Bài 2: Hậu quả rất lâu dài và khó khắc phục

Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, điều mấu chốt là cần có những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn để tránh nguy cơ xâm hại diễn ra. Những hành vi xâm hại tình dục mà trẻ em là nạn nhân sẽ để lại hậu quả rất lâu dài và khó khắc phục.

Theo một thống kê khác của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH), mỗi năm nước ta có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỉ lệ cao là 21,3%; gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm.

Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý cho nên con số nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Trước những vụ việc xâm hại trẻ em mới được phanh phui, bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) nhận định, đây không phải là vấn đề mới trong xã hội, nhưng chưa được mọi người quan tâm đúng mức.

“Với quan niệm xã hội, định kiến xã hội liên quan vấn đề giới, trẻ em chưa được quan tâm đúng mức trong khoảng thời gian dài. Vì vậy, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em được phanh phui gần đây là cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ, phụ huynh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội”, bà Linh nói.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cùng trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Thu Thủy cho biết, trẻ em là những người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý. Vì vậy, khi trẻ bị xâm hại tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài không chỉ cho trẻ em mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình trẻ bị xâm hại và cộng đồng xã hội.

Hậu quả lớn nhất khi trẻ bị xâm hại tình dục là trẻ tổn thương về tinh thần và ảnh hưởng đến tương lai, dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hòa nhập với xã hội và đặc biệt là tổn thương về sức khỏe thể chất.

Việc bị xâm hại tình dục trong khi các đặc điểm sinh học, thể chất chưa hoàn thiện có thể gây ra những tổn thương nặng nề tại bộ phận sinh dục: Bị nhiễm trùng đường tiết niệu, chảy máu kéo dài ở bộ phận sinh dục hoặc các tổn thương thể chất khác như đau bụng, đau đầu, mất ngủ… Trẻ có thể bị nhiễm các bệnh xã hội, bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS.

Với các em nữ việc bị xâm hại tình dục có thể khiến các em mang thai ngoài ý muốn gây nguy hiểm cho bản thân và thai nhi vì cơ thể các em chưa phát triển hoàn chỉnh hoặc là nguyên nhân dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản và hạnh phúc gia đình của các em về sau. Nhiều trường hợp xâm hại tình dục đi kèm với bạo lực đã dẫn tới tử vong.

Cũng theo chuyên gia tâm lý Lê Thu Thủy, nhiều trẻ sau khi bị xâm hại tình dục có sự hoảng loạn, xuất hiện các ảo giác bệnh lý, luôn có cảm giác bất an, giật mình, tưởng tượng ra hình ảnh kẻ xâm hại hay tiếng nói của kẻ xâm hại,...

Nghiêm trọng hơn, sau khi bị xâm hại tình dục không ít em có suy nghĩ tìm đến cái chết do bị sốc về mặt tinh thần. Các em rơi vào trạng thái hoảng sợ và cảm thấy bế tắc. Nhiều trường hợp, các em không dám kể với người khác, tố cáo đối tượng phạm tội một phần do xấu hổ, một phần khác do bị đe dọa dẫn tới gánh nặng tâm lý ngày càng nghiêm trọng.

Xâm hại tình dục còn có khả năng gây ra những lệch lạc giới tính cho các em. Khi các em nam bị xâm hại tình dục thì các em sẽ không phát triển tự nhiên về mặt sinh lý mà có nguy cơ bị lệch lạc về tình dục. Những ám ảnh về việc bị lạm dụng, đặc biệt là hành vi tình dục đồng giới sẽ khiến các em trở thành những người đồng tính luyến ái.

Có thể nói, những ảnh hưởng nguy hại của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trước hết tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, sự phát triển bình thường của trẻ về tâm lý, giới tính cũng như tương lai của các em sau này.

Bên cạnh đó, hậu quả mà hành vi này gây ra cho xã hội là không thể phủ nhận, đó là sự tấn công trực diện đến các nền tảng đạo đức xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong dư luận xã hội. Để phòng, chống hiệu quả loại tội phạm này, cần thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật cũng như sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng.

(Còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bai-2-hau-qua-rat-lau-dai-va-kho-khac-phuc-90099.html