Bài 1: Ưu khuyết điểm từ mô hình Tập đoàn Kinh tế Nhà nước của Trung Quốc

Những năm qua, kinh tế Trung Quốc đã liên tiếp giữ vai trò hạt nhân của kinh tế thế giới. Trong đó, không thể phủ nhận vai trò to lớn của các Tập đoàn Kinh tế Nhà nước (TĐ KTNN) của quốc gia này. Bởi vậy khi xét về xu hướng phát triển các TĐ KTNN cũng nên 'học tập' kinh nghiệm của nước láng giềng của chúng ta trong việc xây dựng thể chế phát triển các TĐ KTNN.

Theo nghiên cứu của bà Nguyễn Thị Cẩm Lan - Chuyên viên Ban Chiến lược Đầu tư Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Chính phủ Trung Quốc đã xác định từ đầu khi thành lập các TĐKT là một trong những cách thức của Trung Quốc để tiến hành xây dựng một hệ thống Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hiện đại.

Trung Quốc có những tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới về công nghệ, thương mại điện tử.

Trung Quốc có những tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới về công nghệ, thương mại điện tử.

Theo Tổng cục Thống kê của Trung Quốc, một TĐKT bao gồm các tổ chức độc lập về mặt pháp lý gọi là các công ty con do công ty mẹ sở hữu một phần hoặc toàn bộ. Còn theo Cơ quan Quản lý Công nghiệp và Thương mại (SAIC), TĐKT là một hệ thống công ty mẹ - con liên kết với nhau về tài chính.

TĐKT là tập hợp các thực thể có tư cách pháp nhân bao gồm công ty mẹ, các công ty con, các công ty mà công ty mẹ không nắm cổ phần khống chế và các thành viên khác. SAIC đưa ra tiêu chí của một TĐKT là “công ty mẹ cần phải có vốn đăng ký ít nhất là 50 triệu Nhân dân tệ (NDT), phải có ít nhất 5 công ty con, và tổng vốn đăng ký của cả công ty mẹ và con ít nhất là 100 triệu NDT. Các TĐKT không phải là các pháp nhân nhưng vẫn phải đăng ký tại Cơ quan Quản lý Công nghiệp và Thương mại”.

Mặt khác, khi thành lập các TĐKT, Trung Quốc đã đưa ra các nguyên tắc cụ thể như: Trong những ngành, lĩnh vực không cần mở cửa, không cho phép nước ngoài hoặc tư nhân đầu tư thì có thể thành lập một số TĐKT để tránh độc quyền và tăng chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả hoạt động. Không cho phép chỉ thành lập một TĐKT hoặc một Tổng công ty trong một ngành. Đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, nghiêm cấm các hoạt động lũng đoạn thị trường hoặc phong tỏa khu vực, được tự do tham gia và rút khỏi TĐKT.

Trong những ngành, lĩnh vực có tính cạnh tranh cao (tức là cho phép nước ngoài hoặc tư nhân cùng đầu tư) hoặc ngành, lĩnh vực cần chiếm lĩnh thị trường nước ngoài thì có thể cho phép thành lập TĐKT mà nhà nước giữ địa vị chi phối.

Công ty mẹ trong tập đoàn phải là một DN lớn có vốn đăng ký tổi thiểu 50 triệu NDT và có ít nhất 5 công ty thành viên. Tổng số vốn đăng ký của cả tập đoàn phải lớn hơn 100 triệu NDT. Tất cả các thành viên của tập đoàn phải có tư cách pháp nhân.

Trung Quốc cũng ưu tiên lựa chọn những DN thuộc những ngành nghề, lĩnh vực quan trọng, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân để phát triển thành các TĐKT. Việc hình thành các TĐKT phải có tác động tích cực tới điều chỉnh cơ cấu sản xuất và cơ cấu sản phẩm. Trước hết cần hình thành các TĐKT trọng điểm có khả năng thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển, tác động tích cực tới việc nghiên cứu và triển khai sản xuất các mặt hàng chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các Tập đoàn Kinh tế Nhà nước của Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi sự ràng buộc về chính trị.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Lan cho rằng sự khác biệt lớn nhất giữa thể chế quản lý TĐKT Trung Quốc và Việt Nam là sự phân định rõ chức năng quản lý kinh doanh với chức năng quản lý hành chính. Công ty mẹ của tập đoàn không thể thực hiện cả hai chức năng trên. Tập đoàn không phải là một cơ quan quản lý nhà nước mà là một tổ chức kinh tế. Mối quan hệ giữa công ty mẹ và DN thành viên là quan hệ sở hữu cổ phần hoặc quan hệ kỹ thuật sản xuất mà không phải là quan hệ lệ thuộc hành chính.

Các TĐKT Nhà nước của Trung Quốc có cấu trúc dựa trên mạng lưới các DN, trong đó hạt nhân liên kết là các DNNN và Tổng công ty Nhà nước. Từ cuối thế kỷ XX, Trung Quốc đã đẩy mạnh quá trình tư nhân hóa các DNNN có quy mô nhỏ, đồng thời sáp nhập các DNNN thành các tổng công ty lớn. Các tổng công ty phân quyền kinh doanh cho các DN thành viên, đa dạng hóa sở hữu, nắm giữ cổ phần đan chéo giữa các DN thành viên.

