Bài 2: Kết hợp giữa mềm dẻo và cứng rắn, dập tắt mưu đồ bạo loạn từ lúc manh nha

Rút kinh nghiệm sau vụ tụ tập tuần hành, gây rối có tính chất bạo động xảy ra tháng 5-2014, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các ban, ngành, lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, chủ động, kiên quyết xử lý triệt để, quyết liệt, dứt điểm khi có sự cố xảy ra từ lúc manh nha.

Phát huy hiệu quả vai trò lực lượng cốt cán

Cùng với tăng cường nắm bắt tư tưởng, tâm lý xã hội thông qua nhiều biện pháp đồng bộ, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương, tính đến nay, 100% các công ty, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn đều xây dựng được lực lượng cốt cán trong công nhân, người lao động (CN, NLĐ). Đồng chí Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương giải thích: "Bộ phận cốt cán gồm những người cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng độ tuổi với CN nên dễ nắm bắt tâm tư, tình cảm, động viên chia sẻ, giúp nhau sống đẹp hơn trong lao động sản xuất. Thành viên lực lượng nòng cốt thực hiện chức năng nắm chắc tình hình, kịp thời thông tin và tham mưu hướng giải quyết các vấn đề nảy sinh ở cơ sở nói chung, các vấn đề tư tưởng trong CN, NLĐ nói riêng".

Một nhà máy sản xuất nước giải khát của doanh nghiệp Nhật Bản ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, Bình Dương. Ảnh minh họa: TTXVN.

Ở Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình (phường An Phú, thị xã Dĩ An)-một trong 10 doanh nghiệp (DN) hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực da giày, túi xách, với số lượng khoảng 37.000 CN. Thế nhưng, gần 10 năm qua, tại công ty không hề xảy ra một cuộc đình công, bãi công nào. Ngay cả sự việc biểu tình diễn ra năm 2014, khi mà hàng trăm nghìn CN ở Bình Dương bị lôi cuốn vào các vụ đập phá, biểu tình… thì hàng chục nghìn CN Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình vẫn cần mẫn lao động sản xuất, không người nào tham gia vào các vụ gây rối. Chia sẻ về bí quyết quản lý tình hình CN, anh Nguyễn Đình Nhuần, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình, cho biết: “Chúng tôi đặc biệt coi trọng việc xây dựng lực lượng cốt cán ở tất cả các cấp; nhất là ở phân xưởng, nhà máy-những nơi có vấn đề hoặc tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự để bố trí đội ngũ cán bộ này với chất lượng, số lượng phù hợp. Vì vậy, trước những diễn biến mới, chỉ vừa manh nha đã được anh em cốt cán phát hiện tự giải quyết hoặc báo cáo trên giải quyết triệt để, hiệu quả”.

Nhờ phát huy tốt vai trò, vị trí của bộ phận cốt cán, nhất là trong việc cập nhật thông tin tình hình sớm nhất, giải quyết sự vụ, sự việc từ lúc manh nha đã tạo ra một thế trận an ninh nhân dân rộng khắp trong từng DN, KCN. Với đóng góp tích cực của lực lượng cốt cán, trong khoảng đầu và giữa tháng 6-2018, cơ quan chức năng đã bắt quả tang một số đối tượng có hành vi soạn thảo, in ấn, rải tờ rơi kêu gọi tuần hành phản đối Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nhằm vào đối tượng là CN ở các DN thuộc KCN Sóng Thần I, Sóng Thần II; thu giữ, ngăn chặn, không để tán phát hơn 6.000 tờ rơi. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự hai vụ án, hai bị can về hành vi "Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam". Ngoài ra, bộ phận cốt cán cũng góp phần vào việc phát hiện vụ một số CN tại 12 DN (Dĩ An: 7; Bến Cát: 2; Thuận An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên: 2) mặc các trang phục khác thường với chủ ý hưởng ứng khi xảy ra tuần hành, biểu tình. Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các ngành, địa phương, DN vận động CN thay trang phục và không tham gia tuần hành, biểu tình, gây rối.

