Bài 2: 'Mỏ vàng' cần sớm khai thác

Đi sau về xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) nhưng Việt Nam vẫn có thể trở thành một trung tâm công nghiệp sáng tạo văn hóa tầm cỡ trong khu vực. Nhiều chuyên gia cho rằng, tiềm năng và cơ hội phát triển CNVH ở Việt Nam được ví như 'mỏ vàng' cần sớm được khai thác.

Nhận thức mới về phát triển công nghiệp văn hóa

Văn hóa Việt Nam có cội nguồn từ nền văn hóa nông nghiệp nên không có truyền thống phát triển buôn bán, kinh doanh năng động. Nho giáo được tôn làm quốc giáo hàng trăm năm xem sản phẩm văn hóa (SPVH) để di dưỡng tinh thần, tải đạo, thể hiện chí khí người quân tử chứ không phải hàng hóa. Trong xã hội nông nghiệp cổ truyền, chỉ có làng nghề sản xuất buôn bán các SPVH, như: Tranh Đông Hồ, song cũng chỉ được làm ra phục vụ người dân chơi tết.

Đến cuối thế kỷ 19, văn hóa phương Tây ảnh hưởng đến nước ta, đời sống văn hóa có nhiều thay đổi căn bản. Xuất bản in sách để bán, các đoàn nghệ thuật lưu diễn bán vé kiếm lời… lần đầu tiên xuất hiện. Song, hoạt động kinh doanh SPVH cũng chỉ với quy mô rất nhỏ và tập trung ở thành thị nơi thị dân có mức sống cao, có nhu cầu hưởng thụ SPVH mới mẻ. Phần lớn thời gian trong thế kỷ 20, với mục tiêu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, văn hóa được xác định là một mặt trận nên xây dựng SPVH trở thành vũ khí đặc biệt để tuyên truyền, cổ vũ sự nghiệp cách mạng, không phát triển chức năng kinh tế của văn hóa. Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp tồn tại một thời gian dài nên SPVH ra đời do Nhà nước đặt hàng, vì thế không có thị trường văn hóa.

 Vịnh Hạ Long là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: ĐỨC MINH.

Vịnh Hạ Long là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: ĐỨC MINH.

Từ khi đổi mới, Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm, chú ý nghiên cứu vấn đề kinh tế trong văn hóa. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII (1998) đã nhấn mạnh tiềm năng kinh tế trong phát triển văn hóa, nhấn mạnh việc đẩy mạnh sáng tạo, tăng cơ hội tiếp cận của người dân với các SPVH. Nhiều bộ luật liên quan đến các ngành CNVH, như: Luật Xuất bản (2004), Luật Điện ảnh (2006), Luật Quảng cáo (2012)… được Quốc hội thông qua tạo điều kiện để các ngành có sự thay đổi căn bản. Chẳng hạn, Luật Xuất bản cho phép tư nhân tham gia liên kết xuất bản, thúc đẩy hàng loạt công ty và nhà sách chuyên nghiệp ra đời, làm thay đổi rõ rệt đời sống xuất bản, đạt được một số thành tựu nhất định.

Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển CNVH sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt, dài lâu cho đất nước, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng khóa XI "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" đã xác định phát triển CNVH một trong những mục tiêu trong giai đoạn mới nhằm "khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu SPVH, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”. Sau đó, Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng chí Hoàng Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Chủ trương xây dựng và phát triển CNVH là bước tiến quan trọng trong nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan quản lý; là kết quả của quá trình đổi mới tư duy về văn hóa gắn với đổi mới tư duy kinh tế và xây dựng nền kinh tế thị trường. Lĩnh vực văn hóa không còn đứng đầu trong danh sách cần cắt giảm chi tiêu và đứng cuối trong thứ tự ưu tiên đầu tư như trước đây”.

