Bài 2: Bỏ ngỏ giám sát chất lượng xe đưa đón

Chỉ chưa đầy 1 tuần, ở Đồng Nai xảy ra 2 vụ xe đưa đón làm ngã văng học sinh xuống đường khi xe đang lưu thông khiến nhiều phụ huynh 'thót tim' và bất an khi cho con sử dụng dịch vụ này.

Lực lượng chức năng khám nghiệm, điều tra vụ chiếc xe chở học sinh của Trường tiểu học Diên Hồng (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) làm rơi 2 em học sinh xuống đường. Ảnh: D.Ngọc

Lực lượng chức năng khám nghiệm, điều tra vụ chiếc xe chở học sinh của Trường tiểu học Diên Hồng (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) làm rơi 2 em học sinh xuống đường. Ảnh: D.Ngọc

Điều đáng nói, sau khi vào cuộc điều tra, lực lượng chức năng đã phát hiện một số bất cập trong quản lý xe đưa đón như: xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn kiểm định vẫn được lưu thông, tài xế sử dụng bằng lái xe giả...

* Bất an về chất lượng xe

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, trong năm học 2018-2019, trên địa bàn thành phố có 332 xe đưa đón học sinh. Trong đó, có 67 xe chưa được cấp phù hiệu, 10 xe hết hạn đăng kiểm, 6 xe hết niên hạn sử dụng, 1 trường hợp dùng xe tải thùng để tham gia đưa đón học sinh. Không ít xe hoạt động “chui” mà không đăng kiểm, không có hợp đồng, giấy phép hoạt động dịch vụ vận tải.

Xử phạt hơn 345 xe đưa đón học sinh

Từ đầu năm 2019 đến nay, Thanh tra giao thông (Sở Giao thông - vận tải) đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính gần 345 trường hợp xe đưa đón học sinh không đảm bảo an toàn với các lỗi như: dừng, đậu xe sai quy định, không có phù hiệu, chở quá số người quy định, không đóng cửa lên, xuống xe khi xe đang chạy…, trong đó tịch thu một xe hết niên hạn sử dụng, tước giấy phép lái xe 20 trường hợp với tổng số tiền gần 370 triệu đồng.

Đến năm học 2019-2020, số lượng xe tham gia dịch vụ này đã tăng cao với 927 xe trong tổng số hơn 60 trường học (bao gồm cả cấp tiểu học và THCS). Đây là con số chỉ mới dừng lại ở các trường học công lập. Chất lượng các xe cũng không đồng đều, chủ yếu các xe hoạt động trên 15 năm. Tại một số trường, xe “hết đát” còn dùng để đưa đón học sinh như: Trường tiểu học L.V.T., Trường THCS H.B., Trường THCS T.A…

Những chiếc xe “cận đát” hình dáng bên ngoài khá cũ kỹ nên không khó để nhận ra. Không ít trong số đó đã được chủ xe cải tạo, tự ý thay đổi kết cấu của xe. Các bộ phận không còn chất lượng, có xe còn bị bung cửa, chủ xe phải làm thêm chốt thủ công từ bên ngoài cũng như thêm nhiều ghế nhỏ để tiết kiệm diện tích.

Ông B.V.Đ. (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa), chủ một hợp tác xã kinh doanh dịch vụ đưa đón học sinh cho biết, với những xe còn hạn sử dụng, khi đưa xe đi đăng kiểm chủ xe thường để ghế nguyên trạng theo thiết kế nhưng khi đưa vào sử dụng, các hàng ghế đều bị bỏ phần tựa để học sinh ngồi được nhiều.

“Thủ tục đăng kiểm gồm: giấy đăng ký xe, giấy tờ chứng minh nguồn gốc phương tiện, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực và một số loại giấy phụ khác. Còn vấn đề khí thải, lốp, thắng xe chỉ cần thay mới là có thể qua được vòng kiểm định mà không gặp khó khăn” - ông Đ. nói.

Trong khi đó, đại diện của một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở huyện Long Thành cho rằng, đối với xe kinh doanh vận tải hành khách sẽ trải qua quy trình 5 bước kiểm tra với thời gian chừng 30-45 phút như các ô tô khác. Hai công đoạn đầu tiên, các đăng kiểm viên dùng máy chuyên dụng đo khói và kiểm tra hệ thống thắng. Kế tiếp, gầm xe kiểm tra bằng mắt thường, đèn xe được đo bằng máy. Bước cuối cùng là nhận dạng ngoại, nội thất của xe bằng mắt.

Nếu công đoạn nào không đạt sẽ bị từ chối, lúc đó đăng kiểm viên yêu cầu chủ xe đưa đi sửa rồi mới quay lại kiểm định tiếp. Tất cả các bước đều được giám sát bằng hệ thống camera, máy móc hiện đại và được truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Không ai có thể “can thiệp” được quy trình này dù là một công đoạn đơn giản nhất.

“Hầu hết xe đưa đón đang hoạt động trên địa bàn đều đã được đăng kiểm, kiểm định về kỹ thuật, giám sát khí thải… Khi xe đăng kiểm xong thường đảm bảo tốt các quy định, nhưng khi đưa ra hoạt động thực tế thì chủ xe có thể thay đổi kết cấu. Chỉ có lực lượng chức năng giám sát thực tế trên đường mới phát hiện và xử lý được” - người này khẳng định.

