Bài 15: Bác nguyện vọng của doanh nghiệp

KTNT - Trong đơn kêu cứu, hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch Hoffman ở Bình Dương trình bày nguyện vọng: “Chúng tôi tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ, quý cơ quan xem xét, chỉ đạo UBND tỉnh Bỉnh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch Hoffman được tiếp tục hoạt động đến hết năm 2018-2020 theo đúng lộ trình, định hướng của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất vật liệu xây dựng”. Tuy nhiên, nguyện vọng chính đáng này bị UBND tỉnh Bình Dương bác bỏ.

>>

Bài 14: Bình Dương quyết “khai tử” hàng trăm doanh nghiệp?

Chính quyền niêm phong kiên quyết khai tử lò gạch Hoffman.

Bác mọi nguyện vọng của doanh nghiệp

Ngày 22-8-2014, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải ký Quyết định số 1469/QĐ-TTg “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” (có hiệu lực thi hành từ ngày ký). Theo đó, với gạch đất sét nung, không đầu tư các loại lò gạch thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng (hay còn gọi là Hoffman) sử dụng nhiên liệu hóa thạch, than, dầu khí, khuyến khích đầu tư công nghệ gạch đất sét nung kích thước lớn, độ rỗng cao để tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường. Cũng theo nội dung Quyết định số 1469/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương có quyền gia hạn cho những doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman được phép sản xuất đến sau năm 2018 và chậm nhất đến năm 2020, lộ trình này là phù hợp với các quy định của pháp luật đã được ban hành trước đó.

Các ông Lâm Văn Thành, Bùi Trí Dũng cũng như hàng trăm chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương bức xúc cho biết: Dựa vào quyết định trên và các văn bản, quyết định có liên quan, UBND tỉnh Bình Dương đã không áp dụng, thậm chí bỏ qua quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy là ép các doanh nghiệp chúng tôi, khiến gạch Hoffman bị khai tử để gạch Tuynel một mình lên giá, rồi người dân sẽ khổ, không có tiền mua gạch làm nhà để ở.

Bà Trương Thị Kim Ánh, chủ một cơ sở sản xuất gạch Hoffman ở huyện Phú Giáo, cho biết: Ngày 4-9-2014, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 2983/UBND-TD về việc trả lời đơn khiếu nại, kiến nghị của hàng trăm cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Văn bản số 2949/UBND-TD ngày 3-9-2014 trả lời phức đáp kiến nghị của Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội). Theo nội dung các văn bản UBND tỉnh gửi cho chúng tôi, UBND tỉnh Bình Dương đã bác bỏ hết nguyện vọng chính đáng của chúng tôi, áp dụng, trích dẫn văn bản pháp luật không đầy đủ, không có lợi cho doanh nghiệp. Đáng lưu ý là, UBND tỉnh Bình Dương không quan tâm thực hiện, không hề đả động đến Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, mà theo quyết định này, doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman được phép hoạt động thêm vài năm nữa. Việc gia hạn là hoàn toàn phù hợp với Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29-8-2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020; Quyết định số 367/QĐ-TTg; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/04/2012, nhằm thúc đẩy phát triển vật liệu xây dựng không nung, hạn chế và từng bước tiến tới chấm dứt sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng từ đất sét nung.

Trước đó, vào ngày 1-6-2012, Bộ Xây dựng cũng ra Văn bản số 896/BXD – VLXD, nội dung có nêu, các dự án nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi và các tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất hết năm 2017 với lò thủ công thủ công cải tiến và chậm nhất năm 2020 với lò đứng liên tục. Đối với lò Hoffman không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp (trấu, mùn cưa,, vỏ hạt điều…), tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương có thể cho phép tồn tại, “nhưng UBND tỉnh không nói đến những nội dụng có lợi cho chúng tôi mà nói lòng vòng không đúng nội dung, áp dụng những văn bản không đúng”, bà Ánh bức xúc trước cách làm việc của UBND tỉnh Bình Dương.

Đại diện gần 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch hoffman bức xúc vì tỉnh Bình Dương kiên quyết khai tử lò hoffman.

Không theo lộ trình của Chính phủ?

Quyết định số 1469/QĐ – TTg ngày 22-8-2014 nêu rõ quan điểm của Chính phủ về việc phát triển sản xuất vật liệu xây dựng hướng tới phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và tham gia xuất khẩu. Đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu, cơ sở chế biến nguyên liệu chuyên nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn; đầu tư chiều sâu, nâng cấp công nghệ cũ, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Phát triển các loại hình sản phẩm vật liệu xây dựng đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong nước và tham gia xuất khấu. Dự báo nhu cầu trong nước đối với vật liệu xây, năm 2015 là 26 tỷ viên, đến năm 2020 là 30 tỷ viên.

