Bài 2: Để sáng tạo thi đua và thi đua sáng tạo (Tiếp theo và hết)

Để Phong trào thi đua 'Lao động giỏi, lao động sáng tạo' trong Quân đội có sức lan tỏa rộng khắp, hiệu quả thì nguyên nhân hàng đầu chính là sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; trong đó sự nêu gương sáng tạo của cán bộ chủ trì, chủ chốt có ý nghĩa dẫn dắt, định hướng hết sức quan trọng.

Truyền thống là động lực sáng tạo

Để “khơi lửa” cho tinh thần sáng tạo của mỗi cán bộ, người lao động (NLĐ), Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã lấy ngày 1-6 hằng năm (ngày thành lập Tập đoàn) là “Ngày sáng tạo Viettel”. Nhờ đó, Viettel đã khéo gắn kết lòng tự hào về truyền thống của cán bộ, NLĐ với hành động thực tiễn ở thời điểm hiện tại, nhất là tinh thần sáng tạo.

Càng tự hào, trân quý truyền thống thì càng phải sáng tạo để mỗi người, mỗi tổ chức liên tục đổi mới, phát triển với phương châm "ngày hôm nay khác với ngày hôm qua". Chính vậy, ngày truyền thống-“Ngày sáng tạo” chính là dịp Viettel tổ chức đánh giá kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo; đồng thời tôn vinh, khen thưởng những giải pháp, sáng kiến tiêu biểu xuất sắc.

Cán bộ Nhà máy A31 (Quân chủng Phòng không-Không quân) kiểm tra, nghiệm thu sản xuất vật tư tại Trung tâm Công nghệ cao của Nhà máy.

Cán bộ Nhà máy A31 (Quân chủng Phòng không-Không quân) kiểm tra, nghiệm thu sản xuất vật tư tại Trung tâm Công nghệ cao của Nhà máy.

Còn tại Nhà máy Z121 (Công ty TNHH MTV Hóa chất 21) thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, ngay tại lễ phát động thi đua đầu năm, từng cá nhân, tổ chức quần chúng chủ động tham gia đăng ký hưởng ứng, xác định rõ những mục tiêu sáng tạo của từng bộ phận, cá nhân. Đơn vị đặt ra yêu cầu rất cao, ví như để đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cuối năm có rất nhiều tiêu chí, trong đó bắt buộc phải có một đề xuất, sáng kiến hoặc giải pháp được Hội đồng sáng kiến nhà máy công nhận và có tính ứng dụng vào thực tiễn...

Lý giải điều này, Đại tá Chu Việt Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Hóa chất 21, nhấn mạnh: “Xác định ý tưởng, sáng kiến là một trong những giải pháp quan trọng góp phần tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh trong các doanh nghiệp trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của doanh nghiệp, Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy đã cụ thể hóa thành các tiêu chí, gắn với đánh giá, bình xét thi đua-khen thưởng hằng năm. Qua đó, cán bộ, đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ), NLĐ nhà máy xác định rõ thái độ, động cơ phấn đấu sáng tạo”.

Không riêng hai đơn vị trên mà tại những nơi chúng tôi khảo sát, tìm hiểu, đội ngũ cán bộ, ĐVCĐ, NLĐ đều thống nhất nhận thức: Muốn phong trào thi đua đạt hiệu quả, trước tiên phải làm cho ĐVCĐ, NLĐ hiểu được mục đích, ý nghĩa của phong trào, ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển chung của đơn vị. Có nhận thức đúng mới có hành động đúng, phong trào mới đi vào chiều sâu, thực sự thấm, ngấm và trở thành hành động tự thân của mỗi cá nhân. Đó là nguyên nhân cốt lõi góp phần tạo sức sống mạnh mẽ cho phong trào thi đua sáng tạo.

Nêu gương dẫn dắt phong trào

Đưa chúng tôi tham quan Trung tâm điều hành Nhà máy, Đại tá Phạm Đức Giang, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Nhà máy A31, Quân chủng Phòng không-Không quân giới thiệu: "Đây được ví là cơ quan đầu não của Nhà máy A31. Mọi hoạt động của nhà máy đều được giám sát chặt chẽ; bất cứ tình huống xảy ra đều được xử lý một cách nhanh chóng, kịp thời".

Được biết, để trung tâm hoạt động hiệu quả như hiện nay có sự đóng góp không nhỏ của Đại tá Phạm Đức Giang. Có thể nói, đề tài “Nghiên cứu thiết kế trung tâm chỉ huy điều hành phục vụ công tác điều hành sản xuất trong Nhà máy A31” do anh làm chủ nhiệm là sự dồn nén của tình cảm, tinh thần trách nhiệm của một cán bộ đối với nhà máy của mình. Thành công của đề tài không chỉ góp phần tối ưu hóa quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà máy; đồng thời "thắp lửa" đam mê sáng tạo của đội ngũ cán bộ, ĐVCĐ, NLĐ. 5 năm qua, cùng với việc trực tiếp chủ nhiệm đề tài, tham gia thực hiện đề tài, Đại tá Phạm Đức Giang đã chỉ đạo thực hiện hàng trăm đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật các cấp, trong đó có 1 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 1 đề tài cấp Tổng cục Kỹ thuật và nhiều đề tài, sáng kiến cấp cơ sở.

Hay như câu chuyện “lăn xả” vào nghiên cứu khoa học của Đại tá Kiều Văn Sính, Giám đốc Công ty Cổ phần 397 (Tổng công ty Đông Bắc) đã “tháo” được nút thắt quan trọng trong quá trình sản xuất của công ty. Chuyện là, năm 2019, Công ty Cổ phần 397 tổ chức khai trường sản xuất ở khu vực 2 nằm tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). Tuy nhiên, cái khó đặt ra là dự án liên quan đến khu vực hồ bùn tích tụ qua nhiều năm cộng với phù sa lắng đọng, có nơi sâu đến 2m. Nếu không xử lý tốt, quá trình sản xuất sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống tưới tiêu và thoát nước của cả khu vực thị xã Đông Triều. Trước bài toán đặt ra, Đảng ủy, Ban giám đốc công ty hết sức trăn trở, chủ động đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp. Sau nhiều lần chưa thành công, cuối cùng đề tài “Hệ thống xử lý nước ngầm” của Đại tá Kiều Văn Sính làm chủ nhiệm đã đưa ra đáp án khá hoàn hảo. Ngoài giá trị kinh tế mang lại 3,8 tỷ đồng, đề tài còn mang lại những lợi ích không thể tính thành tiền. Bắt đầu từ đó, Công ty Cổ phần 397 luôn là điểm sáng trong phong trào thi đua của Tổng công ty Đông Bắc...

Đại tá Phạm Đức Giang và Đại tá Kiều Văn Sính chỉ là hai trong số nhiều cán bộ, chỉ huy ở các cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp toàn quân đã phát huy tốt vai trò nêu gương, “miệng nói tay làm”. Bằng những việc làm cụ thể, những cán bộ đó đã và đang “thổi” sức sống mạnh mẽ vào phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Khẳng định sức mạnh của vai trò nêu gương, Đại tá Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng khẳng định: "Cán bộ nào phong trào ấy. Khi người đứng đầu dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thì nơi đó sẽ kết nên một tập thể tích cực sáng tạo, đổi mới vì sự phát triển, tiến bộ của mỗi cơ quan, đơn vị".

Bài và ảnh: KIM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-2-de-sang-tao-thi-dua-va-thi-dua-sang-tao-tiep-theo-va-het-713236