Bài 2: Đề xuất 'cầu cứu' chi phúc lợi

Không chỉ 'nôn nóng' thực hiện Đề án xin tự chủ cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh khiến cán bộ, viên chức, người lao động tại bệnh viện rơi vào cảnh khó khăn…mà chỉ một thời gian ngắn sau tự chủ, lãnh đạo Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam lại gây bất ngờ khi có văn bản gửi Bộ Y tế 'cầu cứu' về việc chi phúc lợi và thu nhập tăng thêm cho đơn vị tự chủ từ nguồn sau chênh lệch thu chi của đơn vị, bất chấp sự phản đối của cán bộ, viên chức Học viện, thậm chí chưa có sự đồng thuận của tổ chức Công đoàn cơ quan.

Học viện đề xuất xin được..."giải cứu"

Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ mới tự chủ được hơn 1 năm thế nhưng, bộ mặt bệnh viện đã cho thấy sự “thay đổi ngược” so với kỳ vọng của lãnh đạo Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam (Học viện). Theo đó, đời sống của cán bộ, viên chức, người lao động tại bệnh viên không chỉ khó khăn chồng chất, mà còn cho thấy sự bất ổn trong nội bộ đơn vị.

Đặc biệt, trước những khó khăn của cán bộ, viên chức tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, ngày 16/7/2020, Học viện đã có công văn số 468/HVYDHCTVN-TCKT gửi Bộ Y tế xin ý kiến chỉ đạo về việc chi phúc lợi và thu nhập tăng thêm cho các đơn vị trực thuộc từ nguồn sau chênh lệch thu chi của đơn vị, trong đó có Bệnh viện Tuệ Tĩnh – bệnh viện thực hành đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính năm 2019.

Trước động thái này từ Học viện, nhiều người cho rằng, việc đề xuất “giải cứu” Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho thấy sự yếu kém trong lãnh đạo, sự nóng vội trong đề xuất tự chủ từ Học viện khi bệnh viện chưa đủ năng lực tài chính, chưa có kế hoạch nguồn tài chính dự phòng, dẫn đến khi tự chủ nguồn thu không đủ chi…

Đa số cán bộ, viên chức Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam không đồng tình với việc Học viện đề xuất sử dụng quỹ phúc lợi xã hội chia sẻ thu nhập tăng thêm với Bệnh viện Tuệ Tĩnh (đơn vị đã tự chủ từ tháng 6/2019)

Đa số cán bộ, viên chức Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam không đồng tình với việc Học viện đề xuất sử dụng quỹ phúc lợi xã hội chia sẻ thu nhập tăng thêm với Bệnh viện Tuệ Tĩnh (đơn vị đã tự chủ từ tháng 6/2019)

Từ đề xuất của Học viện, ngày 24/8/2020, Bộ Y tế đã có công văn số 4516/BYT-KHTC trả lời đơn vị và nêu rõ, do tình hình thực tế, đặc biệt là tác động của dịch bệnh Covid-19 dẫn tới nguồn thu tại đơn vị trực thuộc của Học viện bị giảm sút, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn cũng như thu nhập của cán bộ, công nhân viên chức.

Để đơn vị ổn định, duy trì được hoạt động thường xuyên và nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, căn cứ vào các quy định nêu trên, Bộ Y tế đồng ý về chủ trương với đề xuất của Học viện về việc chi phúc lợi và thu nhập tăng thêm cho người lao động tại các đơn vị trực thuộc, từ nguồn sau chênh lệch thu chi của Học viện (sau khi thực hiện trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp) theo nguyên tắc bảo đảm đúng tiêu chuẩn, định mức theo các quy định hiện hành, quy định cụ thể trong Quy chế chi tiêu nội bộ do Thủ trưởng đơn vị ban hành sau khi tổ chức thảo luận rộng rãi, dân chủ, công khai trong đơn vị và có ý kiến thống nhất của tổ chức Công đoàn đơn vị.

Trước công văn chấp thuận để Học viện “giải cứu” Bệnh viện Tuệ Tĩnh từ Bộ Y tế; không ít người lao động tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh tỏ ra vui mừng, nhưng nhiều người cũng cho rằng, đây không phải là sự “chia sẻ” mà là quyền lợi của họ được hưởng. Cụ thể như trong đơn kêu cứu trình bày, Bệnh viện Tuệ Tĩnh là đơn vị thực hành của Học viện, trong Quy chế hoạt động có căn cứ pháp lý. Học viện không thể hoạt động nếu không có bệnh viện. Từng viên chức được phân công công tác tại bệnh viện đều đang thực hiện nhiệm vụ chính trị là xây dựng Học viện, nên đều có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau…

Quyết định có trái luật?

