Bài 2: Cần những giải pháp căn cơ

Trước thực trạng nông sản trên địa bàn tồn đọng với số lượng lớn, các đơn vị, doanh nghiệp, người dân đã cùng chung tay, hỗ trợ tiêu thụ. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Để nông sản mở rộng thị trường tiêu thụ và có đầu ra ổn định, rất cần có giải pháp căn cơ...

"Giải cứu" nông sản chỉ là giải pháp tình thế

Trong thời điểm nông dân gặp khó khăn do tiêu thụ nông sản, TKV có 14 đơn vị đăng ký tham gia kết nối và hỗ trợ tiêu thụ cho các cơ sở nuôi trồng đang gặp khó khăn. Cụ thể, đến thời điểm này, các đơn vị của TKV đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 11 tấn hàu, ngao hai cùi; ước tính trong tháng 3/2020 tiêu thụ gần 30 tấn nhuyễn thể. Bên cạnh đó, các đơn vị ngành Than đều có chương trình phối hợp, ký hợp đồng thu mua nông sản từ các địa phương trong tỉnh với tổng tiền giao dịch gần 850 tỷ đồng/năm.

Không chỉ ngành Than, các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh cũng tích cực vào cuộc, tháo gỡ khó khăn cho những cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn. Cụ thể, Công đoàn Viên chức Quảng Ninh đã vận động đoàn viên các công đoàn cơ sở tham gia tiêu thụ trứng gà Tân An - một trong những sản phẩm OCOP Quảng Ninh. Chỉ trong ngày đầu triển khai, Công đoàn Viên chức tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ gần 40.000 quả trứng gà, với giá 2.000 đồng/quả. Bên cạnh đó, hơn 3,5 tấn nhuyễn thể gồm hàu Thái Bình Dương, ngao hai cùi đã được cán bộ, công chức, người lao động của Cục Hải quan Quảng Ninh mua ủng hộ với tổng trị giá 135 triệu đồng.

Cục Hải quan Quảng Ninh tiêu thụ hơn 3,5 tấn nhuyễn thể, hỗ trợ người dân. Ảnh: Hải Hà

Cục Hải quan Quảng Ninh tiêu thụ hơn 3,5 tấn nhuyễn thể, hỗ trợ người dân. Ảnh: Hải Hà

Cùng với sự ủng hộ của các đơn vị trong tỉnh, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) đã phối hợp với Công ty TNHH Thủy sản và Thương mại Quảng Ninh đẩy mạnh việc tiêu thụ trong nhân dân, thông qua chương trình “Xúc tiến lưu động đẩy mạnh tiêu thụ hàu, ngao Vân Đồn” tại các chợ trung tâm, truyền thống trong, ngoài tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Vũ Bình Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, chỉ trong một buổi sáng ngày 14/3, hơn 1,5 tấn hàu Thái Bình Dương, ngao hai cùi đã được vận chuyển từ Vân Đồn đến chợ Trung tâm Uông Bí và được người dân tiêu thụ ngay trong ngày, với giá 40.000 đồng/kg ngao, 25.000 đồng/kg hàu. Từ 15-25/3, chương trình tiếp tục được tổ chức tại các chợ trung tâm và chợ truyền thống ở TX Đông Triều và các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội.

Việc "giải cứu" nông sản là cần thiết trong thời điểm khó khăn hiện nay, giúp người nông dân giảm phần nào thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, phương án này chỉ mang tính tình thế và không mang hiệu quả lâu dài cho sản xuất và xuất khẩu nông sản. Thực tế cho thấy, không phải chỉ đến khi những ảnh hưởng của dịch Covid-19 mới dẫn đến ùn ứ, dư thừa nông sản mà trong nhiều năm qua, việc “giải cứu” nông sản đã diễn ra ở nhiều nơi, nhiều thời điểm khác nhau khiến biện pháp giải quyết đầu ra cho nông sản thông qua “giải cứu” đã trở nên quen thuộc. Thực tế, người nông dân vẫn chịu thiệt hại nặng nề do giá bán sản phẩm không bù đắp nổi chi phí sản xuất.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc "giải cứu" nông sản có thể giúp doanh nghiệp, người dân giải quyết tồn đọng trước mắt. Nhưng về lâu dài, lại là một tiền lệ xấu khiến giá thành thấp hơn so với giá trị sản phẩm, tạo tâm lý chủ quan, dựa vào việc giải cứu mà không chủ động tìm kiếm thị trường của một số hộ sản xuất. Không những thế, chính người dân cũng sẽ bị “nhàm chán” khi phải giải cứu nông sản liên tục, không có niềm tin vào chất lượng sản phẩm. Đây là tâm lý tiêu dùng rất nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến thương hiệu các mặt hàng nông sản.

