Bài 2: Ngăn chặn những 'di chứng' độc hại từ mặt trái toàn cầu hóa về văn hóa

Thời đại toàn cầu hóa hiện nay, một trong những nguy cơ đối với nước ta là lối sống văn hóa lai căng đã và đang xâm nhập, len lỏi vào đời sống xã hội khiến một bộ phận người dân bị tiêm nhiễm những 'di chứng' độc hại từ bên ngoài.

Do đó, chủ động nhận diện, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa về văn hóa là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần phòng, chống sự tha hóa con người và những lệch chuẩn văn hóa. Với mong muốn làm sáng tỏ vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

 PGS, TS Bùi Hoài Sơn'.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn'.

“Xâm lăng văn hóa” có nguy cơ đe dọa đạo đức, lối sống con người

Phóng viên (PV): Trong vòng xoáy của cơn lốc toàn cầu hóa, nước ta không thể đứng ngoài quá trình tiếp biến văn hóa, nhưng dường như mặt xấu, mặt tiêu cực của quá trình này đang tác động mạnh đến người dân, đặc biệt là giới trẻ, từ đó ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội. Nhìn nhận của ông về vấn đề này?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Trước hết, phải khẳng định rằng, toàn cầu hóa là một quá trình tất yếu, không thể tránh khỏi đối với mọi quốc gia trên thế giới. Toàn cầu hóa, bên cạnh mang đến những yếu tố tích cực, cũng kéo theo hệ lụy không mong muốn, trong đó có nguy cơ văn hóa truyền thống Việt Nam bị phai nhạt, "hòa tan”. Năm 1998, khi Đảng ta ban hành Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, internet và mạng xã hội chưa phổ biến, nước ta chưa chịu những tác động mạnh của toàn cầu hóa. Nhưng vài năm sau đó, khi nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, nguy cơ về đánh mất bản sắc dân tộc và sự tha hóa đạo đức, lối sống con người là không thể xem thường. Vì vậy, khi ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa”.

Gần đây, quá trình toàn cầu hóa càng trở nên mạnh mẽ hơn cùng với sự phát triển của phương tiện truyền thông mới, khiến thế giới trở thành một “ngôi làng toàn cầu” và thúc đẩy quá trình tiếp biến, biến đổi văn hóa nhanh hơn. Phương thức giải trí mới tràn đến dồn dập, lan tỏa nhanh chóng, rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Người dân phải đối mặt với nhiều sự lựa chọn về lối sống, ứng xử, trong khi không phải ai cũng có tâm thế tốt và bản lĩnh để lựa chọn. Khi mà giá trị mới chưa hình thành và giá trị cũ có phần lung lay dẫn đến khủng hoảng giá trị, từ đó tạo ra những lệch chuẩn văn hóa xã hội.

PV: Những trường hợp gần đây, như Khá “bảnh”, Phúc “XO”… có những hành vi lệch chuẩn văn hóa phải chăng do ảnh hưởng từ lối sống lai căng từ nước ngoài? Ông lý giải vì sao không ít người dân, nhất là giới trẻ lại tung hô những nhân vật có hành vi phản cảm, vi phạm pháp luật mà lẽ ra phải bị lên án?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Quá trình toàn cầu hóa là một trong những nguyên nhân để những hành vi phản văn hóa nêu trên tồn tại và phổ biến. Toàn cầu hóa khiến những lối sống xa lạ dễ dàng lan truyền, nhiều khi trở nên “hấp dẫn” một bộ phận giới trẻ. Ở thời đại hiện nay, những clip xấu trở nên dễ xuất hiện, dễ được tiếp cận và dễ chia sẻ hơn trên các phương tiện truyền thông mới, từ đó bắt đầu lan tỏa, tạo ra những hiệu ứng xấu trong xã hội.

Ở đây, phải thẳng thắn nói rằng, để các hiện tượng tiêu cực trên phổ biến đến mọi người, nhất là giới trẻ, có phần lỗi từ truyền thông. Truyền thông thiếu trách nhiệm, chỉ thích đưa câu chuyện kỳ quặc để thu hút dư luận, bất kể đúng hay sai, tốt hay xấu. Theo tôi, các phương tiện truyền thông mới khác với các phương tiện truyền thông truyền thống, đó là tính nhanh đến, nhanh đi. Trước một hiện tượng tiêu cực, đôi khi chúng ta cần lên án vừa đủ và cần biết im lặng đúng lúc, để tự nó dần chìm vào quên lãng. Lâu nay, chúng ta nghĩ phê phán hiện tượng tiêu cực để tăng cường nhận thức, nhưng công chúng đôi khi lại không nhận thức được đâu là tốt/xấu, mà chỉ chú ý đến những yếu tố kỳ quặc của một hiện tượng. Ở thời kỳ hiện nay, chúng ta ít được chứng kiến nhiều tấm gương làm hình mẫu cho người dân noi theo, thiếu những cá nhân truyền cảm hứng của thời đại. Hệ lụy là người dân lúng túng trong việc tìm “thần tượng” và vì thế họ dễ bị cuốn vào những hiện tượng nhất thời, trong đó có những hiện tượng phản văn hóa.

Một hoạt động văn hóa giải trí của giới trẻ ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: THIỆN VĂN

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn những mặt trái của quá trình toàn cầu hóa kéo theo sự “xâm lăng văn hóa” đã tác động như thế nào đối với văn hóa dân tộc nói chung, đời sống văn hóa của giới trẻ nói riêng?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Năm 2005, UNESCO thông qua Công ước về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa. Tinh thần Công ước 2005 cho thấy UNESCO đã ý thức được về ảnh hưởng của sự “xâm lăng văn hóa” đi kèm với quá trình toàn cầu hóa.

