Bài 2: Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền (Tiếp theo và hết)

Trước thực trạng những dự án 'treo' gây nhiều hệ lụy, người dân tại các vùng dự án mong mỏi các bộ, ngành Trung ương, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng TP Đà Nẵng vào cuộc quyết liệt, rà soát, khẩn trương có phương án giải quyết dứt điểm công tác đền bù, giải tỏa để họ sớm có điều kiện xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nhu cầu chính đáng này xem ra còn khá xa vời bởi các dự án này đều chưa có vốn!

Thiếu vốn hay thiếu trách nhiệm với dân!

Tìm hiểu nguyên nhân của các dự án “treo” quá lâu trên địa bàn TP Đà Nẵng, chúng tôi thường nhận được câu trả lời khá quen thuộc từ các cơ quan chức năng là do thiếu vốn. Đối với những dự án như: Dự án Làng Đại học Đà Nẵng, dự án nhà ga đường sắt tại quận Liên Chiểu… thì có thể đúng, bởi đây là những dự án có quy mô lớn, cần nhiều vốn, liên quan đến nhiều bộ, ngành, không thể ngày một, ngày hai giải quyết được ngay. Trong khi đó, dự án chỉ có vài chục hộ dân nhưng cũng bị “treo” 20 năm, như dự án khu tái định cư cuối tuyến Bạch Đằng Đông tại khu vực tổ dân phố 4, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) thì dư luận đặt câu hỏi: Liệu có phải do thiếu vốn hay thiếu trách nhiệm từ phía chính quyền với người dân?

 Đường giao thông tại tổ dân phố 4 phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) không được đầu tư xây dựng khiến mùa mưa ngập úng, lầy lội.

Đường giao thông tại tổ dân phố 4 phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) không được đầu tư xây dựng khiến mùa mưa ngập úng, lầy lội.

Trước đó, tháng 10-2017, làm việc với Sở Xây dựng TP Đà Nẵng về dự án khu tái định cư cuối tuyến Bạch Đằng Đông tại khu vực tổ dân phố 4, phường Nại Hiên Đông, phóng viên Báo Quân đội nhân dân nhận được câu trả lời: “Hiện nay, dự án tạm dừng triển khai do chưa tiếp tục bố trí vốn”. Mới đây, ngày 14-10, làm việc với chúng tôi về dự án này, đại diện Văn phòng UBND quận Sơn Trà thông tin: Công tác đền bù, giải tỏa các hộ dân trong vùng dự án này đã được UBND thành phố đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện trong năm 2020. Thế nhưng, trao đổi với lãnh đạo UBND phường Nại Hiên Đông và trò chuyện với người dân ở tổ dân phố 4 họ đều chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về phương án, thời gian triển khai dự án. Do đó, người dân nơi đây đặt câu hỏi: Liệu trong năm 2020, dự án này có được tái khởi động lại hay không?

Việc lập, phê duyệt quy hoạch, dự án còn bất cập

Thời gian qua, bên cạnh những dự án “treo” kéo dài qua hơn 2 thập kỷ do thiếu vốn, thì trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn có những dự án được phê duyệt quy hoạch, triển khai, đầu tư vài chục tỷ đồng nhưng không hiệu quả, bỏ hoang. Điển hình như: Công viên nước Đà Nẵng được thành phố đầu tư xây dựng năm 2001, với số vốn ban đầu gần 65 tỷ đồng, sau gần chục năm hoạt động không hiệu quả đã bị phá bỏ; dự án sân tập golf thuộc phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) được đầu tư xây dựng gần 25 tỷ đồng năm 2014, hiện nay bị bỏ hoang, nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp… Hay trên địa bàn huyện Hòa Vang, một số dự án được phê duyệt quy hoạch gần chục năm nay vẫn "án binh bất động" nằm trên giấy nhưng đến nay chưa được hủy bỏ, như: "Dự án Làng đại học mới" ở xã Hòa Nhơn, với diện tích quy hoạch gần 300ha; dự án Trường đại học Thương mại miền Trung ở xã Hòa Sơn có quyết định phê duyệt quy hoạch 20ha… Những dự án nêu trên cho thấy, việc lập và phê duyệt quy hoạch, triển khai dự án của các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng có thời điểm bất cập, không phù hợp với thực tế, dẫn đến hiệu quả thấp, gây lãng phí. Đà Nẵng là địa phương ven biển, trong khi đó lại xây dựng công viên nước chỉ cách bãi biển chưa đầy 3 ki-lô-mét thì rõ ràng là không hợp lý, thậm chí thiếu trách nhiệm trong việc xây dựng quy hoạch, lập dự án.

Cần kiên quyết, rõ ràng

Tìm hiểu về kế hoạch triển khai các dự án “treo” trên địa bàn TP Đà Nẵng, chúng tôi được biết, ngày 21-3-2017, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 149/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương tiếp tục triển khai Làng Đại học theo quy hoạch được duyệt, đồng thời giao các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Đại học Đà Nẵng sớm triển khai dự án. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Việt, Phó chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, đến nay dự án Làng Đại học Đà Nẵng vẫn chưa được bố trí vốn để triển khai thực hiện đền bù, giải tỏa. Do đó, vì nhu cầu bức thiết của người dân về sửa chữa và cải tạo nhà ở, UBND quận đã có Văn bản số 1802/UBND-PQLĐT ngày 21-8-2019 trình UBND thành phố xem xét có chủ trương tiếp tục cho phép các hộ dân thuộc dự án Làng Đại học Đà Nẵng được phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở áp dụng theo các quy định tại nội dung Công văn số 10609/UBND-QLĐTh ngày 29-11-2013 của UBND thành phố.

Còn đối với dự án nhà ga đường sắt (quận Liên Chiểu), ông Thái Ngọc Trung, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho rằng: Các dự án hạ tầng đầu mối nói chung và dự án nhà ga đường sắt hiện đang tiếp tục nghiên cứu phù hợp với tình hình thực tế tại Đồ án Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Người xưa có câu “an cư lạc nghiệp”, vì vậy từ hệ lụy của quy hoạch “treo”, dự án “treo" và những bất cập nêu trên trên địa bàn TP Đà Nẵng, chúng tôi đề nghị, các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng cần phối hợp với UBND các quận, huyện, đơn vị liên quan rà soát các dự án, quy hoạch trên địa bàn để nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố xử lý đối với các dự án đang triển khai dở dang hoặc chưa triển khai trong nhiều năm theo hướng kiên quyết hủy quy hoạch những dự án không thiết thực hoặc điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với điều kiện thực tế. Các bộ, ngành Trung ương, UBND TP Đà Nẵng cần xác định rõ thời gian triển khai, khẩn trương có phương án giải quyết dứt điểm công tác đền bù, giải tỏa các hộ dân nằm trong các khu dự án “treo” đã nhiều năm để người dân có điều kiện xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/bai-2-can-su-vao-cuoc-quyet-liet-cua-cac-cap-chinh-quyen-tiep-theo-va-het-598251