Bài 2: Kiên trì học tập, khổ luyện trên từng đường bay

Để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời quốc gia, đội ngũ phi công quân sự Việt Nam đã tích cực huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, sử dụng thành thạo các trang thiết bị, vũ khí, có khả năng thực hành chiến đấu và hiệp đồng chiến đấu với các quân chủng, binh chủng, lực lượng có liên quan… Qua đó, giúp đội ngũ phi công từng bước làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT), sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình huấn luyện, thực hành bay

Su-30MK2 là loại máy bay chiến đấu có tính năng ưu việt, cấu tạo phức tạp so với thế hệ trước. Hiện nay, loại máy bay này được trang bị phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) ở các đơn vị không quân trong Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ). Để khai thác, làm chủ và phát huy được các tính năng của máy bay Su-30MK2, đòi hỏi đội ngũ phi công phải được huấn luyện hết sức công phu, bài bản và không ngừng khổ luyện.

Là một trong những phi công giàu kinh nghiệm, Thượng tá Ngô Quốc Tiến, Phó phi đội trưởng Phi đội 2, Trung đoàn 935, Sư đoàn 370 đã có hơn 1.500 giờ bay an toàn trên máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2. Đến nay, anh đã huấn luyện nhuần nhuyễn qua tất cả các khoa mục bay từ giản đơn đến phức tạp trên Su-30MK2. Thời gian qua, Trung đoàn 935 đưa vào huấn luyện khoa mục bay biên đội 4 chiếc biểu diễn và biên đội 4 chiếc có sử dụng vũ khí thật. Thượng tá Ngô Quốc Tiến cho biết: “Đây là những khoa mục bay hết sức phức tạp và nguy hiểm, đòi hỏi phi công phải đạt trình độ cao, có nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh, có khả năng xử trí tốt các tình huống khi bay. Để giữ đội hình cũng như thay đổi đội hình khi bay, các số trong biên đội phải có sự hiệp đồng chặt chẽ, ăn ý với nhau. Qua thực hành huấn luyện, đến nay nhiều phi công của Trung đoàn 935 đã thực hiện thành công khoa mục bay biên đội 4 chiếc; thực hành bắn ném bom, đạn thật cả trên đất và trên biển đạt hiệu suất chiến đấu cao, an toàn tuyệt đối”.

 Các phi công Lữ đoàn 918 hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện bay trên máy bay Casa-295.

Các phi công Lữ đoàn 918 hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện bay trên máy bay Casa-295.

Bên cạnh huấn luyện bay, SSCĐ trên loại máy bay thế hệ cũ, như An-2, An-26, những năm gần đây, Lữ đoàn Không quân 918 còn tiếp nhận và làm chủ các loại máy bay hiện đại, như: Casa-212-400, Casa-295, NC-212i. Đây là những dòng máy bay do Airbus sản xuất nên phương thức khai thác cũng có nhiều đổi mới so với dòng máy bay của Liên Xô (trước đây). Thiết bị ở buồng lái được tích hợp trên các màn hình điện tử, hỗ trợ rất nhiều cho phi công trong quá trình bay. Là một trong những người được phê chuẩn lái chính ban ngày khí tượng phức tạp, đêm khí tượng giản đơn trên máy bay Casa-295, Thiếu tá Quản Trọng Hải, Chính trị viên Phi đội 1, Lữ đoàn 918, chia sẻ: “Khi tiếp cận với dòng máy bay mới, mọi thao tác điều khiển không phải bằng công tắc cơ học mà bằng thiết bị điện tử tự động. Trong quá trình bay, máy tính sẽ tính toán chính xác về số liệu, độ cao, tốc độ cho phi công. Nếu có sai lệch gì máy bay sẽ tự động thông báo cho phi công thực hiện. Quá trình bay không phức tạp nhưng điều quan trọng là mình phải hiểu và làm chủ được các thiết bị đó. Chính vì vậy, trong quá trình sử dụng, phi công phải nắm vững và tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn, quy trình công nghệ, tài liệu hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất”.

