Bài 2: Cả hệ thống chính trị đồng lòng

Hiện nay, 4 'cái khó' mà hoạt động khai thác hải sản cần khắc phục theo khuyến nghị của EC đó là: Khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật; truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác.

Tập trung khắc phục “điểm khó”

Ngành thủy sản Bắc miền Trung đang bám sát thực hiện những khuyến nghị này để tập trung thực hiện. Tuy còn đó những khó khăn, hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị đang tạo sự đổi mới trong hoạt động khai thác hải sản của cả vùng.

Các tỉnh Bắc miền Trung đã cụ thể hóa công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU) bằng việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện về thành lập Tổ liên ngành thanh tra kiểm soát nghề cá tại cảng cá; xác minh tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; kế hoạch lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; tăng cường hoạt động tại các tổ liên ngành thanh tra kiểm soát nghề cá, quy chế hoạt động đường dây nóng, về công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép, giấy an toàn thực phẩm cho tàu cá... Ngoài ra, BĐBP các tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cũng chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng BĐBP các tỉnh và các đơn vị liên quan đều ký quy chế phối hợp nhằm có sự phân công cụ thể nhiệm vụ, tránh chống chéo trong công tác chống khai thác IUU.

 Ngư dân xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An thực hiện treo Cờ Tổ quốc trên tàu thuyền. Ảnh: HOA LÊ.

Ngư dân xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An thực hiện treo Cờ Tổ quốc trên tàu thuyền. Ảnh: HOA LÊ.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, đến nay, địa phương này không có tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Công tác chống khai thác IUU được triển khai như: Lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát hành trình theo các tiêu chuẩn thiết bị phù hợp; nâng cấp trạm bờ để theo dõi, hướng dẫn cho tàu cá tham gia hoạt động trên các vùng biển xa biết được vị trí, ranh giới giữa các vùng biển, tránh không vi phạm khai thác trên các vùng biển của nước ngoài.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động khai thác thủy sản của một số ngư dân còn hạn chế, lực lượng, phương tiện, kinh phí còn thiếu, ảnh hưởng không nhỏ đến việc ngăn chặn hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp trên biển. Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết: “Vướng mắc hiện nay của tỉnh Quảng Trị là việc cải hoán tàu phù hợp với thông lệ quốc tế. Quảng Trị hiện có một số tàu trên 15m nhưng công suất lại dưới 90CV. Quy định quốc tế tàu trên 15m sẽ phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong khi ở Việt Nam lại quy định tàu 90CV chỉ đánh bắt ở ven bờ. Nếu buộc số ngư dân này phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì quả là “làm khó” cho người dân bởi điều kiện đánh bắt ven bờ của ngư dân còn khó khăn, bỏ ra một số tiền lớn từ 30-40 triệu đồng để lắp đặt thì không phải dễ dàng”.

Tăng cường mạng lưới “tuyên truyền viên”

Để tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU, công tác tuyên truyền là yếu tố tiên quyết. Nhận thức được điều đó, chi cục thủy sản các tỉnh Bắc miền Trung đã tích cực phối hợp với lực lượng BĐBP, UBND các xã, phường tổ chức tuyên truyền vận động đến tận từng tổ đồng quản lý, hợp tác xã, tổ đội sản xuất và đến tận từng hộ dân về chống khai thác IUU, đặc biệt là yêu cầu các chủ tàu và thuyền trưởng ký cam kết không khai thác hải sản bất hợp pháp và không vi phạm vùng biển nước ngoài. Đến nay 100% chủ tàu và thuyền trưởng khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Lực lượng chức năng cũng phối hợp với các địa phương ven biển triển khai các nội dung của Luật Thủy sản 2017, hướng dẫn ngư dân ghi chép đầy đủ nhật ký khai thác, thông tin về các quy định chống khai thác IUU.

Trung tá Võ Văn Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Gianh chia sẻ: “Chúng tôi xác định mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị là phải là những “tuyên truyền viên”. Trong mỗi đợt thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, cán bộ, chiến sĩ đều lồng ghép thông tin cho bà con ngư dân về các quy định chống khai thác IUU; thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện thân tình, nhắc nhở ngư dân theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu” để bà con nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, quy định khai thác hải sản trên biển”.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá, trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã thành lập được 12 tổ đồng quản lý nguồn lợi thủy sản ven bờ tại các địa phương. Đây là những tổ chức tự nguyện của các ngư dân ven biển nhằm thực hiện công tác tuyên truyền trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời tham gia giám sát hoạt động khai thác trên biển, báo cáo các vi phạm trong khai thác cho các cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã thành lập được 15 tổ đồng quản lý nghề cá tại 19 xã, phường trọng điểm về hoạt động nghề khai thác hải sản với 2.810 hộ ngư dân tham gia. Hằng năm, các tổ đã phối hợp ngăn chặn hàng trăm lượt phương tiện hoạt động nghề cấm trong các ngư trường. Thông qua tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ, cộng đồng ngư dân đã tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các thành viên trong tổ tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc ngăn ngừa, phát hiện, truy bắt và xử lý những hành vi vi phạm trong việc khai thác bất hợp pháp, khai thác không đúng quy định.

Công tác khắc phục "thẻ vàng" theo cảnh báo của EC đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam trong thời gian hơn hai năm qua đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp bộ, ngành, cơ quan, đơn vị của Trung ương, địa phương và được cộng đồng doanh nghiệp thủy sản cùng ngư dân tích cực hưởng ứng. Đây là điều kiện và là cơ sở quan trọng, thuận lợi cho việc tiếp tục nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực để triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa những khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU với mục tiêu trước mắt là gỡ bỏ “thẻ vàng”, mục tiêu dài hạn là xây dựng nghề cá có trách nhiệm, hiện đại, hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Tháng 5-2018, đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EC sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Kết quả kiểm tra, đoàn đã có Công thư gửi Bộ NN&PTNT thông báo ý kiến của EC. Bên cạnh đánh giá nỗ lực của cấp Trung ương, phía EC tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị Việt Nam tiếp tục khắc phục để chống khai thác IUU gồm: Khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật; truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Tháng 11-2019, đoàn thanh tra EC sang Việt Nam kiểm tra lần thứ hai đã ghi nhận những cố gắng của Việt Nam trong việc khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EC. Tuy nhiên, đoàn cũng đánh giá kết quả khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Việt Nam chỉ mới được thực hiện quyết liệt trong thời gian gần đây. Việc gỡ bỏ “thẻ vàng” phụ thuộc vào kết quả các đợt kiểm tra tiếp theo.

(Còn nữa)

HOÀNG HOA LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-2-ca-he-thong-chinh-tri-dong-long-619827