Bài 2: Hàng loạt chứng cứ đã bị bỏ qua?

Trong 4 năm bị 'kết' tội, ông Nguyễn Công Phòng bị bắt giam 90 ngày. Các ông Dương Đức Thái, Hoàng Gia Thục đều bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, bị bắt giam hơn 70 ngày. Trong đó, ông Hoàng Gia Thục bị cách chức Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bình Xuyên.

Ông Nguyễn Đăng Thanh, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT là người khẳng định VKSND tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định đình chỉ điều tra với Phan Thị Liên

Để tìm hiểu khách quan vụ việc và đơn thư kêu cứu, khiếu nại của 3 công dân Nguyễn Công Phòng, Hoàng Gia Thục, Nguyễn Đức Thái, nhóm phóng viên chúng tôi đã đặt lịch làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) và Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bắc Ninh.

Nhiều điểm bất thường

Mặc dù trả lời với phóng viên là “mời các chị cứ về làm việc”, nhưng chúng tôi chờ đợi cả ngày tại VKSND đều không thể làm việc với phòng chức năng. Vị trưởng phòng 3 không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn, phòng làm việc vẫn sáng điện nhưng khóa cửa. Sau một hồi “chuyển” phóng viên đi lòng vòng, Thượng tá Nguyễn Đăng Thanh, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị phóng viên ghi rõ các tài liệu, văn bản đề nghị cung cấp đính kèm giấy giới thiệu, thẻ nhà báo phô tô, rồi sẽ thu xếp làm việc trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, sau khi ra khỏi Trụ sở Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra được 20 phút, ông Thanh điện thoại lại cho biết, hồ sơ đã chuyển sang VKSND, mời phóng viên sang VKSND làm việc; rằng quyết định đình chỉ đối với bị can Liên là do VKSND phát hành nên cũng mời nhà báo sang bên đó cung cấp (?!).

Còn Chánh Văn phòng TAND tỉnh Bắc Ninh thì cho chúng tôi biết, TAND tỉnh Bắc Ninh đã thụ lý vụ án ngày 5/12/2018. Vụ án hiện đang được xem xét trước khi đưa ra xét xử theo qui định. Đúng tội hay oan sai đối với 3 công dân nói trên còn đợi phán quyết của tòa án, nhưng nghiên cứu hồ sơ vụ việc, chúng tôi nhận thấy khá nhiều điểm bất thường.

Như chúng tôi đã nêu trong bài viết trước, ngày 30/11/2013, Phòng CSĐT tội phạm kinh tế chức vụ Công an tỉnh Bắc Ninh bắt quả tang 1 vụ vận chuyển gỗ lậu tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh. Chủ xe gỗ là Phan Thị Liên, người Bắc Giang.

Phải đến ngày 11/8/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Bắc Ninh mới ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/PC46 về tội “vi phạm các qui định về khai thác, bảo vệ rừng” và “giả mạo trong công tác" đối với các ông, bà Nguyễn Công Phòng, Phan Thị Liên, Hoàng Gia Thục, Nguyễn Đức Thái.

Vụ án đã có 2 lần tạm đình chỉ điều tra đối với cả 4 bị can vào tháng 7/2016 và tháng 11/2016. Mới đây nhất, ngày 14/7/2018, riêng bị can Phan Thị Liên đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Bắc Ninh ra quyết định đình chỉ điều tra. Tuy được điều tra trong thời gian dài như vậy nhưng nhiều tình tiết chính và chứng cứ gốc của vụ việc vẫn bị vùi lấp, nhiều tình tiết vẫn chưa được làm rõ.

