Bài 2: 'Chông chênh nhịp phách, câu ca': Vì đâu… nên nỗi?

Tuy số lượng câu lạc bộ, ca nương, kép đàn, người thực hành di sản ca trù đã tăng lên nhưng không phải lúc nào, số lượng cũng đi kèm với chất lượng.

Một tiết mục trong Liên hoan ca trù toàn quốc 2018. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Một tiết mục trong Liên hoan ca trù toàn quốc 2018. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong thời gian qua, việc phục hưng, bảo tồn và phát huy giá trị của ca trù đã có những bước tiến đáng kể. Từ việc bị quay lưng, đến nay, ca trù đã dần tìm lại được chỗ đứng riêng trong đời sống xã hội.

“Tuy số lượng câu lạc bộ, ca nương, kép đàn, người thực hành di sản cũng tăng lên nhưng không phải lúc nào, số lượng cũng đi kèm với chất lượng,” nghệ sỹ ưu tú Bạch Vân bày tỏ.

“Người đi, ừ nhỉ, người… đi thực!”

Nhắc lại lịch sử của ca trù với không ít thăng trầm, giáo sư-tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho biết, trong thời kỳ Pháp thuộc, một bộ phận ca trù bị tha hóa, ghép vào với hoạt động mại dâm.

“Dẫu vậy, cần nhấn mạnh rằng, đó chỉ là một bộ phận chứ không phải tất cả nghệ sỹ ca trù. Sau đó, trong khoảng bốn thập kỷ giữa thế kỷ 20, ca trù bị cấm trình diễn, tạo ra khoảng ‘hẫng,’ sự gián cách thế hệ nghiêm trọng. Với các loại hình diễn xướng, việc không được thực hành cũng đồng nghĩa với việc không thể tồn tại. Âm nhạc là phải được biểu diễn; chỉ cần cất trong kho thì nó đã chuyển thành trạng thái ‘chết’ rồi, chưa cần bàn đến việc bị cấm cản,” giáo sư Tô Ngọc Thanh bày tỏ quan điểm.

Đến khi ca trù được phục hưng, ở giai đoạn năm 2008-2009, cả nước có khoảng 20 nghệ nhân. Đến nay, phần lớn các nghệ nhân đó đã khuất núi. Cả nước chỉ còn khoảng hai, ba nghệ nhân nhưng do tuổi cao, sức yếu, họ không thể trực tiếp trình diễn trên sân khấu.

“Trước thực tế này, chúng ta không thể không suy nghĩ bởi các nghệ nhân thực sự là những báu vật nhân văn sống, lưu giữ gia tài di sản của cha ông để lại. Muốn bảo tồn và phát huy giá trị của ca trù thì trước hết phải có con người, bởi với loại hình nghệ thuật biểu diễn trực tiếp này, không thể chỉ bảo tồn trên sách vở, ghi chép lại các tư liệu,” giáo sư-tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Ở phương diện khác, sau một thời gian miệt mài theo học, không ít ca nương, kép đàn đã “rẽ lối,” chọn một con đường đi khác. Câu chuyện về những ca nương có chất giọng đẹp, hạt nhân của các câu lạc bộ ca trù ở Hà Tĩnh “dứt áo” ra đi trước áp lực “cơm, áo, gạo, tiền” vẫn khiến nhà nghiên cứu Tô Ngọc Thanh không khỏi tiếc nuối.

Ấy là câu chuyện của ca nương Dương Thị Nết, Dương Thị Xanh và Đặng Thùy Vân (vốn là những hạt nhân chủ chốt của các câu lạc bộ ca trù trên đất Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Thế nhưng, đến nay, bộ ba ấy nay chỉ còn Thùy Vân ở lại với ca trù. Hai ca nương còn lại đã tạm gác lại đam mê ca trù để trở thành những người lao động xa nhà.

Các ca nương chuẩn bị trước giờ biểu diễn. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

“Năm 2012, Dương Thị Xanh trở thành ca nương trẻ tuổi nhất được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. Chồng chị (nghệ nhân Trần Văn Đài) cũng là một tay đàn có tiếng. Đôi vợ chồng ấy từng là một cặp đẹp, ăn ý trên chiếu ca trù,” giáo sư Tô Ngọc Thanh kể.

Thế nhưng, chừng ấy lý do cũng không đủ để giữ chân ca nương Dương Thị Xanh. “Chúng tôi vốn là những người nông dân thuần chất, đến với ca trù vì yêu vốn cổ của cha ông, vừa là nông dân vừa là nghệ sỹ. Nhưng quả thực, ‘cơm áo không đùa với khách thơ.’ Các buổi diễn thì không ai xem, nguồn kinh phí hỗ trợ cũng quá eo hẹp, không thể đủ trang trải cuộc sống. Con cái thì ngày một lớn khôn, nhu cầu học hành, chi tiết ngày càng lớn. Bởi thể, dù yêu và mê ca trù lắm, nhưng người trong cuộc vẫn phải dứt áo ra đi,” anh Trần Văn Đài tâm sự.