* Từ sự cố, phát hiện thêm nhiều sai phạm

Thực tế cho thấy, những xe đưa đón học sinh đã cũ và được “độ” lại để chở nhiều học sinh hơn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn cho chính các em học sinh nếu không may xảy ra các sự cố khi lưu thông trên đường.

Điển hình như vụ 2 học sinh lớp 4 Trường tiểu học Diên Hồng (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) bị ngã văng từ trên xe đưa đón 16 chỗ biển số BS 60V-8429 xuống quốc lộ 1 vào ngày 29-11 khiến nhiều người “toát mồ hôi”. Rất may thời điểm sự cố xảy ra, không có phương tiện nào lưu thông phía sau nên 2 học sinh trên chỉ bị xây xát bên ngoài.

Bên trong chiếc xe chở học sinh của Trường THCS Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) bị lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản vì tự ý thay đổi kết cấu xe, chất lượng kém

Qua quá trình điều tra, Công an huyện Trảng Bom cũng ghi nhận nhiều vi phạm đối với chủ phương tiện này. Cụ thể, các ghế ngồi trong xe đã bị tháo hết phần tựa lưng, trong xe không có búa thoát hiểm, bên ngoài cửa sau xe được gắn thêm một chốt tự chế phía dưới bảng số nhưng đã bị mất. “Hợp đồng” đưa rước của ông Cao Tuấn Việt (48 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) với các phụ huynh chỉ là “nói miệng”, không có văn bản, với mức giá 280 ngàn đồng/tháng/học sinh.

Mặt khác, theo quy định đối với xe chở người từ 10-30 chỗ ngồi, tài xế phải có bằng lái hạng D, nhưng ông Việt chỉ có giấy phép lái xe hạng B2 nên người này đã sử dụng giấy phép lái xe giả hạng E. Riêng chiếc xe ông Việt mua lại bằng giấy tay nhưng chưa làm thủ tục sang tên và đã hết hạn kiểm định từ lâu.

Trước đó, vụ việc 2 học sinh lớp 1 Trường tiểu học Phan Bội Châu (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) bị ngã văng từ xe đưa đón 16 chỗ biển số 51B-079.23 vào ngày 26-11 cũng gây xôn xao dư luận. Ngay khi sự việc xảy ra, các lực lượng chức năng đã vào cuộc và phát hiện nhiều sai phạm.

Thiếu tá Võ Ngọc Vương, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an TP.Biên Hòa cho biết, lái xe đã tháo ghế nguyên bản để thay bằng một loạt ghế nhựa cho học sinh ngồi. Khi chiếc xe trình diện đến cơ quan công an, chủ xe chỉ mới lắp ghế vào, các bu lông, ốc vít vẫn còn chưa được vặn chặt. Chỉ cần đưa tay nhấc là các băng ghế ngồi bung ra dễ dàng. Ngoài ra, cửa sau xe cũng bị hỏng chốt khóa trong phải khóa bằng chốt ngoài nhưng tài xế... quên không khóa chốt nên mới xảy ra sự việc. Trên xe không có đủ thiết bị chữa cháy, điều kiện xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng nhưng không có hợp đồng vận chuyển.

Sau khi trên địa bàn Đồng Nai liên tiếp xảy ra nhiều vụ xe đưa đón học sinh không đảm bảo an toàn, Công an tỉnh đã mở cao điểm xử lý nghiêm các vi phạm đối với loại phương tiện này. Từ cuối tháng 11 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện 27 trường hợp sai phạm. Nhiều xe hết hạn sử dụng nhưng vẫn lưu thông, không có phù hiệu, không có giấy phép kinh doanh, cải tạo, nâng cấp không đúng quy định về kết cấu xe…

Đặc biệt, lực lượng chức năng đã phát hiện 5 ô tô hết niên hạn sử dụng và 116 xe quá hạn kiểm định nên ra quyết định xử phạt cả chủ xe lẫn lái xe. Hình thức xử phạt cao nhất là tịch thu xe hết niên hạn sử dụng.

Tuy nhiên, Thượng tá Đặng Thế Trung, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, việc kiểm tra, xử lý của ngành công an bước đầu chỉ giải quyết được “bề nổi” của vấn đề. Muốn xử lý triệt để tình trạng xe đưa đón học sinh chất lượng kém, cần giải pháp đồng bộ hơn từ các ngành liên quan; đặc biệt là trách nhiệm của nhà trường, giáo viên và cả phụ huynh học sinh trong việc lựa chọn những đơn vị vận tải uy tín, đảm bảo các điều kiện trong hoạt động vận tải để đưa đón học sinh an toàn hơn.

Dương Ngọc

Bài 3: Quản lý chặt dịch vụ xe đưa đón học sinh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201912/hiem-hoa-tu-xe-kem-chat-luong-dua-don-hoc-sinh-bai-2-bo-ngo-giam-sat-chat-luong-xe-dua-don-2978904/