Sau đó, Trung Quốc tập trung nguồn lực phát triển các tổng công ty lớn thành những tập đoàn đủ mạnh để cạnh tranh đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế chủ đạo như công nghiệp luyện kim, đóng tàu, điện tử viễn thông, phần mềm, dược phẩm và các ngành khác. Các TĐKT của Trung Quốc cũng tạo ra các công ty tài chính của riêng mình và có vai trò giống như các ngân hàng chính trong mô hình tập đoàn Keiretsu của Nhật Bản và ngân hàng này cũng là một DNNN. Tuy nhiên, ngân hàng chính này không được phép và cũng không muốn kiểm soát hoạt động của các công ty trong TĐKT.

Xét về chiến lược đa dạng hóa các ngành nghề, các TĐ KTNN của Trung Quốc đang chuyển dần từ đa dạng hóa kinh doanh trong những ngành không liên quan tới nhau sang những ngành liên quan với nhau (ví dụ các ngành công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn, tài chính và logistics). Các TĐ KTNN của Trung Quốc có chiến lược đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh ít hơn so với các TĐKT tư nhân của Trung Quốc và so với các TĐKT của các nước khác. Vì các TĐ KTNN của Trung Quốc chủ yếu được thành lập từ các DNNN trước đây nên khi mới thành lập ngành nghề kinh doanh thường đa dạng hóa và bao gồm khách sạn, bệnh viện, trường học…

Tuy nhiên, sau khi thành lập, các TĐ KTNN Trung Quốc thường xao nhãng sự tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính mà lan sang các lĩnh vực kinh doanh liên quan tới dịch vụ như tài chính và logistics. Bởi vậy, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các TĐKT phải tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính để chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, cũng giống như các DNNN, các TĐ KTNN của Trung Quốc được hưởng những ưu đãi như: Hưởng các chính sách thuế quan và phi thuế quan để hạn chế nhập khẩu, bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ, ưu đãi về thuế và tín dụng cho các ngành liên quan tới năng lượng và nguyên liệu cơ bản, ví dụ dầu thô và gas, sản xuất thép, kim loại màu, các ngành công nghiệp “trụ cột” có vai trò quan trọng trong nền kinh tế như hóa dầu, máy móc hạng nặng, thiết bị phát điện, ô tô và xây dựng, các ngành phục vụ quân sự, năng lượng nguyên tử và vũ trụ, các ngành sử dụng công nghệ mới, tách bạch quyền sở hữu và quyền quản lý để các TĐKT này có quyền tự chủ trong kinh doanh cao hơn, Hội đồng quản trị chịu ít áp lực của Chính phủ hơn, cho phép một số TĐKT niêm yết cổ phiếu ở thị trường chứng khoán nước ngoài.

Các doanh nghiệp có vốn nhà nước cần được tự chủ hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Lan, tương tự như tại nước ta, Chính phủ Trung Quốc can thiệp vào các TĐ KTNN bằng những biện pháp như góp vốn vào các TĐKT, kiểm soát tài chính của các TĐKT thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước, bổ nhiệm cán bộ quản lý và đảng viên trong các Chi bộ của các TĐKT. Cho tới hiện nay, Chính phủ Trung Quốc vẫn còn can thiệp vào cơ cấu tổ chức của các TĐ KTNN. Các chức vụ như Bí thư Chi bộ, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc đều do Chính phủ Trung Quốc bổ nhiệm. Tuy nhiên, sự kiểm soát được nới lỏng dần dần và các TĐKT có nhiều quyền tự chủ hơn kể cả tự chủ về tài chính.

Tuy vậy, hoạt động của các TĐ KTNN của Trung Quốc vẫn còn nhiều bất cập. Thứ nhất, Trung Quốc chú trọng tới cắt giảm chi phí và mở rộng quy mô mà không chú trọng tới việc cải tiến cách thức quản trị DN. Việc thành lập các TĐ KTNN với quy mô lớn thường mang tính chủ quan và chỉ là sự kết hợp đơn thuần các DN ít có điểm chung với nhau để mở rộng quy mô. Việc đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh quá nhanh sẽ không giúp giảm rủi ro mà còn có thể mang lại những bất lợi cho các tập đoàn.

Tiếp đến, tỷ lệ nợ trên tài sản cao có thể dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống tài chính vì các khoản nợ xấu trong ngân hàng gia tăng do hầu hết các tập đoàn đều vay vốn từ ngân hàng. Thứ ba, các TĐ KTNN nhận được các ưu đãi đặc biệt mà lẽ ra phải dành cho các khu vực tư nhân. Và cuối cùng, cũng như trường hợp các Chaelbol của Hàn Quốc, các TĐ KTNN của Trung Quốc có quan hệ quá mật thiết với Chính phủ và các ngân hàng quốc doanh.

Hiện nay, Trung Quốc đang tích cực giải quyết những vấn đề này để hướng tới một thị trường lành mạnh và công bằng hơn với tất cả các loại hình doanh nghiệp.

Tùng Dương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bai-1-uu-khuyet-diem-tu-mo-hinh-tap-doan-kinh-te-nha-nuoc-cua-trung-quoc-527878.html