Bài 2: 58 ngày tù hãi hùng của ngư dân và 4 phiên tòa kỳ lạ trên đất Thái

'Chúng tôi không có tội gì cả, nên Hải quân Thái Lan thả chúng tôi về mà không cần điều kiện gì. Chuyện bị giam cầm 2 tháng thì cho là hiểu lầm đi, nhưng mấy chiếc tàu thì phải trả lại cho chúng tôi', các ngư dân ở TT.Sông Đốc nói.

Ông Út Nhỏ (bên trái) và 2 tài công của mình vừa trở về từ Thái Lan - Ảnh: Thanh Nguyên

Ông Út Nhỏ (bên trái) và 2 tài công của mình vừa trở về từ Thái Lan - Ảnh: Thanh Nguyên

Bị đánh đập và lạm dụng trong tù

Trong 3 chiếc tàu câu mực bị Hải quân Thái Lan bắt giữ, có 1 chiếc tàu đã bị hư hỏng và chìm dưới đáy biển. Đó là 1 trong 2 chiếc tàu của anh Nguyễn Văn Út Nhỏ, do tài công Ngô Minh Sáng (34 tuổi, ngụ TT.Sông Đốc, H.Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) làm thuyền trưởng. Anh Sáng cùng các thuyền viên của mình bị bắt trước khi tàu của ông Được và 1 tài công khác cùng bị bắt.

Cũng như cách xử lý của ông Được, khi thấy đài báo bão, thấy trời cũng chuyển giông, gió, anh Sáng gọi điện về cho chủ tàu và nhờ xin giấy phép tạm trú bão. Đó cũng là lúc tàu của anh bị hư máy chính. Anh kể: “Tôi cùng anh em tìm cách để sửa nhưng không có phụ kiện đành bó tay, để tàu trôi tự do. Chiều 2.1, tàu Hải quân Thái Lan phát hiện chúng tôi trên vùng biển của họ. Họ ập lên canh giữ chúng tôi. Khi bắt được 2 chiếc kia, họ dồn chúng tôi lên tàu của chú Được, rồi bỏ mặc chiếc tàu hư chìm giữa biển”.

Như bao chàng trai nơi xứ biển Sông Đốc, anh Sáng cũng vươn khơi bám biển từ thưở còn niên thiếu. Bao nhọc nhằn, gian khó và cả hiểm nguy của cuộc mưu sinh trên các con tàu đánh bắt xa bờ anh đều đã từng nếm trải. Từ làm thuê, đi “bạn” (thuyền viên - PV) rồi dần dần trở thành tài công mưu sinh trên những chuyến tàu ngoài khơi xa. Nhưng với anh Sáng những ngày bị giam cầm ở nhà tù tỉnh Pattani (Thái Lan) như sống trong 1 thế giới khác.

Anh Ngô Minh Sáng không kiềm được nước mắt khi kể về tháng ngày trong tù ở tỉnh Pattani (Thái Lan) - Ảnh: Thanh Nguyên

Khi các anh bị hải quân nước bạn bắt giữ, vì không biết tiếng Thái Lan nên quá trình giao tiếp giữa các anh và cảnh sát gặp nhiều trở ngại, việc gì cũng phải nhờ thông dịch viên. Và những ngư dân chân chất này, họ không biết họ đã phạm tội gì, khi chỉ cố tìm nơi tránh bão. Lúc nào họ cũng hoang mang không hiểu được chuyện gì đang xảy ra và tương lai của họ, bao giờ họ được trở về nhà...

Nhớ lại những tháng ngày bị tù cũ “tra tấn” nơi ngục tù mà không thể trình báo ai hết, anh Sáng vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh kể: “Từ lúc bị bắt đến ngày được thả về nước, các anh em chỉ được phát mỗi người 1 bộ đồ duy nhất để mặc. Điều tệ hại hơn, khi những thuyền viên bị bắt giam trong tù, những người tù cùng giam (người Thái) luôn đánh đập, ức hiếp chúng tôi vô cớ. Họ muốn đánh lúc nào là đánh, ngồi cũng đánh, nằm cũng đánh, lỡ ngủ gục cũng bị đánh, hay cả khi nhìn họ cũng bị đánh đập”.

