa được triển khai.

Vậy, với thực trạng khối lượng CTRXD đổ ra môi trường với số lượng khổng lồ như hiện nay, trong khi đó cả thành phố hiện mới chỉ có 3 bãi tập kết, chôn lấp, mà một trong những bãi này hiện đang có nguy cơ quá tải và ngừng tiếp nhận do không đủ nơi lưu chứa thì thời gian tới CTRXD đổ ra môi trường sẽ đi đâu về đâu với tốc độ đô thi hóa tăng chóng mặt như hiện nay và đâu là giải pháp cho vấn đề nhức nhối này?

Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Ninh, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã thu thập dữ liệu trong giai đoạn 2018-2020, cho thấy công trình xây dựng đang tăng gần như tuyến tính, với tỷ lệ tăng hàng năm xấp xỉ 7,5%. Cụ thể, năm 2018 là 1.276 giấy phép xây dựng, năm 2019 là 1.374 giấy phép, năm 2020 là 1.476 giấy phép. Năm 2020, khối lượng CTRXD phát sinh khoảng 307.000 tấn/năm. Qua tính toán, lượng chất thải rắn xây dựng tiếp tục tăng và phát sinh qua các năm. Tuy nhiên, sức chứa CTRXD tại các bãi chôn lấp theo quy hoạch không có nhiều, dẫn đến quá tải.

Điển hình như tại TP Hạ Long có một bãi chôn lấp chất thải rắn xây dựng đi vào hoạt động từ năm 2015 tại Tây Đèo Sen với diện tích 6ha. Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm hoạt động (đến năm 2020), mặt bằng này đã bị lấp đầy, dẫn đến hiện tượng một số người dân đổ trộm chất thải rắn xây dựng ra các bãi đất trống, làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cũng như sức khỏe người dân và cảnh quan đô thị.

Hay tại TP Hải Phòng, một con số được nêu ra tại Hội nghị diễn ra vào tháng 7/2022, mỗi ngày thành phố phát sinh tới 1.764 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn cần được thu gom, xử lý. Chính vì thế, sức ép rác thải đang là bài toán cấp bách cần xử lý tại địa phương này.

Được biết, TP Hải Phòng là thành phố đô thị loại I, thời gian qua chính quyền thành phố đã quan tâm, đầu tư xử lý rác thải nhưng hiệu quả chưa tốt. Theo tính toán của cơ quan chức năng, đến năm 2025, lượng rác thải sinh hoạt phát thải trên địa bàn TP Hải Phòng khoảng 2.779 tấn/ngày. Con số này sẽ tăng lên 3.838 tấn/ngày vào năm 2030.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã dành 6 Điều quy định về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTR sinh hoạt. Các quy định này định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải; thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu CTR sinh hoạt phát sinh tại nguồn. Đồng thời, quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT, UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc quản lý CTR sinh hoạt.

Tại Bắc Giang, năm 2020, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/2/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý triệt để rác thải; Quyết định 39/2021/QĐ-UBND tỉnh quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT đã phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện, tạo bước chuyển biến trong công tác này.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của các huyện, Thành phố, năm 2022, toàn tỉnh thu được hơn 70 tỷ đồng tiền phí dịch vụ vệ sinh môi trường. Các địa phương có tỷ lệ thu đạt cao là TP Bắc Giang hơn 17,2 tỷ đồng, Hiệp Hòa hơn 10,6 tỷ đồng, Việt Yên hơn 10 tỷ đồng, Lạng Giang gần 10 tỷ đồng, Yên Dũng 9,3 tỷ đồng.

Để công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo quy định, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các Chủ dự án đầu tư xây dựng công trình lựa chọn vị trí đổ thải, không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc đổ thải để san lấp công trình khác hoặc không để xảy ra việc đổ vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định. Ngay trong tháng 5 năm 2023, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành văn bản số 2618/UBND-KTN yêu cầu các Sở liên quan và UBND huyện, thành phố tăng cường quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh. UBND huyện, thành phố có trách nhiệm quy hoạch bố trí vị trí đổ thải trên địa bàn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương để lưu chứa chất thải rắn xây dựng là chất thải phá dỡ các công trình hiện trạng và vật liệu xây dựng dư thừa.

Đồng thời yêu cầu vị trí đổ thải phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến đất canh tác của Nhân dân, không đổ thải bừa bãi ra đường gây mất mỹ quan.

