Bài 14: Bình Dương quyết 'khai tử' hàng trăm doanh nghiệp?

KTNT - Từ tháng 4-2014, Báo Kinh tế nông thôn đăng tải loạt bài xoay quanh việc UBND tỉnh Bình Dương xử ép hàng trăm doanh nghiệp sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman trên địa bàn tỉnh. Sau đó, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương này “bỏ ngoài tai” tất cả.

Mới đây, hàng trăm doanh nghiệp ở Bình Dương lại tiếp tục gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng Trung ương mong được giải quyết nguyện vọng để vượt qua cơn khốn khó.

>>

Bài 13: Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thất hứa?

Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman lâm vào cảnh... vỡ nợ.

Vỡ nợ, phá sản…

Ngày 30-6-2014, hàng trăm doanh nghiệp sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman bị các cơ quan ban ngành của tỉnh Bình Dương niêm phong lò gạch, chấm dứt hoạt động sản xuất.

Đến cuối tháng 9 này, UBND tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức cưỡng chế đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman nào không chấp hành. Sau một thời gian cầm cự, cưu mang cho hàng chục ngàn công nhân có nơi ăn chốn ở, chờ cấp trên cứu xét, hầu hết các doanh nghiệp hiện lâm vào cảnh vỡ nợ, phá sản. Hàng chục ngàn lao động đứng trước nguy cơ thất nghiệp hoàn toàn và không biết phải tìm việc mới như thế nào vì hầu hết đều lớn tuổi, không có trình độ. Thời gian vừa qua, khi xảy ra những sự việc nói trên, thị trường vật liệu xây dựng ở Bình Dương cũng bị méo mó, giá gạch đất nung bị đẩy lên cao sau khi gạch sản xuất theo công nghệ Tuynel được độc quyền.

Trong khi các doanh nghiệp đứng bên bờ vực thẳm, phải chạy đôn chạy đáo kêu cứu khắp nơi thì ngày 4-9-2014, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 2983/UBND-TD v/v trả lời đơn khiếu nại, kiến nghị của ông Bùi Trí Dũng, đại diện cho hàng trăm cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Văn bản số 2949/ UBND-TD ngày 3-9-2014 trả lời phúc đáp kiến nghị của Văn phòng luật sư Phạm Sơn.

Bà Trương Thị Kim Ánh, chủ một cơ sở sản xuất gạch Hoffman ở huyện Phú Giáo cho biết: Trên thực tế, mặc dù không nằm trong quy hoạch, nhưng các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Bình Dương từ trước đến nay vẫn thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của các doanh nghiệp, cơ sở này như cung cấp điện, thu các loại thuế, phí... Do vậy, UBND tỉnh Bình Dương bắt buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa và chấm dứt hoạt động khi chưa có các kế hoạch, định hướng, biện pháp giúp đỡ doanh nghiệp chuyển đổi để thu hồi vốn, xử lý tài sản máy móc thiết bị, các nguyên, nhiên liệu tồn đọng và việc làm cho lượng lớn người lao động sẽ gây thiệt hại, lãng phí đến tài sản của xã hội và có nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Mặt khác, việc chấm dứt sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman, trong khi chưa xác định, thống kê, đánh giả được nguồn vật liệu xây dựng thay thế (trên thực tế vật liệu xây dựng không nung chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chất lượng) sẽ gây thiếu nguồn cung cho hoạt động xây dựng tại địa bàn và các vùng lân cận, đẩy giá thành xây dựng lên cao, làm ảnh hưởng các ngành, lĩnh vực kinh tế khác.

Trong lúc nền kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến Việt Nam, mỗi tháng có hàng chục ngàn doanh nghiệp phải giải thể hoặc phá sản, thì sự cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương lại không được khuyến khích, tạo điều kiện mà còn bị UBND tỉnh Bình Dương đối xử không công bằng, thiếu khách quan.

Hàng ngàn lao động có nguy cơ mất việc làm.

Chèn ép dân?

Ông Hoàng Văn Khuê bức xúc cho biết, chúng tôi có đơn gửi lên các bộ, ngành Trung ương cầu cứu. Sau đó, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng có văn bản yêu cầu UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, từ đó đến nay, UBND tỉnh không hề đả động, xem như không có chuyện gì xảy ra đến các doanh nghiệp. Trong khi đó, bà con lao đao chạy đôn, chạy đáo xoay sở tiền để trả nợ ngân hàng. Sau gần hai tháng, bán nhà trả nợ lãi ngân hàng, đến nay, xem như các doanh nghiệp đã “chết chìm”, hết chạy tiền được nữa rồi, bởi tài sản trong nhà đã lần lượt đội nón ra đi.

Bà Bùi Thị Ngọc Ánh, chen vào câu chuyện, bày tỏ sự phẫn nộ của mình: “Sự việc này kéo dài mà chính quyền tỉnh Bình Dương vẫn làm ngơ, theo chúng tôi họ có lợi ích nhóm trong sản xuất gạch Tuynel trên địa bàn tỉnh. Bởi vì, chúng tôi sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman đang yên đang lành, bỗng dưng tỉnh ra quyết định “khai tử” các lò gạch như sét đánh vào tai. Sau khi tỉnh cưỡng chế, nay gạch Tuynel một mình một chợ tự làm giá, giá gạch ngày càng cao, những người dân nghèo không đủ tiền mua gạch để xây nhà ở”.

Theo bà Ánh, gạch Hoffman giá cả phải chăng, chất lượng thì tương đương với gạch Tuynel nên người dân rất ưa chuộng và chọn gạch loại này để xây nhà cũng như các công trình lớn. Lúc này, gạch Tuynel giá lại cao, chất lượng cũng không hơn gạch Hoffman là bao nên không ai đến đặt vấn đề mua hàng. Từ đó, hàng đứng bánh. Nghe mấy người dân phong thanh nói, chính quyền làm vậy cũng có cái lý của họ. Chúng tôi thắc mắc thì một số người dân tụ tập cho chúng tôi biết thêm: “Chắc mấy ổng có góp vốn vô các cơ sở gạch Tuynel. Trong những năm gần đây, người dân trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận không dùng gạch Tuynel nữa mà dùng gạch Hoffman, có thể mấu chốt của vấn đề là ở chỗ đó. Khi gạch của mấy ổng bán không được, thì kiếm chuyện chèn ép dân thôi”.

“Mấy ổng làm việc như vậy, người dân như chúng tôi biết tin vào ai nữa. Trước khi bầu cử, mấy ổng luôn miệng hứa với dân là “nếu tôi được nhân dân bầu, tôi sẽ không làm bà con thất vọng”. Không biết giờ này mấy ổng có nhớ những lời hứa của mình khi trước đây nói không nữa, hay là chỉ biết lo cho bản thân và lợi ích nhóm. Còn nhân dân làm gì không quan tâm. Hỏi thử, mấy ổng có trách nhiệm với dân chưa?”, một người làm gạch Hoffman ở huyện Phú Giáo bức xúc nói./.

Nhóm PVĐT

Bài 15: Bác nguyện vọng của doanh nghiệp

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/bai-14-binh-duong-quyet-%E2%80%9Ckhai-tu%E2%80%9D-hang-tram-doanh-nghiep-post15063.html