Bài 2: Loạn giá và chất lượng sản phẩm

Không những bức xúc về chuyện 'treo đầu dê, bán thịt chó' của nhiều chủ cửa hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), nhiều người còn bực bội về việc sản phẩm bị đánh tráo hoặc mua của nhà cung cấp này nhưng khi giao lại là sản phẩm của nhà cung cấp khác.

Và tất lẽ dĩ ngẫu, với một nhà cung cấp có sở thích… cướp đơn hàng của đối thủ thì khó có thể khiến khách hàng đủ lòng tin với sản phẩm mà họ kinh doanh.

Đặt hàng Nhật, nhận hàng… Made in China

Có lẽ câu chuyện đặt hàng của công ty A nhưng khi sản phẩm nhận được lại được xuất kho bởi công ty B là chuyện không hiếm của nhiều người khi mua hàng trên các sàn TMĐT. Mới đây, câu chuyện của anh Thanh (Hà Nội) khi mua sản phẩm điện tử của Công ty Tầm Nhìn, nhưng khi nhận được sản phẩm lại là của một công ty hoàn toàn khác.

Tỏ ra khá nghi ngờ, anh Thanh đã điện lại bên Công ty Tầm Nhìn và nhận được câu trả lời: Sản phẩm của công ty sẽ do chính công ty xuất kho, không qua bất cứ một công ty trung gian nào. Lý giải điều này, họ cho biết, bởi liên quan đến chính sách bảo hành thế nên tất cả sản phẩm phải từ chính kho của công ty xuất đi mới đảm bảo.

Không giống anh Thanh, chị Lan (Thạch Bàn, Long Biên) có đặt qua sàn TMĐT một chiếc máy đuổi muỗi với lời quảng cáo trên trang là hàng Nhật. Tin tưởng vào tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản, chị không ngần ngại đặt mua với giá cũng không hề rẻ. Và khi nhận được và sử dụng thì: “Máy kêu ro ro, mấy ngày đầu không rõ tác dụng vì trời lạnh. Nhưng đến khi trời nồm, nóng thì muỗi vẫn hàng đàn. Chủ quan vì có máy đuổi muỗi nên tôi không mắc màn, và thế là vợ chồng con cái ăn đủ.”

Lúc đó chị Lan mới chợt nhớ và lục tìm bao bì, cũng như chữ nghĩa trên sản phẩm. “Đến lúc kiểm thì mới thấy là hàng Made in China chứ chẳng phải… Nhật nhẽo gì cả.” Chị bức xúc. Ừ thì hàng Trung Quốc, nhưng nếu Trung Quốc hàng nội địa thì cũng chẳng vấn đề gì, e là hàng sản xuất gia công thì đúng là tai họa, chị cho biết thêm.

Loạn giá sản phẩm

Bất kể ai có thói quen mua hàng tại các sàn TMĐT cũng không ít lần thắc mắc về giả cả. Thôi thì đủ mọi giá. Chuyện có đến hàng chục shop sử dụng chung một hình ảnh, nhưng mỗi nơi một giá là tình trạng thường thấy trên các sàn giao dịch này. Hình ảnh chỉ có một, nhưng giá thì thượng vàng hạ cám, từ vài trăm nghìn đến vài chục nghìn cho cùng một sản phẩm. Cũng bởi chính sách không được kiểm hàng của các cửa hàng khiến chất lượng có đi cùng với giá thành không lại là câu chuyện đánh đố khách hàng.

Loạn giá sản phẩm. Ảnh minh họa

Loạn giá sản phẩm. Ảnh minh họa

Cũng tò mò đồng thời cũng là một bài test các “đối thủ” cùng tham gia trên sàn TMĐT, chị Nguyễn Thị Nguyệt, giám đốc của một công ty đã đặt cùng một sản phẩm của hai nhà cung cấp khác nhau. “Mình chọn mua 2 chiếc chân váy có hình ảnh giống y hệt như nhau của hai nhà cung cấp khác nhau. Tất nhiên là giá thành của hai nhà cung cấp này cũng khác. Một nơi có giá sau sale 30% còn 220.000 đồng, còn một nơi nguyên giá chỉ có 120.000 đồng. Nhắc lại là hai sản phẩm có hình ảnh y hệt giống nhau nhé.” Chị Nguyệt cho biết.

Và khi nhận sản phẩm thì chiếc chân váy có giá cao hơn về chất lượng, màu sắc và độ… giống đạt đến… 80% chiếc chân váy trong ảnh. Còn chiếc còn lại thì có cố gắng cũng chỉ đạt đến 50%, tất nhiên cả màu sắc, dáng váy đến chất liệu đều vô cùng kém. “Và câu chuyện ở đây là hình ảnh trên sàn thường là hình ảnh mẫu, còn sản phẩm sẽ được đặt may ở các xưởng may khác nhau, tùy thuộc với các nhà cung cấp muốn kinh doanh sản phẩm loại gì. Thế nên mới có câu chuyện giá thành cùng một hình ảnh sản phẩm nhưng mỗi nơi một khác.” Chị Nguyệt phân tích.

Cũng đương nhiên, để đạt đến độ như hình ảnh đã đăng tải thì là một câu chuyện hoàn toàn khác. Cũng có thể trên các sàn TMĐT cũng sẽ tiền nào của ấy, khó có thể trông chờ vào hình ảnh, hoặc mong chờ việc sale trên các sàn để có được một sản phẩm giá rẻ mà lại chất lượng tốt! Chị Nguyệt kết luận.

Gia Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bai-2-loan-gia-va-chat-luong-san-pham-180072.html