Bài 10: Doanh nghiệp và người lao động không có lối thoát

Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến 30-6-2014. Nếu không có gì thay đổi thì theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung, việc 'khai tử' các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ diễn ra. Bị đẩy đến bờ vực thẳm, dù đã kêu cứu khắp nơi nhưng hàng trăm doanh nghiệp và hàng ngàn người lao động không còn lối thoát. Hàng ngàn tỷ đồng của doanh nghiệp sẽ 'đổ sông đổ biển'; còn gia đình của hàng ngàn công nhân sẽ rơi vào cảnh khó khăn, túng thiếu vì lao động chính mất việc.>> Bài 9: Lãnh đạo tỉnh Bình Dương 'ép' các doanh nghiệp xuống vực !

Chạy đôn chạy đáo kêu cứu khắp nơi

Theo thông báo của Phòng Kinh tế TX. Bến Cát (Bình Dương), ngày 6-6 vừa qua, đơn vị này đã phối hợp với Phòng Tài nguyên Môi trường, Phòng Quản lý đô thị, Tổ thanh tra xây dựng, UBND 2 phường Mỹ Phước và Hòa Lợi đi kiểm tra việc chấm dứt hoạt động của các lò gạch Hoffman tại các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn. Các điểm sản xuất gạch bị bị kiểm tra là Công ty TNHH Phương Tài, DNTN sản xuất gạch Phước Hải (cùng ở phường Mỹ Phước), Cơ sở sản xuất gạch Thanh Bình (phường Hòa Lợi). Trước đó không lâu, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, UBND các xã, phường trên địa bàn đã gửi “tối hậu thư” cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch Hoffman. Theo đó, các cơ sở này phải chấm dứt lộ trình sản xuất gạch này kể từ ngày 30-6-2014. Sau thời hạn 30-6-2014, các đơn vị nào chưa tự giác chấm dứt hoạt động, UBND xã, phường sẽ phối hợp với các ngành chức năng của huyện có biện pháp cưỡng chế thực hiện như tháo dỡ theo quyết định xử phạt, niêm phong lò, ngưng cung cấp điện...

Các cơ sở sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương vắng vẻ,
chỉ lèo tèo vài công nhân làm việc.

Lo lắng cho số phận của hàng trăm công nhân của cơ sở bị mất việc, lo số vốn đầu tư hàng tỷ đồng vào lò gạch Hoffman sắp bị mất trắng còn món nợ ngân hàng đang lơ lửng trên đầu, hơn 1 tháng qua, các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch Hoffman đã chạy đôn chạy đáo gửi đơn thư kêu cứu khắp nơi. Trong đơn có đoạn, “Mọi tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật. Chính sách về quản lý vật liệu xây dựng, định hướng của Chính phủ về việc từng bước hạn chế tiến tới chấm dứt sử dụng vật liệu xây dựng sản xuất từ đất sét nung là chính sách áp dụng chung trên toàn quốc đối với mọi hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét nung. Trong khi các địa phương khác như Vĩnh Long, Đồng Nai… đã có định hướng, hỗ trợ tích cực cho mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch, ngói chuyển đổi từ công nghệ sản xuất thủ công sang công nghệ Hoffman từ 50 đến 70 triệu đồng thì Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung lại kiên quyết ép doanh nghiệp đến chỗ phá sản, không lối thoát, đẩy người lao động đến bước đường cùng.

Gần đây nhất, ngày 11-4-2014, nhằm thể hiện quyết tâm “bóp chết” bằng được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch Hoffman của mình, Chủ tịch tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung đã ban hành văn bản số 1068/UBND-KTN yêu cầu Chủ tịch UBND các xã gửi thông báo, đồng thời phát trên hệ thống truyền thanh của xã liên tục bắt buộc các doanh nghiệp, cơ sơ sản xuất trên địa bàn phải chấp dứt hoạt động, bất chấp pháp luật, hậu quả cùng sự phẫn nộ của người dân và doanh nghiệp.

Điều lạ là tuy cùng sản xuất gạch xây dựng từ đất sét nung, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung chỉ ra lệnh đóng cửa đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bằng công nghệ Hoffman (đầu tư thấp, giá thành rẻ, chất lượng tốt…), còn các doanh nghiệp sản xuất bằng công nghệ Tuynel thì được ưu ái, làm ngơ (mặc dù chi phí đầu tư và giá thành cao). Chúng tôi, những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động bị xâm hại có quyền nghi ngờ, đặt câu hỏi về hành động bất bình đẳng, lạm quyền và có dấu hiệu lợi ích nhóm của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung.

Kính mong Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc Hội, Thanh tra Chính phủ trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của mình có biện pháp ngăn chặn hành vi trên của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung để cứu người dân và doanh nghiệp. Đề nghị Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp xem xét tính hợp pháp của các văn bản, chính sách do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ban hành và kiến nghị thu hồi các văn bản trên”.