Trái ngược với niềm vui của cán bộ, viên chức, người lao động tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh sau khi Bộ Y tế có văn bản chấp thuận theo đề xuất của Học viện trong việc chi phúc lợi và thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức Bệnh viện từ nguồn quỹ phúc lợi của Học viện; rất nhiều cán bộ, viên chức của Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam đã bày tỏ thái độ không đồng tình và cho biết, công văn mà Học viện gửi lên Bộ Y tế xin ý kiến chỉ đạo sử dụng nguồn sau chênh lệch thu chi của Học viện, thực chất chưa có sự đồng thuận của tổ chức Công đoàn cơ quan.

Theo trình bày của cán bộ, viên chức Học viện, trước khi Giám đốc Học viện gửi công văn xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Y tế, thì ngày 08/7/2020 Học viên đã tổ chức Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức năm 2020 (phiên bất thường) để lắng nghe ý kiến từ người lao động về dự thảo bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2020 của Học viên, trong đó đa số cán bộ, viên chức Học viện đề nghị làm rõ nội dung tại Điều 35 (trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính của các đơn vị trực thuộc với Học viện) và Điều 36 (Quyền lợi của các đơn vị trực thuộc) trong Quy chế.

Cụ thể tại Điều 36 ghi, các đơn vị trực thuộc Học viện khi có khó khăn về tài chính (có báo cáo giải trình), không thể chi trả thu nhập tăng thêm và phúc lợi do không đủ nguồn chênh lệch thu chi sẽ được xem xét hỗ trợ tiền phúc lợi và thu nhập tăng thêm từ nguồn chênh lệch thu chi của Học viện, sau khi đã thực hiện trích lập 25% Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp theo quy định…Dự kiến, Học viện sẽ chia sẻ với Bệnh viện Tuệ Tĩnh về thu nhập tăng thêm với mức 0,5%.

Trước dự thảo bổ sung này, nhiều cán bộ, viên chức Học viện đã không đồng tình và yêu cầu làm rõ xem đây có phải là Quy định của Bộ Tài chính về việc chia sẻ tài chính giữa các đơn vị độc lập thu chi hay không? Nếu có thì ở khoản mấy, Nghị định nào, liệu đây có phải là Quy định trái phát luật?. Tại Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức 2020 (phiên bất thường), bà Trần Thị Kim Tuyến – Trưởng phòng Tài chính Kế toán Học viện cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của Giám đốc Học viện là ông Đậu Xuân Cảnh về dự thảo quy chế trên, phòng Tài chính Kế toán đã nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, hiện chưa có văn bản pháp lý nào quy định cụ thể về vấn đề trên.

“Vì chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể, chi tiết nên phòng Tài chính Kế toán cũng đã tham vấn một số cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này. Theo đó, cán bộ tại Kiểm toán Nhà nước cho biết việc chia sẻ trên là không đúng vì lý do, mặc dù là đơn vị trực thuộc nhưng Bệnh viện Tuệ Tĩnh là đơn vị tài chính độc lập, đã tự chủ chi thường xuyên. Còn về phía cơ quan chủ quản là Bộ Y tế, có ý kiến trả lời giống như ý kiến của Kiểm toán Nhà nước và có ý kiến cho rằng để thực hiện việc chia sẻ như nêu trên phải thông qua Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, nếu đa số đồng ý thì sẽ bổ sung vào Quy chế chi tiêu nội bộ của Học viện…”, bà Kim Tuyến trình bày tại Hội nghị.

Trước câu trả lời của Trưởng phòng Tài chính Kế toán của Học viện, nhiều cán bộ, viên chức Học viện cho rằng, họ sẵn sàng và đồng thuận chia sẻ khó khăn với bệnh viện, nhưng phải đúng theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, 25% nguồn sau chênh lệch thu chi từ các đơn vị trực thuộc trích nộp về Học viện không phải góp vào quỹ chi thu nhập tăng thêm, mà là góp vào quỹ phát triển của Học viện. Do đó, hoàn toàn thu nhập tăng thêm của các đơn vị trực thuộc đều do Học viện gánh vác hết…

Còn nữa...!

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bai-2-de-xuat-cau-cuu-chi-phuc-loi-113205.html