Bài 2 - Khát vọng làm mẹ: Kiếm tìm hạnh phúc ở tuổi xế chiều

Mong muốn có những đứa con khỏe mạnh, thông minh là ước mong của tất cả mọi người. Tuy nhiên, không phải người phụ nữ nào cũng may mắn 'về đích' một cách vẹn tròn sau hành trình dài mang thai.

Tư vấn, sàng lọc trước sinh rất quan trọng với thai phụ. Ảnh: Anh Tú.

Tư vấn, sàng lọc trước sinh rất quan trọng với thai phụ. Ảnh: Anh Tú.

Những thành tựu của y học hiện đại cho phép chúng ta có được một thế hệ giống nòi tốt hơn, nhưng song hành với sự chủ động ấy là những nỗi đau không thể đo đếm.

Niềm vui chưa tan, âu lo đã tới

Trải qua “một lần đò” bằng sự không trọn vẹn, chị N.T.L (35 tuổi, làm bốc vác tại quận 8, TPHCM) tìm lại hạnh phúc đời mình bằng việc đi bước nữa với anh T.D.D.

Dẫu từng có một đứa con gái với người chồng trước, nhưng khi sống cùng anh D, chị L suốt 2 năm vẫn chưa đón nhận tin vui. Hơn 6 tháng thuốc thang, chữa trị, vợ chồng chị L và anh D cũng đón nhận tin vui vào đầu năm 2018.

Nghĩ mình khỏe mạnh, từng sinh đẻ bình thường nên sau 3 tháng đầu thai kỳ thăm khám đầy đủ, chị L không thăm khám nữa cho đến tháng thứ 6. Khi thực hiện việc siêu âm 4D (siêu âm hình thái học), chị L và anh D ngã ngửa khi kết quả cho thấy chân, tay, trán thai nhi ngắn một cách bất thường so với tuổi thai. Bác sĩ chỉ định chọc ối kiểm tra hội chứng Down.

Không chủ quan như vợ chồng chị L, anh Th và chị Lam, nhà ở quận Gò Vấp, TPHCM ngay từ khi đón nhận tin vui ở tuổi 38, sau thời gian đằng đẵng 4 năm chờ đợi đưa con thứ 2, đã làm mọi xét nghiệm, sàng lọc trước sinh với tâm thế không có gì phải lo lắng khi đứa con đầu tiên bình thường, hai vợ chồng đều khỏe mạnh.

Ấy vậy, khi cầm kết quả xét nghiệm máu trước sinh của Bệnh viện Từ Dũ anh Th không thể tin vào mắt mình khi kết quả cho ra con anh đối diện nguy cơ đột biến nhiễm sắc thể quá cao. Niềm vui đón chờ đứa con chưa lâu, nỗi lo mơ hồ về một sự chọn lựa đã ập đến với cả hai vợ chồng.

Anh Th và chị Lam quyết định qua Viện Di truyền Y học xét nghiệm toàn bộ 23 bộ gel của con mình với kết quả chính xác 99%. Hai tuần chờ đợi là hai tuần đầy căng thẳng với hai vợ chồng. Kết quả trả về khiến anh Th gần như suy sụp, con anh đột biến 1 nhiễm sắc thể cặp số 13. Nguy cơ thai nhi đối mặt là dị tật bẩm sinh hình thái học khuôn mặt và một số cơ quan nội tạng.

“Cầm kết quả xét nghiệm mà tôi không thể tin vào mắt mình. Làm sao con tôi có thể bị dị tật được chứ trong khi cả hai gia đình đều không có ai dị tật. Viện phó Viện Di truyền học nói với tôi, kết quả này chỉ đạt độ chính xác 99%, vẫn còn 1 % hy vọng nên anh chị đừng quá hoang mang và đề xuất chọc ối lần cuối”, anh Th chia sẻ.

Không chấp nhận kết quả mà Viện Di truyền Y học công bố, với quyết tâm dù chỉ 1% hy vọng anh và vợ sẽ vẫn bám vào, anh dẫn vợ quay lại Bệnh viện Từ Dũ kiếm tìm hy vọng ở tuổi xế chiều.

