Bài 2: Khó khăn còn nhiều

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội và nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã có nhiều biện pháp để đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong công nhân và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Dù vậy, so với yêu cầu của thực tiễn, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, không ít công nhân lao động trẻ có lý tưởng, hoài bão song mục tiêu trở thành đảng viên của họ vẫn rất xa vời.

Gian nan tìm đường kết nạp Đảng

Theo tìm hiểu, đông đảo công nhân đang lao động, đặc biệt là những lao động trẻ đều có nguyện vọng được trở thành đảng viên, được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tuy nhiên, do đặc thù công việc của công nhân lao động là làm ca, kíp, thường xuyên tăng ca để đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên thường không sắp xếp được thời gian để đi học các khóa bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng nên việc giới thiệu, hướng dẫn, kết nạp những nhân tố điển hình, xuất sắc vào Đảng còn gặp nhiều khó khăn, điển hình như câu chuyện của Trần Văn Hưởng, công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long.

Anh Hưởng sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ở Nghệ An. Bố mẹ anh và người chị cả đều là đảng viên nên anh Hưởng có nguyện vọng trở thành đảng viên để phát huy truyền thống cách mạng gia đình, cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Vì thế, anh luôn cố gắng, nỗ lực đạt nhiều thành tích trong lao động, sản xuất. Tuy nhiên, mong muốn vào Đảng của anh rất khó thực hiện.

Công nhân lao động phải chịu nhiều áp lực về công việc nên khó có điều kiện tham gia các khóa bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Ảnh minh họa

Công nhân lao động phải chịu nhiều áp lực về công việc nên khó có điều kiện tham gia các khóa bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Ảnh minh họa

“Doanh nghiệp nơi tôi đang làm việc là doanh nghiệp nước ngoài, không có chi bộ Đảng, chủ doanh nghiệp là người nước ngoài hoàn toàn không hiểu và quan tâm đến việc phát triển Đảng, nên không tạo điều kiện cho chúng tôi tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị nói chung, bồi dưỡng nhận thức về Đảng nói riêng để có thể được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cũng vì doanh nghiệp không có chi bộ Đảng nên không có đảng viên nào có thể đứng ra giới thiệu hoặc giúp đỡ tôi rèn luyện trưởng thành. Trong khi đó, tôi lại là người ngoại tỉnh, không biết về bộ máy tổ chức của địa phương nơi mình đang cư trú làm việc, nên không biết phải đề đạt nguyện vọng vào Đảng của mình với ai” - anh Hưởng cho biết.

Một câu chuyện khác là của anh Nguyễn Văn Tú (quê Phú Thọ). Bốn năm làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long nhưng đã hai lần anh Tú xin chuyển nơi làm việc, không phải vì chế độ lương, thưởng hay môi trường làm việc không tốt mà nguyên nhân là do nguyện vọng được kết nạp Đảng của anh chưa được thực hiện. Theo lời anh Tú, trong thời gian còn học tại trường đại học, anh đã được học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và đã được cấp giấy chứng nhận. Sau khi tốt nghiệp, anh xin vào làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài tại khu công nghiệp Thăng Long, nhưng do doanh nghiệp này chưa có tổ chức Đảng nên việc kết nạp Đảng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, anh quyết định xin nghỉ để tìm một doanh nghiệp khác đã có chi bộ Đảng. “Tại nơi làm việc mới, tôi đã nộp đơn xin vào Đảng và khai lý lịch nhưng gần một năm nay công tác thẩm tra lý lịch vẫn chưa được triển khai do chi bộ chưa sắp xếp được thời gian. Vì nếu đi vào những ngày làm việc sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” – anh Tú chia sẻ.

Cùng chung nguyện vọng được trở thành đảng viên, được đứng trong hàng ngũ của Đảng như bao công nhân lao động khác nhưng áp lực trong việc đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã khiến cho nguyện vọng của chị Nguyễn Thị Linh (quê Thái Nguyên) bao năm nay chưa được thực hiện. Chị Linh chia sẻ: “Từ khi vào làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài tại khu công nghiệp Nội Bài, tôi luôn chú trọng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua do công ty và tổ chức Công đoàn phát động để phấn đấu trở thành đoàn viên ưu tú để được giới thiệu kết nạp Đảng.”

