Bài 1: Xóa độc quyền sách giáo khoa

LTS: Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông ra đời với mục tiêu khắc phục những bất cập của giáo dục phổ thông hiện tại.

Học sinh vất vả tìm sách giáo khoa phù hợp khi mỗi môn có quá nhiều sách. Ảnh: Hoàng Hùng

Trong đó, chương trình theo hướng giảm tải, tích hợp, phát triển kỹ năng toàn diện của học sinh. Với nghị quyết này, lần đầu tiên nói đến “một chương trình nhiều SGK”. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu triển khai từ năm học 2019 - 2020, Bộ GD-ĐT phải có nhiều phương án để triển khai đạt hiệu quả tối đa.

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới với “một chương trình nhiều SGK” dự kiến triển khai từ năm học 2019 - 2020 dành cho học sinh lớp 1. Nhiều chuyên gia tiết lộ, thời điểm này, dù Bộ GD-ĐT chưa ban hành chương trình môn học nhưng nhiều nhà xuất bản (NXB) đã biên soạn gần xong SGK. Nhìn từ thực trạng phát hành SGK những năm qua, giải pháp đặt ra cho chương trình mới là phải xóa bỏ độc quyền bằng cách có nhiều SGK, nhưng tránh lợi ích nhóm.

Thị trường béo bở

Trong ngày 20-9, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc in và phát hành SGK năm học 2018 - 2019 tại NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGD) để làm rõ những phản ánh về việc in và phát hành SGK của đơn vị này. Quyết định xuất phát từ việc thời gian qua dư luận rất quan tâm, đặc biệt tại cuộc họp mới đây của UBTVQH, một số ý kiến đã đề nghị Bộ GD-ĐT thanh tra ngay việc có hay không lợi ích nhóm trong biên soạn và phát hành SGK. Ngay trong chiều cùng ngày, đoàn kiểm tra của bộ đã có mặt tại NXBGD để tiến hành kiểm tra. Đây không phải lần đầu NXBGD bị thanh tra. Vào năm 2017, Bộ GD-ĐT đã có thanh tra đơn vị này và chỉ ra 19 khoản có dấu hiệu sai phạm, tập trung ở vấn đề nhân sự cũng như tài chính. Kết quả chỉ ra việc góp vốn đầu tư của NXBGD vào nhiều công ty không hiệu quả, có những công ty hoạt động thua lỗ trong nhiều năm.

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXBGD, năm học 2018 - 2019 (tính đến ngày 24-8), NXBGD đã phát hành được 110,9 triệu bản SGK; đạt 106,7% kế hoạch, vượt 5% so với cùng kỳ của năm 2017. Như vậy, mỗi năm có hơn 100 triệu bản SGK được in mới. Còn theo báo cáo của NXBGD Việt Nam gửi Cục Xuất bản - In và Phát hành (Bộ TT-TT) - cơ quan quản lý lĩnh vực xuất bản, trong năm 2016, số đầu SGK được in là 424 đầu sách với 188.788.810 bản, chỉ chiếm 1,4% về số đầu sách nhưng lại chiếm tới 56,4% số bản sách trong toàn ngành. Tương tự, năm 2017, số đầu SGK được in là 675 và phát hành 159.402.910 bản in; chiếm 2,2% về số đầu sách và 50,4% bản sách trong toàn ngành xuất bản.

Bộ Công thương đánh giá, việc NXBGD chiếm tới 3/4 xuất bản phẩm ở Việt Nam là vi phạm pháp luật về vấn đề độc quyền. Theo giải trình của NXBGD, đơn vị này bị lỗ trong khâu in và phát hành SGK. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ rõ, ngoài SGK thì thị phần các sách tham khảo mà NXBGD đang thống lĩnh mới là thị phần béo bở.

Cần thiết có nhiều SGK

Vấn đề độc quyền SGK, do với mô hình cũ (1 chương trình, 1 bộ SGK và chỉ 1 NXB chịu trách nhiệm xuất bản) từ lâu đã khiến xã hội lo lắng có sự độc quyền. Đầu năm học 2018 - 2019, khi diễn ra sự việc khan hiếm SGK càng có nhiều ý kiến đòi phải làm rõ. Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra, nhiều ý kiến đều cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có những giải pháp để xóa bỏ tình trạng độc quyền thị trường SGK mà vẫn bảo đảm sự ổn định của thị trường đặc biệt này. Cử tri kiến nghị cần làm rõ vì sao mỗi năm để lãng phí tới 100 triệu bản SGK, tính ra 1 năm người dân mất khoảng 1.000 tỷ đồng mua sách, nhưng năm sau không dùng lại được là do có SGK thiết kế cho học sinh làm bài tập ngay trên sách.

Do vậy, chủ trương đổi mới chương trình và SGK phổ thông đặt ra trong Nghị quyết 88 hiện đang được Bộ GD-ĐT cụ thể hóa bằng “một chương trình nhiều SGK” được coi là cần thiết. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới, việc có nhiều SGK thời trước đã có. Khoảng thời gian trước năm 1956, khi giải phóng thủ đô, chương trình GDPT có rất nhiều SGK. Còn ở miền Nam, từ trước cho đến năm 1975 đã dùng nhiều bộ SGK. Tới đây, thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội với việc có nhiều SGK, công tác in SGK sẽ không còn là việc của một NXB, một bộ phận độc quyền mà sẽ tạo ra cơ chế, động lực, nguồn lực cho xã hội biên soạn nhiều bộ SGK, tạo ra sự phong phú cho người sử dụng. Vừa qua, Bộ TT-TT cũng đã cấp bổ sung giấy phép cho các NXB Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Huế có chức năng xuất bản SGK. Đây là một giải pháp tránh việc độc quyền SGK.

Theo tiết lộ mới nhất của GS Nguyễn Minh Thuyết, đến tháng 10-2018, Bộ GD-ĐT mới ban hành chương trình các môn học - cơ sở để các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Nhưng hiện nay, nhiều cá nhân, NXB đã viết xong SGK dựa trên dự thảo chương trình các môn học mà Bộ GD-ĐT đã công bố để lấy ý kiến xã hội. GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu môn học Giáo dục công dân của chương trình GDPT mới) cho biết, hiện đã có 4-5 NXB làm SGK, có nơi đã làm đến sách lớp 9, có nơi làm sách lớp 2, 3… Như vậy có thể thấy, không khí cạnh tranh làm SGK đã thực sự nóng lên.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bai-1-xoa-doc-quyen-sach-giao-khoa-547330.html