Trung tá Đỗ Văn Lành, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 918 là người có nhiều năm thực hiện nhiệm vụ trên máy bay An-2. Khi đơn vị có kế hoạch tiếp nhận máy bay NC-212i, anh là một trong những phi công được chọn đi học tiếng Anh sau đó cùng với chuyên gia Tây Ban Nha huấn luyện chuyển loại máy bay mới. Kết thúc khóa huấn luyện tiêu chuẩn, anh tiếp tục chuyển sang giai đoạn hỗ trợ kinh nghiệm ban đầu và được chuyên gia phê chuẩn bay đơn ở vị trí lái chính các khoa mục bay bằng mắt và bay bằng khí tài ban ngày trong điều kiện bình thường hai động cơ và điều kiện bình thường một động cơ. Khi được hỏi về kinh nghiệm trong quá trình huấn luyện chuyển loại, Trung tá Đỗ Văn Lành cho hay: “Có trình độ tiếng Anh tốt nhưng để bay an toàn hiệu quả thì phi công phải có kiến thức, trình độ chuyên môn vững, nắm chắc về nguyên lý bay, kỹ thuật hàng không, dẫn đường bay, khí tượng... Trước mỗi bài bay chúng tôi phải chuẩn bị rất cụ thể tỉ mỉ về sơ đồ bài bay, nắm chắc các số liệu về độ cao, tốc độ, các địa tiêu, địa vật, đài dẫn đường, sân bay dự bị, quy chế sân bay đi và đến, các phương thức tiếp cận, các tình huống bất trắc phát sinh và biện pháp xử lý”.

Không ngừng học tập nâng cao trình độ, bền bỉ tích lũy kinh nghiệm

Cùng được lựa chọn đào tạo chuyển loại lái chính trên máy bay NC-212i, Trung tá Nguyễn Huy Hoàng, Phi công, Phi đội 3, Lữ đoàn 918, chia sẻ: “Được giao nhiệm vụ bay chuyển loại máy bay mới là niềm vinh dự lớn nhưng cũng hết sức nặng nề, đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Do vậy, tranh thủ thời gian đào tạo chuyển loại, chúng tôi tích cực tìm tòi, tiếp thu ý kiến, lĩnh hội kinh nghiệm từ chuyên gia để sử dụng thành thạo các thiết bị điện tử, dẫn đường, biết cách sử dụng các phương thức bay với tổ bay hai người. Hiện tại, các phi công trong đoàn bay chuyển loại máy bay NC-212i đã đủ tiêu chuẩn bay trong điều kiện bình thường hai động cơ cánh tà 100 bằng mắt theo vị trí”.

Đối với Sư đoàn 370, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện nâng cao khả năng SSCĐ và chiến đấu, sư đoàn còn thực hiện các nhiệm vụ bay cứu hộ, cứu nạn trên biển xa. Thượng tá Ngô Hồng Sơn, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 là một phi công giàu kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ bay cấp cứu biển xa trên các loại trực thăng Mi-8, Mi-171, Mi-172. Anh Sơn cho biết: “Những chuyến bay huấn luyện trên biển hay những chuyến bay cấp cứu biển xa được các tổ bay của Trung đoàn 917 thực hiện phần lớn diễn ra trong điều kiện khó khăn, do thời tiết trên biển thay đổi nhanh chóng và khó lường. Do đó, phi công lái chính phải là những người có bản lĩnh vững vàng, có kỹ thuật bay tốt và nhiều kinh nghiệm về khí tượng hàng không. Chẳng hạn, việc phi công phải nhận biết được đâu là mây nguy hiểm, đâu là mây tích điện, phán đoán được các luồng thăng, giáng của đối lưu không khí, để từ đó có phương án phòng tránh thích hợp. Và để có được những kỹ năng và kinh nghiệm đó, phi công phải trải qua một quá trình khổ luyện, kiên trì học tập và tích lũy kinh nghiệm lâu dài”.

Hiện nay, các đơn vị không quân của Quân chủng PK-KQ có đội ngũ phi công với nhiều độ tuổi được đào tạo cơ bản từ nhà trường và không ngừng được huấn luyện chuyên sâu ở các đơn vị, có đủ trình độ, bản lĩnh khai thác, làm chủ các loại máy bay có trong biên chế. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng trời quốc gia. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ đơn thuần, đội ngũ phi công này còn là những người thầy, góp phần đào tạo, bồi dưỡng nhiều lớp phi công trẻ có bản lĩnh, tài năng, tạo nguồn kế cận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của Quân chủng PK-KQ.

(còn nữa)

Bài và ảnh: THÀNH TRUNG - VŨ DUY - ĐÔNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-2-kien-tri-hoc-tap-kho-luyen-tren-tung-duong-bay-576263