Bài 2: Khi áp lực biến thành quyết tâm

Trong các chương trình phối hợp giữa BĐBP với các ngành, có thể nói, chương trình phối hợp tham gia quản lý, bảo vệ rừng là lĩnh vực nhạy cảm, tạo ra áp lực rất lớn đối với những người lính chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới. Đôi khi sự việc xảy ra ngoài tầm, nhưng nó lại hiện diện trên địa bàn biên giới thì ngay lập tức, các đồn Biên phòng (BP) trở thành 'tấm bia' để dư luận ngắm vào đó... Song, bỏ qua tất cả, người lính BP trên vùng đệm Vườn quốc gia Yok Đôn vẫn luôn bám trụ vững vàng trên trận tuyến bảo vệ rừng...

Bài 1: “Tấm da báo” bên Vườn quốc gia Yok Đôn

Trước hết, nói về vai trò của các đồn BP đứng chân trên địa bàn 3 huyện Ea Súp, Buôn Đôn (Đắk Lắk) và Cư Jút (Đắk Nông), các đơn vị luôn phải chịu áp lực rất lớn khi xảy ra tình trạng xâm hại rừng, mặc dù họ là những người lính chuyên trách trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Cách đây hơn 10 năm, UBND tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông giao cho BĐBP tỉnh quản lý, bảo vệ số diện tích rừng phòng hộ vành đai biên giới bên Vườn quốc gia Yok Đôn (BĐBP Đắk Lắk 5.726ha, BĐBP Đắk Nông hơn 1.000ha). Bên cạnh đó, BĐBP Đắk Nông còn có 3 đồn BP đứng chân trên địa bàn huyện Đắk Min là Đắk Ken, Đắk Đam và Đắk Mbai chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ hơn 2.700ha rừng phòng hộ vành đai biên giới, tuy không phải là vùng đệm nhưng cũng nằm trong tuyến của Vườn quốc gia Yok Đôn. Thực hiện chủ trương của tỉnh, hằng năm, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk và Đắk Nông chỉ đạo các đồn BP trong tuyến xây dựng các kế hoạch, phương án quản lý, bảo vệ rừng tối ưu nhất nhằm ngăn chặn, xóa bỏ các mầm mống phá rừng đối với những khu vực rừng do mình làm chủ.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Nông tuần tra bảo vệ rừng phòng hộ vành đai biên giới. Ảnh: Thái Kim Nga

Gần 10.000ha rừng phòng hộ biên giới bên Vườn quốc gia Yok Đôn do BĐBP làm chủ được bảo vệ nghiêm ngặt và gần như không để xảy ra tình trạng xâm hại (kể cả khai thác lâm sản và lấn chiếm đất rừng trái phép). Rừng phòng hộ biên giới được bảo vệ nghiêm ngặt và luôn được chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng đánh giá rất cao. Tuy nhiên, áp lực dành cho các đồn BP ở đây thì dường như chẳng bao giờ giảm xuống, bởi tình trạng phá rừng vẫn xảy ra ở những lâm phần thuộc trách nhiệm quản lý, bảo vệ (có tiền công) của chủ rừng khác, nhưng lại nằm trong khu vực biên giới.

Cùng chung quan điểm với Đồn trưởng Đồn BP Nậm Na, chỉ huy các đồn BP đứng chân trên địa bàn vùng đệm Vườn quốc gia Yok Đôn cho biết, áp lực giữ rừng dành cho họ là cực lớn. Không áp lực sao được khi hầu hết các vụ việc vi phạm lâm luật xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua, “búa rìu” dư luận đều hướng về các đồn BP. Thậm chí, có không ít người còn suy diễn rằng, việc đồn BP kiểm soát người và phương tiện vào khu vực biên giới sau đó để xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép là “tiếp tay” cho lâm tặc mà không biết rằng quy định của pháp luật không nghiêm cấm bất kỳ ai ra vào khu vực biên giới nếu có đủ thủ tục, giấy tờ hợp pháp. Việc đồn BP không phát hiện hành vi vi phạm, không có nghĩa là họ đã tiếp tay, “làm luật” để bỏ qua hành vi đó.