Phòng thủ thuật của Bệnh viện Từ Dũ - nơi âu lo và nước mắt nhiều hơn niềm vui

Chọn lựa đầy ám ảnh

Bất cứ một cặp vợ chồng nào khi ngồi trước cánh cửa phòng tư vấn đặc biệt tại các bệnh viện về sản khoa đều rơi vào tâm trạng rất nặng nề. Bởi họ biết, khi bước chân vào đó là họ phải lựa chọn nếu kết quả xấu.

Lựa chọn ấy có thể ám ảnh họ cả đời và cũng có thể mang đến cho họ sự khổ cực nhiều hơn. Và tất nhiên, không ai muốn mình bước chân vào cánh cửa phòng tư vấn đặc biệt ấy.

Cầm kết quả đứa con 6 tháng tuổi dương tính với hội chứng Down ngồi chờ trước cửa phòng tư vấn đặc biệt, cả hai vợ chồng anh D, chị L không ai nói với ai câu nào. Họ không thể tin vì sao lại có kết quả tồi tệ ấy. Không khí trước cửa phòng tư vấn của các cặp vợ chồng ngồi đợi đến lượt nặng nề đến ngộp thở.

Nữ y tá Nguyễn P.L vừa nhặt những bịch nước bỏ dở hàng ghế đợi vừa nói: Không nặng nề sao được em, bước vào đó thì chỉ có hai lựa chọn. Một là giữ con lại, hai là đối diện với tương lai nuôi dưỡng đứa con tật nguyền của mình. Không ai mong muốn cả. Nhưng phải lựa chọn.

“Anh cứ ngồi và để ý, nếu từ phòng tư vấn bước ra, họ đến ô 29 lấy đơn ngồi viết. Đó là lúc họ đã chọn lựa dùng mũi dao đâm thẳng vào tim mình. Nước mắt chảy ngược vào trong, nhưng định mệnh không cho họ con đường hạnh phúc thì phải chịu” - nữ y tá L nói bằng giọng chia sẻ.

Những ngày dài trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc của âu lo và hạnh phúc nơi Khoa Chăm sóc trước sinh tại Bệnh viện Từ Dũ, chúng tôi thấy không chỉ có toàn nước mắt khi cánh cửa phòng tư vấn mở ra, mà vẫn có rất nhiều những nụ cười, ánh mắt rạng ngời hạnh phúc.

Rất nhiều câu chuyện mà dường như đã chấp nhận số phận an bài cùng nỗi đau đến tận cùng tâm can. Nhưng rồi khi 1% hy vọng cuối cùng ấy tưởng như mong manh lại chính là niềm vui vô bờ bến cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, lớn tuổi khi nó trở lại.

“Cuộc sống này thật nhiệm màu, chỉ cần ta còn hy vọng, dù chỉ là một tia hy vọng nhỏ nhất, mọi thứ đều có thể thành sự thật”, anh Th hạnh phúc vừa khóc vừa nói với mọi người khi kết quả của vợ anh an toàn sau chọc ối.

Đã có nhiều câu chuyện về sự chọn lựa sau cánh cửa phòng tư vấn. Nhưng không nhiều cặp vợ chồng đủ can đảm lựa chọn cho mình sự ám ảnh suốt phần đời còn lại, để rồi chấp nhận sống với số phận đã an bài.

Tuy vậy, cuộc sống vốn dĩ rất nhiệm màu, đã có không ít trường hợp như chị Phương (Tiền Giang), chị Nhàn (Bạc Liêu) xác định 100% con dị tật, nhưng với khát khao có được một đứa con, họ chấp nhận tất cả. Để rồi khi sinh ra, tạo hóa vẫn ban tặng cho đứa trẻ ấy sự đủ đầy.

“Hạnh phúc đâm chồi từ chính hạt mầm tuyệt vọng ấy bao giờ cũng là điều đẹp nhất mà mọi bác sĩ tư vấn như chúng tôi đều mong mỏi”, bác sĩ L.T.H nói.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/bai-2-khat-vong-lam-me-kiem-tim-hanh-phuc-o-tuoi-xe-chieu-3987780-b.html