Bài 2: Giải phóng mặt bằng - cái bẫy 'kìm chân' dự án

Mặt bằng thi công được xác định là trở ngại lớn nhất, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các dự án đầu tư công (ĐTC). Khi không thể triển khai đúng tiến độ, dự án không có khối lượng để nghiệm thu, thanh quyết toán, do vậy mà ách tắc trong việc giải ngân vốn.

Vướng mắc mặt bằng cũng muôn hình vạn trạng, trong đó, tập trung chủ yếu ở cơ chế, chính sách đền bù, hỗ trợ, bố trí quỹ đất tái định cư, giải quyết sinh kế cho người dân.

Đường sắp thông xe vẫn vướng mặt bằng

Đầu tháng 12-2020, trên công trường xây dựng dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía đông đoạn Cao Bồ-Mai Sơn, công tác thi công bước vào giai đoạn tấp nập. Lượng lớn phương tiện, máy móc, nhân lực được huy động để đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng kế hoạch thông xe vào cuối năm 2021. Vậy nhưng, trên mặt bằng thi công dự án vẫn còn những vị trí bị vướng mặt bằng. Khu vực nhà xưởng của cơ sở sản xuất máy bơm Tấn Phát thuộc xã Yên Khang, huyện Ý Yên (Nam Định) án ngữ ngay chính tuyến khiến công trường bị chia cắt. Vướng mắc mặt bằng tại vị trí này xuất phát từ nguyên nhân cơ chế đền bù, hỗ trợ khi di dời nhà xưởng. Đây là dự án khá đặc biệt khi đi qua địa bàn hai tỉnh nhưng chủ đầu tư không phải là bộ, ngành Trung ương mà giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) Ninh Bình là đại diện chủ đầu tư. "Phạm vi dự án đi qua tỉnh nào thì do tỉnh đó phụ trách công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Với vị trí cần GPMB tại huyện Ý Yên, các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định chịu trách nhiệm xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ", ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông (Sở GTVT tỉnh Ninh Bình) chia sẻ. Để ban hành được phương án đền bù, hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất Tấn Phát mất khá nhiều thời gian do cần xác định giá trị từng thành phần, như: Nhà xưởng, máy móc và liên quan đến nhiều cơ quan chức năng trong lĩnh vực xây dựng, tài chính. Đến nay, sau nhiều nỗ lực của địa phương, vị trí mặt bằng của cơ sở Tấn Phát đã được giải tỏa khi chỉ còn vài tháng nữa dự án sẽ đến mốc tiến độ hoàn thành.

 Giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP Hải Phòng. Ảnh: AN ĐĂNG

Giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP Hải Phòng. Ảnh: AN ĐĂNG

Theo ông Nguyễn Quang Minh: Dự án Cao Bồ-Mai Sơn đi qua địa phận huyện Ý Yên (Nam Định) và các huyện Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư, TP Ninh Bình của tỉnh Ninh Bình, trong đó, một phần dự án mở rộng đoạn kết nối từ đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đến Quốc lộ 1. Công tác GPMB của dự án được thực hiện từ năm 2018, do đặc thù nhiều nhà dân nằm sát tuyến đường hiện hữu nên việc đền bù, giải tỏa mất nhiều thời gian, đến tháng 6-2020 đã cơ bản hoàn thành phần mặt bằng thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình. Trên công trường thi công dự án, nhiều hạng mục mới nhận bàn giao mặt bằng cách đây vài tháng, nhà thầu phải huy động nhân lực, phương tiện tăng cường để kịp tiến độ.

Ông Nguyễn Mạnh Tưởng, Chỉ huy trưởng công trình của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, một trong những nhà thầu tham gia dự án Cao Bồ-Mai Sơn cho biết: "Có những vị trí như trụ T3 của hạng mục cầu vượt nút giao Khánh Hòa, thuộc địa phận huyện Yên Khánh bị chậm bàn giao mặt bằng khoảng 3 tháng. Ngay khi được bàn giao công địa, đơn vị thi công đã tăng cường nhân sự, tập trung làm ngày, làm đêm để bù đắp thời gian chờ đợi. Ngoài ra, một số vị trí nền đất yếu phải gia tải nhưng vì vướng mắc mặt bằng nên thời gian thi công kéo dài".

