Bài 1: Tiếp công dân - 'chìa khóa' hạn chế đơn thư vượt cấp

LTS: Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) được quy định chặt chẽ trong Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Hiến pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ghi nhận: KNTC là một trong những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng công tác này và xác định giải quyết KNTC là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước.

Những năm qua, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên đây vẫn là lĩnh vực còn nhiều hạn chế, cần chấn chỉnh, khắc phục.

Tiếp công dân và giải quyết các công việc của dân là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, nhiệm vụ công tác thường xuyên của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị. Trong mối quan hệ biện chứng, việc tiếp công dân cũng là để tiếp nhận các KNTC của công dân, điều này nhằm thực hiện tốt quyền KNTC của công dân. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện quy định tiếp công dân nhiều nơi chưa thành nề nếp, chưa rõ trách nhiệm.

Nơi chú trọng, nơi buông lỏng

Ngày 26-9, trong vai một công dân, chúng tôi đến trụ sở tiếp công dân của Thanh tra TP Hải Phòng. Người tiếp chúng tôi là ông Đỗ Văn Quynh, cán bộ phụ trách việc tiếp công dân của thanh tra thành phố. Với thái độ cởi mở, kiến thức luật chắc chắn, ông Quynh tiếp nhận ý kiến của chúng tôi và hướng dẫn đến một cơ quan khác có thẩm quyền giải quyết. Làm việc với một số cơ quan chức năng ở Hải Phòng chúng tôi nhận thấy, thành phố rất chú trọng đến công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC.

 Cán bộ Thanh tra tỉnh Quảng Ninh giám sát tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Cán bộ Thanh tra tỉnh Quảng Ninh giám sát tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Cũng như Hải Phòng, Quảng Ninh có tốc độ phát triển kinh tế-xã hội nhanh, tỉnh luôn đặt vấn đề tiếp công dân, giải quyết KNTC là nhiệm vụ quan trọng. Từ các văn bản do Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành và qua tìm hiểu thực tế ở cơ sở, điều chúng tôi ghi nhận là việc tiếp công dân ở Quảng Ninh được thực hiện nghiêm túc từ Chủ tịch UBND tỉnh đến chủ tịnh UBND cấp phường, xã, thị trấn. Đoàn công tác của UBND tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất việc tiếp công dân ở cơ sở. Mới đây, sau khi kiểm tra, phát hiện một chủ tịch UBND phường thuộc TP Hạ Long không tiếp công dân theo quy định, đoàn yêu cầu lãnh đạo phường giải trình, kiểm điểm trách nhiệm.

Tuy nhiên, trên thực tế cũng như phản ánh của người dân qua đường dây nóng và Chuyên mục “Thư về tòa soạn” Báo Quân đội nhân dân thì việc tiếp công dân ở nhiều địa phương làm chưa tốt, nhiều nơi chỉ làm lấy lệ, thậm chí còn tìm cách chuyển vụ việc lên cấp trên giải quyết, dẫn đến chậm trễ, gây bức xúc cho người dân. Trong bản Kết luận số 1342/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ về một số nội dung, trong đó có nội dung tiếp công dân thời kỳ 2012 đến tháng 6-2017 của tỉnh Đồng Tháp chỉ ra: Tỉnh đã nghiêm túc triển khai các quy định của pháp luật về tiếp công dân, tuy nhiên một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh chưa thực sự quan tâm công tác này. Có một số nơi giám đốc sở không tiếp công dân ngày nào trong suốt 5,5 năm, như: Sở Nội vụ, Cục Thuế tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch… Tại tỉnh Kon Tum, trong Kết luận thanh tra số 1442/TB-TTCP, ngày 8-6-2017, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế trong tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, như: Chủ tịch UBND tỉnh còn ủy quyền cho Chánh Thanh tra tỉnh tiếp công dân; chủ tịch UBND một số huyện và thủ trưởng một số sở, ngành tiếp công dân định kỳ chưa đầy đủ theo quy định, điển hình: Huyện Tu Mơ Rông tiếp 55/96 lần đạt tỷ lệ 57,2%; huyện Đăk Glei tiếp 20/96 lần, đạt tỷ lệ 20,8%; đặc biệt Giám đốc Sở Tài chính không tiếp công dân định kỳ theo quy định… Tại tỉnh Ninh Bình, trong Kết luận thanh tra số 28882/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 16-11-2017 thanh tra một số nội dung trong đó có nội dung tiếp công dân giai đoạn 2011-2015 đánh giá: Việc tiếp công dân của Chủ tịch UBND một số huyện, thành phố chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm. Sau một số buổi tiếp công dân định kỳ chưa có thông báo kết quả và chỉ đạo các ngành chức năng tập trung xem xét, giải quyết. Cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết KNTC ở một số sở, ngành và cấp xã chưa được chú trọng củng cố, tăng cường; năng lực và trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra…