Một câu hát, học bốn năm

Xuất phát từ thực tế này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng như các ca nương, kép đàn cho rằng, việc nâng cao chất lượng chuyên môn của các ca nương, kép đàn là một trong những yêu cầu bức thiết hiện nay.

Theo ca nương Bạch Vân, theo thống kê, hiện nay, mặc dù Hà Nội có hơn 200 người thực hành ca trù tại 14 câu lạc bộ nhưng thực tế, số ca nương, kép đàn thực sự có “nghề” và có khả năng truyền dạy chỉ chiếm khoảng 20-25%.

Ca trù vốn là một loại hình nghệ thuật bác học với những đòi hỏi khắt khe, lời ca khó hát và “kén” người nghe. Để hiểu và cảm nhận, người nghe cũng cần có vốn văn hóa, học thức nhất định. Bởi vậy, việc đào tạo ca trù không thể theo hình thức phổ cập đại trà. Đó phải là sự truyền nghề trực tiếp, theo sát tỷ mỉ, điều chỉnh từng nhịp phách, câu ca, nắn nót từng cách nhả chữ, luyến láy.

“Việc ‘hát được’ và ‘hát đúng’ các thể cách, làn điệu của ca trù là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Đôi khi, chỉ cần thuộc lời, theo được nhịp thì đã có thể tạm gọi là ‘hát được.’ Nhưng để ‘hát đúng,’ hát cho đúng bài bản, ra được chất ca trù thì ca nương cần một thời gian học, rèn giũa lâu dài, khắt khe,” ca nương Bạch Vân chia sẻ.

Một ca nương không chỉ cần giọng hát mà còn phải có khả năng gõ phách. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Theo nghệ sỹ ưu tú Bạch Vân, một ca nương cần từ 5-7 năm học, thực hành liên tục thì mới có thể hát “tạm ổn,” còn để có thể thành nghề, đạt độ “chín” thì cần ít nhất khoảng 15-17 năm. Đòi hỏi đặt ra đối với một ca nương không chỉ là giọng hát mà còn khả năng gõ phách nhuần nhị.

“Tôi từng biết, có những đào nương trẻ mất khoảng 3, 4 năm để học một điệu (thậm chí là chỉ một câu hát) cho đúng. Hành trình ấy nhọc nhằn lắm. Khi tôi nói, có khi chỉ với hai từ ‘ứ… hự…’ đặc trưng của ca trù, có người mất đến 5, 7 năm rèn giũa mới hát được đúng chất. Nếu hát không đúng, nghe giật cục, vô hồn như… băm bèo,” ca nương hàng đầu của Hà thành bày tỏ.

Nói rồi, chị bỗng lặng đi, đôi mắt nhìn về phía xa xăm. “Học hành vất vả là thế mà lại không có đất diễn, hoặc diễn nhưng không khán giả, chế độ đãi ngộ không thỏa đáng, kinh phí hỗ trợ lại không đủ sống… thì làm sao các em có thể kiên trì bám trụ với ca trù? Đây không phải lối sống thực dụng mà chỉ là suy nghĩ thực tế thôi! Ai thì cũng phải sống. Chúng ta không thể chỉ nói và trông chờ mãi vào… tấm lòng nghệ nhân, nghệ sỹ,” ca nương Bạch Vân trải lòng, giọng thấm buồn.

Có cùng quan điểm trên, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia) cũng cho rằng, các cơ quan quản lý cần bắt tay chặt chẽ hơn với các nghệ nhân, giới chuyên môn để đào tạo chuyên sâu, nâng cao chất lượng đội ngũ thực hành ca trù.

Vị chuyên gia này cho hay, các lớp học hàng năm (kéo dài khoảng 15 ngày) do Viện Âm nhạc tổ chức là chưa đủ. Những người tham gia các lớp học vốn đã có những hiểu biết cơ bản về ca trù. Sau đó, trở về địa phương, họ trở thành hạt nhân chủ chốt trong việc truyền dạy môn nghệ thuật truyền thống này.

“Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, tôi cho rằng, cần tổ chức nhiều hơn các lớp học như vậy và phải phân loại trình độ học viên theo những cấp khác nhau để xây dựng kế hoạch, nội dung khóa học phù hợp,” ông Loan bày tỏ./.

Bài 3: Bảo tồn ca trù: Những tranh luận chưa có hồi kết

An Ngọc (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bai-2-chong-chenh-nhip-phach-cau-ca-vi-dau-nen-noi/542123.vnp