Khi tiến hành khảo sát ở Bình Dương, chúng tôi thật sự ấn tượng trước Đề án “Gần CN, giúp CN” của Tỉnh đoàn Bình Dương. Theo đề án, mỗi quý một lần, những cán bộ đề án và lực lượng nòng cốt trong công tác đoàn tập hợp thanh niên CN (TNCN) ở các KCN, tổ chức đến thăm các chi hội TNCN ở nhà trọ để tìm hiểu và ghi nhận những trường hợp cần hỗ trợ về pháp lý, cũng như có những chia sẻ kịp thời khi khó khăn. Những ý kiến, thắc mắc của CN, NLĐ ở trọ đều được ghi chép cụ thể. Qua đây, ban tổ chức đề án của địa phương kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ nhiều trường hợp. Điều quan trọng là qua việc “giúp CN, gần CN” để hiểu sâu về tư tưởng, nắm chắc tâm lý CN, NLĐ trước các sự việc phức tạp. Đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, khẳng định: "Việc xây dựng lực lượng cốt cán bám nắm, gần gũi CN đã thực sự phát huy được hiệu quả, giúp CN, NLĐ ngày càng có nhận thức chính trị tốt hơn. Họ xác định chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước là trên hết, họ coi bảo vệ tài sản công ty chính là bảo vệ lợi ích của chính mình".

Để phát huy tốt hơn nữa vai trò lực lượng nòng cốt, nhiều KCN đang tập trung xây dựng, phát huy vai trò của lực lượng bảo vệ, lực lượng nòng cốt, lực lượng xung kích tại DN trong việc tuần tra, bảo vệ tài sản DN. Những người được tuyển chọn vào lực lượng này là những thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự; những đảng viên, đoàn viên có phẩm chất đạo đức tốt… Trên thực tế, bên cạnh việc bảo vệ công ty, lực lượng này còn thông qua các câu lạc bộ công đoàn để nắm chắc tình hình và tổ chức tuyên truyền, vận động CN không ngừng việc, không tham gia tuần hành trái pháp luật. Bên cạnh đó, các DN thường xuyên phân công cán bộ phụ trách địa bàn, đi cơ sở, nắm chắc tình hình, nhất là các DN có biểu hiện lôi kéo, kích động CN, kịp thời phối hợp với ngành công an, ban quản lý KCN, chính quyền các cấp xử lý những điểm nóng. Chủ động phối hợp và tiến hành các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ổn định quan hệ lao động trong DN.

Để xây dựng thành phố công nghiệp văn minh, có môi trường đầu tư lành mạnh, an toàn, thân thiện, CN phải là lực lượng nòng cốt gương mẫu đi đầu trong lao động sản xuất và chấp hành pháp luật, đồng thời không để tái diễn tình trạng gây rối, đập phá tài sản các DN, Tỉnh ủy Bình Dương đã chỉ đạo công an tỉnh huấn luyện cho mỗi khu, cụm công nghiệp một trung đội cơ động, phản ứng nhanh. Theo đó, Công an tỉnh Bình Dương đã làm việc với các KCN triển khai công tác bảo đảm an ninh trật tự. Lãnh đạo công an tỉnh đã cam kết với các DN có vốn đầu tư trong và ngoài nước về việc tỉnh sẽ có biện pháp hữu hiệu để không tái diễn sự cố đáng tiếc như năm 2014.

Liên kết với chủ nhà trọ, chủ doanh nghiệp

Khi chúng tôi đến Bình Dương vào cuối tháng 7-2018-một tháng đã trôi qua kể từ khi sự việc ngày 10 và 11-6 diễn ra ở nhiều địa phương và sau gần 5 năm kể ngày Bình Dương diễn ra cuộc tụ tập, tuần hành gây rối (năm 2014), thế nhưng trong tâm trí và câu chuyện của từng cán bộ, đảng viên nơi đây, mọi chi tiết vẫn còn nóng bỏng, được ghi nhớ như thể thuộc nằm lòng. Với tác phong cởi mở, Thượng tá Ngô Văn Còn, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Bình Dương chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm trong xử lý các tình huống liên quan đến bạo loạn trên địa bàn: "Để đấu tranh với các thế lực thù địch, chúng ta phải dựa vào dân. Giữ được trận địa lòng dân thì kẻ thù dù có ranh ma, thâm độc đến đâu cũng sẽ phải đón lấy những thất bại".