“Án tử” như chỉ mành treo chuông

Dù đã kêu cứu khắp nơi nhưng số phận của hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch Hoffman và hàng ngàn công nhân đang làm việc tại những nơi này gần như đã bị định đoạt. Điều doanh nghiệp bức xúc là vào thời điểm chuyển giao giữa lò gạch thủ công truyền thống sang công nghệ mới, trong khi các doanh nghiệp đang loay hoay tìm đường thì không cơ quan chức năng nào định hướng. Một chủ cơ sở sản xuất gạch ở huyện Phú Giáo (Bình Dương) phẫn nộ bày tỏ: “Lúc đó, chúng tôi như người mù đi trong bóng tối, chẳng biết đâu mà lần. Chỉ đến khi UBND tỉnh Bình Dương ban hành văn bản số 1147/UBND-VX ngày 5-5-2009, đồng ý cho xây dựng thí điểm lò sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ Hoffman tại Công ty TNHH một thành viên Việt Linh, huyện Phú Giáo, chúng tôi mới tìm ra lối thoát. Sau một thời gian triển khai, quá trình vận hành sản xuất đều đạt yêu cầu về chất lượng sản phẩm, về tiêu chuẩn môi trường, lại tận dụng nguyên liệu phế thải tại địa phương (mùn cưa, trấu, vỏ hạt cà phê…) phù hợp với chủ trương chính sách của Nhà nước. Các cơ quan chức năng đã tiến hành nghiệm thu và đánh giá cao công nghệ sản xuất gạch Hoffman. Trên cơ sở này, chúng tôi mới mạnh dạn vay vốn ngân hàng từ 8 đến 10 tỷ đồng để đầu tư xây lò gạch Hoffman. Ấy vậy mà, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ một thời gian sau thì nghe tin bị “khai tử” bởi quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung. Sản xuất chưa thu hồi được vốn, tiền vay ngân hàng chưa trả hết, giờ không được hoạt động nữa thì chúng tôi biết dựa vào đâu? Chưa kể số phận của hàng ngàn công nhân và những người phụ thuộc vào họ, ai sẽ đảm bảo cho vợ chồng họ có miếng ăn, con cái họ tiếp tục được học hành?”

Các chủ lò gạch lo lắng vì việc “khai tử” các doanh nghiệp,
cơ sở sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ diễn ra.

Nhận thấy những bất cập trong quyết định “khai tử” của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ngày 3-12-2010, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương có tờ trình số 2134/TTr-SXD-KTVLXD gửi UBND tỉnh Bình Dương, đề nghị: “Thu hồi chủ trương không cho xây dựng lò Hoffman trên địa bản tỉnh Bình Dương tại văn bản số 1867/UBND-VX ngày 29-6-2010 với lý do mô hình thí điểm theo công nghệ lò Hoffman cải tiến đốt than đá ở Phú Giáo do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai đã được đánh giá đạt yêu cầu về chất lượng sản phẩm và môi trường”; đồng thời đề nghị “UBND tỉnh gia hạn thêm 01 năm chuyển đổi lò gạch thủ công và lộ trình đến cuối năm 2011 dừng tất cả các lò thủ công trên địa bàn toàn tỉnh với lý do tỷ lệ lò thủ công trên toàn tỉnh nhiều, chiếm 34% sản lượng toàn tỉnh, nếu dừng hoạt động ngay sẽ tạo sự thiếu hụt gạch xây dựng cho thị trường toàn tỉnh, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động và giảm sút nguồn thu ngân sách của tỉnh”. Mặc dù cơ quan chức năng đã tham mưu nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vẫn tự quyết theo ý chí của mình.

Trước nguy cơ thất nghiệp sau hơn 20 năm gắn bó với lò gạch, ông Nguyễn Văn Thể, một công nhân làm việc cho cơ sở gạch ở TX Bến Cát, buồn rầu than thở: “Cả nhà tôi đều là công nhân làm gạch. Trước đây, tôi và vợ làm gạch thủ công. Đến khi chủ cơ sở chuyển sang đầu tư lò gạch Hoffman thì tiếp tục cho chúng tôi làm việc. Mới đây, họ còn nhận thêm con trai tôi vào làm. Tưởng rằng từ nay gia đình sẽ có thu nhập ổn định, công việc cũng vừa sức và có thu nhập cao hơn nhưng ngờ đâu chúng tôi lại nghe tin lò gạch sắp bị tỉnh cưỡng chế, phá bỏ. Chúng tôi đã lớn tuổi, giờ đi xin làm việc gì cũng khó. Nếu thất nghiệp thì chẳng biết kiếm cơm bằng cách nào”. Bà Trần Thị Hoa, một công nhân ở gần đó cũng góp chuyện: Thương gia đình mình một, tôi thương nhiều gia đình khác đến mười. Nhiều nhà cả vợ chồng con cái 5, 6 người đều trông chờ vào tiền lương làm gạch của người lao động chính. Chẳng ai dám nghĩ đến ngày mình không còn việc làm, nhất là vì một lý do oái ăm rằng ông Chủ tịch tỉnh quyết tâm “khai tử” lò gạch Hoffman.

“Tối hậu thư” đã được ban hành và thời điểm hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch Hoffman cũng như hàng ngàn công nhân làm gạch ở tỉnh Bình Dương “rơi vào vực thẳm” ngày càng cận kề. “Chưa có khi nào chúng tôi cảm thấy bất lực như hiện nay khi số phận của mình, mình không thể tự quyết mà lại phụ thuộc vào một chính sách có tác động tiêu cực đến nền kinh tế như thế” - bà Bùi Thị Ngọc Ánh, chủ cơ sở sản xuất gạch ở huyện Phú Giáo nói.

Báo Kinh tế nông thôn

sẽ tiếp tục thông tin./.

Nhóm PV điều tra

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/bai-10-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-khong-co-loi-thoat-post14889.html