Bài 2: Gần dân, sát dân

Quá trình thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2-2-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về 'Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên' và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng đã chú trọng tháo gỡ những vướng mắc từ cơ sở, nhất là những vấn đề liên quan đến đông đảo người dân, từ đó từng bước đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong giải quyết những vụ việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc.

Cán bộ, đảng viên xã Yên Lễ (Như Xuân) lao động xây dựng bể bơi cộng đồng trên địa bàn xã. Ảnh: Phan Nga

Tăng cường đối thoại, lắng nghe dân

Thời gian qua, Huyện ủy Hà Trung đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở xây dựng kế hoạch tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và những vấn đề mà nhân dân quan tâm. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong xã hội. Ghi nhận tại buổi đối thoại của Thường trực Huyện ủy Hà Trung với cán bộ và nhân dân xã Hà Dương diễn ra vào đầu tháng 10-2017 cho thấy, đây thực sự là một diễn đàn dân chủ. Tại buổi đối thoại, người dân đã phát biểu thẳng thắn về những vấn đề đang bức xúc, lo lắng, liên quan đến lợi ích chính đáng của mình, như: Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai; chế độ, chính sách... Bằng tinh thần cầu thị, Thường trực Huyện ủy cùng với chính quyền địa phương đã lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, đề xuất của người dân. Đồng chí Bí thư Huyện ủy đã giải thích chủ trương của địa phương sẽ thực hiện kiên cố hóa những tuyến kênh cấp thiết, giải quyết nhu cầu tưới tiêu cho vùng chủ động sản xuất với diện tích lớn và phân tích rõ cho người dân hiểu vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới để chia sẻ với Nhà nước trong thực hiện các tiêu chí. Qua đó, nhiều vấn đề tại buổi đối thoại đã được người dân đồng tình.

Để tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại Khu du lịch biển Hải Tiến, đồng thời tổ chức lực lượng ra quân thực hiện đợt cao điểm giải tỏa lều quán, xe đẩy bán hàng rong vi phạm, ngày 11-5-2018, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa đã chủ động tiếp xúc, đối thoại với người dân xã Hải Tiến. Tại buổi đối thoại, người dân đã có hơn 30 ý kiến, kiến nghị với UBND huyện về tạo điều kiện cho người dân có nơi kinh doanh, buôn bán, quản lý xe điện, bến neo đậu tàu thuyền cho ngư dân, công tác quy hoạch Khu đô thị Hải Tiến, việc bảo đảm trật tự xây dựng... Các ý kiến của nhân dân đã được người đứng đầu chính quyền tiếp thu, trao đổi, giải trình làm rõ. Qua buổi đối thoại, lãnh đạo huyện Hoằng Hóa đã tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu đúng về chủ trương của huyện trong việc lập lại trật tự tại Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến là nhằm xây dựng Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến trở thành khu du lịch trọng điểm, văn minh, hiện đại, là điểm đến hấp dẫn của du khách; cũng là nhằm tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con. Qua buổi đối thoại, người dân đã hiểu và đồng thuận hơn với chủ trương của huyện.

Mới đây nhất, tại hội nghị đối thoại trực tiếp với nhân dân xã Hải Hà (Tĩnh Gia) vào trung tuần tháng 6 vừa qua do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng chủ trì, đã giải đáp những kiến nghị của người dân liên quan đến việc xây dựng Cảng container Long Sơn trên địa bàn. Tại buổi đối thoại, người dân xã Hải Hà kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề sau giải phóng mặt bằng; giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực cảng biển; diện tích khu neo đậu tàu thuyền không bảo đảm; giải quyết các vấn đề tồn đọng trong giải phóng mặt bằng xây dựng các dự án trên địa bàn xã... Qua buổi đối thoại, tỉnh cam kết sẽ đầu tư khu neo đậu tàu thuyền mới đủ diện tích, cơ sở vật chất đồng bộ, bảo đảm cho tàu thuyền neo đậu an toàn. UBND tỉnh sẽ đàm phán với chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 dành nguồn lực để tiếp tục nạo vét luồng lạch, bảo đảm cho tàu thuyền của bà con ra vào neo đậu. Đối với các vấn đề tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh sẽ thành lập tổ công tác, có trách nhiệm thường trực tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của nhân dân để giải quyết theo quy định. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, các cấp chính quyền luôn đồng hành và cam kết sẽ thực hiện kịp thời các ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Qua buổi đối thoại trực tiếp, người dân đã yên tâm hơn, tình hình tại cơ sở đã ổn định.

Đánh giá về hiệu quả công tác đối thoại của người đứng đầu với nhân dân, đồng chí Hoàng Khắc Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng, đây là kênh quan trọng để cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từ cơ sở. Nhờ tăng cường đối thoại mà nhiều vụ việc đã được giải quyết hiệu quả, nhất là những vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, đất đai, quản lý trật tự đô thị.

Cùng với đôn đốc các cấp ủy, chính quyền tăng cường đối thoại, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đến nay, theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa không còn vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Hiện nay Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho các cơ quan tham mưu dự thảo quy chế đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Việc tăng cường đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân sẽ góp phần phát huy dân chủ, giúp nhân dân tham gia đóng góp nhiều hơn vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, qua trao đổi, tìm hiểu tâm tư của người dân, cho thấy một vấn đề quan trọng được rất nhiều người đặc biệt quan tâm là “hậu đối thoại”. Việc thực hiện lời hứa với người dân được triển khai như thế nào sẽ khẳng định uy tín và năng lực của cấp ủy, chính quyền trong giải quyết thỏa đáng, hợp lý, hợp tình những vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống, đáp ứng được mong mỏi chính đáng của người dân.