Trong khi đó, tại tỉnh Kon Tum, nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, tháng 5/2023, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành văn bản để "siết" công tác này.

Văn bản cũng quy định rõ trách nhiệm của chủ nguồn thải CTRXD; chủ thu gom, vận chuyển CTRXD; chủ xử lý CTRXD trong việc quản lý CTRXD. UBND tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác quản lý CTRXD trên địa bàn của tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý CTRXD trên địa bàn tỉnh.

Theo PGS TS. Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng cho biết: “Thành phố Hà Nội mật độ dân số tăng, tốc độ đô thị hóa tăng, hạ tầng xây dựng ngày càng lớn nên bài toán đặt ra với Hà Nội hiện nay rất khó… nên Hà Nội phải có quy hoạch tổng thể.

Một số giải pháp đối với CTRXD như chúng ta có thể tái chế như xây bờ rào, hay phải có chỗ để cho người dân, tập kết, trung chuyển, nếu không có chỗ tập kết trung chuyển, người dân họ phá nhà xa quá họ ngại thì dẫn đến việc đổ trộm không đúng nơi quy định.

Vậy đây là vấn đề liên quan đến quản lý. Đối với những đơn vị tập kết, tái chế thì chúng ta phải có những cơ chế, tạo điều kiện cho họ, ưu đãi cho họ thì sẽ làm, nên chúng ta phải có một quy hoạch tổng thế như chỗ nào là chôn lấp, chỗ nào là tập kết, chỗ nào máy móc xử lý tái chế. Khu vực nào mật độ CTRXD lớn thì chúng ta có cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp họ làm kinh tế tuần hoàn, phân loại rác, đồng thời tuyên truyền, giáo dục nhân dân, nhân dân đồng thuận vào cùng còn nếu không thì rất khó…".

Xã Tân Triều, huyện Thanh Trì là một trong những xã gần nhất với các quận của Thủ đô, nhưng cũng là nơi diễn ra việc đổ trộm CTRXD hết sức nhức nhối. Các đối tượng thường dùng xe ba gác, xe máy, lợi dụng đêm tối rồi đổ trộm phế thải ra ngay vỉa hè, hoặc các khu đất công do phường quản lý.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều - Nguyễn Văn Lăng cho biết: “Tình trạng đổ trộm CTRXD trên địa bàn trước đây hết sức nhức nhối do địa giới hành chính xã giáp ranh với các xã phường khác nên mặt quản lý cũng như xử lý rất khó khăn, đặc biệt tại Dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang 1 giáp với phường Đại Kim (Hoàng Mai) việc đổ trộm CTRXD diễn ra từ nhiều năm nay, hết sức phức tạp.

Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, UBND xã đã phối hợp với các xã, phường và các đơn vị liên quan tiến hành tuần tra, lập hàng rào chắn bằng bê tông, bịt kín bằng tôn, đồng thời cắm biển cấm xe vào đổ phế thải, vận động, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đổ thải đúng nơi quy định… hiện nay việc đổ trộm thải xây dựng cơ bản đã chấm dứt”.

Nói về giải pháp đối với việc xử lý CTRXD trong thời gian tới và không còn là vấn đề nhức nhối của người dân và chính quyền các cấp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều - Nguyễn Văn Lăng cho biết thêm, với mật đô dân số cao, tốc độ xây dựng của người dân cũng cao dẫn đến việc đổ CTRXD ra môi trường cũng lớn, vậy cần có giải pháp cho vấn đề này, Thành phố có thể quy hoạch mỗi quận, huyện trên địa bàn thành phố có một bãi tập kết chất thải này, vậy người dân có thể ra đấy đổ, không phải vận chuyển xa, nhiều khi vận chuyển xa người dân ngại đi nên hay dẫn đến việc đổ trộm.

Phế thải xây dựng được đổ trộm tại một phường trên địa bàn Thủ đô.

Phế thải xây dựng được đổ trộm tại một phường trên địa bàn Thủ đô.

Ông Trần Phương Thảo, Phó Giám đốc chi nhánh quận Hai Bà Trưng, thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết: Tình trạng đổ trộm thải diễn ra trên địa bàn quận trong những năm gần đây hết sức phức tạp. Những đống phế thải xây dựng đổ ngổn ngang không đúng nơi quy định, hôm sau đơn vị chúng tôi lại đi thu gom và vận chuyển về bãi tập kết quy định nên rất mất thời gian và tốn kém chi phí.