Nhất quán tư tưởng dựa vào dân trong phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, ngay từ đầu tháng 6-2018, khi tình hình bắt đầu xuất hiện một số tình tiết có dấu hiệu gây mất ổn định an ninh chính trị, các tổ chức, đoàn thể, LLVT đã triển khai đồng loạt các giải pháp, biện pháp thích hợp, dựa vào “tai mắt” của quần chúng nhân dân để nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ. Theo đó, công an tỉnh đã chỉ đạo công an các địa phương liên kết chặt chẽ với chủ nhà trọ, tuyên truyền, vận động họ hợp tác, kịp thời phát hiện, báo cho lực lượng chức năng những dấu hiệu bất thường ở các khu nhà trọ thông qua số điện thoại khẩn cấp. Phát huy vai trò quần chúng tham gia giữ gìn an ninh trật tự, Công an tỉnh Bình Dương đã làm tốt công tác vận động quần chúng tố giác tội phạm, giúp lực lượng chức năng xử lý kịp thời các tình huống.

Thượng tá Nguyễn Tấn Vũ, Phó trưởng Công an thị xã Thuận An, phân tích: “Chúng tôi đã tăng cường vận động các chủ nhà trọ, chủ tiệm vải, cửa hàng quần áo, thời trang, tiệm in, photocopy… trên địa bàn, thống nhất cách thức phối hợp phát hiện, ngăn chặn hành vi phát tán tờ rơi, in khẩu hiệu kích động biểu tình. Bởi lẽ, muốn rải tờ rơi, trước hết kẻ xấu sẽ phải phô tô thành nhiều bản, muốn có áo in hình cờ Tổ quốc hoặc khẩu hiệu kêu gọi biểu tình phải đến các tiệm in, tiệm vải… Cho nên, lực lượng công an đã tiếp cận, liên kết với các chủ tiệm để tố giác tội phạm”.

Trên thực tế, biện pháp này đã phát huy hiệu quả tích cực. Khoảng 19 giờ ngày 8-6, khi có người đặt photocopy 3.300 tờ giấy khổ A4 có nội dung kích động biểu tình phản đối Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, chủ tiệm phô tô đã bí mật báo cho công an địa phương biết. Nhờ vậy, công an tỉnh kịp thời có mặt bắt quả tang đối tượng Nguyễn Đình Thành, sinh năm 1991, bác sĩ, làm việc tại Trung tâm Y tế thị xã Thuận An; ngăn chặn được hành vi tán phát tài liệu, không để tác động xấu đến CN và quần chúng trên địa bàn. Qua điều tra cho thấy, đối tượng này nhận sự chỉ đạo của một đối tượng ngoài nước; trao đổi thông tin với hai đối tượng ngoài tỉnh.

Từ sự tuyên truyền, vận động của lực lượng chức năng nên ý thức cảnh giác của quần chúng nhân dân, chủ nhà trọ... được nâng lên rõ rệt. Chỉ cần phát hiện CN nghỉ làm việc, tụ tập bàn tán, mua nhiều cờ, băng rôn, trang phục lạ… là chủ nhà trọ báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương. Công tác kiểm tra tạm trú, tạm vắng cũng được tiến hành thường xuyên để kịp thời phát hiện đối tượng lạ mặt.

Ngoài ra, ở khu công cộng, nơi trọng yếu và những vị trí có thể tụ tập đều được gắn camera an ninh. Công an tỉnh còn vận động được nhiều DN gắn camera quan sát, tạo thuận lợi cho việc nắm tình hình, bảo vệ an toàn công ty. Đội ngũ cán bộ công đoàn cũng tăng cường phối hợp với chủ DN để quản lý CN, nắm diễn biến tư tưởng và tuyên truyền, vận động CN chấp hành nghiêm pháp luật, không tham gia tụ tập đông người, biểu tình, bạo động. Theo anh Nguyễn Hoàng Phi, cán bộ công đoàn Công ty TNHH Astro Engineering Việt Nam (KCN Đồng Anh, thị xã Thuận An), trong công ty thì có cán bộ công đoàn với chủ DN để bảo vệ CN, bảo vệ tài sản của DN, giữ cho CN không vi phạm pháp luật, ngoài công ty thì có lực lượng công an và các ngành chức năng chủ động nắm bắt tình hình để xử lý triệt để. Biện pháp này mềm dẻo nhưng rất hiệu quả, được chủ DN ủng hộ nên cán bộ công đoàn có nhiều thuận lợi trong việc nắm chắc diễn biến trong công ty, không để xảy ra sự cố đáng tiếc.