Đối với gạch đất sét nung, khuyến khích đầu tư công nghệ sản xuất gạch đất sét nung kích thước lớn, độ rỗng cao để tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường. Dự án đầu tư mới phải nằm trong quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng địa phương và gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu. Năm 2015, tổng công suất thiết kế gạch đất sét nung trên toàn quốc chiếm tối đa 80% tổng sản lượng vật liệu xây, tương đương khoảng 21 tỷ viên quy tiêu chuẩn. Năm 2020, tổng công suất thiết kế gạch đất sét nung trên toàn quốc chiếm tối đa 60% tổng sản lượng vật liệu xây, tương đương khoảng 18 tỷ viên quy tiêu chuẩn. Đối với các cơ sở đang sản xuất gạch đất sét nung bằng lò Tuynel, phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện và cải tiến công nghệ để giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, tiết kiệm tài nguyên; đối với các tỉnh miền Nam khuyến khích đầu tư công nghệ lò Tuynel sử dụng nhiên liệu trấu và mùn cưa. Các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu của các tỉnh còn lại chậm nhất phải chấm dứt hoạt động vào trước năm 2016 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào trước năm 2018 với lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tùy theo điều kiện cụ thể, khuyến khích các địa phương chấm dứt hoạt động đối với các lò vòng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các cơ sở sản xuất nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi của các tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất hết năm 2017 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào năm 2020 với lò đứng liên tục. Phát triển gạch đất sét nung có giá trị kinh tế cao phục vụ xây dựng trong nước và xuất khẩu. Nghiên cứu, phát triển sản xuất gạch đất sét nung bằng nguyên liệu đất đồi và phế thải công nghiệp.

Còn gạch đất sét không nung, đầu tư dây chuyền sản xuất đồng bộ có mức độ cơ giới hóa và tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng. Từ nay đến năm 2015, tiếp tục đầu tư mới và đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung để có tổng công suất thiết kế trên toàn quốc đạt khoảng 6 tỷ viên quy tiêu chuẩn giai đoạn 2016 – 2020, tiếp tục đầu tư mới và đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung để đạt tổng công suất thiết kế trên toàn quốc đạt khoảng 13 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm. Tổng công suất thiết kế tối đa cho vật liệu xây theo từng vùng kinh tế.

Mệt mỏi và thất vọng trước cách làm của tỉnh Bình Dương, bà Bùi Ngọc Ánh chia sẻ: Lò Hoffman hiện đang được sử dụng rộng rãi tại Tây Ninh, Bình Thuận và rải rác ở một số tỉnh miền Đông Nam Bộ. Qua khảo sát tại Tây Ninh thấy nhu cầu nhiên liệu trấu đốt cho 1kg gạch vào khoảng 150g (tiết kiệm trên 60% lượng trấu), lợi nhuận tăng cao với lò thủ công. Ngoài ra, do sử dụng ít nhiên liệu và sử dụng hiệu quả cao nguồn nhiệt, do đốt liên tục và tuần hoàn, nên giảm lượng khí ô nhiễm thải ra môi trường (giảm trên 70% so với lò thủ công). Đặc biệt, do sử dụng nhiệt triệt để, khói thải tập trung tại một ống khói cao từ 11-15m, chủ động đẩy khói bằng mô tơ quạt, nên dễ xử lý ô nhiễm môi trường. Thực tế sản xuất đã chứng minh hiệu quả của công nghệ sản xuất gạch Hoffman. Quyết định do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký cũng ủng hộ và cho phép các doanh nghiệp duy trì hoạt động từ 3 đến 6 năm nữa. Do đó, hàng trăm doanh nghiệp, hàng ngàn công nhân lao động tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo UBND tỉnh Bình Dương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch Hoffman được tiếp tục sản xuất đến hết năm 2017, chậm nhất là năm 2020, theo đúng lộ trình và Quyết định số 1469/QĐ – TTg, ngày 22-8-2014 của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.

Trong khi các tỉnh như Đồng Nai, Bình Phước, Long An… có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở từ 50 đến 70 triệu đồng/doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khi chuyển đổi từ cơ sản xuất thủ công truyền thống sang công nghệ Hoffman thì UBND tỉnh Bình Dương lại ép doanh nghiệp đến con đường phá sản, đẩy hàng ngàn lao động bị mất việc làm và thu nhập, làm tăng nguy cơ tái nghèo, ảnh hưởng đến việc ổn định chính trị, xã hội tại địa phương.

Nhóm PVĐT

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/bai-15-bac-nguyen-vong-cua-doanh-nghiep-post15068.html