Bài 2: Cạnh tranh hàng không ở Việt Nam thấp hơn Thái Lan

Số lượng các hãng hàng không đã được cấp giấy phép khai thác hàng không thương mại tại Việt Nam ít hơn đáng kể so với các quốc gia top 6 ASEAN.

Các hãng hàng không được cấp phép khai thác thương mại tại Việt Nam còn ít

Theo đó, Việt Nam có 3 hãng, trong khi các quốc gia trong khu vực có tỷ lệ lần lượt là: Thái Lan: 13; Singapore: 4; Malaysia: 6; Indonesia: 15 và Philippines là 5.

Cụ thể, các tài liệu cho hay, Thái Lan là điểm đến du lịch quốc tế cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam thì đây là quốc gia có chính sách tự do hóa hàng không cao thứ 2 trong các nước ASEAN, chỉ xếp sau Singapore là quốc gia hoàn toàn không có thị trường hàng không nội địa, đặc biệt trong việc cấp giấy phép thành lập hãng hàng không và đầu tư nước ngoài vào các hãng hàng không.

Mặc dù có dân số bằng 72% dân số Việt Nam, nhưng Thái Lan có số lượng hãng hàng không nhiều gấp 4 lần và số lượng du khách quốc tế hàng năm cao gấp 3 lần.

Một góc sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Hội đông tư vấn du lịch thì ngoại trừ việc đáp ứng các điều kiện quy định rõ ràng, Thái Lan không có bất kỳ rào cản chính sách nào đối với việc đầu tư, kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa, quốc tế.

Nhờ có nhiều hãng hàng không, Thái Lan là thị trường du lịch quốc tế có tính cạnh tranh cao nhất về giá tour, trong khi các dịch vụ du lịch và dịch vụ hàng không đều có chất lượng tốt, với thứ hạng cao hơn so với các dịch vụ đó ở trong khu vực.

Cũng theo các cơ quan đề xuất, cạnh tranh hàng không nội địa ở Việt Nam đang ở mức độ tối thiểu. Mặc dù có 3 hãng hàng không bay nội địa nhưng Jetstar Pacific là hãng hàng không do Vietnam Airlines nắm cổ phần chi phối, nhà đầu tư nước ngoài bị giới hạn trần đầu tư nước ngoài ở mức 30%, ở Thái Lan tỉ lệ này là 49%.

“Mức cạnh tranh hàng không nội địa thấp như vậy chưa thể đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân và khách du lịch trong lựa chọn đường bay, chuyến bay, chưa tạo được sự cạnh tranh cần thiết về giá vé và chất lượng dịch vụ hàng không”- trong bức thư gửi Thủ tướng, các cơ quan phân tích.

Một điều dễ nhận thấy nữa là giá tour nội địa không ít khi đắt hơn giá tour quốc tế với cùng khoảng cách bay và độ dài tour.

Giá các tour du lịch quốc tế ở Việt Nam cũng thường đắt hơn so với Thái Lan, trong đó có nguyên nhân cạnh tranh hàng không ở Việt Nam thấp hơn Thái Lan.

Vùng trời hoạt động cho hàng không chung chưa được thiết lập

Hiện đang có ít nhất 3 doanh nghiệp tư nhân xúc tiến xin giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không là Vietstar Air, Bamboo Airways và Liên doanh Hai Au Aviation- Air Asia.

Những thông tin được công bố trên báo chí cho thấy, việc xin cấp phép của các doanh nghiệp chưa thực sự được tạo điều kiện thuận lợi…

Ngoài sự cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải hàng không còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, lĩnh vực hàng không chung bao gồm các loại phương tiện bay dân dụng khác ngoài máy bay vận tải công cộng, cũng kém phát triển do nhiều vướng mắc về không phận và cơ chế quản lý, cấp phép cho các hoạt động bay hàng không chung.

Mặc dù khác nhiều giấy phép hàng không chung đã được cấp, trên thực tế mới chỉ có Tổng công ty bay trực thăng Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng và Hãng hàng không Hải Âu là có hoạt động đáng kể.

Theo Ban IV và Hội đồng tư vấn du lịch, các vướng mắc xuất phát từ những vấn đề như vùng trời hoạt động cho hàng không chung chưa được thiết lập và công bố và hoạt động hàng không nói chung đang chịu sự quản lý của Bộ Quốc phòng, thay vì Bộ Giao thông, vận tải, trong khi đây hoàn toàn là hoạt động dân dụng.

Nghị định số 125 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết về quản lý hoạt động bay hiện đang quy định trách nhiệm xin xây dựng bản đồ khu vực bay bằng mắt VFR, sơ đồ đường bay VFR cho doanh nghiệp hàng không chung mà lẽ ra việc xây dựng đường bay phải là trách nhiệm của các nhà chức trách.

Các cơ quan trên cũng cho rằng, việc phải xây dựng bản đồ bay để xin cấp phép bay cũng không phù hợp với đặc thù của hàng không chung do tính chất linh hoạt khi bay cấp cứu, cứu nạn… là không cố định khu vực bay.

Quy định liên quan đến đảm bảo các điều kiện cấp phép bay của doanh nghiệp hàng không chung cũng không phù hợp với đặc thù của hàng không chung…

Trong bức thư gửi Thủ tướng, các chuyên gia cho rằng, hiện nay cơ sở hạ tầng cho hàng không chung gần như là chưa có, bởi chưa có đơn vị nào đầu tư cho cho lĩnh vực hoạt động này. Phương tiện bay hàng không đa phần là các tàu bay nhỏ, 100% các tàu bay đang được sử dụng để khai thác hàng không chung hiện nay có trọng tải cất cánh tối đa là dưới 5,7 tấn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp hàng không chung hiện đang sử dụng dịch vụ tại các cảng hàng không, sân bay chung với hàng không dân dụng và phải chi trả cho các dịch vụ này với mức giá tương đương các tàu bay lớn như dịch vụ sân đỗ, dịch vụ cất – hạ cánh, dịch vụ điều hành bay và các dịch vụ đi kèm khác…

Bài 3: Những đề xuất cụ thể về tự do hóa vận tải hàng không

Thái Linh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/bai-2-canh-tranh-hang-khong-o-viet-nam-thap-hon-thai-lan-349161.html