Quyết đoán chỉ huy, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Thấy rõ tác hại khôn lường của việc tuần hành, biểu tình, gây rối, bạo động, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương thống nhất quan điểm: Kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu-dập tắt mọi nguy cơ, dấu hiệu, hiện tượng liên quan. Trong quá trình đó, công tác chỉ huy phải được vận hành quyết đoán, mạnh mẽ, không trông chờ, thụ động. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là người trực tiếp chịu trách nhiệm cao nhất trong việc chỉ đạo thực hiện các biện pháp thích hợp để giữ vững an ninh trật tự địa bàn.

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Đại tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho rằng, việc một số địa phương để diễn biến tình hình phức tạp trong ngày 10 và 11-6 có một phần nguyên nhân từ sự thiếu nhất quán phương châm "4 tại chỗ"; nhất là vấn đề chỉ huy tại chỗ.

Rút kinh nghiệm sâu sắc từ thực tiễn, trong xử lý tình hình diễn ra vào đầu và giữa tháng 6-2018, từ Tỉnh ủy, UBND, các ngành, các cấp mà trực tiếp là công an tỉnh chủ động triển khai các phương án không trông chờ, thụ động. Thậm chí, khi xử lý dứt điểm từng việc, từng tình huống, người chỉ huy mới báo cáo lên trên. Người chỉ huy theo chức trách, nhiệm vụ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhằm mục tiêu cao nhất là bảo đảm sự ổn định, giữ được đảng viên, CN, quần chúng, không để bị kẻ xấu lôi kéo, kích động gây rối.

Trước thời điểm xảy ra sự cố ở Bình Thuận và một số tỉnh, thành phố, tại Bình Dương cũng xuất hiện các trường hợp phát tờ rơi, điều khiển xe mô tô cầm cờ Tổ quốc kéo đến cổng DN kích động CN… nhưng đều bị lực lượng chức năng xử lý dứt điểm một cách nhanh chóng. Thượng tá Nguyễn Tấn Vũ cho rằng, việc phân biệt rõ đâu là CN, NLĐ với đâu là đối tượng kích động gây rối giúp cho cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kiên quyết, mạnh tay để trấn áp hiệu quả.

Bám sát quan điểm chỉ đạo chung của tỉnh, thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh Bình Dương đã phối hợp chặt chẽ với công an tỉnh nắm chắc tình hình, huy động lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng hỗ trợ xử lý nếu sự cố xảy ra. Đại tá Ao Tấn Tài, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Sự quyết đoán của người chỉ huy, dám làm, dám chịu trách nhiệm được thể hiện rõ nét trong việc huy động lực lượng dân quân, tự vệ túc trực thường xuyên. Theo đó, ngay từ ngày 6-6, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh đã ra lệnh triển khai lực lượng, tập hợp anh em dân quân, dự bị động viên sẵn sàng thực hiện phương án ứng phó, mặc dù việc huy động lực lượng này kèm theo rất nhiều khoản chi phí lớn. Thế nhưng, chúng tôi vẫn thống nhất duy trì đến khi ổn định tình hình, bởi dù có tốn kém nhưng giữ vững an ninh trật tự địa phương vẫn tốt hơn xảy ra bạo loạn, đập phá”.

Cùng với các biện pháp chỉ đạo kiên quyết, xử lý dứt điểm và chủ động ứng phó, Đại tá Trần Minh Hải, Trưởng phòng Công tác Chính trị Công an tỉnh Bình Dương còn chia sẻ một kinh nghiệm hay trong công tác tuyên truyền, vừa trấn an dư luận, vừa có tác dụng răn đe đối với những ý tưởng tụ tập tuần hành. Đó là, trong khi truy bắt, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật, công an tỉnh mời báo chí, truyền thông về ghi hình, chụp ảnh, cung cấp tư liệu để tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, kêu gọi nhân dân không mắc mưu kẻ xấu, thể hiện lòng yêu nước một cách sáng suốt… Nhờ những thông tin, hình ảnh truyền thông mà nhiều đối tượng từ bỏ ý định kích động gây rối; quần chúng nhân dân nhận rõ trách nhiệm của mình, không vi phạm pháp luật.

PHI HÙNG - TẤN TUÂN - TRỊNH DŨNG - HOÀNG THÀNH

(còn nữa)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/bai-2-ket-hop-giua-mem-deo-va-cung-ran-dap-tat-muu-do-bao-loan-tu-luc-manh-nha-553995