Bài 2 - Di sản cần được bảo tồn trong cộng đồng

Nhiều thí dụ đã chỉ ra rằng, khi cộng đồng đã hiểu được giá trị di sản, di tích mà mình sở hữu, họ sẽ yêu mến và tìm cách bảo vệ bằng được những di sản đó. Nhưng làm thế nào để cho cộng đồng thấy và hiểu được, thì cần đến bàn tay của nhiều bên.

Người dân thôn Lai Xá luôn sát cánh với các cán bộ khảo cổ. Ảnh: CLB Nhiếp ảnh Lai Xá.

Người dân thôn Lai Xá luôn sát cánh với các cán bộ khảo cổ. Ảnh: CLB Nhiếp ảnh Lai Xá.

Di sản trong tay dân

Một thực tế cho thấy, các công trình kiến trúc cổ, di tích, di sản… ngay cả khi đã được Nhà nước xếp hạng, nhưng nằm tại địa phương, phục vụ mục đích và nhu cầu hằng ngày cho cộng đồng cư dân ở địa phương đó, thì coi như chịu sự quản lý trực tiếp và tức thì của chính cộng đồng ngay tại địa phương đó. Một ngôi đình, một ngôi chùa, ngôi đền… phục vụ nhu cầu tâm linh, tinh thần của cộng đồng, “tương tác” với cộng đồng nhanh, nhiều và gần gũi hơn nhiều so với các cấp quản lý. Chính vì thế, ý thức, ý muốn của cộng đồng luôn có tác động trực tiếp và ảnh hưởng mạnh mẽ đến di tích, di sản.

Những pho tượng đất sét có tuổi đời hàng trăm năm ở chùa Kính Phúc bị cất kho và thay thế bằng tượng gỗ mới. Ảnh: Internet

Chùa Kính Phúc, Hương Canh (Vĩnh Phúc) được xây dựng từ thời vua Lê Dụ Tông, năm 1706. Trải qua thời gian, chiến tranh… ngôi chùa cũ bị phá hủy và bị lấy mất nhiều hiện vật quý giá, rồi được dỡ đi và xây mới năm 2010. Điều đáng nói là ngôi chùa còn lại một hệ thống gồm 19 tượng bằng đất sét cổ, có niên đại hàng trăm năm tuổi, lâu nay vẫn được đặt trong chùa, kể cả khi xây xong chùa mới. Nhưng đến năm 2012, người ta quyết định thay thế toàn bộ 19 pho tượng cổ này bằng tượng gỗ mới. Anh Trần Ngọc Đông, người dân Hương Canh và cũng là thành viên nhóm Đình làng Việt chia sẻ: “Việc làm mới, thay mới này khiến cho khung cảnh quê hương quen thuộc trở nên xa lạ”.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, hàng nghìn di tích cổ đang đứng trước nguy cơ không chỉ hư hỏng, mối mọt… mà còn dễ bị trùng tu sai, bị biến dạng, bị sơn mới, bị đập bỏ… bởi công tác “mang danh trùng tu”.

Tại một cuộc tọa đàm về bảo tồn di sản do Tạp chí Tia Sáng tổ chức mới đây, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã lên tiếng về “ý thức cộng đồng” đối với di sản.

Theo TS Nguyễn Hải Hoành, ông vừa đi khảo sát sáu lần trong hai tháng vừa qua tại một loạt các di tích lịch sử đình, đền, chùa và nhận thấy rất nhiều di tích bị hoang phế hoặc bị trùng tu ẩu. Thí dụ của đình Văn Xá (Đức Lý, Lý Nhân, Hà Nam) và đình Lương Xá (Liên Bạt, Ứng Hòa) vừa bị sơn công nghiệp và bị xây mới bằng bê tông là những bài học chưa bao giờ cũ nhưng cũng không chắc sẽ chấm dứt trong tương lai.

Việc cộng đồng tùy tiện, thích làm gì thì làm đối với di sản, còn cơ quan quản lý ở xa “không cứu được lửa gần”, chỉ hay biết khi “sự đã rồi” vẫn còn khá phổ biến, và cũng là điều khiến cơ quan quản lý khá đau đầu.