Tính kế đường dài

Để hỗ trợ cho tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh, liên tục những ngày vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có các cuộc làm việc với các đơn vị ngành Than, các doanh nghiệp, các trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh. Theo đó, định hướng thay đổi, bổ sung các sản phẩm nông nghiệp của Quảng Ninh vào bữa ăn ca cho công nhân; đưa nông sản vào các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn và ngoài tỉnh…

Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tập trung tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn. Trong đó, chủ động tổ chức các hội nghị kết nối giao thương cung cầu giữa các cơ sở sản xuất với các đơn vị tiêu thụ, phân phối trong và ngoài tỉnh; tổ chức hội nghị hướng dẫn quy định của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam cho các cơ sở sản xuất, chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cập nhật thông tin truy xuất nguồn gốc, kết nối cung cầu về nông sản thông qua các hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc của tỉnh.

Đối với hoạt động xuất khẩu nông sản, hiện cửa khẩu Bắc Luân, cửa khẩu Bắc Luân II và cầu phao Km4 Thành Đạt đã thông thương trở lại. Tuy nhiên, trong thời gian đầu mới cho thông quan các loại hàng, như: Hoa quả, nông sản, bột sắn, hạt điều, thủy sản tươi sống. Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với UBND TP Móng Cái và các cục chuyên ngành của Bộ NN&PTNT theo sát diễn biến để kịp thời khuyến cáo đến người sản xuất cũng như các cơ sở thu mua, chế biến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở sẽ hoàn thiện thủ tục bổ sung danh mục hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc; tăng cường năng lực chế biến, đóng gói hàng hóa của các đơn vị trong tỉnh, nhất là đối với mặt hàng thế mạnh như thủy sản. Đây được coi là giải pháp lâu dài và bền vững, để nâng cao giá trị và thời gian sử dụng các mặt hàng nông sản.

Sở Công Thương phối hợp cùng các đơn vị liên ngành kiểm tra chất lượng hàng hóa tại siêu thị Big C Hạ Long dịp Tết 2020.

Cùng với Sở NN&PTNT, Sở Công Thương đã đẩy mạnh phối hợp với các địa phương, cơ sở phân phối, đơn vị liên quan thực hiện triệt để những hoạt động hỗ trợ, kết nối tiêu thụ các sản phẩm thủy sản, trước mắt là: Ngao hai cùi, hàu và một số sản phẩm khác như chè, tôm, trứng gà. Song song với đó, tiếp tục kết nối đưa các nông sản vào hệ thống siêu thị Big C, Vinmart…; chủ động tìm kiếm các thị trường mới, tận dụng tốt thời cơ các Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (nhất là Hiệp định EVFTA) để đẩy mạnh tiêu thụ.

Mới đây nhất, Sở Công Thương Quảng Ninh đã có văn bản gửi tới Sở Công Thương các tỉnh, thành phố lớn, như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng… và một số đơn vị chế biến tiêu thụ sản phẩm ngao hai cùi, hàu, tôm,… đề xuất phương án xuất khẩu, hỗ trợ tiêu thụ đối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó; phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội kết nối trứng gà Tân An vào thị trường để tiêu thụ.

Đồng thời, thực hiện đăng thông tin, tìm kiếm thị trường và quảng bá trên Website: http://teqni.gov.vn để tìm kiếm khách hàng. Đề nghị các địa phương rà soát lại số lượng sản phẩm, chất lượng sản phẩm sát với thực tế, cử đơn vị làm đầu mối thực hiện công tác thu mua, chế biến và chế biến sâu sản phẩm thủy sản để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các đơn vị phân phối.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Sở tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân trong hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản, như: Tạo điều kiện trong lưu thông hàng hóa trên thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới và xây dựng các chương trình tiêu thụ nông sản trên địa bàn trong, ngoài tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản của tỉnh trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.

Hy vọng với những giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, nông sản Quảng Ninh tiếp tục khẳng định giá trị và thương hiệu riêng có, không chỉ ở thị trường trong nước mà vươn tầm quốc tế.

Hoàng Quỳnh - Minh Đức

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202004/go-kho-tieu-thu-nong-san-bai-2-can-nhung-giai-phap-can-co-2477403/