Dư địa phát triển công nghiệp văn hóa còn lớn

Muốn tạo ra một sản phẩm CNVH trước tiên phải sử dụng vốn văn hóa để làm chất liệu, đó là lịch sử dân tộc, là tri thức và truyền thống văn hóa. Không nhiều đất nước lại có bề dày lịch sử, văn hóa nghìn năm dựng nước và giữ nước như Việt Nam. Nhà văn Ngô Thảo, nguyên Phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cố vấn nghệ thuật Công ty TNHH BHD kể lại chuyện bộ phim truyện đầu tiên do BHD sản xuất là “Vũ khúc con cò” (1996), đề cập đến chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Đoàn làm phim đã vượt qua muôn vàn khó khăn về kinh phí và kinh nghiệm, thậm chí lúc đó chưa cho phép tư nhân tham gia sản xuất phim nên chủ dự án đành phải “nhờ” giấy phép Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam. Cuối cùng phim ra rạp trong và ngoài nước thành công, thắng lợi về doanh thu. Bởi vì, bộ phim đã góp phần giúp khán giả nước ngoài hiểu về chiến tranh Việt Nam công bằng, khách quan như chính sự thật lịch sử chứ không phải từ cái nhìn đôi khi thiếu khách quan, cảm tính từ những bộ phim Hollywood trước đó. Nhà văn Ngô Thảo khẳng định: “Các hãng phim thời gian qua đã sản xuất một số phim về đề tài lịch sử-văn hóa, như: “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Song lang” về nghệ thuật cải lương… đều thu hút được khán giả, không thất bại về doanh thu. Xu hướng trên cần tiếp tục được phát huy bởi lịch sử-văn hóa độc đáo đáng tự hào của một quốc gia đa sắc tộc như Việt Nam có thể ví là “mỏ vàng”, không có lý gì mà lại không khai thác để làm phim nói riêng và phát triển CNVH nói chung”.

Một thuận lợi khác cho phát triển CNVH Việt Nam là đất nước có dân số trẻ, tăng trưởng nhanh và có năng lực sáng tạo tốt. Một trong những đặc điểm của năng lực sáng tạo là phụ thuộc vào tài năng, cá tính của cá nhân là chính. Hiện nay đã xuất hiện những cá nhân tài năng trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, các nhà sản xuất và kinh doanh văn hóa. Đó là những người trải qua đào tạo chuyên môn, đam mê với nghề, nhanh nhạy với xu thế thị trường, có khả năng thích ứng, giao lưu, tiếp biến văn hóa cao… Nếu được tiếp tục tạo điều kiện, được thử sức, những cá nhân trẻ này sẽ còn đem lại sức bật cho nền CNVH. Mặt khác, trong số hơn 90 triệu dân thì 60% có độ tuổi dưới 40 sinh ra thời hậu chiến. Đây là lớp công chúng có nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa cao và là đối tượng tiềm năng của các ngành CNVH.

Ở thời đại công nghiệp 4.0, mức độ sử dụng internet, số hóa cao của Việt Nam là một lợi thế để phát triển CNVH bởi yếu tố khoa học công nghiệp và kỹ thuật số được xem là nền tảng của các ngành, như: Quảng cáo, phần mềm và các trò chơi giải trí, kênh phát hành các sản phẩm nghe nhìn… Lượng người sử dụng internet ở Việt Nam năm 2018 đạt 64 triệu người dùng, chiếm 67% dân số, xếp thứ 12 thế giới và hoàn toàn lọt vào danh sách 10 nước có số dân sử dụng internet nhiều nhất vào năm 2020. Nếu mục tiêu này sớm thành hiện thực thì đây là tín hiệu đáng mừng, thúc đẩy phát triển CNVH trong thời gian tới.

Được biết, năm 2017, chỉ tính tiền bán vé tham quan vịnh Hạ Long thu 1.100 tỷ đồng trong khi ngân sách chỉ đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Đó mới chỉ là một ví dụ của ngành du lịch văn hóa, còn 11 ngành CNVH nữa vốn có tiềm năng cũng không kém nhưng chưa được khai thác nhiều. Cho nên, phát triển CNVH sẽ đưa tới cơ hội thương mại quan trọng, tạo nên những bứt phá đóng góp vào GDP nước ta.

(còn nữa)

TRẦN HOÀNG HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bai-2-mo-vang-can-som-khai-thac-574579