Bài 2: Chưa thấu hay bởi nhập nhằng phân cấp?

Bất cứ vấn đề nào liên quan đến giáo viên, học sinh, trường học, dư luận sẽ quy trách nhiệm về các cơ quan quản lý giáo dục như một phản xạ không điều kiện. Một nguyên nhân quan trọng là do hiểu chưa thấu đáo, chưa đúng về cả 'quyền' cũng như 'trách nhiệm' của các cơ quan này; bởi trên thực tế 'quyền' ấy không nhiều như hình dung. 'Nhập nhằng' trong phân cấp quản lý giáo dục tại địa phương cũng gây ra vô vàn bất cập.

Trong giờ học tại Trường Tiểu học Hiền Lương (Đà Bắc, Hòa Bình). Ảnh: Hữu Cường

Trong giờ học tại Trường Tiểu học Hiền Lương (Đà Bắc, Hòa Bình). Ảnh: Hữu Cường

Phân cấp chưa phân quyền, phân quyền chưa giao quyền

Từng 10 năm công tác trong ngành Giáo dục, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) thừa nhận có thực trạng nhiều vấn đề xã hội, nếu không tốt đều đổ lỗi cho sự giáo dục của nhà trường; trong khi đó, giáo dục là sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Theo đại biểu, dù gần đây, trong ngành Giáo dục cũng có những vấn đề cử tri quan tâm, nhưng không thể “đổ” tất cả trách nhiệm cho giáo dục. “Giáo viên vi phạm phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp sao lại truy xét Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mà quên đi vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nơi trực tiếp quản lý con người đó. Sao không truy xét ai là người tuyển dụng cán bộ, giáo viên đó; ai là người trực tiếp quản lý giáo viên đó”, bà Hồ Thị Minh đặt câu hỏi.

Nhiều bất cập trong giáo dục hiện nay là bởi còn “nhập nhằng” trong phân cấp quản lý. Theo bà Hồ Thị Minh, công tác quản lý của giáo dục chỉ tập trung ở chuyên môn, còn quản lý Nhà nước về biên chế, con người hay đề bạt, bổ nhiệm hầu như ngành Giáo dục không được tham gia. Quyền này được giao ngành Nội vụ tham mưu cho UBND các cấp.

“Đúng là thẩm quyền, phân cấp trong công tác quản lý cán bộ vẫn có những bất cập. Nói là phân cấp nhưng chưa phân quyền, nói phân quyền nhưng chưa giao quyền, vì vẫn có tình trạng ngành quản lý con người nhưng đề bạt, bổ nhiệm lại ngành khác thực hiện. Hầu như việc bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hiện nay, thẩm quyền do Phòng Nội vụ tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện mà bỏ qua cả Ban Thường vụ huyện”, bà Hồ Thị Minh nêu vấn đề.

Ảnh mang tính minh họa

Vô vàn khó khăn vì thiếu quyền

Là một cấp trong hệ thống quản lý giáo dục từ Trung ương đến cơ sở, Phòng GD&ĐT có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện nhiệm vụ phát triển sự nghiệp GD-ĐT trên địa bàn mỗi huyện. Song, trên thực tế, có khá nhiều phòng GD&ĐT còn không có “quyền” nên gặp rất nhiều khó khăn, bất cập trong phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình.

Việc có quá ít quyền như trên được ông Hoàng Anh Tuấn - Trưởng Phòng GD&ĐT Lâm Thao (Phú Thọ) - thẳng thắn chỉ ra. Từ thực tế địa phương, ông cho biết, phòng GD&ĐT chưa thực sự được giao vai trò chủ trì trong thực hiện quy trình, trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định tuyển dụng viên chức giáo dục; phân bổ số lượng người làm việc theo vị trí việc làm; công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng, kỷ luật đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở giáo dục công lập thuộc huyện. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả GD&ĐT.

Một khâu đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục là quản lý giáo dục, trước hết là quản lý Nhà nước về giáo dục. Bởi, chỉ có thông qua quản lý Nhà nước về giáo dục mới thực hiện được các chủ trương, chính sách của quốc gia. Đây được xem là khâu then chốt để thực hiện thắng lợi mọi hoạt động giáo dục.

Không có quyền về công tác nhân sự, phòng GD&ĐT cũng chưa thực sự được giao nhiệm vụ xây dựng dự toán để trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt phương án phân bổ, giao dự toán ngân sách cho các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND huyện. Biên chế số lượng người làm việc tại mỗi phòng GD&ĐT còn quá mỏng, chủ yếu phụ thuộc vào tổng số biên chế được giao cho UBND huyện. Trong khi đó, điều động, tăng cường viên chức từ trường lên làm việc tại phòng GD&ĐT gặp khá nhiều khó khăn.

Cùng quan điểm như trên, ông Tô Ngọc Sơn - chuyên viên Sở GD&ĐT Đồng Tháp - cũng cho rằng, phòng GD&ĐT đang thiếu quyền phân công, bổ nhiệm, quy hoạch, sắp xếp nhân sự; thiếu quyền chi xuất, phân bổ tài chính trong các hoạt động của phòng. Tất cả phải xin ý kiến UBND và chờ được giải quyết. Trong khi đó, theo ông Sơn, phòng GD&ĐT có vai trò quan trọng. Lực lượng giáo viên dạy lớp, lãnh đạo nhà trường có hoạt động đồng bộ và chất lượng hay không; giáo dục địa phương có nổi bật, xứng tầm hay không; phần lớn là do sự điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo phòng GD&ĐT.

Cần phân định rõ vai trò cơ quan chuyên môn

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng, các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 29-NQ/TW, của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Đồng thời, thực hiện nghiêm Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục. Việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc, bổ sung chức năng, nhiệm vụ để tránh chồng chéo, phân định rõ vị trí vai trò của các cơ quan chuyên môn thuộc cấp huyện với phòng GD&ĐT và cụ thể là phải tăng “quyền” cho phòng GD&ĐT là vô cùng quan trọng.

“Đặc biệt, cần chú trọng phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về GD-ĐT cho phòng GD&ĐT cấp huyện. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Trung ương, Nghị định của Chính phủ và văn bản của Bộ GD&ĐT về trách nhiệm quản lý Nhà nước về GD-ĐT của UBND các cấp. Có như vậy, phòng GD&ĐT cấp huyện mới thực sự phát huy được vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong giai đoạn hiện nay” - ông Hoàng Anh Tuấn đề xuất.

Cũng đưa ra giải pháp, ông Tô Ngọc Sơn cho rằng, UBND các cấp cần tạo điều kiện và phân bổ thêm nguồn kinh phí cho Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT chủ động hơn với lý giải: Mọi hoạt động hiện nay đều cần đến nguồn kinh phí; từ việc bồi dưỡng, hội thảo, hội giảng, tổ chức chuyên đề… những công việc thường xuyên và hết sức cần thiết. Chưa kể việc cán bộ, chuyên viên của phòng GD&ĐT cần phải xuống tận cơ sở giáo dục để kịp thời tư vấn, giúp đỡ… Có như thế thì công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay mới đạt được yêu cầu như mong muốn.

“Tôi thiết nghĩ, nếu có được sự phân quyền và trách nhiệm như thế cho phòng GD&ĐT, sự giáo dục trong tình hình mới hiện nay sẽ có nhiều đột phá và sẽ khởi sắc hơn. Công tác triển khai và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng sẽ nhẹ nhàng và đạt hiệu quả cao” - ông Tô Ngọc Sơn chia sẻ.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bai-2-chua-thau-hay-boi-nhap-nhang-phan-cap-4001152-b.html