Cũng tại thông báo Kết luận thanh tra số 2488/TB-TTCP do Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh ký ngày 5-10-2017 về việc thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, KNTC và phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2011-2015 nêu rõ, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thì việc chủ tịch UBND một số huyện chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm tiếp công dân theo định kỳ. Công tác phân loại, xử lý đơn thư chưa chính xác; việc ghi chép, theo dõi cập nhật kết quả tiếp công dân tại sổ tiếp công dân chưa tốt, không đầy đủ… Việc xây dựng kế hoạch thanh tra tại một số đơn vị chưa cụ thể về phạm vi, đối tượng được thanh tra, có những kết luận thanh tra có chỉ ra sai phạm nhưng không chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp để xử lý sai phạm, chưa chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Việc chấp hành về trình tự, thủ tục trong hoạt động thanh tra chưa đầy đủ, còn thiếu sót. Một số đơn vị chưa thực hiện việc công khai kết luận thanh tra theo quy định, vi phạm Điều 39 của Luật Thanh tra…

Trên thực tế, có những cán bộ tiếp công dân với thái độ hách dịch, cửa quyền, thiếu văn hóa ứng xử nơi công sở nên không những không tháo gỡ được “ngòi nổ” từ cơ sở mà còn đẩy bức xúc của người dân lên cao hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng đơn thư KNTC vượt cấp còn nhiều.

Tại Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 15-5-2018, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cho biết, thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước, sau Kỳ họp thứ tư của Quốc hội, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri và chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đặc biệt, cử tri tiếp tục phản ánh công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC nhiều nơi chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật. Hiện tượng người đứng đầu UBND các cấp không tiếp công dân định kỳ nhưng chưa được thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, xử lý kịp thời, dẫn tới việc coi nhẹ nhiệm vụ tiếp công dân, không kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư nguyện vọng của người dân nên tình trạng KNTC vượt cấp, phức tạp kéo dài diễn biến theo chiều hướng gia tăng.

Chấn chỉnh việc tiếp công dân là cấp thiết

Trước tình trạng nhiều nơi tiếp công dân chưa tốt, ngày 24-5-2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản (Báo cáo số 279/BC-UBTVQH14) kiến nghị Chính phủ chấn chỉnh công tác tiếp công dân của các cơ quan hành chính Nhà nước. Tiếp nhận vấn đề này, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước chấn chỉnh, có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân theo định kỳ cũng như đột xuất; công khai lịch tiếp công dân trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan. Phó thủ tướng cũng giao Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra công vụ đưa vào chương trình công tác kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc tiếp công dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Lê Văn Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: “Tiếp công dân ở cơ sở có vai trò rất quan trọng. Nếu giải quyết tốt việc tiếp công dân, giải quyết KNTC tốt ngay từ cơ sở thì hiện tượng đơn thư vượt cấp sẽ giảm đi rất nhiều. Ở Quảng Ninh, công tác tiếp công dân được quy định chặt chẽ, có giám sát chéo. Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân vào ngày 15 hằng tháng; chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố, sở, ngành tiếp công dân 2 lần/tháng vào ngày đầu và giữa tháng; chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tiếp công dân định kỳ vào thứ năm hằng tuần; riêng các bộ phận tiếp công dân các cấp duy trì hằng ngày”.

Nam Định được coi là “địa chỉ đỏ” trong thực hiện nền nếp tiếp công dân. Theo ông Vũ Minh Lượng, Chánh Thanh tra tỉnh Nam Định: “Nam Định luôn xác định giải quyết mọi việc chuẩn từ cơ sở để giảm tải vụ việc bị đẩy lên trên. Nếu như trước đây công tác tiếp dân được hiểu rằng, dân ở đâu nơi đó tiếp, thì nay thay đổi. Ở đâu có vụ việc phức tạp, dân ở địa phương nào lên tỉnh trình bày, kiến nghị hoặc có vụ việc thì lãnh đạo huyện đó phải lên tiếp dân cùng lãnh đạo tỉnh”.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, hiện nay hệ thống tiếp công dân đã hình thành ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các địa phương cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân một cách thường xuyên. Địa phương có thể đề xuất, Thanh tra Chính phủ sẽ hỗ trợ việc mở lớp, cung cấp giảng viên giảng dạy.

Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi đã nhắn tin, gọi điện vào số máy di động của Chánh Thanh tra tỉnh Thái Bình, Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Ninh nhưng đều không thấy trả lời. Đến khi gọi vào số máy của ông Phạm Công Dịch, Chánh Văn phòng Thanh tra tỉnh Thái Bình và ông Trần Vượng, Chánh Văn phòng Thanh tra tỉnh Bắc Ninh đều nhận được câu trả lời lãnh đạo bận họp, văn phòng sẽ báo cáo và bố trí thời gian làm việc. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi đều không thể liên lạc được để làm việc với hai địa phương này.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH TUẤN - VŨ QUANG THÁI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-1-tiep-cong-dan-chia-khoa-han-che-don-thu-vuot-cap-551569