Bộn bề nỗi lo khi vào diện giải tỏa

Các dự án về hạ tầng giao thông thường có phạm vi mặt bằng rộng, trải dài qua nhiều địa phương, do vậy, công tác GPMB thường phức tạp. Cũng trên tuyến đường cao tốc Bắc-Nam, cuối tháng 9-2020, dự án thành phần đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 đã được khởi công. Tuy nhiên, mặt bằng dự án vẫn bị chia cắt bởi những đoạn gặp vướng mắc chưa giải phóng được, xen kẽ trên toàn tuyến theo kiểu "xôi đỗ". Là một trong những nhà thầu tham gia dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45, Công ty CP tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi đã huy động máy móc, phương tiện để bắt đầu công tác đào đắp, chuẩn bị thi công nền móng. Mặc dù vậy, mới chỉ khoảng 60% diện tích mặt bằng đáp ứng điều kiện thi công, một số vị trí đã nhận bàn giao nhưng không mở được đường công vụ đi vào. Ông Lê Doãn Bắc, Chỉ huy trưởng công trình của nhà thầu Cường Thịnh Thi cho biết: "Nan giải nhất là phần đất của dự án đi qua nông trường Hà Trung (xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), một số hộ dân đang sinh sống và làm việc tại nông trường chưa đồng thuận với phương án đền bù nên chưa chấp nhận di dời.

Tìm hiểu thực tế tại nông trường Hà Trung, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các hộ dân về cơ chế, chính sách đền bù, hỗ trợ đền bù, GPMB còn không ít bất cập. "Theo thông báo của huyện Hà Trung, gia đình chúng tôi được đền bù hơn 190 triệu đồng gồm nhà và gần 4.000m2 đất sản xuất. Phương án đền bù của huyện không tính cho gia đình tôi diện tích 250m2 đất mà gia đình đang ở do nông trường cấp, chỉ đền bù phần nhà và nông sản với giá đền bù 8.500 đồng/m2 trồng dứa. Chúng tôi cũng không được bố trí đất tái định cư. Với 190 triệu đồng, chúng tôi không mua nổi mảnh đất, cũng không thể mua nhà ở đâu để ổn định cuộc sống", chị Dương Thị Năm (xã Hà Long, huyện Hà Trung) lo lắng nói.

Trong khu vực nông trường Hà Trung hiện còn 18 hộ dân chưa đồng ý di dời, bàn giao mặt bằng cho dự án xây dựng đường cao tốc. Trò chuyện với chúng tôi, những người dân chưa đồng ý di dời để bàn giao mặt bằng cho dự án đều bày tỏ lo lắng bởi nếu nhường đất cho dự án, họ chưa biết đi đâu, về đâu khi số tiền đền bù, hỗ trợ nhận được không đủ để tạo lập nơi ở mới. Cùng với đó, khi không còn đất sản xuất, sinh kế cho tương lai cũng là bài toán nan giải. Bày tỏ ủng hộ chủ trương phát triển hạ tầng giao thông để thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương, những gia đình có đất thuộc diện giải tỏa đều cho biết sẵn sàng bàn giao mặt bằng phục vụ thi công. Nhưng nguyện vọng của họ là được bố trí tái định cư, tạo điều kiện sớm ổn định cuộc sống.

Chúng tôi mang những băn khoăn của các hộ dân tại nông trường Hà Trung đi tìm câu trả lời thì được vị đại diện Công ty TNHH Nông-công nghiệp Hà Trung, đơn vị quản lý nông trường cho biết, khó khăn nhất để giải quyết kiến nghị của các trường hợp hộ dân đang sinh sống ở nông trường là nhà ở nằm trên đất nông nghiệp, hiện trạng đã tồn tại từ lâu, có những vấn đề do lịch sử để lại. Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho hay, đất trong phạm vi nông trường là đất thuê của Nhà nước, nguồn gốc là đất trồng cây lâu năm, không phải đất ở. Do vậy, huyện không có căn cứ để bồi thường cho các hộ dân theo đất ở, chỉ bồi thường phần công trình, cây cối, hoa màu. Huyện Hà Trung đã có kiến nghị với UBND tỉnh Thanh Hóa về các trường hợp tại nông trường Hà Trung, và cơ quan chức năng của tỉnh đang xem xét. "Đây là vấn đề khó, chính quyền địa phương phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Chúng tôi đã tìm hiểu hoàn cảnh của từng hộ dân và cũng kiến nghị, mong muốn cơ quan chức năng của tỉnh xem xét hỗ trợ cho người dân", ông Nguyễn Xuân Dũng bày tỏ.