Sửa đổi lề lối làm việc

Cùng với đổi mới phương thức lãnh đạo, hướng về cơ sở, các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm chấn chỉnh lề lối tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; coi trọng vai trò nêu gương, nhất là của người đứng đầu. Trước đây, cán bộ, công chức hội họp, ngồi bàn giấy nhiều thì nay đã dành nhiều thời gian đi cơ sở nắm tình hình và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn tại cơ sở, gương mẫu làm trước để làng nước theo sau.

Năm 2016, Huyện ủy Như Xuân ban hành Nghị quyết 03-NQ/HU về tiếp tục cải tạo vườn tạp gắn với phát triển cây ăn quả giai đoạn 2016 – 2020. Để thực hiện nghị quyết có hiệu quả, Huyện ủy, UBND huyện đã phát động phong trào thứ năm hàng tuần có 1/2 cán bộ, công chức (CBCC), viên chức cấp huyện về cơ sở, giúp đỡ nhân dân các thôn, bản cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đến nay việc làm này đã trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn toàn huyện. Tổng diện tích cải tạo vườn tạp của huyện đã đạt hơn 800 ha. Thiết thực hơn là qua giúp dân cải tạo vườn tạp, huyện Như Xuân đã lồng ghép, đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền. Các CBCC, viên chức dùng chính hiểu biết, nghiệp vụ chuyên môn của mình để giải đáp những vướng mắc của người dân liên quan đến đất đai, chế độ, chính sách... giúp người dân giải đáp những băn khoăn, khúc mắc, thậm chí tham gia hòa giải những mâu thuẫn nảy sinh giữa người dân do thiếu hiểu biết pháp luật, góp phần ổn định tình hình cơ sở.

Hướng về cơ sở “sát dân, sát địa bàn”, từ tháng 4-2018, huyện Quan Sơn đã triển xây dựng mô hình CBCC từ huyện đến xã về cơ sở tại 3 xã Trung Hạ, Sơn Lư, Tam Lư (được huyện gọi tắt là mô hình 3+1). Cụ thể, trong mỗi tháng CBCC trong huyện dành 3 tuần làm việc tại cơ quan, đơn vị và dành 1 tuần xuống các thôn, bản để nắm tình hình, hướng dẫn các cấp ủy cơ sở triển khai các nghị quyết, chỉ thị của các cấp đi vào cuộc sống. Đồng thời, cùng nhân dân tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, giữ vững an ninh chính trị, xây dựng hệ thống chính trị. Sau 3 xã Trung Hạ, Sơn Lư, Tam Lư, từ tháng 5, mô hình 3+1 được triển khai đồng loạt tại các xã, thị trấn, các thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện.

Về xã Định Hòa (Yên Định) hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” của một vùng quê nghèo. Những đổi thay đáng phấn khởi ấy bắt đầu từ sự nêu gương, làm trước của cán bộ, đảng viên. Đồng chí Ngô Văn Thuấn, bí thư đảng ủy xã cho biết: Nêu gương là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vì thế hàng năm từng thành viên đảng ủy, trưởng các đoàn thể đều lựa chọn nội dung, việc làm cụ thể, nói đúng và làm trúng. Trong quá trình thực hiện dồn điền, đổi thửa, cán bộ, đảng viên (CBĐV), người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trưởng các tổ chức đoàn thể tiên phong đi đầu nhận phần đất xấu, đất kém về mình để chuyển đổi sang mô hình nuôi cá – trồng lúa, trang trại, gia trại tổng hợp. Mỗi khi đảng ủy triển khai nghị quyết về phát triển sản xuất, như: Đưa giống cây, con mới hoặc chuyển giao khoa học kỹ thuật, các CBĐV rất hào hứng bắt tay thực hiện trước trên đồng ruộng nhà mình. Cứ như vậy qua từng mùa vụ, CBĐV luôn đi trước đã tạo thành nếp và làm có hiệu quả nên Định Hòa là một trong những địa phương đi đầu toàn huyện về hoàn thành dồn điền, đổi thửa (năm 2010); sản xuất giống lai F1(300 đến 350 ha); đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng (23 máy gặt đập liên hợp, 6 cơ sở sản xuất mạ khay...)... Năm 2014, Định Hòa đã về đích nông thôn mới trước sự vui mừng, phấn khởi của nhân dân trong xã. Từ đó đến nay, niềm vui ấy vẫn được cấp ủy, chính quyền và người dân duy trì, giữ vững để tiến tới xây dựng đạt xã kiểu mẫu.

Ở mỗi địa phương, đơn vị, việc sửa đổi lề lối tác phong công tác của CBĐV đều có cách làm khác nhau phù hợp với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhưng cái đích cuối cùng đều phải hướng đến quyền lợi của người dân, được nhân dân tin tưởng và lấy đó làm thước đo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, xếp loại lao động. Nhiều đơn vị đã phát động các phong trào thi đua hiệu quả, tiêu biểu: Công an tỉnh với phong trào thi đua “Xây dựng hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ công an Thanh Hóa bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, đẹp trong lòng dân”; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh có phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Hội Cựu chiến binh tỉnh hằng năm phát động phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, huyện Đông Sơn với phong trào thi đua phát huy giá trị truyền thống lịch sử văn hóa, xây dựng con người Đông Sơn “năng động, sáng tạo, thân thiện”,... Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, vận động để mọi CBĐV, công chức, viên chức nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phải sửa đổi lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bài 3: Tăng cường kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh.

Nhóm phóng viên Xây dựng Đảng - Nội chính

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/5impxw/new-article.aspx