Bài 18. Ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện chủ trương tăng cường pháp chế XHCN

Thực hiện chủ trương tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, VKSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Công an đã tập trung xây dựng dự thảo Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng nhằm thay thế cho Sắc lệnh số 133-SL ngày 20/1/1953.

Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc về công tác đấu tranh bảo vệ trị an xã hội, việc trấn áp bọn phản cách mạng, công tác phòng ngừa tội phạm của VKSND cũng như việc thực hiện chủ trương tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Giải quyết nhanh hơn các vụ án phạm pháp về trị an, nhất là loại án giết người, hiếp dâm, tham ô

Trong công tác đấu tranh bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, đảm bảo dân chủ và tăng cường kỷ luật, ngành kiểm sát đã đi đúng hướng hơn, phục vụ có kết quả tốt các nhiệm vụ trung tâm của Đảng và Nhà nước.

Trong công tác đấu tranh bảo vệ trị an xã hội, các cấp đã quán triệt phương châm phòng ngừa hơn. Một số địa phương đã có kế hoạch phối hợp với các ngành, phát huy tác dụng của các đoàn thể trong việc giáo dục, phát động quần chúng đấu tranh ngăn chặn các tai nạn giao thông, tệ thông gian (Hà Bắc, Hải Phòng, Hải Dương...). Các viện kiểm sát địa phương đã giải quyết nhanh hơn các vụ án phạm pháp về trị an, nhất là loại án giết người, hiếp dâm.

Qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm và kiểm sát giam giữ, cải tạo, VKSND tối cao cũng đã phát hiện một số người bị truy tố, xét xử oan về tội giết người, đã trả lại tự do cho những người bị oan. Năm 1966, ngành kiểm sát cũng đã phục vụ tốt việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Một số nơi đã tiến hành kiểm sát các ủy ban hành chính xã, uốn nắn những vi phạm và giúp cho cán bộ xã chấp hành tốt công tác tuyển binh và các chính sách có liên quan đến thương bệnh binh, quân nhân tại ngũ và cán bộ đi công tác xa.

Trong năm 1966, Ban Bí thư Trung ương Đảng thành lập một ban chuyên trách xem xét lại vụ án Võ An Khang - một vụ án phức tạp, kéo dài và chưa có sự thống nhất ý kiến giữa các cơ quan điều tra. Ngành kiểm sát có 5 đồng chí tham gia ban chuyên trách (gồm đồng chí Trần Hiệu, Nguyễn Văn Sắc, Nguyễn Huy Thuân, đồng chí Lâm, đồng chí Mai). Sau gần 7 tháng kiểm tra, ban chuyên trách đã kết luận đồng chí Võ An Khang tự tử, không phải bị sát hại như kết luận của Công an TP Hà Nội và đã báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Đồng chí Nguyễn Huy Thuân được ban chuyên trách giao viết báo cáo về những sai lầm trong quá trình điều tra vụ án, những bài học về chuyên môn nghiệp vụ điều tra và kiểm sát điều tra. Từ bài học này, lãnh đạo VKSND tối cao đã có chủ trương mở đợt tập huấn cho toàn ngành về nghiệp vụ kiểm sát điều tra, lập hồ sơ mẫu về kiểm sát điều tra.

Năm 1967, toàn ngành đã vận dụng tương đối tốt chức năng của mình trong công tác trấn áp bọn phản cách mạng, góp phần đáng kể vào việc giữ gìn an ninh ở miền Bắc. Đối với các phần tử phản động lợi dụng đạo Thiên chúa, ngành kiểm sát đã tập trung đúng hướng, đánh trúng, đánh mạnh vào những đối tượng đầu sỏ phản động theo chỉ đạo chung của VKSND tối cao. Nhiều viện kiểm sát địa phương đã chủ động có kế hoạch thống nhất với các ngành dưới sự chỉ đạo của cấp ủy.

Về biện pháp đấu tranh, nhiều nơi đã kết hợp tốt ba mặt: quần chúng, hành chính và pháp luật, đề cao uy lực của pháp luật, của chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở, đồng thời phát huy vai trò của quần chúng trong việc trấn áp những hoạt động phá hoại. Thực tế đấu tranh đã làm rõ hơn tác dụng của công tác kiểm sát trong việc trấn áp các phần tử phản động, đồng thời bước đầu đã khắc phục được tư tưởng hữu khuynh trong ngành và góp phần đẩy mạnh đấu tranh chống bọn đầu sỏ phản động đối với một số ngành.

 Tòa án quân quản tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa xét xử công khai các tên ác ôn sau ngày giải phóng 30/4/1975. (Ảnh: tư liệu)

Tòa án quân quản tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa xét xử công khai các tên ác ôn sau ngày giải phóng 30/4/1975. (Ảnh: tư liệu)

Nhiều địa phương đã tích cực đấu tranh chống các luận điệu chiến tranh tâm lý của địch, tham gia củng cố vùng xung yếu, nâng cao cảnh giác trong quần chúng, kịp thời trấn áp những hoạt động phá hoại, phát hiện những lệch lạc trong công tác của cán bộ ở cơ sở, góp phần củng cố phong trào ở địa phương. Thực hiện tốt hơn công tác phê chuẩn bắt giam và xử lý đối với loại án phản tuyên truyền.

