Bài 2: Đồng Nai đi trước một bước

Năm 2006, UBND tỉnh đã có quy định thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó ưu tiên thu hút những dự án công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm. Do đi trước cả nước nên Đồng Nai đã trở thành nơi cung ứng nguyên liệu lớn cho ngành công nghiệp ở Việt Nam.

Sản xuất linh kiện máy móc tại Công ty CP Dong Jin Việt Nam, Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia. Ảnh: H.Giang

Sản xuất linh kiện máy móc tại Công ty CP Dong Jin Việt Nam, Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia. Ảnh: H.Giang

Thông tin từ UBND tỉnh cho biết, đến nay Đồng Nai có gần 610 doanh nghiệp (DN) CNHT sản xuất sản phẩm đầu vào cho ngành giày dép, dệt may, điện tử, cơ khí chế tạo... Các DN thuộc lĩnh vực CNHT trên địa bàn tỉnh có giá trị sản xuất chiếm hơn 21% tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp.

* Sớm thu hút DN ngành hỗ trợ

Hơn 30 năm trước, Đồng Nai là một trong những tỉnh đi tiên phong trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, đến năm 1995, các DN FDI mới hoàn thành các nhà máy, đi vào sản xuất và tạo ra được những chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế của tỉnh. Thu hút đầu tư vào tỉnh tăng nhanh, góp phần đưa Đồng Nai thành nơi có công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước. Thế nhưng, một vấn đề xảy ra và tỉnh sớm nắm bắt được là DN thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và hầu hết phải nhập khẩu. Vì thế, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp thấp, Đồng Nai chủ yếu hưởng phần gia công và giải quyết được việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài tỉnh.

Gần 14 năm trước, tỉnh đã có chủ trương mời gọi các DN đầu tư vào CNHT và khuyến khích DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các công ty, tập đoàn đa quốc gia tại Đồng Nai.

Theo Sở Công thương, tại Đồng Nai có gần 140 DN Việt đang sản xuất trên lĩnh vực CNHT, trong đó có gần 70% đã tham gia cung ứng được cho các DN FDI tại Việt Nam và xuất khẩu sang các nước thuộc khối ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu...

Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho biết: “Từ năm 2006, tỉnh bắt đầu thu hút đầu tư có lựa chọn kỹ, ưu tiên cho dự án CNHT, có công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Nhờ đó, năm 2014, tỉnh chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu và mỗi năm xuất siêu đều tăng. DN Việt đầu tư vào CNHT gia tăng”. Khi DN FDI đầu tư vào tỉnh, nhiều DN Việt được thành lập để gia công một số công đoạn cho họ. Thời gian qua đi, các DN Việt tự đổi mới, nâng cấp chuyển sang cung ứng một số sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp FDI.

Ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Khi mới thành lập, công ty chủ yếu gia công một số công đoạn cho các DN FDI trên địa bàn tỉnh. Gần 6 năm nay, công ty đầu tư thêm máy móc và sản xuất ra các thiết bị cung cấp cho các DN FDI trong nước và xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, hiện đang mở rộng ra các thị trường khác”.

* Thành vùng CNHT lớn

Đồng Nai đi trước cả nước trong thu hút đầu tư có chọn lọc và ưu tiên các dự án CNHT nên tỉnh sớm trở thành nơi cung ứng sản phẩm đầu vào lớn của cả nước và là một trong 5 tỉnh, thành xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Các DN Việt trên lĩnh vực CNHT chủ yếu là nhỏ và vừa nhưng từng bước tái cơ cấu nâng cao công tác quản lý sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng nước ngoài và từng bước trở thành nhà cung ứng trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, khoảng 4-5 năm trở lại đây, các công ty FDI đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực CNHT ngày một nhiều, chiếm 40-50% các dự án đầu tư mới hằng năm. Bên cạnh đó, nhiều công ty FDI và DN trong nước sau khi đầu tư vào CNHT thành công đã liên tục mở rộng đầu tư góp phần phát triển nguồn cung nguyên liệu cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Trí Minh, Chi hội trưởng Chi hội CNHT Đồng Nai cho biết: “Chi hội có hơn 30 thành viên đang sản xuất sản phẩm cung ứng cho các DN trong nước và xuất khẩu. Trong đó, nhiều DN tham gia vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn nước ngoài. Tuy gặp nhiều khó khăn về vốn, mặt bằng nhưng các DN trên lĩnh vực CNHT Việt không ngừng vươn lên, đầu tư máy móc sản xuất hiện đại để nâng công suất, chất lượng đáp ứng các đơn hàng của đối tác nước ngoài”.

Hiện nay, các DN Việt đã tham gia vào chuỗi sản xuất cho những tập đoàn đa quốc gia như: Samsung, Bosch, Changshin, Kenda, CP, Cargill, Nestlé, Vision, LG... Đồng thời, sản phẩm CNHT của DN Việt đã xuất ra nước ngoài cho nhiều công ty, tập đoàn nổi tiếng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italy...

Bà Quan Ngọc Liên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Mỹ (H.Vĩnh Cửu) cho hay: “Công ty sản xuất các loại nút áo cung cấp cho nhiều tập đoàn thời trang nổi tiếng tại Italy, Pháp, Anh... Sản phẩm của công ty làm ra đều được các tập đoàn nước ngoài bao tiêu đầu ra. Do đó, lúc đầu chỉ có 1 nhà máy sản xuất, hiện công ty đã mở thêm một số nhà máy khác để nâng công suất đáp ứng những đơn hàng lớn”.

Đồng Nai là nơi cung ứng sản phẩm CNHT cho nhiều công ty FDI trong cả nước và xuất khẩu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm CNHT của tỉnh chiếm hơn 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Riêng năm 2019, khoảng 10,2 tỷ USD và mức độ tăng trưởng của lĩnh vực này trên 7-8%/năm. Các DN tại Đồng Nai cũng liên tục đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất để từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi.

Uyển Nhi - Văn Thế

Bài 3: Từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202004/doanh-nghiep-viet-nganh-cong-nghiep-ho-tro-thoat-loi-nguyen-oc-vit-bai-2-dong-nai-di-truoc-mot-buoc-2999786/