Ngược lại, cũng có tình trạng người dân thờ ơ với di sản. Với lý do di sản do Nhà nước quản lý, người dân không quan tâm đến việc công trình xuống cấp, hư hại, thậm chí có nguy cơ đổ sụp, vì coi đó là trách nhiệm của nhà quản lý. Đó là thực tế, nhưng cũng cho thấy việc chỉ ra cho người dân hiểu rõ vai trò của chủ thể cộng đồng đối với di sản, cũng như của di sản đối với cộng đồng thực sự chưa được làm rõ.

Khi người dân giữ di sản

Việc người dân quyết bảo vệ khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối có lẽ là bài học quý giá nhất đối với hành trình gìn giữ di sản nói chung. Vườn Chuối chỉ là một bãi đất hoang ở thôn Lai Xá (xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) chưa hề được công nhận là di tích, nhưng chứa đựng bên trong đó là những câu chuyện lịch sử của 3.500 năm, từ thời Hùng Vương dựng nước. Điểm đặc biệt, là ở Vườn Chuối, có thể “đọc” ra được cuộc sống của người Việt cổ ở Hà Nội trải qua các thời kỳ Gò Mun, Đồng Đậu, Phùng Nguyên, Đông Sơn… Thế nhưng, Vườn Chuối cũng chịu những nguy cơ bị xâm phạm, lấn chiếm, xây dựng công trình mới như khu đô thị, đường vành đai…

Người dân thôn Lai Xá không chỉ chung tay bảo vệ mà còn trực tiếp tham gia một số công đoạn của việc khai quật khảo cổ ở Vườn Chuối. Ảnh: CLB Nhiếp ảnh Lai Xá.

Điều đáng nói ở đây là người dân thôn Lai Xá từ lúc ban đầu thờ ơ, sau đã hiểu và yêu mến những gì mình có trong tay, đã cố gắng đấu tranh giữ cho bằng được di chỉ khảo cổ này. Và cho đến nay, những nỗ lực của họ đã được đền đáp bằng cuộc khai quật khảo cổ chính thức theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Có được kết quả này, đầu tiên phải nói đến công lao “thuyết phục” người dân của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, người con của đất Lai Xá. Chính PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã giúp cho người dân thôn Lai Xá hiểu được giá trị của mảnh đất mang 3.500 năm lịch sử, yêu mến và quảng bá cho mảnh đất đó. Những nỗ lực của PGS.TS Nguyễn Văn Huy còn được hỗ trợ từ các chuyên gia khảo cổ như GS Lâm Thị Mỹ Dung, TS Bùi Hữu Tiến (Bảo tàng Nhân học, thuộc ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn)… Chưa có một di chỉ khảo cổ nào có trang fanpage, giới thiệu cặn kẽ và gần như cập nhật hằng ngày các hoạt động, sự kiện diễn ra tại khu di chỉ khảo cổ. Cũng chưa có một nơi mà người dân chung tay bảo vệ, canh gác, gìn giữ những di sản trong lòng đất chặt chẽ và đầy trách nhiệm như ở Vườn Chuối.

Nhưng không phải nơi nào cũng có được may mắn như khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, không phải thôn nào cũng may mắn như Lai Xá, có một người con tâm huyết như PGS.TS Nguyễn Văn Huy. Chính bản thân ông cũng cho biết, giữa bảo tồn và nhu cầu, nhận thức của cộng đồng, nhận thức của nhà quản lý địa phương luôn có mâu thuẫn. Do vậy, việc nâng cao nhận thức là rất cần thiết, mà ở đó cần tới vai trò của các cơ quan truyền thông.

Vấn đề là, cần phải có sự bài bản và tầm nhìn rộng trong việc truyền thông, tuyên truyền đối với người dân ở những vùng có di sản, di tích… Mà để làm được việc này, không chỉ mình cơ quan truyền thông, mà còn cần cả cơ quan quản lý các cấp, các cá nhân tâm huyết, các chuyên gia… Và phải thực hiện, chứ không chỉ nêu ra rồi để đấy. Đừng để tình trạng nhiều di sản vẫn ngày ngày “thoi thóp” không biết khi nào bị hạ giải, bị sơn mới, bị đập đi xây lại, hay bị xây các công trình mới lên trên… kéo dài.

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/40682702-bai-2-di-san-can-duoc-bao-ton-trong-cong-dong.html