Trong năm 1968, các VKSND tỉnh, thành phố (chưa kể VKSND huyện, thị, khu phố) đã trực tiếp điều tra hoặc kiểm sát điều tra 3.782 vụ án hình sự các loại, đã đưa ra truy tố 1.120 vụ, gồm những tên gián điệp, biệt kích, phản động; những đối tượng tham ô, đầu cơ, hối lộ, vì tư lợi lạm quyền, làm sai chức trách nhiệm vụ và các phần tử phạm tội hình sự khác; đã có 11 viện kiểm sát phối hợp với công an, tòa án đưa ra truy tố, xét xử một số vụ án tham ô lớn để phục vụ cuộc vận động quản lý thị trường, chống đầu cơ, ăn cắp. Hoạt động kiểm sát đã cho thấy rõ tội chức vụ như: hối lộ, vì tư lợi làm sai chính sách và kế hoạch nhà nước; đây là loại tội gây nhiều tác hại cần phải kịp thời trừng trị.

Những việc trên đã góp phần làm cho cuộc đấu tranh chống các thế lực phản động lợi dụng Thiên chúa giáo và tội phạm kinh tế, trị an được mạnh hơn. Qua công tác kiểm sát điều tra, nhiều nơi còn phát hiện ra một số trường hợp bắt người chưa đủ căn cứ, hoặc điều tra sai do truy bức nhục hình và đã góp ý kiến giúp cho ngành công an sửa chữa, uốn nắn.

VKSND tối cao xem xét nhiều bản án của tòa án địa phương bị kháng nghị để có kết luận đề nghị Tòa án nhân dân tối cao quyết định, tiêu biểu là vụ án Giàng Xay Chú, can tội giết người ở Nghĩa Lộ; vụ án Nguyễn Đình Độ ở Hải Phòng, vụ án tham ô của Đỗ Văn Cao tại Quảng Ninh; vụ án Vũ Văn Khang và đồng bọn can tội tàng trữ, lưu hành tài liệu, văn hóa phẩm phản động, đồi trụy...

Pháp lệnh có ý nghĩa chính trị to lớn

Thực hiện một nhiệm vụ quan trọng của ngành là công tác phòng ngừa tội phạm, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, tháng 9/1966, Đảng đoàn VKSND tối cao đã xây dựng dự thảo Đề cương báo cáo về tình hình cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật.

Đề cương nêu lên những nguyên nhân chủ yếu và đề xuất một số biện pháp khắc phục tình hình vi phạm như: giáo dục tư tưởng, đạo đức; thực hiện cuộc vận động xây dựng chi bộ “bốn tốt”; phân định rõ nhiệm vụ giữa cấp ủy và chính quyền, tổ chức quần chúng; phát huy nhiệm vụ giám sát của các cơ quan dân cử, đề cao vai trò làm chủ của nhân dân, vai trò quản lý của các cấp chính quyền và đề cao pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; nghiên cứu chính sách cán bộ ở một số cơ quan kinh tế và văn hóa; tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng chính sách khen thưởng và kỷ luật, qua đó đẩy mạnh công tác giáo dục, phòng ngừa vi phạm đối với đảng viên và quần chúng...

Đề cương nhấn mạnh: Phải có kế hoạch đấu tranh từng bước nhưng toàn diện: kết hợp giữa giáo dục tư tưởng và xử lý về kỷ luật (kỷ luật hành chính hoặc đưa ra pháp luật), kết hợp giữa công tác tư tưởng với công tác chấn chỉnh tổ chức và lề lối làm việc, kết hợp giữa cơ quan nhà nước với lực lượng quần chúng, nhằm chống các vi phạm pháp luật trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Qua công tác kiểm sát, Đảng đoàn VKSND tối cao đề nghị Ban Bí thư mở một đợt sinh hoạt tư tưởng, giáo dục sâu rộng về đạo đức cách mạng, chống các hiện tượng tham ô, lãng phí, hối lộ, kiện toàn tổ chức và tăng cường biên chế ngành kiểm sát, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quan hệ giữa ba ngành công an, tòa án, kiểm sát. Hoạt động kiểm sát không dừng ở những vụ việc cụ thể mà đi tới khái quát, dự phòng được tình hình vi phạm pháp luật để đề xuất với cấp ủy và chính quyền địa phương, đề xuất với Đảng và Nhà nước để có những chủ trương phòng ngừa vi phạm.

Thực hiện chủ trương tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tối cao và Bộ Công an đã tập trung xây dựng dự thảo Pháp lệnh Trừng trị các tội phản cách mạng nhằm thay thế cho Sắc lệnh số 133-SL ngày 20/1/1953.

Sau khi nghiên cứu tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tối cao và Bộ Công an về dự thảo Pháp lệnh nói trên, ngày 30/10/1967, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh gồm 3 mục với 22 điều quy định về tội phản cách mạng và những nguyên tắc trừng trị tội phản cách mạng; về hình phạt và những trường hợp tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt và áp dụng nguyên tắc tương tự.

Pháp lệnh là một công cụ sắc bén của chuyên chính dân chủ nhân dân, là cơ sở pháp lý vững chắc để Nhà nước và nhân dân ta tăng cường công tác trấn áp phản cách mạng - một biểu hiện quyết tâm của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai đang tăng cường chiến tranh phá hoại, chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý và nhiều hành động phản cách mạng khác. Pháp lệnh này còn có ý nghĩa chính trị to lớn, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh, trấn áp và ngăn chặn các hành động phản cách mạng, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/bai-18-nganh-kiem-sat-nhan-dan-thuc-hien-chu-truong-tang-cuong-phap-che-xhcn-85215.html