Bài 2: Hợp sức để đấu tranh

Kinthedothi - Tình trạng vi phạm bản quyền đang là vấn đề nan giải đối với các cơ quan báo chí từ nhiều năm qua. Trao đổi với Kinh tế&Đô thị, TS Trần Bá Dung - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo, cơ quan báo chí cần hợp sức để bền bỉ đấu tranh ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền gây bức xúc thời gian qua.

 TS Trần Bá Dung - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam

TS Trần Bá Dung - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam

Với sự phát triển của mạng xã hội, tình trạng vi phạm bản quyền còn tăng mạnh về số lượng với nhiều cách thức tinh vi hơn nhiều. Ông có nhận định thế nào về thực trạng này?

- Thực tế, sự sao chép, đánh cắp bản quyền các tác phẩm báo chí ngày càng nhiều hơn, đặc biệt xảy ra ở các trang tin điện tử, trang tin tổng hợp, blog cá nhân, mạng xã hội... Thực trạng này đã được đề cập, phản ánh trên các diễn đàn và công luận. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại vẫn đang là vấn đề nan giải. Đối với nhà báo, mỗi sản phẩm báo chí chính là kết quả lao động không hề dễ dàng, là đứa con tinh thần.

Nếu các tác phẩm được sinh ra mà không có sự bảo vệ và bị đánh cắp sẽ là sự bất công lớn không chỉ với nhà báo mà còn đối với các cơ quan báo chí. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng, nguồn thu nhập từ quảng cáo của các cơ quan báo chí mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới thái độ, đạo đức, giá trị nghề nghiệp cũng như vấn đề an ninh mạng trên nền tảng xuyên biên giới.
Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng đánh cắp bản quyền là sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm báo chí còn chưa nghiêm. Bản thân mỗi nhà báo cũng nhiều hạn chế khi vận dụng pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Hiện tại, nhiều trang tin, mạng xã hội được lập ra với mục đích cóp nhặt các bài viết mang tính chất vụ việc từ các cơ quan báo chí chính thống và dùng nội dung này để o ép, mời gọi quảng cáo từ DN. Liệu có phải chính từ sự quản lý lỏng lẻo của phía cơ quan Nhà nước trong việc cấp phép trang mạng nên tình trạng trên mới diễn ra?
- Chúng ta không thiếu các điều luật và cơ sở pháp lý trong việc quản lý, cấp phép trang tin điện tử, tạp chí điện tử. Pháp luật đã có chế tài xử phạt trong Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin và có những điều khoản, quy định chi tiết nhằm cảnh báo, ngăn ngừa, phát hiện và xử phạt những hành vi vi phạm. Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đều có những quy định về pháp luật, đạo đức nghề nghiệp ngăn ngừa và xử lý tình trạng này. Tuy nhiên, cần sự chung sức của xã hội vì nhiều khi việc vi phạm diễn ra tại cơ sở, DN, rất tinh vi, khó phát hiện nếu không có tai mắt của người dân.

Các cơ quan báo chí cần hợp sức để đấu tranh ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền.

Các blog cá nhân hay mạng xã hội không phải trải qua quy trình kiểm tra, kiểm chứng thông tin, không phải hoạt động theo giấy phép giống như báo chí và thậm chí người dùng có thể thấy sao nói vậy, nghĩ sao viết vậy. Vì vậy, không loại trừ việc cóp nhặt, sao chép, vay mượn, lợi dụng nội dung thông tin từ các cơ quan báo chí nhằm mục đích trục lợi.
Nhiều cơ quan báo chí bị các tài khoản mạng xã hội, Facebook, YouTube hay các trang web “3 không”: Không rõ nguồn gốc, không rõ cơ quan chủ quản, không có giấy phép lấy cắp tin bài nên gặp khó trong quá trình xử lý. Ông có đề xuất gì cho các cơ quan báo chí để xử lý tình huống này?
- Việc phát hiện những vi phạm nêu trên hiện nay không khó khăn. Bằng cách sử dụng công nghệ cao với những phương tiện, thiết bị rà quét thì việc phát hiện ra vi phạm là chuyện trong tầm tay. Theo tôi, các cơ quan báo chí cần có người, bộ phận chuyên theo dõi vấn đề này, chứ không để từng nhà báo khi bị vi phạm mới phản ánh. Cần coi việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí là bảo vệ tài sản trí tuệ của nhà báo, của cơ quan chí, vì sản phẩm báo chí là sản phẩm có tổ chức của tập thể.
Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao cần gia tăng mức độ xử phạt và tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử phạt ngay lập tức để loại bỏ, ngăn chặn hiện tượng cóp nhặt, sao chép tin bài tràn lan, gây ảnh hưởng tới hoạt động báo chí, gây bức xúc cho giới nhà báo, phóng viên và xã hội. Mỗi cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên khi phát hiện thấy những bài viết, nội dung, đề tài bị đánh cắp, sao chép thì cần thu thập đủ chứng cứ, dữ liệu để phản ánh ngay về vấn đề vi phạm bản quyền. Từ đó cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật có cơ sở để xử lý.
Nhiều cơ quan báo chí có cùng chung nhận định cần thành lập một cơ quan chuyên trách, phải gồm cả các chuyên gia pháp lý xử lý vấn đề vi phạm bản quyền. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
- Nếu có một cơ quan chuyên trách để xử lý vi phạm bản quyền dành riêng cho lĩnh vực báo chí thì đây là một điều tốt và nên làm. Ví dụ trong lĩnh vực âm nhạc, có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, dành cho các tổ chức, DN, cá nhân sử dụng âm nhạc để kinh doanh… Chúng ta có tổ chức Hội Nhà báo từ T.Ư đến địa phương. Tại Điều 8.

Luật Báo chí 2016 có quy định rõ các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam, trong đó có nội dung bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; tham gia giám sát việc tuân theo pháp luật về báo chí. Tuy nhiên, Hội không có lực lượng chuyên trách để phát hiện và xử lý theo luật về việc vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí mà chỉ phối hợp. Vì vậy, rất cần thiết thành lập một đơn vị, hoặc tổ chức có tư cách pháp nhân để bảo vệ tác quyền của nhà báo, phóng viên.
Cách đây 10 năm, từng có một ký kết thỏa thuận giữa 5 tờ báo lớn trong việc chia sẻ thông tin, cho phép sử dụng nguồn tin, dữ liệu bài viết của nhau nhưng tiếc là không được lâu bền. Nếu có tổ chức tương tự như vậy sẽ rất tốt bởi có thể cùng tạo ra một bản giao ước giữa cơ quan báo chí. Đồng thời, các cơ quan báo chí cần phải cam kết mạnh mẽ không vi phạm vấn đề bản quyền của nhau, giúp nhau phát hiện việc vi phạm.
Khi có hiện tượng vi phạm bản quyền, các cơ quan báo chí cần hình thành bộ phận chuyên trách, cập nhật dữ liệu lưu vết những vi phạm, đối chiếu thông tin, có kiến nghị bằng văn bản gửi lên cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xử lý.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(còn nữa)

Hà Thanh (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bao-dong-tinh-trang-vi-pham-ban-quyen-bao-chi-bai-2-hop-suc-de-dau-tranh-415724.html