Bài 2: Chế độ ăn uống thế nào là lành mạnh?

Mặc dù sản xuất lương thực tăng góp phần cải thiện tuổi thọ và giảm tỷ lệ đói, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em và giảm nghèo đói toàn cầu trong 50 năm qua, nhưng thế giới lại đang chuyển sang chế độ ăn uống không lành mạnh có nhiều calo, đường, tinh bột, thực phẩm có nguồn gốc động vật và ít trái cây, rau, ngũ cốc, các loại đậu, hạt và cá.

Các tác giả trong nghiên cứu của Lancet - EAT cho rằng việc thiếu các mục tiêu khoa học cho chế độ ăn uống lành mạnh đã cản trở nỗ lực biến đổi hệ thống thực phẩm. Dựa trên bằng chứng tốt nhất hiện có, Ủy ban đề xuất một mô hình chế độ ăn uống đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe và cho phép thế giới tồn tại trong ngưỡng chịu đựng của hành tinh.

So với chế độ ăn uống hiện nay, việc áp dụng các khuyến nghị mới vào năm 2050 trên toàn cầu sẽ yêu cầu giảm hơn 50% tiêu thụ thực phẩm toàn cầu như thịt đỏ và đường, trong khi tiêu thụ các loại hạt, trái cây, rau và đậu phải tăng hơn hai lần. Các mục tiêu toàn cầu sẽ cần được áp dụng tại các nước - ví dụ, các quốc gia ở Bắc Mỹ ăn gần gấp 6,5 lần lượng thịt đỏ được khuyến nghị, trong khi các quốc gia ở Nam Á chỉ ăn một nửa lượng được khuyến nghị. Tất cả các quốc gia đang ăn nhiều rau củ có tinh bột (khoai tây và sắn) hơn so với khuyến nghị với lượng ăn vào cao hơn từ 1,5 lần so với khuyến nghị ở Nam Á và cao hơn 7,5 lần ở khu vực cận Sahara châu Phi.

“Chế độ ăn uống của thế giới phải thay đổi đáng kể. Hơn 800 triệu người không có đủ thực phẩm, trong khi nhiều người có một chế độ ăn uống không lành mạnh góp phần gây ra tử vong và bệnh tật sớm,” đồng ủy viên, tiến sĩ Walter Willett, Đại học Harvard, Hoa Kỳ, nói.

“Để khỏe mạnh, chế độ ăn uống phải có một lượng calo thích hợp và bao gồm nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, ít thực phẩm từ động vật, sử dụng chất béo không bão hòa thay vì chất béo bão hòa, và một lượng ít ngũ cốc tinh chế, thực phẩm chế biến sâu và đường bổ sung. Phạm vi lượng thức ăn của nhóm thực phẩm mà chúng tôi đề xuất cho phép sự linh hoạt để phù hợp với nhiều loại thực phẩm, hệ thống nông nghiệp, truyền thống văn hóa và sở thích ăn uống của cá nhân - bao gồm nhiều chế độ ăn kết hợp, ăn chay và ăn chay thuần”.

Các tác giả ước tính rằng việc áp dụng rộng rãi chế độ ăn như vậy sẽ cải thiện việc hấp thụ hầu hết các chất dinh dưỡng - tăng lượng axit béo đơn và đa không bão hòa lành mạnh và giảm tiêu thụ chất béo bão hòa không lành mạnh.

Chế độ ăn uống lành mạnh giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong của nhân loại.

Chế độ ăn uống lành mạnh cũng sẽ làm tăng lượng vi chất dinh dưỡng thiết yếu (như sắt, kẽm, folate và vitamin A, cũng như canxi ở các nước thu nhập thấp), ngoại trừ vitamin B12 khi cần bổ sung hoặc tăng cường trong một số trường hợp.

Các nhà nghiên cứu cũng mô hình hóa các tác động tiềm năng của việc áp dụng chế độ ăn uống toàn cầu đối với các trường hợp tử vong do các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống. Ba mô hình, trong đó mỗi mô hình cho thấy lợi ích to lớn về sức khỏe, cho thấy rằng áp dụng chế độ ăn mới trên toàn cầu có thể tránh được 10,9-11,6 triệu ca tử vong sớm mỗi năm - giảm tử vong ở người trưởng thành từ 19-23,6%.

Các tác giả nhấn mạnh rằng bằng chứng về chế độ ăn uống, sức khỏe con người và tính bền vững môi trường đang liên tục phát triển tuy nhiên nó cũng bao gồm sự không chắc chắn. Vì vậy trong nghiên cứu có bao gồm các phạm vi ước tính, tuy nhiên các nhà nghiên cứu tự tin về bức tranh tổng thể họ đưa ra.

Giáo sư Tim Lang, Đại học London, Vương quốc Anh khẳng định: “Trong khi các biến đổi lớn đối với hệ thống thực phẩm xảy ra ở Trung Quốc, Brazil, Việt Nam và Phần Lan trong thế kỷ 20, và cho thấy rằng chế độ ăn uống có thể thay đổi nhanh chóng, loài người chưa bao giờ đặt mục tiêu thay đổi căn bản hệ thống thực phẩm này với tốc độ và quy mô như vậy. Mọi người có thể cảnh báo về những hậu quả không lường trước hoặc cho rằng trường hợp hành động là quá sớm, tuy nhiên, bằng chứng là đủ và đủ mạnh để đảm bảo hành động, và bất kỳ sự chậm trễ nào cũng sẽ làm tăng khả năng không đạt được các mục tiêu về sức khỏe và khí hậu quan trọng”.

Chế độ ăn uống hằng ngày bao gồm khoảng 35% lượng calo là ngũ cốc nguyên hạt và củ, nguồn protein chủ yếu từ thực vật - nhưng bao gồm khoảng 14g thịt đỏ mỗi ngày và 500g rau và trái cây mỗi ngày.

Bùi Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bai-2-che-do-an-uong-the-nao-la-lanh-manh-526267.html