Trở lại hồ sơ vụ việc, chúng tôi nhận thấy, cả 3 ông Phòng, Thục, Thái đều khai thống nhất vụ việc: Ngày 8/10/2013, 50m3 gỗ xẻ nghiến kèm hồ sơ nhập khẩu được Cty Trường An vận chuyển thẳng về kho của Cty Biên Giới. Trước đó, ngày 7/10, số gỗ này đã được kiểm duyệt thông quan tại cửa khẩu quốc tế Tây Trang và được công chứng bộ hồ sơ gốc tại Phòng Tư pháp tỉnh Điện Biên. Khi gỗ về đến nơi, ông Phòng đã báo cáo Hạt Kiểm lâm huyện Bình Xuyên xuống kiểm tra. Đoàn kiểm tra gồm 4 thành viên do ông Hoàng Gia Thục là Hạt trưởng xuống kiểm tra. Sau khi kiểm tra các giấy tờ, thấy có: Tờ khai hải quan điện tử số 33 ngày 7/10, Biên lai thu thuế đối với hàng hóa nhập khẩu (số 0026080) ngày 7/10, Biên lai thu tiền (số 055897) ngày 7/10, Phụ lục tờ khai hải quan điện tử, Tờ khai giá trị tính thuế hàng hóa nhập khẩu ngày 7/10, Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa số 159/2013 ngày 7/10, packing list và Hợp đồng mua bán gỗ số 21/HĐMB ngày 21/9 (giữa Cty Trường An với Cty Chanthanouphet của Lào). Đoàn kiểm tra đã yêu cầu bổ sung hồ sơ lâm sản cho đầy đủ gồm: Hợp đồng mua bán gỗ giữa Cty Trường An và Cty Biên Giới, hóa đơn GTGT xuất kèm lô hàng. 1 ngày sau đó, Cty Biên Giới báo cáo đã đủ hồ sơ bổ sung gồm Hợp đồng mua bán số 09/10/HĐMB ngày 9/10 và Hóa đơn GTGT số 0000258. Hạt Kiểm lâm Bình Xuyên đã tiến hành xác nhận lâm sản cho Cty Biên Giới; cấp Bảng kê lâm sản số 40 và 133, có thời hiệu sơ chế vận chuyển từ 9/10 đến 15/10 theo đúng qui định. Sau đó, cũng trong ngày 9/10, ông Phòng thanh toán tiền hàng giữa Cty Biên Giới và Cty Trường An bằng 1 ủy nhiệm chi tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Xuân, Bình Xuyên. Ngày 11/10, ông Phòng tiếp tục chuyển cho Cty Trường An số tiền 339.250.000 bằng ủy nhiệm chi tại ngân hàng nói trên, hoàn tất việc thanh toán tiền như thống nhất.

Ông Nguyễn Công Phòng khẳng định, Cty Biên Giới chỉ giao dịch với Cty Trường An 1 lần duy nhất này và toàn bộ hồ sơ, chứng cứ (gồm 10 tài liệu) đã được nộp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, kể cả biên lai chuyển tiền qua ngân hàng. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, cơ quan điều tra đã bỏ qua các chứng cứ này để kết luận việc Cty Biên Giới mua 50m3 gỗ của Cty Trường An vào ngày 16/12/2013. Ông Phòng bức xúc: “Dỡ 50m3 gỗ không thể làm kín, làm trộm được. Chúng tôi dỡ từ xe xuống kho hàng tại nhà cũng mất cả buổi sáng ngày 8/10. Cơ quan Cảnh sát điều tra cứ kết luận chúng tôi mua ngày 16/12 thì chúng tôi xin hỏi gỗ ở đâu, những ai là người bốc dỡ hàng? Vì sao chúng tôi không có gỗ, không có bằng chứng, nhân chứng về cuộc mua bán này? Vì sao tất cả hồ sơ vụ việc mua thật, bán thật của chúng tôi không được cơ quan điều tra xem xét đến?”.

Điều 195 Bộ luật Hình sự 1999 mà trang 11 bản cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Ninh viện dẫn không hề liên quan đến vụ án

Xuất hiện những “điểm mờ” cần điều tra rõ

Một trong những nội dung mà cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Ninh bị khiếu nại, đó là để quá nhiều người tham gia hay liên quan vụ án chưa được điều tra rõ hoặc được tách ra ở một vụ án khác.

