Bài 2: Bế tắc tìm người 'vác tù và' chi đoàn, chi hội

Tại nhiều diễn đàn TXCT của ĐBQH, HĐND các cấp, vấn đề thực thi Nghị định 34 trong việc giao khoán và bồi dưỡng cho những người tham gia vào hoạt động của thôn, tổ dân phố (TDP) được nhiều cử tri phản ánh chưa phù hợp với thực tiễn, rất khó cho các đoàn thể hoạt động; mức bồi dưỡng thấp dẫn đến khó tìm người 'vác tù và' chi đoàn, chi hội nên cần sớm được điều chỉnh cho phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn.

Bài 1: Muôn kiểu thực thi

Khó cho các đoàn thể hoạt động

Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ra đời gắn liền với việc hiện thực hóa quy định Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII) đặt ra yêu cầu phải khoán kinh phí hoạt động cho các tổ chức, đoàn thể nhằm giảm “gánh nặng” ngân sách, đồng thời tách bạch hoạt động các đoàn thể với công việc của thôn, xóm, khối phố. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc hoạt động của các tổ chức, đoàn thể là tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm. Kinh phí hoạt động của các tổ chức, đoàn thể dựa trên quỹ, phí do các tổ chức huy động từ hội viên, đoàn viên và thông qua các công trình, phần việc đảm nhận để gây quỹ.

Như ý kiến của đại diện Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nghệ An khi thẩm tra, xem xét sự cần thiết ban hành Nghị quyết của tỉnh này là việc chuyển nguồn chi trả phụ cấp hàng tháng cho các Chi hội trưởng các đoàn thể thành nguồn quỹ được khoán cho các xóm hoạt động cũng bắt buộc các tổ chức, đoàn thể vào cuộc thực hiện các công việc ở xóm tích cực, hiệu quả để khối, xóm, bản chi hỗ trợ bồi dưỡng trở lại, vừa tạo sự chủ động cho các xóm, vừa tránh cào bằng giữa các tổ chức, đoàn thể và cá nhân tích cực cũng như không tích cực.

Lý thuyết là vậy nhưng khi vận dụng vào thực tiễn thì khá nhiều địa phương gặp phải những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở. Tại nhiều diễn đàn TXCT của ĐBQH, HĐND các cấp, vấn đề thực thi Nghị định 34 trong việc giao khoán và bồi dưỡng cho những người tham gia vào hoạt động của thôn, TDP đã được nhiều cử tri phản ánh là chưa phù hợp với thực tiễn, rất khó cho các đoàn thể hoạt động.

Nói là chi đoàn, chi hội có đoàn phí, hội phí nhưng thực tế hiện nay nguồn thu từ nguồn này rất ít ỏi, ngoài nộp cấp trên cũng chưa đủ để cho tổ chức hoạt động nên không có nguồn để trích hỗ trợ cho trưởng chi đoàn, chi hội chứ nói gì đến cấp phó và Ủy viên Ban Chấp hành. Nhiệm vụ của các chức danh này thực tế cũng nhiều. Ở địa bàn Tây Nguyên, hoạt động càng khó khăn hơn, bởi việc huy động đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt đã khó nói gì đến đóng góp, có những khu vực trắng đoàn thể vì không có người, như chi hội phụ nữ chúng tôi, phần đa chị em đi làm nương rẫy, kiếm cái cơm ăn, rất khó để tập trung được đông hội viên. Địa bàn rộng, xăng xe không có hỗ trợ nên rất khó tìm người nhiệt huyết để đảm đương công việc đoàn thể bởi họ cũng phải lo cuộc sống gia đình. Thiết nghĩ, khoánkinh phí chung cho hoạt động của thôn, TDP bằng chấm công chi trả theo ngày là không phù hợp - cử tri Vũ Thị Ngọt - Chi hội trưởng Phụ nữ TDP 8, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’Leo cho biết.

Cử tri Ngô Đức Thái, thôn Mỹ Giang, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An thì cho hay: từ khi thực hiện theo Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh, hầu hết các chức danh của chi đoàn, chi hội ở thôn bị cắt phụ cấp, thay vào đó là chuyển sang chế độ trả công khi tham gia công việc ở thôn trong tổng số kinh phí khoán cho thôn, như thôn Mỹ Giang là 23 triệu đồng/năm. Quy định là vậy nhưng việc chấm ngày công thực tế để làm chứng từ cũng khá lèo nhèo. Chưa kể chế độ bồi dưỡng cho Trưởng các đoàn thể khi trực tiếp tham gia công việc ở thôn mức từ 50.000 - 100.000 đồng/1 người/1 ngày quá thấp, nhiều người không mặn mà.

Cử tri Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh kiến nghị hỗ trợ kinh phí cho các chi đoàn, chi hội hàng tháng để bảo đảm hoạt động và phong trào quần chúng
Ảnh: Bình Nguyên

Sớm điều chỉnh quy định mức bồi dưỡng

Cùng chung ý kiến với cử tri Ngô Đức Thái, nhiều cử tri thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh bày tỏ mong muốn cấp trên sớm điều chỉnh quy định mức bồi dưỡng cho những người tham gia công việc ở thôn, TDP cho phù hợp.

Cử tri Phan Thị Diên, Tổ trưởng TDP Thuận Hòa, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cho rằng, việc khoán kinh phí và chi trả theo mức ngày công như quy định hiện hành rất khó cho cấp ủy, chính quyền phường cũng như cấp ủy, Ban Công tác mặt trận, TDP tìm kiếm nguồn nhân sự bổ sung cho các chi đoàn, chi hội khi đại hội. “Mức bồi dưỡng thấp, dù có nhiệt tình đến mấy, không ai “vác tù và” mãi được. Chi đoàn, chi hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Nếu như không có sự quan tâm, bồi dưỡng xứng đáng dần dần sẽ mất phong trào. Đó là một thực tế hiện nay không chỉ ở địa phương chúng tôi mà còn ở nhiều đơn vị khác. Rất mong cấp trên căn cứ thực tiễn để sớm có điều chỉnh cho phù hợp” - cử tri Phan Thị Diên mong muốn.

Cùng là hoạt động ở chi đoàn, chi hội nhưng giữa các địa phương cũng có chính sách bồi dưỡng không giống nhau. Giá như địa phương chúng tôi mà HĐND ra nghị quyết hỗ trợ như tại Quảng Nam, Quảng Ngãi thì tốt biết bao. Đó không chỉ mang ý nghĩa về mặt vật chất mà đó còn là sự ghi nhận, trân trọng cống hiến, tâm huyết của những người “vác tù và” tại các chi đoàn, chi hội, nhất là đối với chi đoàn thanh niên, bởi các cháu phần lớn không có thu nhập ổn định, đây cũng là nguồn để phát triển Đảng, nguồn cán bộ TDP sau này” - Cử tri Lê Minh Khai - Chi hội trưởng Hội CCB Tổ dân phố 8, thị trấn Ea Drăng, Ea H’Leo, Đắk Lắk bày tỏ.

SONG NGUYÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/bai-2%C2%A0be-tac-tim-nguoi-vac-tu-va-chi-doan-chi-hoi-i300283/