Bài 2: Khát vọng làm giàu để sẻ chia

Trên nền tảng bác ái yêu thương, ở mỗi vị trí, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mình, nhiều tấm gương đồng bào Công giáo đã tiên phong trong phát triển kinh tế, không những làm giàu cho bản thân, gia đình, mà còn tích cực đóng góp trách nhiệm xã hội với cộng đồng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Hiệu quả kinh tế - xã hội từ những việc làm cụ thể của đồng bào Công giáo là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc.

Trong những ngày cả nước gồng mình chống dịch Covid-19, tôi có may mắn được đến thăm Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG. Khác với không khí đìu hiu, vắng lặng tại nhiều nhà xưởng, tiếng máy may ở 8 nhà máy của TNG vẫn vang lên nhịp đều đặn, các chuyền may vẫn ăm ắp công nhân, thậm chí nhiều nhà máy của công ty phải nâng công suất lên tối đa để phục vụ kịp các đơn hàng.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ngành Dệt May chuyên sản xuất hàng xuất khẩu điêu đứng vì dịch bệnh do đơn hàng bị ngưng trệ, thì việc làm, đời sống của gần 14.000 lao động tại TNG vẫn được đảm bảo là niềm mơ ước. Đó thực sự là thành công lớn của những người đang chèo lái con thuyền TNG.

Công nhân Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG may bộ đồ bảo hộ phòng chống dịch phục vụ nhu cầu nhân dân trong nước và xuất khẩu. Ảnh: B.D

Công nhân Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG may bộ đồ bảo hộ phòng chống dịch phục vụ nhu cầu nhân dân trong nước và xuất khẩu. Ảnh: B.D

Người đã tìm thấy “cơ” trong “nguy” đó là ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên. Ông Thời cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng cán bộ, công nhân viên công ty vẫn có việc làm, thu nhập tốt là do công ty bắt kịp xu thế sản xuất khẩu trang, bộ đồ bảo hộ phòng chống dịch phục vụ nhu cầu nhân dân trong nước và xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Văn Thời, bên cạnh việc sản xuất bộ đồ bảo hộ phòng chống dịch, năng lực sản xuất của TNG có thể tăng lên 200.000 chiếc khẩu trang/ngày nếu thị trường có nhu cầu. Công ty sẽ nâng công suất dây chuyền các nhà máy lên tối đa, cung cấp các sản phẩm với giá hợp lý nhất, vì mục tiêu lớn nhất là chung tay cùng Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống dịch.

Có một điều khiến tôi đặc biệt ấn tượng khi đến thăm các nhà máy của TNG, đó là nhiều lao động nữ chia sẻ họ cảm thấy rất hạnh phúc khi được… “phân biệt đối xử”. Tìm hiểu thêm tôi được biết, những lao động là người khuyết tật (được công ty ưu tiên tuyển dụng) và lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ được công ty bố trí làm việc ở chuyền may riêng. Các chị được bố trí ngồi làm việc có ghế tựa lưng, được về sớm hơn lao động ở các chuyền may khác 1 giờ để “làm việc riêng”.

Được Công ty “phân biệt đối xử” với những quy định riêng, rõ ràng, nhưng thu nhập, chế độ không bị giảm, thậm chí nhiều lao động tại chuyền may đặc biệt này thu nhập cao hơn lao động ở các chuyền may khác. Đó là điều khiến những lao động nữ đang làm việc ở Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại TNG cảm thấy thực sự hạnh phúc vì được quan tâm, chia sẻ.

Chị Nguyễn Thanh Giang vốn là công nhân của chuyền may số 25, vừa được chuyển sang chuyền may số 23 được 5 tháng sau kỳ nghỉ thai sản. Chị cho biết, anh em Nhà máy may Đại Từ quen gọi đây là “chuyền may chế độ” bởi 100% lao động của chuyền may này là lao động đang mang bầu (từ tháng thứ bảy trở đi); lao động đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi và lao động là người khuyết tật.