Trong nhà tù của tỉnh Pattini, gần 300 tù nhân bị nhốt chung 1 căn phòng lớn. Những tù nhân mới không dám ngủ nằm mà chỉ được phép ngủ ngồi. Muốn có chỗ nằm, phải bỏ gần 200.000 đồng tiền Việt Nam ra mua, nhưng mua được một vài hôm lại bị các tù nhân cũ chiếm mất.

“Man rợ hơn, 1 thành viên trong nhóm chúng tôi còn bị bọn chúng (những người tù Thái Lan) tấn công tình dục. Cháu tôi không chịu thì bị chúng lôi vào nhà vệ sinh đánh, đập đầu vào tường rồi đồng bọn chúng cùng nhau xâm hại nó. Thậm chí, tên “tù trưởng” còn lấy lưỡi lam cạo đầu những ai hắn không thích, có lúc cạo được một nửa rồi chừa một nửa để làm trò cười cho bọn chúng”, anh Sáng rưng rưng nước mắt kể.

Chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng trên, các ngư dân đều rất bức xúc nhưng không thể can ngăn vì bọn chúng quá dữ tợn. Đôi lúc, vì quá sức chịu đựng nên những ngư dân bị bắt đã cố gắng gặp cảnh sát để báo vụ việc bị những người tù Thái hành hạ.

“1 thuyền viên đã cùng 1 bạn tù người Việt có biết chút ít tiếng Thái lên gặp trình báo. Thế nhưng, họ chưa được gặp cảnh sát thì cả 2 bị bọn chúng lôi về đánh đập một trận tơi bời. Từ đó, không ai dám hé môi nữa. Chúng tôi phải chấp nhận, khi có người quen của mình bị đánh, chúng tôi không được nhìn. Ai nhìn, người đó sẽ bị đánh luôn, làm sao chúng tôi dám can ngăn”, anh Sáng kể.

4 phiên tòa vô nghĩa

Để có thể sống sót được giữa nơi hà khắc như vậy, gia đình các ngư dân phải chạy vạy gửi tiền bạc sang Thái Lan để họ trang trải cuộc sống trong tù. “Do biết trước cuộc sống trong tù nên tôi có nhờ người tên Thủy (phiên dịch cho người Thái) kêu gia đình gửi qua 3 triệu đồng để 3 cha con xoay sở ban đầu. Số tiền này chúng tôi dùng để mua thêm thức ăn, để dành lo những lúc cần thiết”, ông Được nhớ lại.

Các thuyền viên cũng cho biết, mỗi ngày, họ cho ăn mỗi bữa đúng 1 chén cơm. Món ăn buổi sáng thì đồ ăn rất dở, chỉ được buổi chiều mỗi người được ăn đúng 1 cục thịt gà nhưng đầu bếp nấu rất khó nuốt. Buổi sáng, các tù nhân phải dậy từ lúc 6 giờ 30 để tập thể dục, chào cờ. Buổi trưa nắng, các tù nhân phải ngồi dưới nắng chứ không cho vào trại.

Có người vì chịu không nổi nắng nên kiếm bóng mát ngồi nhưng cũng bị các tù nhân người Thái đuổi ra chỗ khác. “Gần 2 tháng bị tạm giam ở nhà tù tỉnh Pattani thật quá khủng khiếp. May mắn là tôi không bị bệnh, nếu bị bệnh thì khó bảo toàn được tính mạng. Trong số những ngư dân bị bắt cùng tôi, đã có không ít người sau khi về nước, phải đi lên TP.HCM điều trị bệnh đến nay vẫn chưa được về nhà”, 1 thuyền viên nói.