“Nguyện vọng tưởng như sắp trở thành hiện thực khi tôi được giới thiệu đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Nhưng do đặc thù công việc của công nhân là làm ca, kíp, mỗi công nhân đảm nhiệm một khâu trong cả dây chuyền sản xuất nên nếu tôi xin nghỉ làm dài ngày sẽ ảnh hưởng đến đến thu nhập của bản thân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, tôi không thể tham dự lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng để có điều kiện kết nạp Đảng. Mong rằng, thời gian tới, sẽ có sự thay đổi linh hoạt về điều kiện, thủ tục kết nạp đảng viên để những công nhân lao động như chúng tôi có thêm cơ hội được kết nạp” – chị Linh bày tỏ.

Chủ doanh nghiệp chưa mặn mà với tổ chức Đảng

Một trong những khó khăn trong công tác phát triển Đảng trong công nhân lao động cần phải kể đến là chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, chưa quan tâm khuyến khích người lao động phấn đấu vào Đảng. Ông Nguyễn Tuấn Khải, Bí thư chi bộ Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Đức, đồng thời là cộng tác viên của Đảng ủy các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội phụ trách việc phát triển Đảng tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Quang Minh chia sẻ, khi gặp gỡ, tiếp xúc và vận động chủ doanh nghiệp thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp bày tỏ lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và lợi nhuận của đơn vị.

Lễ kết nạp đảng viên tại Chi bộ Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Đức. Ảnh minh họa

“Việc tiếp cận các chủ doanh nghiệp hết sức khó khăn. Bên cạnh thời gian hoạt động của các doanh nghiệp khép kín, theo ca, kíp thì nhiều chủ doanh nghiệp còn “né” khi chúng tôi tiếp cận, vận động. Thậm chí, một số chủ doanh nghiệp còn cho rằng việc thành lập tổ chức Đảng cũng như các tổ chức chính trị - xã hội khác là mất thời gian, cản trở hoạt động của đơn vị. Ví như, khi sinh hoạt chi bộ, khi đảng viên đi học Nghị quyết hay học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng… công nhân lao động sẽ phải xin nghỉ phép, như thế sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dây chuyền sản xuất. Vì vậy, chủ doanh nghiệp không đồng ý” – ông Khải bày tỏ.

Tại những doanh nghiệp đã có tổ chức Đảng, việc kết nạp đảng viên mới cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi không thể phủ nhận rằng một bộ phận công nhân lao động trong các doanh nghiệp vẫn còn chưa nhận thức đầy đủ về Đảng. Mặt khác, họ cũng phải chịu nhiều áp lực về công việc, thời gian làm việc căng thẳng và còn tâm ý ngại tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, ngại sinh hoạt Đảng. Ngoài ra, công nhân làm việc tại các doanh nghiệp chủ yếu là từ các tỉnh thành khác nên thường xuyên biến động, có những trường hợp, khi chi bộ đang thẩm tra, xác minh lý lịch, chuẩn bị xem xét kết nạp Đảng thì công nhân nghỉ việc, chuyển công tác.

Việc thành lập được các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp đã khó, việc duy trì và nâng cao chất lượng các tổ chức Đảng lại là việc làm khó hơn. Bởi có những đơn vị, chủ doanh nghiệp mặc dù đã đồng ý thành lập tổ chức Đảng nhưng lại không tạo điều kiện để tổ chức hoạt động. Các buổi sinh hoạt chi bộ thường phải tổ chức vào ngày nghỉ hoặc khi hết giờ làm việc để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này đã khiến một số cấp ủy Đảng chưa thực hiện được đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ phát triển tổ chức Đảng và đảng viên tại doanh nghiệp.

Những thực trạng trên đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến công tác phát triển Đảng trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ để khát vọng đẹp của công nhân được chắp cánh bay cao.

Bài cuối: Chắp cánh cho khát vọng đẹp bay cao

Phạm Diệp - Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bai-2-kho-khan-con-nhieu-95297.html