Thiếu tá Trịnh Xuân Nguyện, Đồn trưởng Đồn BP cửa khẩu Đắk Ruê, BĐBP Đắk Lắk chia sẻ: “Do đặc thù của địa bàn quản lý có những khu vực cách đồn BP tới hơn 50km nên công tác tuần tra, kiểm soát luôn là thách thức rất lớn đối với chúng tôi. Trong khi các đối tượng “lâm tặc” dùng đủ mọi chiêu trò, thủ đoạn để qua mắt lực lượng chức năng thì việc phát hiện, xử lý không phải là chuyện đơn giản. Mặc dù vậy, bằng mọi biện pháp, chúng tôi thường xuyên bám rừng để canh giữ và xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm...”.

Cần lắm những chủ nhân đích thực

Trở lại câu chuyện các doanh nghiệp lên khu vực biên giới bên Vườn quốc gia Yok Đôn thuê đất rừng để làm kinh tế, xin khẳng định ngay rằng, nếu không có lực lượng Kiểm lâm và các đồn BP thì các chủ rừng này không đủ năng lực để quản lý, bảo vệ.

Mặc dù không nằm trong vùng đệm Vườn quốc gia Yok Đôn, nhưng Đồn BP Đắk Ken, BĐBP Đắk Nông vẫn quản lý, bảo vệ hơn 1.000ha rừng phòng hộ vành đai biên giới. Cùng với đó, đơn vị thường xuyên triển khai lực lượng tham gia tuần tra bảo vệ hơn 17.000ha rừng nằm liền kề với vùng đệm Vườn quốc gia Yok Đôn do các doanh nghiệp đứng tên chủ rừng. Thiếu tá Bùi Đức Sơn, Đồn trưởng Đồn BP Đắk Ken tâm sự: “Để bảo vệ tốt số diện tích rừng phòng hộ do đơn vị quản lý, bên cạnh công tác tuần tra, chốt chặn hằng ngày, chúng tôi còn phải chủ động ngăn chặn từ xa như tuyên truyền, vận động nhân dân không xâm phạm rừng và nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng. Trong khi đó, với hàng chục nghìn héc-ta rừng mà có thời điểm doanh nghiệp nọ chỉ thuê hai người lớn tuổi ở tít... miền Tây Nam bộ vào để bảo vệ thì làm sao giữ được rừng? Thực ra, “lâm tặc” không vào khu vực phá rừng là nhờ đồn BP thường xuyên tuần tra bảo vệ. Nếu ở địa bàn khác, chắc chắn tình hình sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều...”.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Lắk phối hợp với lực lượng Kiểm lâm phát hiện, thu giữ tang vật vụ khai thác gỗ trái phép. Ảnh: Thái Kim Nga

Không đủ năng lực để quản lý, bảo vệ rừng, đó là thực trạng chung của các doanh nghiệp lên đây thuê đất rừng làm kinh tế. Nhiều dự án thậm chí còn không triển khai, bỏ hoang không người trông coi lán trại. Theo số liệu điều tra của BĐBP Đắk Lắk, hiện tại, trên địa bàn xã Ea Bung, huyện Ea Súp có 4/8 công ty thuê đất rừng đang ở trong tình trạng “vườn không nhà trống”. Tương tự, ở địa bàn xã Ia Rvê (Ea Súp) có 2/12 chủ rừng có quản lý mà không bảo vệ. Rõ ràng, rừng ở đây đang rất cần những chủ nhân đích thực, mà nếu cơ quan chức năng không có những giải pháp xử lý dứt điểm, chắc chắn tình trạng phá rừng sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Trung tá Phạm Quốc Tuấn, Đồn trưởng Đồn BP Nậm Na, BĐBP Đắk Nông khẳng định với chúng tôi: “Mặc dù đơn vị nhận quản lý, bảo vệ 1.061ha rừng phòng hộ vành đai biên giới, nhưng trên thực tế, chúng tôi còn phải căng mình tuần tra chốt chặn ở những khu vực lân cận. Bởi, các doanh nghiệp vào đây thuê đất rừng không đủ sức để làm việc này, mà nếu lỡ để xảy ra vụ việc vi phạm lâm luật thì đương nhiên đồn BP phải liên đới trách nhiệm. Từ trước đến nay, rừng phòng hộ biên giới luôn được BĐBP bảo vệ nghiêm ngặt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chặt phá. Tuy nhiên, những khu vực khác thì nguy cơ vẫn luôn thường trực vì chủ rừng không đủ năng lực để quản lý, bảo vệ...”.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bai-2-khi-ap-luc-bien-thanh-quyet-tam