Bài 2: Lan tỏa các nỗ lực vì 'thế giới ngày mai'

Với quan điểm 'trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai', Quảng Ninh luôn xác định chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng cho việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chung tay thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả để các em được thực hiện các quyền cơ bản của mình, được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và có cơ hội được phát triển toàn diện. Không chỉ khẳng định bằng các cam kết, tỉnh đã có những hoạt động tích cực vì trẻ em, lắng nghe tiếng nói của trẻ em và bảo vệ giấc mơ cho mỗi trẻ em.

Xây dựng môi trường lành mạnh, thân thiện và an toàn cho trẻ em

Tại Quảng Ninh, hiện có tổng số 315.788 trẻ em dưới 16 tuổi. Trong đó, số trẻ em đang trong độ tuổi đi học mầm non, mẫu giáo và các cấp học phổ thông là 279.940 học sinh, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 3.106 em, 21.443 trẻ có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện; 14/14 huyện, thị xã, thành phố và 186/186 xã, phường, thị trấn xây dựng chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em của địa phương. Một số địa phương còn chủ động bố trí kinh phí hằng năm theo kế hoạch để thực hiện các mục tiêu ưu tiên vì trẻ em. Tiêu biểu như thị xã Đông Triều từ năm 2013 đến nay, mỗi năm bố trí từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng từ ngân sách thị xã để thực hiện 2 mục tiêu ưu tiên là bảo vệ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và bổ sung thiết bị vui chơi cho các điểm vui chơi trẻ em. Đồng thời, công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực được các cấp, ngành, cơ quan thông tin đại chúng và các tổ chức đoàn thể quan tâm, thực hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức.

Lãnh đạo huyện Đầm Hà, thăm tặng quà học sinh trường mầm non Dực Yên (xã Dực Yên) nhân ngày 1/6

Lãnh đạo huyện Đầm Hà, thăm tặng quà học sinh trường mầm non Dực Yên (xã Dực Yên) nhân ngày 1/6

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng trẻ em cũng được ngành y tế quan tâm, xây dựng hệ thống mạng lưới bao phủ phòng, chống suy dinh dưỡng trong toàn tỉnh. Hiện nay, tuyến huyện tại 14 huyện đều có khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản chịu trách nhiệm theo dõi giám sát và triển khai hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em tại địa phương. 186/186 xã,phường đều có cán bộ chuyên trách dinh dưỡng có trình độ từ trung cấp trở lên trực tiếp xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng tại cộng đồng (cả nước chỉ 5% số xã có cán bộ chuyên trách làm công tác này). 100% thôn, bản, khu phố có cộng tác viên xã hội và cán bộ y tế thôn, bản.

Các điều kiện cơ sở vật chất của ngành giáo dục, y tế đều được đảm bảo và thường xuyên bổ sung, thay thế nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hiện nay, tỉnh đầu tư xây dựng 100% trường, lớp kiên cố, không có lớp học tạm, không có tình trạng học ba ca; 100% nhà trẻ, mẫu giáo được trang sắm đủ thiết bị đồ dùng, đồ chơi theo quy định; 100% cơ sở y tế có đủ điều kiện để chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phòng bệnh, khám chữa bệnh ban đầu cho trẻ em; đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã là 100%. Tỉnh cũng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đến năm 2010 có 183 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.

Dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em

Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước ban hành nghị quyết riêng về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tiếp sức cho trẻ em khó khăn có cơ hội được học tập, phát triển. Tỉnh đã ban hành 8 nghị quyết HĐND, 8 quyết định của UBND tỉnh quy định các chính sách dánh cho trẻ em: Hỗ trợ trẻ em bậc tiểu học, mầm non vùng khó khăn đến trường; chính sách hỗ trợ đối với trẻ em bị bạo lực, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em nhiễm HIV; học sinh học ở các trường ngoài công lập... Hiện toàn tỉnh có 9.900 lượt trẻ được hưởng chính sách trợ cấp theo Nghị quyết 91/2017/NQ-HĐND (chính sách đặc thù của tỉnh) với tổng số tiền hỗ trợ trên 2,1 tỷ đồng hằng năm.

Đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: Các nghị quyết, quyết định của tỉnh mở rộng đối tượng và các mức chuẩn hỗ trợ cao hơn quy định của Trung ương, được triển khai đồng bộ đã đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đem lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, 100% cán bộ trong Ban điều hành Hệ thống bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, huyện, Ban bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp xã, cộng tác viên xã hội, Bí thư chi bộ thôn bản, khu phố trên địa bàn và trẻ em nòng cốt, người nuôi dưỡng trẻ được thông tin, tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền được nâng lên rõ rệt và có sự chỉ đạo tích cực, cụ thể và thiết thực hơn đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong thời gian qua.

Các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng xã hội trong tỉnh đã chung tay bảo vệ, chăm sóc, giáo dục giúp các em phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần. Nhiều mô hình bảo vệ chăm sóc trẻ em tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng được triển khai như: Phòng ngừa, hỗ trợ trẻ em bị nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn dựa vào cộng đồng; cá nhân và gia đình nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt…

Từ năm 2013-2018, từ nguồn ngân sách tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã triển khai và nhân rộng mô hình đến 50 xã, thị trấn thuộc 10 huyện có tỷ lệ trẻ em mắc tai nạn thương tích cao. Thông qua mô hình, các địa phương đã tuyên truyền 2.455 tin các nội dung về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, xây dựng lắp đặt 340 biển báo nơi hồ, ao khu vực nguy hiểm thường xảy ra tai nạn thương tích trẻ em, tổ chức tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích cho trên 25.000 lượt người lớn và trẻ em;…

Tỷ lệ học sinh Quảng Ninh đi học mẫu giáo đúng độ tuổi đạt 95,2%; tỷ lệ đi học tiểu học đúng độ tuổi đạt 98,99%; tỷ lệ đi học THCS đúng độ tuổi đạt 96,26%.

Quảng Ninh cũng là tỉnh tiên phong trong cả nước mạnh dạn quy hoạch, đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao quy mô lớn tầm cỡ khu vực để phục vụ người dân và trẻ em, như: Cung văn hóa thiếu nhi Quảng Ninh, Cung Quy hoạch - Hội chợ - Triển lãm và Văn hóa tỉnh, Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Trung tâm văn hóa thể thao cấp tỉnh. Chỉ đạo các địa phương quy hoạch, đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, cấp xã, cấp thôn. Hàng năm, các địa phương có trách nhiệm bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.934 điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi cho trẻ em do Nhà nước quản lý, gồm: 4 điểm cấp tỉnh, 13 trung tâm cấp huyện, 78 điểm vui chơi độc lập cho trẻ em cấp xã, 306 điểm vui chơi gắn với trường mầm non, tiểu học và 1.542 nhà văn hóa thôn, khu; số bể bơi phục vụ trẻ em là 145 công trình. Tỉnh cũng tạo cơ chế, môi trường thuận lợi phát triển mạnh mẽ dịch vụ tư nhân về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí, góp phần tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu của trẻ em.

Đến nay, các chỉ tiêu về trẻ em của tỉnh đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao, như: Tỷ lệ đi học mẫu giáo đúng độ tuổi đạt 95,2%; tỷ lệ đi học tiểu học đúng độ tuổi đạt 98,99%; tỷ lệ đi học THCS đúng độ tuổi đạt 96,26%; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT, khám, chữa bệnh theo quy định; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em giảm xuống ở mức thấp; hơn 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc thường xuyên; 94% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201911/quang-ninh-hanh-dong-vi-tuong-lai-tot-dep-cho-tre-em-bai-2-lan-toa-cac-no-luc-vi-the-gioi-ngay-mai-2462612/