Tìm phương án giải quyết thấu tình, đạt lý

Từ những trường hợp cụ thể như tại Ninh Bình, Thanh Hóa có thể thấy phần nào tính chất phức tạp của công tác GPMB. Đây là công việc mất nhiều thời gian, công sức, đặc biệt là tìm phương án giải quyết thấu tình, đạt lý. Trong lúc đó, dự án vẫn đình trệ vì không có mặt bằng thi công, ảnh hưởng đến toàn bộ quy trình giải ngân nguồn vốn đầu tư.

Nhìn nhận nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất đến tốc độ giải ngân vốn ĐTC hiện nay là GPMB, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng: "Công tác này gặp ách tắc chủ yếu vì hai yếu tố, trước hết là khâu quy hoạch, vì khi cần mặt bằng để phục vụ công trình, dự án tức là tác động đến mục đích sử dụng của diện tích đất đó. Nếu mảnh đất cần thu hồi trùng với quy hoạch hiện có thì thuận lợi, nhưng nếu phải điều chỉnh sẽ tốn không ít thời gian vì những thủ tục liên quan đến quy hoạch". Bên cạnh đó, công tác GPMB cũng phát sinh vấn đề giải quyết hài hòa lợi ích, trong đó có lợi ích của Nhà nước, người dân và một số dự án có cả nhà đầu tư. Nếu không hài hòa lợi ích dễ dẫn đến khiếu kiện. Mỗi mảnh đất sẽ có những tình huống khác nhau, cần phải để xử lý từng trường hợp nên khó tránh khỏi ách tắc.

PGS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội thì cho rằng: "Khó khăn nhất trong việc xây dựng phương án GPMB là không xác định được rõ nguồn gốc của tài sản, đất đai. Khi nguồn gốc đất đai chưa rõ ràng, nếu quyết định đền bù đất và tài sản gắn liền với đất có thể dẫn đến trường hợp cán bộ làm công tác này vi phạm quy định của pháp luật. Những trường hợp này có thể sai vô tình vì không nắm được thông tin nhưng cũng không loại trừ do cố ý, thậm chí có trường hợp bắt tay nhau trục lợi. Thực tế đã có cán bộ làm công tác GPMB bị xử lý vì vi phạm pháp luật". Bên cạnh đó, theo PGS, TS Hoàng Văn Cường, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đền bù, GPMB là yếu tố khách quan, nhiều khi địa phương muốn thực hiện nhưng bị quy định bó buộc. Về nguyên nhân chủ quan, cần xác định trách nhiệm quan trọng, trực tiếp nhất trong thực hiện GPMB là của địa phương. Tiến độ công việc này nhanh hay chậm một phần do địa phương vào cuộc quyết liệt tới đâu, sâu sát tới đâu.

Để GPMB thuận lợi, cần phải tuyên truyền để người dân thuộc diện di dời, giải tỏa nhận thấy rõ lợi ích mà công trình mang lại cho cộng đồng; cùng với đó, lợi ích của họ, nguyện vọng chính đáng của họ, cuộc sống của họ được quan tâm giải quyết, chăm lo. Muốn vậy, từ người thiết kế chính sách, cho tới những người thực thi chính sách đều phải đặt mình vào vị trí của người dân, để lắng nghe, để cảm nhận, để thấu hiểu và hành động đúng.

(còn nữa)

HỒ QUANG PHƯƠNG - ĐỖ MẠNH HƯNG - VŨ THỊ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-2-giai-phong-mat-bang-cai-bay-kim-chan-du-an-647599