Thứ nhất, trong toàn bộ vụ việc mua bán gỗ giữa Cty Trường An và Cty Biên Giới, sự xuất hiện của bà Phan Ngọc Thúy rất rõ rệt. Bà Thúy vừa là người môi giới, vừa là người giao hàng, vừa là người xác nhận kết thúc giao dịch (sau khi chuyển tiền). Tuy nhiên, cơ quan tố tụng chỉ xác định bà Thúy là người môi giới, còn người bán gỗ là người đàn ông tên Tình, quê ở Quảng Bình, hiện làm ăn ở Lào, không liên lạc được. Việc xác định có hay không người đàn ông tên Tình này và người này có vai trò như thế nào trong vụ án đã không được cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Ninh làm rõ, làm ảnh hưởng đến kết luận về vụ án.

Thứ 2 là vai trò của bà Nguyễn Thị Phương, Phó Giám đốc Cty Trường An. Bà Phương chính là người đàm phán bán lô gỗ hợp pháp cho ông Phòng. Đồng thời, bà Phương cũng là người hoàn thiện hồ sơ của lô gỗ (ký hợp đồng mua bán, xuất hóa đơn GTGT…). Trong diễn biến vụ việc, sau khi đã giao nộp các chứng cứ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, để phục vụ công tác quyết toán thuế, Cty Biên Giới có đề nghị Cty Trường An cấp lại xác nhận về vụ mua bán. Bà Nguyễn Thị Phương sang Hạt Kiểm lâm số 02 Thanh Trì, Hà Nội, xin Hạt trưởng Nguyễn Văn Ôn xác nhận cho lô 50m3 gỗ nghiến xẻ ngày 9/10/2013 là gỗ có nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp từ Lào, kèm theo Biên bản kiểm tra lâm sản số 00004563-BB/KTLS cho Cty Trường An xuất gỗ cho Cty Biên Giới, kèm theo bộ hồ sơ gỗ nghiến xẻ nhập khẩu photo đưa cho bà Nghĩa (vợ ông Phòng) đem về. Đây là bộ hồ sơ xin lại ngày 16/12/2013 cho ngày 9/10/2013 chứ không phải xác nhận lô gỗ tháng 11/2013. Như vậy, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 02 Thanh Trì, Hà Nội có xác nhận 2 lần trên cùng một lô hàng 50m3 gỗ nghiến xẻ là vi phạm quy định của Thông tư số 01/2012-TTBNN&PTNT hay không, chưa được cơ quan tố tụng làm rõ. Cụ thể, lần 1 xác nhận gỗ hợp pháp cho ngày 9/10/2013 (bà Phương đến xin xác nhận ngày 16/12/2013 theo hóa đơn GTGT số 0000258 ngày 9/10/2013) và lần 2 xác nhận gỗ hợp pháp xuất hàng ngày 16/12/2013 theo bảng kê số 56 theo Hợp đồng số 60 lấy ngày 6/10/2013. Cần phải lưu ý rằng, đây là bộ hồ sơ xin lại, vì ngày 16/12/2013 không có hồ sơ mua bán gỗ, không có sự giao dịch mua bán, không có 50m3 gỗ được bán. Như vậy đồng nghĩa với việc bỏ lọt người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tại sao chỉ đem ra xử tội có 3 người mà các đối tượng có liên quan lại được tách ra để điều tra riêng? Đây là "điểm mờ" quan trọng cần được cơ quan tố tụng điều tra làm rõ để đảm bảo tính khách quan, trung thực của vụ việc.

Một điểm bất thường khác nằm ngay tại cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Ninh mà chúng tôi nhận thấy, đó là tại phần kết luận, trang 11, cáo trạng viện dẫn Khoản 2, Điều 195 Bộ luật Hình sự năm 1999 để kết tội cho 3 bị can. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, Khoản 2, Điều 195 qui định về Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; hoàn toàn không liên quan đến vụ án này.

Thiết nghĩ, với nhiều điểm bất thường đến vậy, TAND tỉnh Bắc Ninh cần sớm trả lại hồ sơ vụ án để Cơ quan Cảnh sát điều tra và VKSND thể hiện rõ sự công tâm, khách quan và trách nhiệm của mình trước pháp luật, trước số phận của từng công dân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có tình tiết mới.

Đan Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/bai-2-hang-loat-chung-cu-da-bi-bo-qua_t114c39n143544