“Vì là chuyền may chế độ, nên ghế ngồi làm việc và thời gian làm việc của lao động chuyền 23 có sự phân biệt với các chuyền khác”, chị Giang cho biết thêm. Đó là người lao động được ngồi ghế tựa, nên quá trình làm việc nếu mỏi, mệt có thể được tựa vào ghế nghỉ ngơi một chút. Đó là lao động được rời Nhà máy vào lúc 15h30 mỗi ngày, thay vì tan ca vào 16h30, nghĩa là công nhân chỉ làm 7 giờ/ngày thay vì 8 giờ/ngày như các chuyền khác. Mặc dù về sớm hơn mọi người 1 giờ làm việc, nhưng tiền lương ngày công, thu nhập và mọi chế độ của số lao động này vẫn được đảm bảo đầy đủ như những lao động các chuyền khác.

“Từ khi sang đây, thu nhập của tôi vẫn đảm bảo mức từ 7-8 triệu đồng/tháng, nhưng tôi lại được ưu đãi về sớm hơn 1 tiếng để chăm con nhỏ, gần 1 tuổi. Sự quan tâm của Ban Lãnh đạo Công ty và Nhà máy thực sự khiến chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc và yên tâm gắn bó với nơi này”, chị Giang tâm sự.

Tại TNG, trong số gần 14.000 lao động, có tới hơn 83% là lao động nữ. Bởi vậy, chính sách đặc thù dành cho lao động nữ được Ban Lãnh đạo Công ty đặc biệt quan tâm. Không chỉ dừng lại ở việc tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, Công ty đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo đến lợi ích cho người lao động, như đầu tư kinh phí xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động ở xa, xây dựng nhà trẻ cho con công nhân… khiến người lao động cảm thấy yêu mến, gắn bó và cống hiến hết mình với ngôi nhà TNG.

Là người đứng đầu một doanh nghiệp may mặc có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay, sau quá trình gần 40 năm xây dựng và phát triển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Thời cùng Ban lãnh đạo Công ty đã phát triển, mở rộng TNG lên quy mô 8 nhà máy, 14 chi nhánh, doanh thu tiêu thụ đạt hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 14.000 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 6-7 triệu đồng/người/tháng. Thương hiệu TNG đã vượt ra khỏi tỉnh Thái Nguyên, được xếp hạng vào Top 10 doanh nghiệp dệt may tiêu biểu toàn diện, Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (thứ hai từ trái sang) trao tặng Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên 100 bộ quần áo bảo hộ y tế phòng dịch

Chia sẻ về việc doanh nghiệp không ngừng đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng các nhà máy ở hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thái Nguyên, ông Thời cho biết: “Mong muốn lớn nhất của tôi giải quyết được thật nhiều việc làm cho con em địa phương”. Và để bắt kịp với xu hướng mới, ông Thời đã chỉ đạo thường xuyên đổi mới thiết bị, ứng dụng công nghệ mới theo xu hướng hiện đại hóa để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và trong nước, đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển với mức tăng trưởng kinh tế cao, đóng góp cho ngân sách nhà nước, nâng cao đời sống người lao động, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên.

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, cá nhân Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Thời và tập thể cán bộ công nhân viên Công ty luôn chú trọng và tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, phúc lợi dành cho người lao động và cộng đồng dân cư, ủng hộ các Quỹ Nhân đạo, Quỹ vì người nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới…

“Là người Công giáo, tôi luôn luôn tâm niệm mình phải gì và làm thế nào để thực hiện Huấn từ của Giáo hoàng Benedicto XVI: ''Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt””. Với tâm niệm như vậy, nên trong mỗi quyết sách đầu tư, ông Nguyễn Văn Thời luôn giữ trọng mục tiêu: Làm giàu không phải chỉ nghĩ đến cho bản thân, gia đình, mà hơn hết là trách nhiệm xã hội với cộng đồng, chung tay để không ai bị bỏ lại phía sau.

“Phát huy những thành tích đã đạt được, trong tương lai, TNG tiếp tục nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất và tăng thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, mục tiêu xa hơn mà tôi và Ban lãnh đạo Công ty hướng tới là phát triển TNG trở thành một Tập đoàn kinh tế đa ngành nghề, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và sự phát triển vững mạnh của nền kinh tế Việt Nam nói chung”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên chia sẻ khát vọng.

Bài cuối: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bai-2-khat-vong-lam-giau-de-se-chia-113086.html