2 chiếc tàu của ông Út Nhỏ, ông Được hiện đã bị tháo máy, để hư hỏng trên bến cảng - Ảnh: Thanh Nguyên

Ở trong nhà tù của tỉnh Pattani, trong 48 ngày, 21 ngư dân này phải trải qua 4 phiên tòa. Cứ 12 ngày, họ lại được quản giáo cùm chân, xếp hàng ngồi lên xe đến tòa. Những phiên tòa thực sự rất khó hiểu, 21 ngư dân được đưa vào 1 căn phòng, có cảnh sát tư pháp canh giữ. Đứng trước họ là 1 màn hình tivi được truyền hình trực tiếp đến bồi thẩm đoàn.

“Họ nói bằng tiếng Thái, chúng tôi xem tivi và nghe họ nói, nhưng chúng tôi có hiểu gì đâu, không có thông dịch viên ở đó. Chúng tôi cứ ừ hử vào micro. Phiên tòa diễn ra chừng 10 phút, chúng tôi lại được thả về. 12 ngày sau lại tiếp như vậy”, 1 thuyền viên kể lại.

Theo ông Được - người đã từng một lần bị bắt ở tỉnh Pattani khoảng 10 năm về trước, thì qua 4 phiên tòa như thế này, sẽ đến 1 phiên tòa xét xử chính thức, 21 ngư dân này sẽ đối mặt trực tiếp với bồi thẩm đoàn và nghe luận tội. Nhưng phiên tòa đó đã không diễn ra được, và các thuyền viên này được xem xét cho ra về.

Trong suốt 48 ngày ở Pattani, thỉnh thoảng những thuyền viên cũng được gọi điện về cho gia đình, nhờ gia đình liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan can thiệp. Nỗ lực đó đã được đền đáp khi Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã nhiều lần gửi công văn đến Bộ Ngoại giao Thái Lan xác nhận 3 chiếc tàu bị Hải quân bắt thực chất chỉ đi trú bão.

“Giấy trắng mực đen rõ ràng, nhưng tôi không hiểu sao họ lại giữ các thuyền viên, tàu của chúng tôi lại mà không chịu thả. Đến khi thả thì chỉ thả người, tàu thuyền thì bị tháo máy, phơi nắng, chìm trong bến cảng”, chủ tàu Nguyễn Văn Út Nhỏ thắc mắc.

Ông Út Nhỏ rưng rưng nói: “Thế là trắng tay. Cả gia nghiệp chính là 2 con tàu trị giá gần 1,5 tỉ đồng, bây giờ tàu mất không còn cái làm ăn. Bao nợ nần chưa trả hết giờ không biết phải xoay xở làm sao. Đối với người làm nghề biển, nhất là vươn khơi, không chỉ cược mạng sống mà còn cược tất cả tài sản vào sóng nước vô thường.

Con tàu không đơn thuần là phương tiện kiếm cơm, với ngư dân, đó chính là gia nghiệp. Không còn tàu, ngư dân gần như mất sinh kế. Kể từ khi chiếc tàu bị bắt, tôi đành phải đi làm thuê để kiếm tiền lo cho gia đình và trả nợ. Những ngày qua, tinh thần của vợ tôi suy sụp, đầu óc bấn loạn, không làm được gì cả”.

Tiếp lời ông Út Nhỏ, ông Được bức xúc: “Chúng tôi không có tội gì cả, Hải quân Thái Lan thả chúng tôi về mà không cần điều kiện gì. Chuyện bị giam cầm 2 tháng thì cho là hiểu lầm đi, nhưng mấy chiếc tàu thì phải trả lại cho chúng tôi”.

(còn tiếp)

Nhóm PV

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/phong-su-ky-su-c-96/bai-2-58-ngay-tu-hai-hung-cua-ngu-dan-va-4-phien-toa-ky-la-tren-dat-thai-110203.html