Thực tế trên thế giới cho thấy, giới trẻ là đối tượng dễ chịu ảnh hưởng nhất của quá trình toàn cầu hóa do đặc tính ham học hỏi, nhạy cảm với cái mới, trong khi chưa thực sự thấm nhuần những giá trị cũ, tức là phông văn hóa đang chưa định hình rõ ràng. Nếu chúng ta không tỉnh táo thì “xâm lăng văn hóa” khiến giới trẻ lãng quên bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc. Một khi người trẻ ăn mặc, xem phim, nghe nhạc, sử dụng ngôn ngữ nước nào… thì dẫn đến khả năng tư duy, ứng xử, lối sống tương tự như người nước đó. Đây là điều nguy hại cho văn hóa đất nước về mặt lâu dài.

Ngăn ngừa, đẩy lùi văn hóa lai căng là trách nhiệm của cả cộng đồng

PV: Trong thời đại bùng nổ thông tin, thách thức về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trở nên khó khăn hơn nhiều so với các thời kỳ trước đây. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nhận thức, hành xử như thế nào, thưa ông?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Thời đại hiện nay, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, việc giữ gìn bản sắc dân tộc gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhiều giải pháp cũ không còn phù hợp với bối cảnh xã hội mới; một số giải pháp mới chưa theo kịp sự thay đổi của bối cảnh xã hội.

Về nhận thức, chúng ta cần xác định rằng văn hóa luôn thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Việc xác định và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vì thế, cũng cần thay đổi. Nghe thì có vẻ vô lý nhưng trên thực tế, về mặt khoa học, bản sắc văn hóa dân tộc cũng là một sự lựa chọn, và sự thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc cũng khác nhau ở những bối cảnh khác nhau. Ví dụ, yêu nước là một giá trị được tất cả chúng ta thừa nhận là bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, nhưng thể hiện lòng yêu nước ở mỗi thời kỳ sẽ khác nhau, ở mỗi nhóm người cũng khác nhau. Có những giá trị ở những giai đoạn nhất định của lịch sử được đề cao hơn so với những giá trị khác, ví như trước kia là “tình làng nghĩa xóm”, còn giờ đây là “thượng tôn pháp luật”.

PV: Có đại biểu Quốc hội từng phát biểu đại ý, ước gì kinh tế nước ta phát triển như hiện nay, nhưng đạo đức trở lại trong trẻo như ngày xưa. Theo ông, chúng ta cần làm gì để khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa về văn hóa, từ đó góp phần giữ gìn những nét đẹp văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Mọi mong ước chỉ có tính chất tham khảo, nhiều khi không có khả năng thực hiện trên thực tế. Văn hóa của ngày hôm nay khác ngày hôm qua, điều đó không có nghĩa là nó kém hơn, mà cũng chưa chắc đã tốt hơn. Nhưng sự khác biệt là chắc chắn. Toàn cầu hóa mang lại cách tiếp cận mới với cá nhân và cộng đồng. Trong xã hội truyền thống, ở nước ta giá trị cộng đồng được coi trọng hơn giá trị cá nhân. Hiện nay, toàn cầu hóa là thời đại cá nhân được tôn vinh và điều này mâu thuẫn với văn hóa truyền thống tôn vinh cộng đồng của nước ta trước đây. Văn hóa thiên về cá nhân hay cộng đồng đều có cái hay và cái dở riêng. Tôn vinh cộng đồng tạo ra xã hội đồng thuận, tình làng nghĩa xóm được thể hiện rõ ràng nhưng thủ tiêu động lực sáng tạo của cá nhân; ngược lại tôn vinh cá nhân quá mức khiến cá nhân trở nên ích kỷ. Chuyện mới đây một nữ người mẫu Việt Nam ăn mặc phản cảm ở Liên hoan phim Cannes (Pháp) là một ví dụ. Ăn mặc là quyền cá nhân nhưng người đó cần phải nghĩ đến trách nhiệm và tôn trọng đạo đức cộng đồng.

Để góp phần xây dựng văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết số 33-NQ/TW đã chỉ ra: Phải đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu, tiêu cực làm tha hóa con người và sớm có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Điều này sẽ được GS, TSKH Trần Ngọc Thêm, một chuyên gia nổi tiếng về văn hóa trao đổi thẳng thắn trong bài tiếp theo.

PV: Nhiệm vụ phòng, chống sự tha hóa con người, đạo đức xã hội xuống cấp không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành văn hóa mà gia đình, nhà trường, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp… cũng không thể đứng ngoài cuộc, đúng không thưa ông?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Đảng ta khẳng định phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, đó cũng là trở lại vấn đề muôn thuở của mọi dân tộc, mọi thời đại: Chăm lo xây dựng, phát triển văn hóa lành mạnh là chăm lo xây dựng, phát triển nhân cách con người có đủ đức, trí, thể, mỹ. Vì thế, muốn góp phần phòng, chống sự tha hóa con người, đạo đức xã hội xuống cấp thì đòi hỏi mỗi gia đình phải trở thành “cái nôi văn hóa” nuôi dưỡng, hình thành đạo đức, lối sống tốt đẹp cho con người; nhà trường phải trở thành “điểm tựa văn hóa” xây dựng, phát triển nhân cách tốt đẹp cho học sinh, sinh viên; xã hội phải có môi trường văn hóa lành mạnh để nhân dân được hưởng thụ đời sống văn hóa bổ ích. Đối với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải trở thành những tấm gương văn hóa để góp phần giáo dục, lan tỏa giá trị đạo đức tốt đẹp cho người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(còn nữa)

THIỆN VĂN - HÀ HOÀNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bai-2-ngan-chan-nhung-di-chung-doc-hai-tu-mat-trai-toan-cau-hoa-ve-van-hoa-576308