Bài 2: Đa dạng các hình thức tuyên truyền

Thói quen lạm dụng rượu, bia dẫn đến hệ lụy xấu đối với xã hội, đặc biệt là vấn đề an toàn giao thông, liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Mặc dù các văn bản pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ liên tục được điều chỉnh, sửa đổi, hành vi vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử lý từ phạt hành chính đến hình sự... thế nhưng, nhiều người vẫn còn xem nhẹ. Điều này cho thấy cần phải tiếp tục tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền.

Để kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) do nguyên nhân lạm dụng rượu, bia gây ra, thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) các địa phương trong cả nước tăng cường kiểm tra, xử lý đối với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn. Theo đánh giá của Cục CSGT, Bộ Công an, hiện nay Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bình Định, Hà Nam, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… là những địa phương thực hiện tốt việc kiểm soát nồng độ cồn. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng CSGT đã gặp không ít khó khăn bởi một số người vi phạm không hợp tác.

 Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô.

Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô.

Đại úy Lại Quang Hùng, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam) cho biết: “Quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi thường gặp phải sự chống đối của người vi phạm. Tuy nhiên, vì sự an toàn của người dân nên chúng tôi vẫn kiên quyết, kiên trì xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam, chúng tôi luôn duy trì tổ lập chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn trên những tuyến đường trọng điểm vào khung thời gian từ 12 giờ đến 14 giờ và từ 19 giờ đến 22 giờ. Ngoài ra, đơn vị còn sử dụng xe mô tô công vụ tuần tra kiểm soát nhằm phát hiện các vi phạm để xử lý kịp thời".

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, chỉ huy Đội CSGT số 5, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội thông tin, địa bàn đơn vị quản lý gồm các tuyến Quốc lộ 5, Quốc lộ 1B qua Hà Nội và rất nhiều khu đô thị, tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn. Thực hiện kế hoạch của Phòng CSGT Công an thành phố, đơn vị đã thành lập nhiều tổ công tác kiểm tra, xử lý theo chuyên đề nồng độ cồn. Kế hoạch này tập trung vào khung giờ từ 12 đến 24 giờ hằng ngày để kịp thời kiểm tra, xử lý đối với những tài xế điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, ngăn ngừa các vụ TNGT có thể xảy ra. Từ ngày 7-5 đến nay, Đội CSGT số 5 đã kiểm tra, xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm.

Tại Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), việc giám sát lái xe sử dụng rượu, bia được lực lượng chức năng tiến hành ngay trong bến. Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết: “Mỗi ngày bến có hơn 900 lượt xe khách và gần 1.000 lượt xe buýt xuất bến, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, phát tờ rơi, làm việc với các nhà xe yêu cầu lái xe thực hiện nghiêm quy định về nồng độ cồn, đã uống rượu, bia thì không lái xe. Nếu phát hiện lái xe của nhà xe nào vi phạm về nồng độ cồn, chúng tôi sẽ từ chối phục vụ nhà xe đó”. Khu vực Mỹ Đình, Cầu Giấy (Hà Nội) tập trung nhiều trường đại học với lượng sinh viên lớn. Đại úy Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết, bên cạnh việc kiểm tra trên đường, hằng tháng cán bộ, chiến sĩ đơn vị phối hợp với các trường đại học tổ chức những buổi tuyên truyền đến sinh viên về tác hại và không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia.

Với đặc thù là địa phương du lịch, tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa), công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm về nồng độ cồn luôn được chú trọng. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công an TP Sầm Sơn cho biết, triển khai kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn, mùa du lịch năm nay lực lượng CSGT tăng cường thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp lái xe vi phạm. Anh Trần Văn Hạnh, một người dân ở phường Bắc Sơn, TP Sầm Sơn cho biết: “Vào mùa du lịch hằng năm, các lực lượng chức năng đều ra quân yêu cầu các nhà hàng, khách sạn ký cam kết nhắc nhở lái xe khi đã sử dụng rượu, bia thì không lái xe; tổ chức tuyên truyền đến người dân địa phương và khách du lịch về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia. Qua mỗi đợt tuyên truyền giúp chúng tôi hiểu hơn về những hậu quả khôn lường từ việc lạm dụng rượu, bia gây ra”.

Trong lĩnh vực giao thông đường thủy, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho các chủ phương tiện cũng rất được quan tâm. Như tại khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình (Hòa Bình)-nơi có lượng lớn tàu, thuyền tham gia chở khách du lịch, sau khi được các cơ quan chức năng tuyên truyền, các chủ phương tiện đều chấp hành tốt quy định của pháp luật về việc sử dụng rượu, bia. Anh Bùi Hùng Mạnh, chủ tàu HB0552 chuyên chở khách từ bến Thung Nai (Cao Phong, Hòa Bình) đi lễ đền Thác Bờ cho biết: “Với đặc thù thường xuyên chở khách du lịch, nhiều lần tôi được hành khách mời uống rượu, bia. Được tuyên truyền và hiểu rõ sự nguy hiểm khi sử dụng rượu, bia nên tôi tuyệt đối chấp hành để bảo đảm an toàn cho bản thân và hành khách”.

(còn nữa)

Bài và ảnh: Nhóm phóng viên Phòng Bạn đọc - CTV

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-2-da-dang-cac-hinh-thuc-tuyen-truyen-576063