Bài 2: Khi TAND quận 7 vi phạm tố tụng

Vì Chủ tịch UBND quận 7 không giải quyết khiếu nại nên công dân Huỳnh Văn Cò đã phải chọn cách khởi kiện hành chính với mong muốn TAND quận 7 xét xử công tâm khách quan, đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là 'dụng công thủ pháp, chí công, vô tư'. Nhưng Hội đồng xét xử phiên sơ thẩm đã bỏ qua hàng loạt chứng cứ quan trọng để tuyên xử một bản án vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Bản án sơ thẩm đã không làm rõ được quyền sử dụng 13.000m2 của gia đình ông Cò, cũng như bỏ qua việc trên đất có phần mộ của người thân ông Cò nên không thể cấp GCNQSDĐ cho ông Thống. Ảnh: NG

Một nửa sự thật

Luật Đất đai 1987 đã nghiêm cấm mọi hành vi mua bán đất đai nhưng Hội đồng xét xử không xem xét và đi đến tận cùng sự thật để tuyên hành vi mua bán đất ngày 22/4/1992 giữa ông Hồ Văn Hải và ông Nguyễn Đức Thống là sai pháp luật. Ngay cả khi giấy tờ mua bán đất giữa ông Hải và ông Thống dù được Chủ tịch UBND xã Tân Quy Tây xác nhận vẫn là hợp đồng trái pháp luật. Vì rằng, Điều 5 Luật Đất đai năm 1987, sau đó là Chỉ thị số 77/CT ngày 9/3/1992 của Hội đồng Bộ trưởng, đã nghiêm cấm mua bán đất đai dưới mọi hình thức.

Ngoài ra, Thẩm phán Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tọa phiên tòa cũng đã cố tình bỏ qua chứng cứ quan trọng là theo Chỉ thị 299/TTg thì phần đất mà gia đình ông Cò đưa vào hợp tác xã nông nghiệp đã được Tập đoàn 9 đăng ký với số thửa là 477, 478, sau đó được trả lại cho gia đình ông Cò nên ông Hải không thể lấy đất để bán cho ông Thống. Thời điểm năm 1992 khi bán đất cho ông Thống, thì ông Hải không phải là chủ đất mà chỉ là người thuê đất của gia đình ông Cò (theo Tờ trình số 620/TTr-TNMT, ngày 6/3/2012 của Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 7 về trả lời đơn khiếu nại của ông Cò). Do đó, ông Hải không có quyền ký hợp đồng bán đất cho ông Thống nên ngoài việc vi phạm pháp luật thì ông Hải đã phạm tội lừa đảo khi đem đất thuê của người khác để bán cho ông Thống.

Trong Bản án hành chính sơ thẩm số 09/2015/HC-ST ngày 5/8/2015 của TAND quận 7, cũng đã không vận dụng đúng nội dung Nghị quyết 02/2004-NQ-HĐTP ngày 10/8/2014 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối caotrong xem xét tính hợp pháp của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số 387/QSDĐ/78.

Sự thật Nghịquyết 02/2004-NQ-HĐTP nêu rõ: Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập trong giai đoạn từ 1/7/1980 đến 15/10/1993, khi bên nhận chuyển nhượng được UBND cấp có thẩm quyền GCNQSDĐ theo quy định pháp luật về đất đai. Nhưng sự thật làGCNQSDĐ số 387/QSDĐ/78, có tên ông Thống về hình thức không đúng mẫu của Tổng Cục địa chính phát hành được quy định tại Quyết định số 201/QĐ-ĐKTK ngày 14/7/1989 của Tổng Cục địa chính, diện tích đất nông nghiệp là 33.903m2 quá hạn mức theo quy định, 8 thửa đất cách xa nhau hàng cây số, không có thời hạn sử dụng đất.

Án "bỏ túi"

Để bác yêu cầu của ông Cò, nội dung Bản án hành chính sơ thẩm số 09/2015/HC-ST cũng viện dẫn Mục 2.4 Phần II - Nghị quyết 02/2004-NQ-HĐTP, với nội dung: Chủ cũ hoặc người thừa kế của người đó không có quyền đòi lại quyền sử dụng đất nếu đất đó đã được giao cho người khác sử dụng và họ đã được UBND cấp có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 của Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, trừ trường hợp có căn cứ chứng minh người đang sử dụng đất đó có hành vi gian dối, lừa đảo... để được giao QSDĐ”.

Sự thật, đây chỉ là cách hiểu phiến diện, không đúng tinh thần của Nghị quyết 02/2004-NQ-HĐTP. Lý do là phần đất 13.000m2 của gia đình ông Cò sau khi đưa vào Tập đoàn 9, Hợp tác xã Tân Quy Tây thì được đăng ký theo Chỉ thỉ 299/TTg, với số thửa là 477 (diện tích 3.295m2), thửa 478 (diện tích 9.720m2). Ngay sau khi mô hình tập đoàn sản xuất tan rã thì chủ trương của huyện Nhà Bè là trả lại đất cho người dân nên ông Cò sau khi bị chủ cũ đòi lại đất được Hợp tác xã Tân Quy Tây chia cho thời kỳ sản xuất tập thể, đã quay lại vào năm 1993 đề nghị Ban Chủ nhiệm trả lại đất cho gia đình mình.

Đến thời điểm này chưa có văn bản pháp lý nào thể hiện cơ quan có thẩm quyền đã quản lý 13.000m2 và Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, nay là Chủ tịch UBND quận 7, có quyết định giao cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, kể cả ông Thống nên ông Cò hoàn toàn có quyền đòi lại 13.000m2đất.

Sự thật là để áp dụng Điểm a , Mục 2.4 Phần II - Nghị quyết 02/2004-NQ-HĐTP, thì ông Thống phải là người được Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Quy Tây có biên bản giao 13.000m2 đất, với điều kiện ông Thống là xã viên hợp tác xã. Sau đó, ông Thống phải được Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè ký quyết định giao đất, cấp quyền sử dụng đất thì mới đủ điều kiện để thỏa mãn quy định nêu trên của Nghị quyết 02/2004-NQ-HĐTP, để có thể nói rằng ông Cò không có quyền đòi lại QSDĐ.

Sau khi ông Cò kháng cáo, ngày 25/3/2016, TAND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 373/2016/QĐ-PT, hủy Bản án hành chính sơ thẩm số 09/2015/HC-ST và đình chỉ giải quyết vụ án hành chính. Ngay sau đó, ông Cò tiếp tục có đơn khiếu nại đề nghị Chủ tịch UBND quận 7 giải quyết khiếu nại hành chính, kèm theo các hồ sơ có liên quan nhưng cánh cửa công quyền vẫn khép chặt với ông vì tư duy của lãnh đạo quận 7 là vụ việc đã hết thời hiệu.

Bài 3: Thiếu công bằng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

NG

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/bai-2-khi-tand-quan-7-vi-pham-to-tung_t114c39n125411