Để thuận tiện cho người dân và đơn vị xử lý chất thải, mới đây chúng tôi cũng đã có đề xuất tới các cơ quan có thẩm quyền là xem xét trên địa bàn có khu đất trống nào đặt một thùng Container ở đó, người dân nhà ai có CTRXD thì mang ra đó đổ và thực hiện kinh phí theo khối lượng quy định, sau đó đơn vị thu gom sẽ vận chuyển đến bãi tập kết, như vậy sẽ rất tốt và đảm bảo mỹ quan, môi trường của thành phố hơn".

Một bãi tập kết, xử lý chất thải rắn trên địa bàn quận Hoàng Mai.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho hay: “Hiện nay rác thải xây dựng chúng ta quản lý chưa được chặt chẽ, các công trình phá dỡ hiện nay rất nhiều kèm theo đó là tình trạng đổ trộm rất là nhiều như một số khu vực bãi sông, nơi công cộng gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị…. để chấn chỉnh tình trạng này thì các cơ quan quản lý cần phải có biện pháp quyết liệt, xử lý nghiêm theo quy định".

Đó là thực trạng và những góp ý của các cơ quan chính quyền, ban ngành, chuyên gia về những giải pháp trong quy hoạch, xử lý CTRXD trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, để có những giải pháp cụ thể và có quy hoạch tổng thể để không còn việc đổ trộm, xử lý chất thải sinh hoạt nói chung, CTRXD nói riêng trên địa bàn Thủ đô thì chính quyền thành phố Hà Nội cùng các Sở, ban ngành, chuyên gia môi trường cần phải chung tay quyết liệt tìm ra giải pháp để vấn đề trên không còn là vấn đề nhức nhối trong xã hội.

Theo các chuyên gia, việc quản lý và sử dụng, xử lý hiệu quả CTRXD phụ thuộc lớn vào các giải pháp như: chính sách, quy định quản lý Nhà nước; chính sách về giáo dục, truyền thông; các giải pháp về khoa học và công nghệ…

Không chỉ vậy, chính quyền các tỉnh/thành phố cần xây dựng quy hoạch với mục tiêu cụ thể về thúc đẩy tái chế, hạn chế chôn lấp CTRXD; Cùng với đó, cơ quan chức năng cần ban hành các quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý chất thải rắn xây dựng đối với các bên liên quan. Đồng thời, ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn xây dựng tại nguồn; hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, tái chế, xử lý chất thải rắn xây dựng; quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn xây dựng và các bãi chứa tạm, tái chế, xử lý chất thải rắn xây dựng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để giải quyết tốt việc xử lý CTRXD chính quyền đô thị cần ban hành chính sách cụ thể quy định phí chôn lấp trực tiếp chất thải rắn xây dựng như tăng phí chôn lấp trực tiếp CTRXD hoặc tính lũy tiến phí chôn lấp trực tiếp… Có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các doanh nghiệp vi phạm về việc đổ trộm CTRXD; Song song với đó, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ về tài chính, trợ giá; phát triển công nghệ tái chế; thử nghiệm xây dựng, vận hành các nhà máy tái chế CTRXD.

Việc lập quy hoạch và quản lý các vị trí bãi trung chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng là việc cần làm ngay; ban hành các quy định chặt chẽ trong việc xử phạt và thực hiện giám sát hành vi đổ trộm chất thải rắn xây dựng, tăng cường kiểm tra giám sát hành vi này. Về lâu dài, chính quyền đô thị các tỉnh/thành phố cần xây dựng các quy định về việc quản lý CTRXD đối với chủ đầu tư, nhà thầu từ giai đoạn thiết kế; xây dựng các quy định, mức giá cho việc chôn lấp trực tiếp CTRXD đảm bảo thúc đẩy tái chế; xây dựng đơn giá xử lý, các chính sách hỗ trợ cho việc tái chế CTRXD; Thực hiện tốt hơn nữa công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với người dân, tổ chức, cá nhân liên quan về quản lý, sử dụng CTRXD...

Như Trường - Lê Hải - Vũ Quang - Ngọc Huy

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/bai-2--nguy-co-qua-tai-tu-chat-thai-ran-xay-dung-o-do-thi-lon-dau-la-giai-phap-d194118.html